Hoài Thanh (1947-20 .. ) 

Nghệ sĩ Hoài Thanh sanh năm 1947 tại Hóc Môn, quê ngoại ở Trảng Bàng Tây Ninh. Hoài Thanh thích cổ nhạc, tự học ca theo các băng, dĩa nên anh còn yếu về nhịp điệu, nhưng anh có giọng ca thật là truyền cảm, nhờ ca hay và được các nghệ nhân đàn ca tài tử dìu dắt, Hoài Thanh đã được giới thiệu lên Sàigòn biểu diễn tại quán Lệ Liễu. Sau đó, anh gia nhập nhóm tài tử Hai Khuê - Tên một giáo sư của Trường Quốc Gia Âm nhạc Kịch Nghệ Sàigòn. 

Cố nghệ sĩ Phùng Há phát hiện ra tài năng của Hoài Thanh sau một lần xem anh ca vọng cổ trên truyền hình. Bà cho người mời anh đến nhà riêng trên đường Ngô Tùng Châu, nay là đường Lê Thị Riêng, quận 1, Tp. HCM. dạy diễn xuất. Hoài Thanh rất vui vì chưa từng biết diễn xuất là gì, ra sân khấu anh chỉ đứng ca. Trong những buổi học tại đây, Hoài Thanh gặp một cô gái dễ thương tên Đỗ Quyên. Cả hai chú ý đến nhau và còn có duyên khi được nghệ sĩ Phùng Há phân vai đóng cặp trong vở Nắm cơm chan máu. 

Khi anh tham gia cuộc thi tuyển chọn giọng ca vàng vọng cổ thì nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan phát hiện giọng ca lạ của anh, cô giới thiệu cho anh vào làm diễn viên trong đoàn hát. 

Nghệ sĩ Hoài Thanh thật sự nổi danh khi anh thay nghệ sĩ Minh Phụng trong vai Trần Dinh trong tuồng Gánh Cỏ Sông Hàn trên sân khấu đoàn cải lương Hương Mùa Thu. 

Nghệ sĩ Hoài Thanh cộng tác với các đoàn hát Phước Chung, đoàn cải lương Đồng Tháp, đoàn Văn Công, đoàn cải lương Sàigon 2…Anh được khán giả yêu mến qua các vai Bạo Chúa 

Alykha trong tuồng cùng tên, vai Thúc Sinh trong tưồng Kim Vân Kiều, vai Lê Minh trong tuồng Nhụy Kiều Tướng Quân và các vai chánh trong các tuồng Trống Lệnh Vua Hùng, Cô Gái Hát Rong, Nữ Tướng Cờ Đào, Thái Hậu Dương Vân Nga… Nghệ sĩ Hoài Thanh có gương mặt đẹp, vóc dáng cao ráo, giọng ca trầm ấm, khỏe khoắn, khi Hoài Thanh thủ diễn các vai võ tướng, anh biểu hiện được phong cách oai nghi, dũng mãnh của nhân vật nên Hoài Thanh dễ dàng thành công qua các tuồng dã sử, tuồng cổ tích Việt Nam. 

Chuyện tình của Hoài Thanh- Đỗ Quyên không thuận lợi bởi bao gập ghềnh, dâu bể cuộc đời. Năm 1973, đoàn Hương Mùa Thu khai trương vở Người chăn hạc của soạn giả Thu An, Hoài Thanh được mời về đóng kép chính. Đỗ Quyên buồn vì cả hai không có dịp cùng chung sân khấu nhưng không lên tiếng ngăn cản, chỉ hẹn nhau thành danh sẽ tổ chức đám cưới. 

Họ xa nhau biền biệt, Hoài Thanh lập gia đình với Kiều Loan. Đỗ Quyên cũng lập gia đình với Linh Vương, họ có con gái đầu lòng. 

Năm 1983, tình cờ được làm chung bộ phim Ngày tàn bạo chúa, của tác giả Lê Duy Hạnh, Hoài Thanh và Đỗ Quyên gặp lại nhau. Năm 1984, họ cùng đứng chung sân khấu Phước Chung. Hoài Thanh đã ly dị vợ, còn Đỗ Quyên đã chia tay chồng. Tình cũ nghĩa xưa, họ kết nối lại, thành đôi vợ chồng hạnh phúc. Năm 1986, Đỗ Quyên sanh con trai là Nguyễn Quốc Anh Kiệt. 

Nghệ sĩ Hoài Thanh mở lời hàn gắn lại cuộc tình dang dở, hứa sẽ bù đắp cho người tình luôn một lòng chờ đợi mình và Đỗ Quyên đồng ý. Nhờ tình yêu của anh, chị lao vào việc học, phấn đấu trở thành một đạo diễn theo lời dạy của cố nghệ sĩ Phùng Há và Nguyễn Thành Châu. Vì chắp nối, nhà lại nghèo nên họ không tổ chức lễ cưới mà chỉ làm mâm cơm cúng ông bà trước sự chứng kiến của gia đình hai bên. 

Do có con gái định cư ở Úc, nên Hoài Thanh và Đỗ Quyên theo con gái sang Úc sinh sống. Ở Úc Hoài Thanh xin phép chính quyền địa phương thành lập một đoàn hát có tên là Năm Châu, chỉ được hát trong các sự kiện thiện nguyện, không mang mục đích thương mại. Đã thực hiện được ba suất. Suất đầu lấy tiền giúp đỡ một bệnh viện dành cho trẻ em tại Melbourne, kêu gọi được 6.000 đô Australia, tuy không lớn lắm nhưng đó là cái tình của anh em nghệ sĩ. Suất thứ hai, giúp cho nhiều người khiếm thị, khiếm thính. Suất thứ ba, tặng Ban Ái hữu nghệ sĩ ở Tp. HCM. 

Năm 2010, Hoài Thanh và Đỗ Quyên đã làm một liveshow vì sợ sau này già hơn, họ sẽ không còn đủ sức. Nay lớn tuổi rồi, họ muốn lui về hậu trường, nhường sân khấu cho các nghệ sĩ trẻ. 

Mỗi năm vào dịp Tết, Hoài Thanh và Đỗ Quyên về lại Việt Nam thăm gia đình và bạn bè sân khấu. 


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông