Tái hiện “hiện tượng Thái hậu Dương Vân Nga” trên sân khấu cải lương tại chương trình kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu cải lương. (Ảnh: Ngọc Tuyết)  

(Thanhuytphcm.vn) - Sinh sau đẻ muộn so với chèo, hát bội đến hàng trăm năm tuổi đời thế nhưng chỉ tròn một thế kỷ hình thành và phát triển, nghệ thuật cải lương lại có bước tiến mạnh mẽ nhất. Đến nay, cải lương vẫn là loại hình sân khấu truyền thống duy nhất có khả năng lan tỏa khắp mọi miền đất nước và ở giai đoạn phát triển đỉnh cao, hoạt động biểu diễn cải lương đạt quy mô và sự chuyên nghiệp của một nền “công nghiệp giải trí” mà những loại hình hiện đại như điện ảnh, tân nhạc vẫn chưa làm được.

Trong lịch sử 100 năm lắm nỗi thăng trầm, biết bao dấu ấn khẳng định sức sống của loại hình nghệ thuật mang hồn cốt đất phương Nam.

Tên gọi “Cải lương”

Sân khấu cải lương được nhiều tài liệu xác định ra đời từ năm 1918 với việc ông Châu Văn Tú thành lập Gánh hát Thầy Năm Tú - Mỹ Tho và xây rạp Cinéma - Théâtra (nay là rạp hát Thầy Năm Tú ở Tiền Giang) khai diễn vở cải lương đầu tiên là Kim Vân Kiều. Tuy nhiên, tên gọi “Cải lương” vẫn chưa có mà chỉ là các gánh hát “tân thời” hoặc “kim thời”. Đến năm 1920, gánh hát quy mô đầu tiên tại Sài Gòn là Tân Thinh, của ông Trương Văn Thông (người Sa Đéc) chính thức xưng danh: “Đoàn hát Cải lương”, kèm đôi liễn nêu tôn chỉ mục đích của đoàn: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

Đa số ý kiến thống nhất từ “Cải lương” bắt nguồn từ đôi liễn này. Nhưng cũng có người cho rằng gốc của từ này là: “Cải biến kỳ sự - Sử ích tự thiên lương”, tức “đổi những gì cũ ra thành những gì mới và hay” (theo ông Trần Văn Khải, GS.TS Trần Quang Hải…). Cũng có ý kiến khẳng định: từ “Cải lương” đã được thầy Năm Tú “độc quyền” nên gánh hát cùng thời đều tránh danh xưng này (theo Hồi ký 50 năm mê hát của Vương Hồng Sển thì câu khởi đầu mỗi đĩa thu tuồng của gánh thầy Năm Tú đã có từ “Cải lương”: “Đây là ban hát Cải lương của Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho…”); hay bắt nguồn từ phong trào “cải lương” mọi lĩnh vực do báo chí, giới trí thức phát động đầu thế kỷ XX. Tuy có đôi chút bất đồng nhưng “mẫu số chung” của nhiều nghiên cứu khẳng định: từ gánh Tân Thinh mới có “Đoàn hát Cải lương”, trước đó chỉ có ban hát, gánh hát… “Cải lương” ra đời ở đây không chỉ là tên gọi, nó khái quát tính chất đặc trưng của nghệ thuật này: luôn luôn đổi mới, cải tiến!

Từ Dạ cổ hoài lang đến Vọng cổ - “bản nhạc vua” của sân khấu cải lương

Năm 1919, nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 – 1976) sáng tác Dạ cổ hoài lang trong hoàn cảnh rất riêng: nỗi đớn đau, dằn vặt khi bị buộc xa người vợ hiền vì lễ giáo phong kiến: “tam niên vô tử bất thành thê”. Trong tâm trạng nhớ nhung tột độ, ông đặt mình vào vị thế người vợ đang mong nhớ chồng mà sáng tác nên Dạ cổ hoài lang với giai điệu sâu lắng, lời ca buồn man mác. Dạ cổ hoài lang được giới tài tử đánh giá cao, nhanh chóng phổ biến khắp nơi. Nhờ “tính động”, dễ mở nhịp trong các câu nhạc, Dạ cổ hoài lang đã được phát triển từ nhịp 2 thành Vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 và đặc biệt là Vọng cổ nhịp 32 – “bản nhạc vua” của sân khấu cải lương. Đây là quá trình phát triển năng động, sáng tạo và khoa học của nhiều thế hệ nhạc sĩ theo yêu cầu phát triển của âm nhạc dân tộc từ nhạc tài tử lên Cải lương.

Trong đó, sức hút của bản Vọng cổ đến từ khả năng “tự làm mới”, luôn linh động cách tân theo yêu cầu phát triển sân khấu. Những năm 1960, soạn giả Viễn Châu đã tạo nên “mối lương duyên” kỳ lạ khi kết hợp tân nhạc vào Vọng cổ cho ra đời thể loại “Tân cổ giao duyên” được yêu thích đến hôm nay. Soạn giả Viễn Châu cũng sáng tạo nên hình thức Vọng cổ hài, thay đổi quan điểm rằng Vọng cổ (và cả Cải lương) chỉ phù hợp với cảm xúc bi hoặc hùng. Đặc biệt, “cái mới” của Vọng cổ đến chính yếu từ người thể hiện. Cùng một câu Vọng cổ nhưng mỗi nghệ sĩ lại có cách xử lý làn hơi, nhả chữ riêng không ai giống ai, cũng không lặp lại chính mình ở mỗi lần biểu diễn. Từ khi Vọng cổ nhịp 32 “lên ngôi”, mọi người mặc nhiên xác định: “phi Vọng cổ bất thành Cải lương”. Từ đây, những nghệ sĩ hàng đầu của sân khấu cải lương đều là những “bậc thầy thượng thừa” trong nghệ thuật ca Vọng cổ. Không chỉ là “bản nhạc vua” trên sân khấu cải lương, tách khỏi vở tuồng, bản Vọng cổ vẫn vẹn nguyên sức sống và là hình thức trình diễn được công chúng mến mộ.

Đa dạng phong cách

Không phải ngẫu nhiên mà cải lương phổ biến và được yêu mến đến vậy với khả năng dung hợp nhiều loại hình nghệ thuật và gần như không giới hạn trong việc thể hiện đề tài. Các đoàn chuyên hóa phong cách tạo sự cạnh tranh lành mạnh khi đều tìm được đối tượng khán giả riêng, như: đoàn Thanh Minh - Thanh Nga với thế mạnh tuồng tâm lý xã hội hiện đại, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật chỉn chu, nghiêm túc, được giới trí thức yêu thích; đoàn Kim Chung - từng phát triển thành Công ty Cải lương Kim Chung với 7 đoàn hát - đã đưa “trường phái ca” lên đến đỉnh cao với loại tuồng kiếm hiệp kỳ tình chú trọng khai thác các “giọng ca vàng” và hình thức biểu diễn nhiều xảo thuật hấp dẫn; đoàn Hoa Sen ăn khách với các tuồng khai thác đề tài chiến tranh, còn gọi là tuồng “cắc - bùm”, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới (dùng điện ảnh minh họa cho vở diễn, sử dụng sân khấu quay, cải tiến đạo cụ…); gánh Hương Mùa Thu thể hiện khuynh hướng tiến bộ với nhiều vở diễn có nội dung sâu sắc, thể hiện tinh thần dân tộc…

Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga là đại diện tiêu biểu của phong cách nghệ thuật chỉn chu, nghiêm túc, được khán giả trí thức rất yêu thích. (Ảnh: Huỳnh Công Minh)
Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga là đại diện tiêu biểu của phong cách nghệ thuật chỉn chu, nghiêm túc, được khán giả trí thức rất yêu thích. (Ảnh: Huỳnh Công Minh)  

Chính sự đa phong cách này đã làm nên sức sống cho sân khấu cải lương, giúp mở rộng đối tượng khán giả khi mỗi người có thể lựa chọn điểm đến “hợp gu”: thích “tuồng sang” có Thanh Minh - Thanh Nga; xem “tuồng thời thượng” ghé Dạ Lý Hương; mê “tuồng ca” đến Kim Chung; coi tuồng “cắc-bùm” chọn Hoa Sen; thích tuồng Tàu thăm Minh Tơ…

10 năm giải Thanh Tâm - dấu ấn không phai

Năm 1958, ký giả Trần Tấn Quốc (1914 – 1987) – bút danh Thanh Tâm, là chủ nhật báo Tiếng Dội, một trong những người hình thành trang kịch trường trên báo (tiền thân trang Văn hóa - Văn nghệ ngày nay) – đã sáng lập nên giải thưởng Cải lương đầu tiên: giải Thanh Tâm. Giải được trao lần đầu vào ngày 4/4/1959 cho một nữ nghệ sĩ tuổi chỉ vừa tròn 16: Thanh Nga. Với tiêu chí ngắn gọn: “Mỗi năm chọn một nam và một nữ nghệ sĩ triển vọng nhất để trao giải”, giải Thanh Tâm nhằm phát hiện và khuyến khích những gương mặt triển vọng tạo đội ngũ kế thừa đủ đầy năng lực sẵn sàng tiếp bước các bậc đàn anh, đàn chị. Ban tuyển chọn gồm các thành phần: nghệ sĩ kỳ cựu (Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nhiêu…), soạn giả tài danh (Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang, Quy Sắc, Điêu Huyền…) và ký giả kịch trường – thường chiếm 50% thành phần ban tuyển chọn (Trần Tấn Quốc, Ngọc Linh, Nguyễn Ang Ca, Phong Vân, Hoài Ngọc, Ngọc Đỉnh…) dựa trên ba tiêu chuẩn: thanh (giọng ca), sắc (vẻ đẹp trên sân khấu) và đạo đức.

Trong 10 năm tồn tại, giải Thanh Tâm đã góp công lớn trong việc phát triển tài năng, hun đúc tinh thần cho nghệ sĩ trẻ hoàn thiện cả nghề nghiệp lẫn đạo đức. Qua sự kiểm chứng của thời gian, có thể thấy các huy chương vàng Thanh Tâm thực sự là “vàng mười” khi đều bật sáng và khẳng định được tên tuổi sau khi nhận giải. Đến nay, nhiều người đã trở thành “huyền thoại” như: “Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga, “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, “Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài, “Giọng ca nhung lụa” Ngọc Giàu, “bậc thầy kép độc” Diệp Lang, hay NSND Lệ Thủy, NSƯT Mỹ Châu… vẫn là những ngôi sao sáng nhất đến tận hôm nay.

Hiện tượng “Thái hậu Dương Vân Nga”

Sau ngày đất nước thống nhất, sân khấu cải lương tiếp tục phát huy thế mạnh thích ứng nhanh, nhanh chóng chuyển mình hòa vào dòng chảy sân khấu cách mạng mà dấu ấn đậm nét nhất là “hiện tượng Thái hậu Dương Vân Nga”. Năm 1979, trước sự ra đi đột ngột của “Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga, lãnh đạo TPHCM hình thành ý tưởng tiếp sức cho cuộc đấu tranh “chống bành trướng” bằng cách: “Một Dương Vân Nga ngã xuống, hàng loạt Dương Vân Nga đứng lên!”. 6 đoàn Cải lương được lệnh cùng dựng Thái hậu Dương Vân Nga. Bên cạnh nghệ sĩ Kim Hương được tin tưởng thay thế Thanh Nga trong vai Dương Vân Nga trên Sân khấu Thanh Nga, “mặt trận” còn có sự góp mặt của “những Dương Vân Nga”: Phượng Liên, Kim Phương (Sài Gòn 1), Lệ Thủy (Sài Gòn 2), Mộng Tuyền (Hương Mùa Thu), Phượng Mai (Trúc Giang)… Riêng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dựng kịch bản Thái hậu Dương Vân Nga mới của soạn giả Hoa Phượng (đạo diễn Chi Lăng) với hai nghệ sĩ hàng đầu Bạch Tuyết và Ngọc Giàu vào vai Dương Vân Nga. “Hiện tượng Dương Vân Nga” (lan xuống cả các đoàn tỉnh) không chỉ trở thành sự kiện đặc biệt của sân khấu cải lương giai đoạn này mà còn là hiện tượng độc đáo trong đời sống xã hội. Sân khấu cải lương lúc này không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân mà còn rất xuất sắc trong nhiệm vụ cổ vũ tiến trình cách mạng…

Chương trình kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu cải lương khẳng định những giá trị quý giá cần tiếp tục giữ gìn và phát huy. (Ảnh: Ngọc Tuyết)
Chương trình kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu cải lương khẳng định những giá trị quý giá cần tiếp tục giữ gìn và phát huy. (Ảnh: Ngọc Tuyết)  

Mới đây với việc 400 nghệ sĩ các thế hệ đã cùng “xuống phố” mừng kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương với chương trình nghệ thuật thật hoành tráng, tạo thêm dấu ấn mới cho chặng đường tiếp theo nhiều gian nan mà cũng đầy kỳ vọng của bộ môn nghệ thuật vừa tròn trăm tuổi. Hơn lúc nào hết, sân khấu cải lương phải “tìm lại chính mình”, giới làm nghề phải khơi lại mạch nguồn đổi mới, sáng tạo vốn là đặc trưng loại hình, là yếu tố đã đưa sân khấu cải lương phát triển đến đỉnh cao và tiến xa đến thế!

Ngọc Tuyết
Nguồn: thanhuytphcm.vn