e-grgr-1629970119-273-width663height959.jpeg

Bạch Mai - Nguyễn Ngọc Mai 

Bạch Mai tên thật là Nguyễn Ngọc Mai, sanh năm 1948 tại Sàigòn, con của đôi nghệ sĩ hát bội Bảy Huỳnh và Ngọc Hương, bầu của gánh hát Thanh Bình – Kim Mai và sau đổi tên bảng hiệu là gánh hát tuồng cổ Huỳnh Long. Bạch Mai bái nữ nghệ sĩ Năm Thài, đào chánh của gánh hát Chánh Thành làm sư phụ. 

Nữ nghệ sĩ Năm Thài là một nghệ sĩ chuyên hát cương, gặp bất cứ vai tuồng nào, tình huống kịch như thế nào, cô cũng ứng khẩu hát cương được, văn chương lưu loát, có vần có điệu như thể là cô hát tuồng đã được soạn giả sáng tác đàng hoàng. 

Bạch Mai học thuộc lòng những câu hát của cô Năm Thài, ngoài ra từ nhỏ đến năm 14 tuổi, Bạch Mai hàng đêm ngồi bên cánh gà coi hát, học theo điệu múa, cách ca của nhiều nghệ sĩ tài danh trong đoàn. Năm 13 tuổi Bạch Mai đã ra sân khấu hát những vai đào con. 

Năm Bạch Mai được 15 tuổi, cô Năm Thài làm khó gánh hát, đòi tăng lương không được nên nghĩ hát. Đêm đó hát tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài, không có nghệ sĩ nào dám thế tuồng vì sợ hát không bằng cô Năm Thài, Bạch Mai xin cha mẹ cho cô được đóng vai Mạnh Lệ Quân thế cô Năm Thài để cứu vản tình trạng không có nghệ sĩ hát trong đêm đó. 

Không ngờ đêm đó Bạch Mai hát thành công quá sức tưởng tượng của các nghệ sĩ trong đoàn và cũng kể từ đó Bạch Mai hát vai chánh các tuồng trong đoàn Bạch Mai nổi danh qua nhiều tuồng thu trên đài Tuyền Hình Saigon qua các Ban Vân 

Kiều, Ban Phụng Hảo, Ban tuồng cổ Khánh Hồng và Ban tuồng cổ Huỳnh Long. 

Sau năm 1975, Bạch Mai hát chánh trong đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Bạch Mai nổi danh qua nhiều tuồng như Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Lá Chắn Biên Thùy, Tấm Cám, 

Đường về núi Lam, Người đẹp trong tranh… Riêng vai Lưu Kim Đính, Bạch Mai đã để một dấu ấn sâu đậm trong phong cách diễn xuất tuồng cổ của cô. 

Tuồng Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu có lớp Sát Tứ môn thành là lớp có vũ đạo khó nhất, Bạch Mai múa đao đánh hạ ba tướng ở ba cửa thành với hình thức vũ đạo khác nhau, diễn tả những nguy hiểm khác nhau khi phải giết tướng của ba cửa thành đó. 

Lưu Kim Đính, đến cửa thành thứ tư, tiếng kèn lá run rẩy như tiếng hí của con ngựa kiệt sức, Lưu Kim Đính ngồi bệt xuống đất vừa khóc thương vừa đưa tay run run vuốt từ trên dầu dài xuống đuôi ngựa quí đã tận lực cùng với chủ nơi chiến trường. Qua động tác tay run run vuốt dài trên con lưng ngựa tưởng tượng của nghệ sĩ Bạch Mai, khán giả cũng tường chừng như thấy được con ngựa quý kiệt sức và cảm thông được nổi khổ đau của người chủ tướng trước cái chết của con thần mã, bạn chiến đấu của mình. 

Khi ông bầu Huỳnh cộng tác với ông bầu Tư Lù lập thành bốn đoàn Thanh Bình – Kim Mai thì Bạch Mai, Đức Lợi, Ngọc Đáng và Thanh Bạch là bốn diễn viên chánh của đoàn Thanh Bình – Kim Mai 1, hát thường trực tại đình Nhơn Hòa Cầu Muối. 

Bạch Mai và Đức Lợi thường hát cặp với nhau hai vai chánh, cảm tài mến sắc của nhau và vì cùng hát chung với nhau lâu năm trên sân khấu Thanh Bình – Kim Mai nên hai bên sanh tình cảm, được cha mẹ đứng ra tác thành nhân duyên khoảng giữa thập niên 1960. 

Bạch Mai - Đức Lợi có bốn người con: Ngọc Thu. Chinh Nhân, Ngọc Thanh và Bình Tinh. Ngọc Thu và Ngọc Thanh không theo nghề hát của cha mẹ. 

Chinh Nhân là nghệ sĩ đoạt huy chương vàng diễn viên giải Trần Hữu Trang năm 1996. Nữ nghệ sĩ Bình Tinh diễn các vai nữ tướng, võ tướng phong cách rất uy nghi oai dõng nhưng khi đóng các vai thiếu nữ, mệnh phụ phu nhơn thì động tác và phát âm lời thoại còn cứng, thiếu tính cách dịu dàng nữ tính. 

Sau năm 1986, Bạch Mai sáng tác cải lương tuồng cổ, ký bút hiệu Bạch Mai và bút hiệu Viên Hoàng. 

Sau năm 1990, thời kỳ cởi mở, những tuồng tích bị cấm trước đó được cho phép hát lại. Các tuồng cải lương hồ quảng cũng được cho hát rộng rải, Nghệ sĩ Bạch Mai - Đức Lợi quy tụ những nghệ sĩ nhà nghề, bà con với bà bầu Ngọc Hương, họ hợp tác với nhau để vực dậy đoàn Huỳnh Long. Bạch Mai, Đức Lợi đứng ra vay tiền để xây dựng lại gánh hát. 

Khởi đầu từ chuyện Đức Lợi phải bỏ Saigon trốn nợ, anh đến một vùng xa xôi hẻo lánh, hy vọng bọn Năm Giao không biết để đừng bị chúng nó bắt lại hay giết chết. Có lẽ vì nhờ sự bảo bọc của một cô gái nào đó nơi anh lẩn trốn nên Đức Lợi bước thêm bước nữa khiến cho Bạch Mai và Đức Lợi Ly dị nhau. 

Rồi Đức Lợi bị bệnh nan y, nghèo khó, bị tai nạn giao thông đã mất năm 2005, sau đó con trai duy nhất là nghệ sĩ Chinh Nhân cũng bị bạo bệnh viêm phổi cấp tính, nên lìa trần vào năm 2016, mới có 44 tuổi. Buồn vì chồng vì con, nên Bạch Mai đã vào chùa, nương tựa bóng từ bi để sống những ngày còn lại. 

Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông