Bửu Truyện - Nguyễn Văn Truyện (1945-199X)
Nghệ sĩ Bữu Truyện tên thật là Nguyễn Văn Truyện, sanh năm 1945, con của nhạc sĩ đàn tranh Tám Chi, mẹ là nữ nghệ sĩ hát bội Tám Út. Bữu Truyện là anh trai lớn, kế đó là nghệ sĩ Bữu Châu mất năm 1989, và ba em khác cũng là nghệ sĩ : Bữu Khánh, Mỹ Phụng, Bữu Ấn.
Lên 10 tuổi, Bữu Truyện được cha mẹ cho theo thầy Minh Tơ học hát trong đoàn Đồng Ấu Minh Tơ một lược với các bạn trẻ Thanh Tòng, Bạch Lê, Thanh Thế, Trường Sơn, Bo Bo
Hoàng...
Năm 12 tuổi, Bữu Truyện đã nổi danh thần đồng, hát chung với Thanh Thế trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa Cáo trong dịp Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu tổ chức hát gây qủy của Hội tại rạp Hào Huê năm 1957.
Năm 15 tuổi, Bữu Truyện được mời hát vai kép chánh trong đoàn hát Nam Thanh - Thu Ba, rồi ông bầu Mười Vàng mời Bữu Truyện hát cho đoàn Hoa Xuân Mười Vàng. Ông bà Bầu Bảy Huỳnh - Ngọc Hương cũng mời diễn viên Bữu Truyện về hát vai kép chánh của đoàn Thanh Bình Kim Mai.
Năm 1965, Bữu Truyện và Thanh Thế là cặp đào kép chánh của đoàn hát bội pha cải lương Phước Thành, thời gian nầy Bữu Truyện và Thanh Thế cũng là đôi diễn viên thường trực của Ban Cải lương Phương Nam, đài Phát Thanh Saigon mà Nguyễn Phương là trưởng ban.
Nghệ sĩ Bữu Truyện có nhiều vai hát để đời như vai Đổng Trác tuồng Phụng Nghi Đình, vai Lương Sơn Bá đóng chung vớ nữ nghệ sĩ Kim Mai trong tuồng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, vai Phàn Định Công trong San Hậu và vai Hoàng Phủ Thiếu Hoa trong tuồng Mạnh Lệ Quân. Bữu Truyện cũng rất xuất sắc trong các vai tuồng như vai Châu Du, vai Lưu Bị trong tuồng Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả, vai Tào Tháo tuồng Huê Dung Đạo, vai Triệu Khuông Dẩn tuồng Trảm Trịnh Ân,vai Tống Nhơn Tôn tuồng Xử Án Bàng Quí Phi.
Sau năm 1975, Bữu Truyện hát ở đoàn Huỳnh Long, thành công qua các tuồng Lá Chắn Biên Thùy, Tấm Cám, Hùm Thiêng Yên Thế, Bí mật thành Cổ Loa.. Sau đó anh về hát cho đoàn Khánh Hồng – An Giang.
Về nghệ thuật hát cải lương tuồng cổ, Bữu Truyện được chân truyền của bậc thầy nghệ sĩ Minh Tơ nên Bữu Truyện hát vai nào cũng hay, bộ múa thật đẹp, nhất là khi anh xử dụng đôi cặp lông trĩ gắn trên mão để biểu diễn khí thế của những vai tướng như Lữ Bố, Triệu Tử Long…
Giọng hát của Bữu Truyện hơi khàn nên anh khai thác triệt để ưu thế của anh về phương diện diễn xuất, về các bộ múa và nhất là về phương diện hóa trang, Bữu Truyện chiếm được sự ái mộ nồng nhiệt của khán giả ngay khi anh mới xuất hiện trong lớp diễn.
Ngoài nghệ thuật ca diễn tuổng cổ, Bữu Truyện còn biết xử dụng một cách tài tình các nhạc cụ như đàn guitare phím lõm, đàn tranh, đàn cò và đánh trống. Khi thu thanh nếu như thiếu diễn viên, Bữu Truyện có thể đổi giọng, hát nhiều vai một cách rất xuất sắc.
Bữu Truyện và Thanh Thế đồng năm sinh, đồng hương Mỹ Tho, nhiều năm hát chung với nhau trên một sân khấu nên Bữu Truyện và Thanh Thế yêu nhau, kết hôn năm 1967 và sanh hạ được hai con: con trai lớn là Nguyễn Văn Dũng, nhạc sĩ đàn bầu, đàn tranh và đàn organ, tốt nghiệp trường Nghệ Thuật Sân Khấu và con gái là Nguyễn Thị Thanh Liên, nữ diễn viên của đoàn Khánh Hồng - An Giang.
Vì cải lương xuống dốc thảm hại, Bửu Truyện, buồn khổ quá sinh chán nản và uống rượu dẫn đến ung thư. Bửu Truyện mất vào thập niên 1990, để lại nhiều tiếc thương cho những bạn diễn và khán giả.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông