Ba Xây - Tất An (1920-2009)
Nghệ sĩ lão thành Ba Xây tên thật là Tất An, sinh năm 1920 tại Hồng Kông. Lúc lên 10 tuổi, Tất An theo cha mẹ sang Việt Nam sinh sống. Tất An ham mê đờn ca cổ nhạc và học hát tiếng Việt. Tất An học đờn kìm và đờn lục huyền cầm.
Năm 1938, anh Tất An mở lớp dạy đờn ca cổ nhạc; Đến năm 1948, anh được hãng dĩa Béka mời đờn cho danh ca Năm Nghĩa thu dĩa bài vọng cổ Đêm Đông. Anh lấy nghệ danh là nhạc sĩ đờn kìm Ba Xây.
Năm 1952, nghệ sĩ Ba Xây gia nhập đoàn hát Thanh Minh của ông bầu danh ca Năm Nghĩa, đóng vai kép nhì. Kép chánh do danh ca Năm Nghĩa đảm nhiệm. Sau đó danh ca Út Trà Ôn và Năm Nghĩa chia vai kép chánh, các nghệ sĩ Việt Hùng, Hoàng Giang, Ba Xây, Minh Tấn, Quang Phục, Sáu Nhỏ là những kép diễn và kép ca hữu hạng đã hợp thành một dàn bao rất mạnh của đoàn Thanh Minh, khiến cho nhiều tuồng hát của Thanh Minh nhanh chóng nổi danh, thu hút khán giả một cách mãnh liệt.
Tuy đoàn hát đi lưu diễn rày đây mai đó, trong cuộc đời sống gạo chợ nước sông, giang hồ phiêu lãng nhưng anh Ba Xây không sa đà vào các tệ đoan tứ đổ tường mặc dầu trong đầu thập niên 50, tệ trạng hút sách, cờ bạc, đàn điếm, rượu chè bê bết rất là phổ biến trong các đoàn hát.
Lúc đó, anh Ba Xây tập tạ, ông giỏi võ. Ông dạy võ cho soạn giả Nguyễn Phương để có sức khỏe và để phòng thân. Ông nói: “Dù chú không đánh lộn với ai nhưng chú viết tuồng, chú đứng tập tuồng cho người ta và dạy cho đám vệ sĩ múa hát, chú phải có bộ múa võ đẹp thì mới dạy cho người ta được chớ.” Nguyễn Phương học võ của Ba Xây để rồi tập lại cho các anh vệ sĩ dùng trên sân khấu, trong số các vệ sĩ này có những anh thành danh như các nghệ sĩ Diệp Lang, Hùng Minh, Minh Luông… có cả nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Thanh Hoa…
Trong trận bão lụt năm Thìn 1952, đoàn hát Thanh Minh bị lọt vào trận bão ở Dầu Tiếng thì Ba Xây là người nắm tay giữ cho Nguyễn Phương đứng vững cuối đoàn rồng rắn bò đi trong cơn bão đó.
Khi về đến Tây Ninh, Ba Xây gợi ý cho soạn giả Nguyễn Phương sáng tác một vở tuồng hát để gây quỷ cứu trợ nạn nhân bão lụt. Sau đó Nguyễn Phương sáng tác tuồng Cô Giang - Nguyễn Thái Học, Ba Xây thủ vai một nông dân, Năm Nghĩa thủ vai Nguyễn Thái Học.
Thời gian hát ở đoàn Thanh Minh và Thanh Minh Thanh Nga, Ba Xây đã hát qua các tuồng Đất Việt Của Người Việt, Chén Cơm Đô Thành, Biên Thùy Nổi Sóng, Cô Giang - Nguyễn Thái Học, Hoàng Tử Lưng Gù, Bóng Chim Tăm Cá, sau Minh Điển thế vai ông Sáu Cá của Ba Xây, …
Năm 1959, anh Ba Xây rời đoàn Thanh Minh, ra làm bầu, lập gánh hát. Suốt thời gian Ba Xây cộng tác với đoàn Thanh Minh của Bầu Nghĩa, Ba Xây là một nghệ sĩ gương mẫu, tập tuồng hay hát đều đúng giờ, thận trọng, nghiêm túc. Trong đoàn hát anh được các nghệ sĩ đồng nghiệp và các em vệ sĩ, vũ nữ thương mến vì anh lúc nào cũng sẵn lòng giúp các bạn trong nghề nghiệp, đôi khi giúp tiền bạc cho các bạn hữu sự.
Sau đó Ba Xây giải tán đoàn hát vì không cạnh tranh nổi với các đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Kim Chưởng…Ba Xây mua xe traction 4 làm xe lô chạy đường Saigon Đà Lạt. Anh vừa làm chủ vừa là tài xế chạy xe lô đường Saigon Đà Lạt, Đà Lạt Saigon.
Sau năm 1975, Ba Xây về hát cho đoàn Thanh Minh, ông nổi tiếng với vai Giã Lộ Tướng Quân tuồng Bên Cầu Dệt Lụa và vai Cụ Đô Trinh tuồng Tiếng Trống Mê Linh.
Ba xây có các con Tất My Long, Tất My Loan, Tất My Ly và các cháuTất An Xuân Dung và Tất An Đông Nghi.
Cuối năm 1978, Ba Xây và gia đình đi định cư tại nước Pháp. Ông nghĩ hát đoàn Thanh Minh, ở nhà chuẩn bị cho việc xuất ngoại. Ba Xây có vẻ không vui khi phải xa quê hương. Ba Xây không nói rõ việc ông và gia đình đi xuất ngoại là trong diện nào.
Năm 1997, Ba Xây, soạn giả Hoàng Khâm, soạn giả Vân An, Chị Ba Đề, Văn Lương, Viễn Khách v à Nguyên Phương gặp nhau nhân dịp Kiên Giang mời dự tiệc thơ, kỷ niệm ngày phá bỏ ngôi nhà gạch trần sau 6 năm không nhà.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông