Chinh Nhân - Nguyễn Ngọc Thâu (1970-2016)
Nghệ sĩ Chinh Nhân tên thật là Nguyễn Ngọc Thâu, sanh ngày 01 tháng 4 năm 1970, con của hai nghệ sĩ tuồng cổ tài danh Đức Lợi và Bạch Mai.
Nhắc đến hai nghệ sĩ Đức Lợi và Bạch Mai, khán giả ái mộ cải lương tuồng cổ chắc chưa quên đại gia đình nghệ sĩ cải lương tuồng cổ nầy. Hai nghệ sĩ tiền phong cải lương tuồng cổ Bảy Huỳnh và Ngọc Hương nổi danh. Trong thập niên 1960, đứng ra thành lập gánh hát Thanh Bình – Kim Mai, hát cải lương tuồng cổ ở rạp hát đình Cầu Muối.
Sau năm 1975, Bà Bảy Hương đứng ra thành lập gánh hát Huỳnh Long, một thời nổi danh có nhiều nghệ sĩ giỏi, tuồng hay. Hai đoàn hát Huỳnh Long và Minh Tơ là hai đoàn hát ăn khách nhất từ năm 1976 đến năm 1996.
Ông bà Bảy Hương có được 6 người con nghệ sĩ tài danh :
Bạch Mai, Thanh Bạch, Bạch Lan, Trung Ảnh, Kim Phượng, Bạch Nga . và có các con rể cũng là nghệ sĩ tài danh như Đức Lợi, Minh Long và cô dâu là nữ nghệ sĩ Bạch Lê.
Khi Nguyễn Ngọc Thâu lớn lên thì tình hình sân khấu sa sút, gánh hát Huỳnh Long của bà ngoại bị tập thể hóa, do đó Bạch Mai và Đức Lợi đi hát các đoàn ở tỉnh để kiếm sống. Có một lúc Bạch Mai và Đức Lợi vay tiền lãi nặng để lập gánh hát, mong phục hồi những ngày thịnh vượng cũ của đoàn Huỳnh Long, nhưng rồi thua lổ đến nổi phải chạy ra Vũng Tàu để trốn nợ và ca cổ nhạc trong các quán nghệ sĩ để kiếm sống qua ngày.
Chính vì Đức Lợi và Bạch Mai thấy nghề hát cải lương khó có cơ hồi tìm lại thời hoàng kim cũ, cuộc sống của nghệ sĩ lâm vào cảnh khó khăn nên họ đã quyết định không cho con cái theo nghề hát nữa. Đức Lợi cho Thâu đi học sửa xe gắn máy. Tuy nhiên dòng máu nghệ sĩ di truyền trong người lúc nào cũng thôi thúc, Thâu tuy đi học sửa xe gắng máy nhưng cậu ta cũng học ca cổ nhạc và học nhanh chóng hơn những bạn đồng lứa.
Có lẽ lời ca ý nhạc, âm điệu cổ nhạc đã thẩm thấu vào tâm hồn
Thâu, vì từ khi sơ sinh đến khi lớn lên, Thâu được sống cùng cha mẹ trong đoàn hát. Thâu xin theo thầy Bạch Long học hát trong lớp đồng ấu Bạch Long, cùng chung khóa với Kim Tử Long, Tú Sương, Trinh Trinh.
Thâu được cha mẹ đặt cho nghệ danh là Chinh Nhân. Chinh Nhân nhờ thầy Bạch Long và cha mẹ Bạch Mai - Đức Lợi chỉ dạy, nên Thâu có vũ đạo sân khấu thật là đẹp, sắc vóc đẹp trai, giọng ca cổ nhạc và hồ quảng được kể là trên mức trung bình.
Năm 1997, nghệ sĩ Chinh Nhân đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang với vai An Dương Vương trong tuồng Trọng Thủy - Mỵ Châu.. Ngoài đoàn hát Huỳnh Long, Chinh Nhân có một thời gian đi hát cho các đoàn hát ở tỉnh để kiếm sống. Anh hát ở đoàn Sông Bé 2 và tại đây anh với nữ nghệ sĩ Bảo Ngọc yêu nhau, đi đến hôn nhơn. Nữ nghệ sĩ Bảo Ngọc cũng là một nghệ sĩ con nhà nòi, cha là nghệ sĩ Thanh Phú, mẹ là nữ nghệ sĩ Lan Hương. Hai nghệ sĩ Thanh Phú và Lan Hương từng nổi danh trên các sân khấu Hương Mùa Thu, Trần Hữu Trang.
Nghệ sĩ Chinh Nhân thành công trong các vai võ tướng, được khán giả ái mộ qua các tuồng Trọng Thủy Mỵ Châu, Kim Hồ Điệp, Quan Công Đại chiến Bàng Đức, Thất Hiền Quyến, San Hà Xã Tắc, Giang Sơn và Mỹ Nhân, Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu. Chinh Nhân cũng hát được những vai khó của các nghệ sĩ bực thầy Thanh Tòng, Trường Sơn, Minh Long như vai Lý Đạo Thành, vai Tô Hiến Thành trên các chương trình truyền hình.
Chinh Nhân và Bảo Ngọc có với nhau một con trai, đó là bé Ngọc Cương – từng đóng vai bé Sang trong vở Lá sầu riêng của Kim Cương, khi tác phẩm này được chuyển sang cải lương, do Sân khấu Vàng dàn dựng năm 2007..
Không hiểu do nguyên nhân nào, gia đình Chinh Nhân và Bảo Ngọc gãy đổ. Nghệ sĩ Chinh Nhân đeo đuổi theo nghiệp cầm ca trên sân khấu các rạp hát. Nữ nghệ sĩ Bảo Ngọc im hơi lắng tiếng một thời gian. Sau đó Bảo Ngọc đứng ra lập quán nghệ sĩ ở đường Nguyễn Biểu.
Quán nghệ sĩ của Bảo Ngọc nổi tiếng có nhiều món nhậu ngon, giá phải chăng và chương trình ca hát tập hợp được nhiều nghệ sĩ tài danh, ca hát rất hay và đúng theo nghề nghiệp đàn ca tài tử cổ nhạc. Vào các dịp giổ Tổ mỗi năm, quán nghệ sĩ của Bảo Ngọc tập trung nhiều nghệ sĩ của các đoàn hát Kim Chung cũ đến đờn ca nên được thực khách và nghệ sĩ đến tham gia đông đảo.
Với 15 năm đi hát, nghệ sĩ Chinh Nhân đã tích lũy nhiều vốn liếng nghệ thuật. Anh đã đi hát nhiều đoàn ở tỉnh, thậm chí đi hát cải lương trích đoạn hoặc ca cổ ở các tổ chức Hội Chợ có ca nhạc để kiếm sống và thực hiện ý nguyện được hát cải lương. Trong những dịp nầy, nghệ sĩ Chinh Nhân gặp được người yêu là nghệ sĩ Cát Tuyền.
Nghệ sĩ Cát Tuyền là một nghệ sĩ chuyển đổi giới tính, nên Chinh Nhân và Cát Tuyền dự định tổ chức hôn lễ thì gặp rắc rối về thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên hai người ý hợp tâm đầu,
Chinh Nhân và Cát Tuyền bỏ vốn ra thực hiện chương trình hát tuồng cổ - Giữ Mãi Cội Nguồn ở rạp hát Hưng Đạo với hy vọng là qua chương trình Giữ Mãi Cội Nguồn, nghệ sĩ Chinh Nhân và Cát Tuyền sẽ hát những vở tuồng một thời nổi tiếng của đoàn hát Huỳnh Long. Qua đó anh sẽ làm cho khán giả thích trở lại rạp hát, xem hát như trong thời hoàng kim của cải lương để cho nghệ sĩ cải lương có thể đường hoàng kiếm sống được với nghề hát cải lương.
Nghệ sĩ Chinh Nhân còn nuôi cao vọng dựng lại đoàn hát Huỳnh Long của ông bà ngoại và qua việc tổ chức hát thường xuyên. Chinh Nhân góp phần với các nghệ sĩ có giọng ca vàng thực sự vực dậy nghệ thuật cải lương, từng bước phục hồi thời hoàng kim của sân khấu cải lương.
Một nghệ sĩ trẻ, lớn lên giữa một thời kỳ mà nghệ thuật cải lương sa sút đến thảm hại, vậy mà vẫn giữ tâm ý muốn làm phục hồi lại cái thời vàng son của sân khấu cải lương. Trước nhứt, nghệ sĩ Chinh Nhân nhớ lại những thành công huy hoàng của ông bà ngoại: hai nghệ sĩ tiền phong Bảy Huỳnh và Ngọc Hương,
Chinh Nhân cũng rất hãnh diện với tài năng và thành tựu của ba mẹ em là hai nghệ sĩ tài danh Bạch Mai và Đức Lợi. Nghệ sĩ Chinh Nhân tin tưởng tuyệt đối là nghệ thuật cải lương không thể chết, nhất là nghệ thuật hát tuồng cổ vẫn được đông đảo khán giả ưa thích.
Chinh Nhân là nam nghệ sĩ đầu tiên thành hôn với ca sĩ chuyển giới Cát Tuyền. Tuy nhiên chỉ sau vài năm họ đã chia tay, vì áp lực gia đình và xã hội. Sau đó, Cát Tuyền định cư tại Mỹ.
Nghệ sĩ Chinh Nhân qua đời ngày 28 tháng Giêng năm 2016, sau thời gian chống chọi với căn bệnh viêm phổi cấp tính. Thọ 46 tuổi.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông