Hề Sa - Lê Văn Sa (1941-20 .. ) 

Nghệ sĩ Hề Sa tên thật là Lê Văn Sa, sinh năm 1941 tại Long Bình, huyện Thủ Đức nay là quận 9, Tp. HCM. 

Khi được 18 tuổi, Hề Sa đã đi hát cho đoàn Tiếng Vang Thủ Đô, sau đó anh được ông Bầu Ba Bản mời về đoàn hát Thủ Đô, hát thế vai cho quái kiệt Bảy Xê. Hề Sa hát chung với cặp đào kép chánh Tấn Tài, Trương Ánh Loan. Theo lời Hề Sa kể thì chính ông bầu Ba Bản đặt tên Hề Sa cho anh, ông lấy cái tên Sa, rồi thêm chữ Hề vô. Hề Sa, cái tên thật gọn, thật ngắn, khác với lối đặt tên xưa nay của nghệ sĩ cải lương. 

Các nghệ sĩ cải lương thường dùng hai chữ thật đẹp, thật kêu để đặt tên mình như Thanh Nga, Thành Được, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Phượng Liên, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Văn Chung, Hương Huyền,… Tên ba chữ thì có Dũng Thanh Lâm, Trương Ánh Loan, Thanh Thanh Hoa, Thanh Kim Huệ, Kiều Phượng 

Loan, Dũng Minh Sang…Cái tên Hề Sa thật ngắn đó khiến cho khán giả chú ý, cộng với lối ca vọng cổ diễu vừa ca vừa nói diễu như vua vọng cổ hài Văn Hường, Hề Sa có một làn hơi sung mãn và kỷ thuật luyến láy riêng nên tạo được một vị trí khả quan trong làng ca vọng cổ hài trong hai thập niên 1960, 1970. 

Năm 1968, Hề Sa được ông bầu Long ký hợp đồng một triệu đồng, về hát cho đoàn Kim Chung, thế vai cho danh ca Văn Hường khi Văn Hường rời Kim Chung để lập gánh hát riêng. 

Trên sân khấu Kim Chung 5, Hề Sa hát chung với các nghệ sĩ Tấn Tài - Mỹ Châu, Lệ Thủy qua các tuồng Bức Họa Da Người, Băng Tuyền Nữ Chúa, Tâm Sự Loài Chim Biển, Đường Minh Hoàng, Tuyệt Tình Nương, Hồng Y Nữ Hiệp. Thời gian nầy, có lúc đoàn Kim Chung 5 lưu diễn miền Trung, hát vài tháng trên đảo Lý Sơn, Cù lao Ré ở Quảng Ngải. 

Trong năm 1968, Hề Sa ký độc quyền thu thanh vọng cổ hài cho hãng dĩa Tứ Hải với những bài hát nổi tiếng: Trời Sanh Trâu Sanh Cỏ, Tôi Đi Làm Rể, Hề Sa Đi Pháp, Hề Sa Cầu Hôn, Lệnh Xé Xác Lệnh Xé Túi… 

Năm 1969, Hề Sa theo đoàn hát Kim Chung sang Pháp biểu diễn. 

Năm 1970, Hề Sa lập gánh hát Sóng - Hề Sa, đoàn hát thường lưu diễn ở các tỉnh miền Trung và Hậu Giang nên thời gian nầy Hề Sa không có dịp thu thanh dĩa vọng cổ hài như trước.Hề Sa lập gánh hát là muốn tạo cho mình một mảnh đất diễn đúng theo sở nguyện của anh vì khi anh là bầu gánh hát, anh có quyền chọn những tuồng hát thích hợp, anh có thể đề nghị soạn giả khai thác thêm nhiều đất diễn và ca cho vai hề và chót hết làm bầu gánh hát, anh sẽ có tiền để tiếp đãi các ký giả kịch trường, tự mình quảng cáo cho tên tuổi danh hề của mình. Nhưng khi vướng vô cái nghiệp làm bầu gánh hát, Hề Sa mới thấy khổ sở vì phải chạy lo cơm áo gạo tiền cho hàng mấy chục diễn viên và công nhân của gánh hát, nào là phải lo quảng cáo, lo điểm diễn, lo bán vé hát, lo lời lổ, lo tiền di chuyển, tiền rạp, tiền thuế vụ…Tiền vô cho gánh hát chỉ có một cửa trước tức là cửa rạp hát với những vé hát bán được hàng suất hát, còn tiền tiêu chi ra thì ông Bầu phải chi ra hàng trăm thứ, từ lương đào kép, đến tiền cơm hội, tiền mua sắm y trang, tranh cảnh, dụng cụ kỷ thuật sân khấu như âm thanh, ánh sáng, tiền xe di chuyển, tiền mướn rạp, mướn phòng ngủ cho đào kép, vân vân và vân vân. 

Cái đầu óc tính toán lời lỗ của người quản lý gánh hát đã làm tê liệt cái duyên hài chọc cười của người nghệ sĩ Hề Sa. Chính Hề Sa đã tự thán. Hề Sa liên tiếp gặt hái được những thành công khi anh đi hát, làm bầu gánh hát cũng tạo được vài dấu ấn đáng kể nhưng cuộc đời riêng, hạnh phúc gia đình không trọn vẹn. Ba lần lập gia đình, ba dòng con, ba lần mang nỗi buồn trong lòng. Anh nói: “Có lẽ thời trẻ tôi lo làm ăn, nghĩ tới sự nghiệp và tiền bạc nhiều quá nên ít quan tâm chăm sóc đến gia đình nên hạnh phúc đến rồi cũng tan biến nhanh. Về nghề nghiệp hát ca thì vì quá bận làm bầu gánh hát, tôi cũng không tiến gì thêm trên lãnh vực ca hát.” 

Sau năm 1975, anh như các bầu gánh hát tư nhân khác, giải tán đoàn hát. Năm 1977 Hề Sa đi hát cho các đoàn hát Trung Hiếu, đoàn Hoa Hồng, đoàn Hồ Thị Hương. Đến năm 1989, Hề Sa tiếp tục sự nghiệp làm bầu gánh hát, đến năm 1995 thì đành trở lại kiếp hát thuê để kiếm sống qua ngày. 

Hề Sa say mê tiếng đàn câu ca, nên già rồi nhưng khi có dịp hát chầu trên sân khấu Đầm Sen hay các tụ điểm văn hóa, Hề Sa cũng ráng đem giọng ca hài để mang nụ cười lại cho khán thính giả, nhưng khó khăn nhất là hiện nay ít có bài vọng cổ hài, viết các điều nhạy cảm như chống tham nhũng thì sợ đụng chạm, mà kiêu ngạo các tật xấu của xã hội thì sợ bị kết tội là bôi đen chế độ, bởi vậy bài ca cũ, đem kiểm duyệt mới lại đàng hoàng, bài nào cho phép ca thì Hề Sa ca diễu cho bà con mua vui, anh cũng kiếm được thu nhập để sống qua ngày. 

 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông