Bình Trang
Nghệ sĩ Bình Trang tên thật là Đoàn Hồng Lê, sanh năm 1957 tại Saigon, gia đình khá giả, không có ai theo nghề sân khấu.
Hồng Lê bắt đầu làm quen với câu ca vọng cổ khi mới được 7 tuổi. Khi đó Hồng Lê có 2 người chị họ, là con gái của người cô thứ Tư, là chị Ngọc Mai và Ngọc Xuân, 2 chị này chỉ đi ca tài tử thôi, chứ không tham gia đoàn hát. Còn cô hai của Hồng Lê có người con trai chuyên về đàn kìm, là Ba Của, và người phụ đờn guitare phím lõm với anh là anh Triệu. Chính những giai điệu ngọt ngào của vọng cổ, cải lương từ tiếng đàn, lời ca của người anh, người chị họ trong gia đình đã dưỡng nuôi trong cô bé Hồng Lê bấy giờ một tình yêu nồng đượm với cổ nhạc miền Nam.
Hồng Lê kể: “Nhớ hồi đó, chừng 7, 8 tuổi thôi, ngoài những lần đi theo nghe 2 chị Ngọc Mai, Ngọc Xuân hát cải lương, đã khiến tôi mê mẩn, thế rồi một lần tôi có xem trên truyền hình vở cải lương “Yêu người điên” do nghệ sĩ Bạch Tuyết và Hùng Cường đóng, khi đó tôi càng thích thú hơn và mê cải lương hơn, mê cô Bạch Tuyết vô cùng. Bấy giờ gia đình tôi ở đường Hòa Hưng- Lê Văn Duyệt, trong xóm, có mấy đứa nhỏ giống như tôi, cũng thích học ca, nên anh Ba Của gom chúng tôi lại và dạy ca. Ai cũng khen tôi có làn hơi duyên dáng, trong trẻo, dù khi ấy tôi chưa biết nhịp, chỉ ca đại thôi. Khi đó ba mẹ chỉ cho tôi học ca trong gia đình thôi, việc chính vẫn là học văn hóa, chưa muốn cho tôi theo nghề hát.”
Nhưng rồi niềm yêu thích với cải lương cứ mãi lớn dần theo năm tháng trong trái tim của Hồng Lê, năm 12 tuổi, Hồng Lê đã xin ba má cho học ca để theo nghề hát. Thấy con yêu nghề quá, ba má Hồng Lê đã bằng lòng tìm thầy cho Hồng Lê học hành theo bài bản. Nhờ nhiều người giới thiệu, Hồng Lê đã được ba má đưa đến học ca với thầy Quang Phục ở đường Đề Thám, Sàigòn, sau đó học thêm với thầy Út Trong, với thầy Năm Đồng, với soạn giả Nguyễn Phương... Bấy giờ, dù tuổi còn nhỏ, nhưng Hồng Lê đã được các thầy đánh giá cao khả năng, hứa hẹn nhiều triển vọng, bởi giọng ca rất trong, âm lượng lớn, ca đúng tiết điệu và nhịp điệu như con em của các nghệ sĩ nhà nghề.
Sau thời gian “tầm sư học đạo”, bài bản, nhịp nhàng đã vững vàng, lúc bấy giờ Hồng Lê bước vào tuổi 15 và chính thức đi theo đoàn hát của soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn và Tấn An, khi đó chị được đặt nghệ danh đầu tiên là Thanh Lệ.
Nhớ lại chặng đường nghệ thuật đầu đời, Bình Trang bồi hồi kể lại: “Đoàn hát lúc đó, chỉ là đoàn nhỏ, đi hát ở những đình nhỏ, do anh Hoàng Ngọc Ẩn viết tuồng, còn anh Tấn An thì có dạy thêm cho tôi diễn xuất. Bấy giờ đoàn có diễn những vở như Hành Khất Song Hiệp, Quỷ Kiến Sầu, Hỏa Sơn Thần Nữ... tôi được đóng chánh trong 3 vở này, diễn chung với anh Dũng Thanh Hiền. Khi đó có soạn giả Thiên Lý, Mười Kiêu... về đoàn.
Một thời gian sau, Thanh Lệ được mời về đoàn Hương Mùa
Thu, được ông bầu của đoàn là soạn giả Thu An đổi nghệ danh Thanh Lệ ra là Kiều Lệ Thanh. Dẫu có nhan sắc, ca hay, nhưng cô đào Kiều Lệ Thanh bấy giờ chỉ được đóng vai đào ba, đào ca để làm dàn bao tôn vinh đào chánh Ngọc Hương, vợ của soạn giả Thu An. Dàn nghệ sĩ của đoàn Hương Mùa Thu gồm có Ngọc Hương, Ngọc Lan, em ruột của Ngọc Hương, Kim Thủy, Ngọc Thủy, Kiều Lệ Thanh, Yến Nhung, Thu Nguyệt, Lệ Châu, Kiều Thanh, Thanh Hải, Út Hiền, Minh Chí, Hà Bửu Tân, Hà Bửu Bửu, Hiếu Liêm, Thanh Liêm, Giang Châu, Minh Dịch, Hữu Lợi, Bá Lộc, Hữu Lộc, Hề Minh, Bảy Xê, Cảnh Tượng...
Tất cả các tuồng hát trên sân khấu Hương Mùa Thu đều là của soạn giả Thu An sáng tác, có những vở như: Gánh Cỏ Sông Hàn, Đám Cưới Đầu Xuân, Chuyến Đò Thương, Kiếp Chồng Chung, Con Cò Trắng, Saigon Thác Bạc, Bà Chúa Ăn Mày, Kiếm Sĩ Điên...
Sau 1975, chị tiếp tục gắn bó với Hương Mùa Thu thêm một thời gian ngắn, bấy giờ các nghệ sĩ của đoàn có thay đổi, gồm nghệ sĩ Minh Phụng, Ngọc Hương, Hoài Thanh, Đỗ Quyên, Phương Thanh, Kiều Tiên, Bích Hạnh, Khánh Tuấn, Hữu Lộc, Hữu Lợi, Vương Tâm, Kiều Lệ Thanh...
Buồn vì thấy mình ca hoài cũng chỉ dừng lại đào ba, đào ca, nên khi nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thành lập, mở lớp ca diễn, cô đào Kiều Lệ Thanh khi đó mới 19, 20 tuổi, quyết định ghi danh vào nhà hát để nâng cao thêm nghề nghiệp cho mình.
Bình Trang kể: “Khi đó trong nhà hát Trần Hữu Trang có má Bảy Phùng Há, có cô Kim Cúc và cô Bạch Tuyết, soạn giả Chi Lăng, cô Ngọc Giàu, cô Thanh Loan... dạy cho những nghệ sĩ trẻ lúc bấy giờ vào học nghề rất đông, tôi thích lắm và chịu khó học hỏi. Tôi học được khoảng 1 năm, thì cô Bạch Tuyết nhìn thấy tôi, cô hỏi tôi tên gì, tôi cho biết nghệ danh là Kiều Lệ Thanh, cô Bạch Tuyết bèn hỏi: “Cô ba đặt tên mới, con có chịu không?” Tôi đồng ý, cô ba Bạch Tuyết đã đặt cho tôi nghệ danh mới là Bình Trang, lấy 2 chữ B và T là chữ đầu của tên cô. Khi đó, ngoài tôi ra, cô ba còn đặt tên cho một nghệ sĩ trẻ khác, tên là Bảo Trang, cô này hiện sống ở Úc.
Từ đó, tôi trở thành đệ tử của cô ba Bạch Tuyết. Lần đầu tiên coi cải lương khi mới 7 tuổi, tôi đã yêu thích cô ba Bạch Tuyết rồi, không ngờ có ngày mình gặp được người nghệ sĩ thần tượng và được cô truyền dạy thêm cho nghề được vững vàng hơn, dạy về đạo đức của một nghệ sĩ chân chính theo nghiệp tổ.”
Sau thời gian gắn bó với đoàn Trần Hữu Trang khoảng 4 năm, bấy giờ, nghệ sĩ Bạch Tuyết đã giới thiệu cho Bình Trang về đoàn cải lương Sài Gòn 3, có trưởng đoàn Tư Hiếu, ông từng làm cho đoàn Dạ Lý Hương trước đây, quen với nghệ sĩ Bạch Tuyết, nên ông đã nhận Bình Trang về đoàn. Khi đó, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đóng chánh tại đoàn, ngoài ra còn có nghệ sĩ Văn Chung, Kim Hoa, Thanh Điền, Hồng Hạnh...
Về đoàn Sài Gòn 3, nghệ sĩ Bình Trang tiếp tục đóng đào nhì, đào ba trong những vở như “Nàng Xa Rết”, “Mái tóc người vợ trẻ“à Thời gian ở đoàn được hơn 1 năm, Bình Trang chịu ảnh hưởng lối ca của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, Bình Trang ca khá giống nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, nhờ chất giọng kim, làn hơi thật dài, trong suốt và cao vút, khá bay bướm, nhưng rõ chữ tròn vành. Bình Trang đã học theo cách xử lý thanh điệu các dấu của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, đặc biệt nghệ sĩ Thanh Kim Huệ có sở trường với dấu sắc và dấu hỏi ở bài Vọng cổ thật tuyệt vời. Với dấu sắc, Bình Trang ị học nghệ sĩ Thanh Kim Huệ cách ém hơi bụng, nhấn âm tiết trong ca từ có dấu sắc rồi buông hơi sâu để ngân hoặc luyến lên; và trong lúc luyến chị buông hơi hai, ba lượt để ngân tưởng chừng như lạng qua, lách lại, vừa duyên dáng vừa mượt mà trữ tình... Còn dấu hỏi thì chị học cách nghệ sĩ Thanh Kim Huệ khép môi, ngân trong cổ khi nhấn âm tiết dấu hỏi, rồi thả âm lực sau từ từ, thấp đến cao, rồi lại ngậm miệng ngân hơi cổ nữa nên âm thanh cao vút lên, thánh thoát nghe như tiếng gió...
Và rồi một bước ngoặt đã đến trong cuộc đời nghệ thuật của nghệ sĩ Bình Trang. Bình Trang kể: “Khi ấy, chị Thanh Kim Huệ sắp hết hợp đồng và không tiếp tục ký nữa với đoàn, nên trưởng đoàn Tư Hiếu chọn tôi để thế vai của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ. Hằng đêm chị Huệ hát, tôi đứng cánh gà xem và học. Sau khi tôi học hết những vai của chị Huệ, đoàn chuẩn bị đi miền Tây, vì bấy giờ Bình Trang là tên mới quá, nên đoàn đi lưu diễn ở tỉnh, để tập dợt thêm cho tôi được cứng nghề. Đi lưu diễn khắp các tỉnh miền Tây mấy tháng trời, sau đó đoàn về diễn ở Sài Gòn, ra mắt khán giả, tôi đã được khán giả ái mộ nồng nhiệt.”
Bình Trang gắn bó với đoàn Sài Gòn 3 một thời gian, rồi phải rời đoàn, vì khi đó chị lập gia đình, chị muốn toàn tâm toàn ý chăm sóc mái ấm nhỏ của mình. Rồi chị được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ, sanh cho chồng một đứa con trai. Đến thập niên 1990, Bình Trang theo chồng đến định cư tại Hoa Kỳ, với ước mong con mình có một tương lai tốt hơn.
Sau khi định cư ở Hoa Kỳ, nữ nghệ sĩ Bình Trang tham gia một số chương trình của Trung Tâm Băng Nhạc Vân Sơn. Bình Trang cũng là giọng ca cổ nhạc sáng giá ở các cuộc trình diễn trong các nhà hàng có ca nhạc Paracell, Seafood, quán Thành Được. Trong các lần nghệ sĩ Việt Nam xuất ngoại sang Nam Cali biểu diễn trọn tuồng, Bình Trang cũng được mời thủ diễn một vai. Tuy không đúng như ý của Bình Trang muốn có những vai hát để đời nhưng cô cũng vui vì có dịp hát, đở nhớ sân khấu. Bình Trang càng đẹp thêm ra, làn hơi dũng mãnh hơn, cuộc sống kinh tế ổn định, chỉ thiếu một nổi là không có những tuồng hát hay để cho Bình Trang thỏa chí tung hoành.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông