image-20.png

Bích Thuận - Vũ Bích Thận

Nữ nghệ sĩ Bích Thuận, tên thật là Vũ Bích Thuận, sinh ngày 30 tháng 12 năm 1930 tại làng Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Bà là con thứ ba trong số năm người con gồm hai trai và ba gái của ông Vũ Văn Xuyên và bà Nguyễn Thị Hai. Bà mồ côi cha lúc 7 tuổi.

Lúc lên 10 tuổi, cô Bích Thuận và em gái là Tường Vi gia nhập gánh hát Đồng Âu Nhật Tân Ban của ông Bầu Tài ở Hà Nội. Sau đó, Bích Thuận gia nhập đoàn hát Tố Như và nổi danh là nghệ sĩ danh ca thinh sắc lưỡng toàn, đồng thời với các ngôi sao sân khấu miền Bắc như Bích Hợp, Kim Chung, Khánh Hợi, Túy Định...

Năm 1948, khi đoàn hát Tố Như vào Nam lưu diễn, cô Bích Thuận ở lại miền Nam và lập gánh hát Bích Thuận. Hai năm sau cô giải tán đoàn hát Bích Thuận để đầu quân vô gánh hát Phụng Hảo của cô Phùng Há, và sau đó đi hát cho gánh hát Nam Phi của cô Năm Phỉ .

Năm 1954, Bích Thuận kết hôn cùng cậu Emile Charles Hiếu, một tư chức ngành ngân hàng , bào đệ của cố Bộ Trưởng Công Dân Vụ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Ngô trọng Hiếu. Sau đó, gia nhập gánh hát Phụng Hảo 3, hát chung sân khấu với các nữ diễn viên tài danh người miền Nam như Phùng Há, Kim Thoa, Thanh Tùng, Ngọc Hải. Cô Bích Thuận và cô Phùng Há cùng hát chia vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình. Cô Tư Thanh Tùng trong vai Điêu Thuyền, kép Năm Định trong vai Đổng Trác.

Năm 1956 trong tuồng Mộng Hoa Vương của soạn giả Tư Trang. Cô Bích Thuận đóng vai võ tướng Triệu Tuấn, người si mê Mộng Hoa Vương nhưng không dược yêu lại.

Nam nghệ sĩ Thanh Phong trong vai sứ thần Ngô Trung Cảnh, vai hát để đời của cố nghệ sĩ Tư Ut; cô Phùng Há trong vai Mộng Hoa Vương, cô Kim Lan trong vai tướng cướp Bạch Cúc, Kim Cương trong vai nữ tướng Hồng Liên…

Thời đó, tuồng Mộng Hoa Vương với các diễn viên tài danh vừa kể là một vở tuồng ăn khách, lấy nước mắt khán giả nhờ vào mối tình tay ba: Mộng Hoa Vương, sứ thần Ngô Trung Cảnh và võ tướng Triệu Tuấn. Kết cuộc của vở Mộng Hoa Vương, vì tranh tình mà võ tướng Triệu Tuấn so tài với Ngô Trung Cảnh, đâm chết Ngô Trung Cảnh.

Triệu Tuấn - Bích Thuận tưởng đã giết chết kẻ tình địch thì sẽ cướp được tình yêu của Mộng Hoa Vương. Không ngờ Mộng Hoa Vương bỏ cả ngai vàng, chở xác người yêu xuống thuyền ra khơi trở về cố quốc của Ngô Trung Cảnh. Một cuộc tranh tình mà ba trái tim đều tan vở.

Cô Bích Thuận vì là người Bắc nên ca những bài bản lớn cổ nhạc của miền Nam như Văn Thiên Tường, Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng không hay bằng các diễn viên miền Nam, nhưng bù lại thì cô Bích Thuận ca những bài hát quảng, ca những bài bản nhỏ có âm hưởng và nhịp điệu như tân nhạc của soạn giả Mộng Vân thì rất hay.

Bích Thuận có điệu múa theo bộ hát Quảng, hát tuồng Tàu cũng đẹp không thua cô Phùng Há nên Bích Thuận thành công dễ dàng trong các vai tướng võ trong tuồng Tàu như vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình; vai An Lộc Sơn trong tuồng Trường Hận, vai tiểu tướng Phùng Mậu trong tuồng Phùng Mậu hạ san; vai vua Trần Khắc Chung trong tuồng Sương Gió Chiêm Thành.

Trước năm 1975, cô Bích Thuận được mời làm giáo sư Trường Quốc Gia Am Nhạc và Kịch Nghệ Saigon, cô là một nghệ sĩ đa tài trong các bộ môn cải lương, kịch nói, ngâm thơ ba miền, ca tân nhạc và giỏi về các vũ đạo tuồng Tàu theo lối hát Quảng.

Cô ngâm thơ Tao đàn, ngâm sa mạc, ca quan họ, hát ả đào. Có khi cô thủ diễn lại vai Lữ Bố trong trích đoạn Lữ Bố Hí Điêu Thuyền với nữ nghệ sĩ Kiều Lệ Mai làm Điêu Thuyền, Minh Đức trong vai Tư Đồ Vương Doãn…

Sau khi định cư ở Pháp vào đầu thập niên 80, Bích Thuận và phu quân, người được giới nghệ sĩ thân mật gọi là Tonton Hiếu, hai ông bà luôn luôn là những khách mời trân trọng nhứt trong các buỗi hợp mặt văn nghệ, những buỗi giới thiệu ra mắt sách, thơ, văn... cô Bích Thuận đến những nơi có kiều bào định cư ở Hải Ngoại để trình diễn những trích đoạn tuồng cải lương nổi tiếng xưa của cô trên các sân khấu Phụng Hảo, Kim Chung….

Năm 1988, nghệ sĩ Bích Thuận được mời tham dự và trình diễn nghệ thuật văn hóa Việt Nam tại Quảng Trường Thánh Phêrô ở Roma nhân dịp Lễ Phong Thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam, và được vinh dự tiếp kiến Đức Giáo hòang Gioan Phao Lồ Đệ Nhị.

Vào những năm 1983 và 1988, tên tuổi Bích Thuận được ghi trong Tự điển tiểu sử các nhân vật quốc tế ở Cambridge, Anh Quốc, và trong danh sách 5.000 nhân vật trên thế giới.

Nữ nghệ sĩ tài danh này đã góp phần bảo tồn nền thi ca, vũ, nhạc, kịch Việt Nam qua buổi trình diễn tại Trung Tâm Văn Hóa LHQ UNESCO ở thủ đô Paris, Pháp Quốc hồi 1999.

Gần đây một số Hội đoàn trên đất nước Hoa Kỳ làm lễ vinh danh cho 50 năm sự nghiệp trình diễn văn nghệ của cô Bích Thuận. Cô Bích Thuận đã hát Quan Họ trong màn trẩy hội du xuân vùng Kinh Bắc, cô thủ vai Thúy Kiều trong lớp tâm sự với Thúc Sinh do nghệ sĩ Hoàng Long thủ diễn., cô cũng thủ diễn vai Trưng Trắc, múa song kiếm gợi lại hình ảnh của nghệ sĩ đàn em Thanh Nga trong tuồng Tiếng Tiếng Trống Mê Linh.

Qua nhiều thập niên trình diễn, nghệ sĩ Bích Thuận đã trở thành một tài danh huyền thoại trong mọi thể loại thi ca, nhạc, kịch, quan họ, hát bội, cải lương và cả điện ảnh; được báo giới và khán thính giả Miền Nam bầu chọn là nghệ sĩ đẹp nhất và được nhiều mến mộ nhất. Năm 1953, được ban tặng Đệ Nhất Đẳng Bội Tinh Tâm Lý Chiến và năm 1959 và Đệ Nhất Đẳng Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh năm 1971.

Hiện nay bà đang sống với con trai tại thành phố Nantes, Pháp Quốc, sau ngày phu quân bà mất vào năm 2010 tại Paris.


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông