Diệu Hiền - Lâm Thị Hiền (1945-20 .. )
Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh năm 1945 tại Bạc Liêu, sớm mồ côi cha, sống với mẹ và cha dượng. Diệu Hiền bỏ nhà theo gánh hát năm 14 tuổi. 16 tuổi Diệu Hiền đã cùng nghệ sĩ Trương Ánh Loan chia nhau vai đào chính trên sân khấu đoàn hát Hoa Anh Đào - Kim Chưởng trong các vở Mặt trời đêm, Người Nhện xám, Kim Long thần chưởng, Thoại Khanh Châu Tuấn...
Đến năm 1960, với vai diễn cô ni của Mộng Vân thành công rực rỡ đã tạo cho cái tên Diệu Hiền trở thành nghệ danh theo bà suốt những năm tháng gắn bó với nghệ thuật sau này của bà
Năm 1962, nữ nghệ sĩ Diệu Hiền trở thành đào chính trong đoàn hát Thống Nhất của ông bầu kiêm danh ca Út Trà Ôn. Vai nữ tướng Triệu Thị Trinh trong vở Nhụy Kiều Tướng quân và vai Bùi Thị Xuân trong vở Nữ tướng Cờ Đào đem đến cho Diệu Hiền danh hiệu "Đệ nhất đào võ cải lương" thời bấy giờ.
Khoảng năm 1962, Út Hậu gia nhập đoàn Thống Nhất cùng diễn chung sân khấu với Diệu Hiền, hai người chung sống với nhau thành một cặp vợ chồng hạnh phúc, tiền bạc làm ra như nước nhưng không có cưới hỏi. Họ sanh được 5 người con, 2 trai, 3 gái. Ít lâu sau, Út Hậu bỏ đoàn Thống Nhứt của ông thầy Út Trà Ôn, gia nhập đoàn Kim Chung “Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt” của ông bầu Long.
Út Hậu được ông bầu Long trọng dụng, cho nắm đoàn cải lương Kim Chung B, chuyên đi lưu diễn các tỉnh miền Trung, do đó anh và Diệu Hiền xa nhau, Út Hậu sống rất bay bướm, chạy theo nhiều bóng hồng và phụ rẩy vợ con.
Ở thời kỳ hoàng kim nghệ sĩ Diệu Hiền có thể mua một căn nhà trị gía mấy chục cây vàng, bà còn có thể mua thêm nhà và xe taxi cho anh em trong gia đình. Đến thời kỳ đi xuống bà phải bán rẻ căn nhà đã từng mua , sống trong căn hộ chưa đầy 70 m2 sống chung với 10 nhân khẩu.
Sau năm 1975, đời sống cải lương khó khăn, nghệ sĩ Diệu Hiền theo các gánh hát đi diễn tỉnh để mưu sinh, con do bà mẹ trông nom, do đó con gọi Diệu Hiền là “chị” trong nhiều năm, khi chúng còn nhỏ.
Năm 1979, một tai nạn do hỏa hoạn đã khiến tay trái của Diệu Hiền bị phỏng nặng. Kể từ đó Diệu Hiền ít tham gia các đoàn hát, sống lặng lẽ cùng gia đình.
Nghệ sĩ Diệu Hiền đã tham gia các đoàn hát như Hoa Lan - Xuân Liễu, Thống nhất, Kim Chung, Hương Tràm, Tháp Mười, Sài Gòn 2, Phước Chung,...
Nghệ sĩ Diệu Hiền đã diễn để lại ấn tượng trên sân khấu cải lương trong những vở tuồng: Nhụy Kiều tướng quân, Nữ tướng cờ đào, Người nhện xám,Thoại Khanh Châu Tuấn
Nghệ sĩ Diệu Hiền từng được diễn chung với hầu hết các nghệ sĩ có tên tuổi như Út Trà Ôn, Thanh Hải , Minh Cảnh, Tấn Tài , Út Hiền, Minh phụng, Minh Vương, Hoài Thanh, cùng với sự may mắn của mình, bà đã được những bậc thầy của cải lương truyền dạy như Bảy Nhiêu, Năm Châu, Ba Vân, Phùng Há, Tám Vân, Hoàng Nô, Út Trà Ôn, Hoàng Giang,...
Năm 2001, ngày Út Hậu sắp từ trần, nữ nghệ sĩ Diệu Hiền và các nghệ sĩ như Thanh Tuấn, Thanh Phú, Quốc Trầm, Hề Sa … có đến thăm. Diệu Hiền uống một chung rượu rồi ca bài Tần Quỳnh Khóc Bạn để tiễn đưa người chồng vừa thương vừa hận của mình sang bên kia thế giới.
Diệu Hiền đúng là một tài năng rất lạ. có chất giọng sang sảng, ca rất mạnh mẽ, hào hùng, cho nên Diệu Hiền chuyên đóng kép võ. Nhưng dù có ca mạnh mẽ tới đâu thì Diệu Hiền vẫn đem tới sự ngọt ngào, rung động cho khán giả, chứ không khô khan, võ biền. Diệu Hiền ca bài võ mà người ta khóc mới hay. Bài Tần Quỳnh khóc bạn là câu chuyện kết nghĩa giữa Tần Quỳnh, La Thành và Đơn Hùng Tín, sau đó La Thành xử trảm Đơn Hùng Tín, khiến Tần Quỳnh đau đớn vì nghĩa đệ huynh. Bài soạn giả Viễn Châu viết cho giọng nam nghệ sĩ Thanh Hải ca, nhưng Diệu Hiền lại dám hát giọng nữ, vậy mà khán giả không hề thấy lượng sượng tí nào, lại còn mê mẩn, nghẹn ngào. Người sành vọng cổ sẽ thấy những nhấn nhá và rung ngân của Diệu Hiền khiến người nghe sởn cả gai ốc nhưng “đã” tận ruột gan. Tác giả Viễn Châu đi nghe ở phòng trà, đã tặng cho ca sĩ Diệu Hiền một cành hoa với 500 đồng.
Diệu Hiền tìm niềm vui tuổi già nơi cửa Phật. Từ lâu bà cùng một người con gái tu tại gia và chỉ đứng hát trên sân khấu nhà chùa vào mỗi dịp ngày rằm, đầu tháng.
Hiện nay Diệu Hiền đã sống ở Viện dưỡng lão các nghệ sĩ, dù sức khỏe yếu nhưng Diệu Hiền vẫn hướng dẫn diễn xuất võ thuật cho một số nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ Diệu Hiền tâm sự: "Tôi luôn mong được ra đi theo Phật sớm ngày nào hay ngày ấy. Mọi vinh quang, đau khổ, hạnh phúc ở đời tôi đều đã nếm trải, nên không còn gì để lưu luyến".
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông