Hoài Trúc Phương - Dương Trúc Phương (1943-2014)
Nghệ sĩ Hoài Trúc Phương tên thật là Dương Trúc Phương, sinh năm 1943, tại Rạch Giá, Kiên Giang, là con thứ năm trong một gia đình có năm chị em, cha người Quảng Đông – Trung Quốc sang lập nghiệp ở Rạch Giá, mẹ là người Việt Nam.
Gia đình ông có tiệm bán hủ tiếu lớn kế bên rạp hát Châu Văn, Rạch Giá, ông có ba chị gái. Vốn mê đờn ca tài tử lại được đình ủng hộ vì có giọng ca hay, Hoài Trúc Phương đã tham gia biểu diễn ở các đám tiệc và cho đến năm lên 14 tuổi ông đã xin cha nghỉ học để đi theo gánh hát.
Duyên may đưa Hoài Trúc Phương đến với sân khấu chính là một lần nghệ sĩ Hoàng Nuôi là chồng của nghệ sĩ Bạch Cúc, đến ăn hủ tiếu ở quán nhà của ông, người nghệ sĩ này đã nhận ông làm đệ tử, rồi xin dẫn ông vô đoàn hát.
Nhờ có người cha thương và quý nghiệp hát, nên những lúc đoàn hát nào về Rạch Giá mà lâm vào cảnh khó khăn, không đủ tiền mua gạo ăn, cha của ông đã tiếp tế lương thực, tiền bạc để nuôi các đoàn.
Sau 6 năm học nghề để thích nghi với môi trường mới, năm 1964 Trúc Phương đã gặt hái được những thành công với vai diễn ấn tượng đầu tiên là Thanh Sơn trong vở Máu chảy về tim ở đoàn Thúy Lan - Mỹ Ngọc.
Các ký giả kịch trường thời đó viết bài khen Hoài Trúc Phương, gọi anh là ngôi sao mới vừa được phát hiện, sáng chói trên nền trời kịch nghệ miền Tây. Vì anh ca diễn rất nam tính, có khí chất khẳng khái nên vào những vai hiên ngang, hùng dũng, giọng ca sang sảng rất khí thế trên sàn diễn.
Sau những lời khen tặng của báo chí thời đó, Hoài Trúc Phương đã vững vàng tiến lên những vai kép chánh, nghĩa khí như chính bản tính của ông ngoài đời.
Hoài Trúc Phương được ông bầu Ba Bản mời về hát ở đoàn Thủ Đô và đặt nghệ danh cho anh là Hoài Trúc Phương. Lúc đó, đoàn này là một đại ban, có những đào kép rất nổi tiếng như: Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Trương Ánh Loan, Tô Kim Hồng, Tô Kiều Lan, Như Ngọc...và sau đó Hoài Trúc Phương lọt vào mắt Bầu Long của công ty Bầu Long, nên bầu Long đã mời về ký giao kèo hai năm với số tiền 200.000 đồng và trả lương cao gấp 5 lần lương của anh lúc hát ở đoàn Thúy Loan - Mỹ Ngọc cách đó 2 năm. Khi về đoàn Kim Chung 1 rồi qua đoàn 3, đoàn 5, Hoài Trúc Phương đã hát chánh với các cô đào: Bích Hợp, Kim Chung, Kim Tuyến...và nữ nghệ sĩ Kim Tuyến chính là người vợ đầu tiên của anh. Khi anh về đoàn Thái Dương, anh tiếp tục hát chánh, chia vai với nghệ sĩ Thành Được, Thanh Hải, Văn Chung...vai nào cũng được khán giả yêu mến. Cái tâm làm nghề của Hoài Trúc Phương rất tốt. Lúc nào cũng tận tụy, kính trên, nhường dưới, chưa bao giờ quát nạt một ai.
Năm 1972, Kim Tuyến ly dị Hoàng Trúc Phương, họ có với nhau một người con trai là Nguyễn Đường Huy tức Andrew Nguyễn.
Sau năm 1975, Hoài Trúc Phương về công tác tại đoàn Sân khấu Mới cùng với lực lương nghệ sĩ về sau lập nên đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long: Thanh Bạch, Thanh Thế, Hữu Lợi, Bạch Mai... Ở đoàn này, anh thường đảm nhận các vai kép văn.
Đến năm 1976, Hoài Trúc Phương cộng tác với đoàn cải lương Hoa Phượng, hát cặp với nghệ sĩ Thanh Thế và tại đoàn này anh gặp "tình yêu đời mình" là nghệ sĩ Diệu Huê, họ đã gá nghĩa vợ chồng. Khoảng năm 1978, nhờ có lối ca chân phương gần giống với nghệ sĩ Thành Được, nghệ sĩ Trúc Phương được đoàn Sàigòn 1 mời về diễn. Tại sân khấu này, Hoài Trúc Phương nhanh chóng nổi bật khi diễn với các nữ nghệ sĩ: Ngọc Giàu, Phượng Liên, Thanh Thanh Hoa... trong vở Mạnh Lệ Quân vai Hoàng Phủ Thiếu Hoa, vở Bình Tây Đại nguyên soái vai Trương Quyền, Đời cô Lựu vai Hai Thành... Hoài Trúc
Phương cộng tác một thời gian ngắn với đoàn Vàm Cỏ, Trung Hiếu... từ năm 1985 đến 1989 anh gắn bó với đoàn Thanh Nga, đoàn có các nghệ sĩ: Bảo Quốc, Kiều Phượng Loan, Diệu Huê, Thanh Thanh Hoa, Hương Huyền, Tuấn Châu... Trên sân khấu này ông có thêm những vai ấn tượng. Năm 1989, nghệ sĩ Hoài Trúc Phương nghỉ đoàn Thanh Nga, ra ngoài làm kinh tế, làm ở phòng kinh doanh và có thời gian làm Phó tổng giám đốc Công ty sản xuất khăn giấy vệ sinh của Đài Loan. Làm được 5 năm, công ty này chuyển về Bình Dương, ông xin nghỉ việc vì nếu đi làm xa, buổi tối không thể đi diễn trên sân khấu.
Hoài Trúc Phương với Diệu Huệ trong vở tuồng “Chất ngọc không tan”
Hoài Trúc Phương xuất ngoại biểu diễn hai lần tại Mỹ, đó là năm 2006 ông biểu diễn ca cổ với Tiểu Phụng bài Tình cha như núi Thái Sơn của soạn giả Viễn Châu và năm 2008 đóng vai Quốc Nghi cha nàng Quốc Hương do ca sĩ Hương Lan đóng trong vở Tiếng trống sang canh cùng Thanh Sang, Giang Châu, Hoài Thanh, Đỗ Quyên, Phú Quý, Bình Trang...được khán giả kiều bào yêu thích.
Trong sự nghiệp của nghệ sĩ Hoài Trúc Phương có nhiều vai diễn thành công như: Bạch Vệ trong vở Quán trọ hoàng hôn, Võ Đông Sơ trong vở Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Yên Lang trong vở Manh áo quê nghèo, Từ Hải trong vở Thúy Kiều, Nùng Cao trong vở Người mang sông núi, Vũ Trường Giang trong vở Cô gái bán gươm, Lý Đạo Thành trong vở Nhiếp chính Ỷ Lan, ông Tám trong vở Máu thắm đồng Nọc Nạn, Henri Thọ trong vở Trận tuyến thầm lặng, quan thượng thư trong vở Truyền thuyết tình yêu, đại úy ngụy trong vở Áng ngọc đêm xuân... Gần đây nhất, ông tham gia trong bộ phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực vai thầy dạy võ của Nguyễn Trung Trực và Bình Tây Đại nguyên soái vai Phan Thanh Giản và cùng v ợ l à nghệ sĩ Diệu Huê đóng vai vợ chồng ông bá hộ trong vở Chất ngọc không tan do kênh Thuần Việt HTVC và Mekong Artists thực hiện tại Nhà hát Thành Phố. Đây là vai diễn cuối cùng của ông.
Người con trai của Hoài Trúc Phương và Kim Tuyến, từ nhiều năm trước đã chăm sóc cha khi bệnh tật hoành hành cơ thể của ông. Anh đã xây căn nhà ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An trên nền đất nhà, để ông an dưỡng tuổi già.
Khi con trai Hoài Trúc Phương qua đời vì bạo bệnh, ông xuống tinh thần rất nhanh. Sau đó, Hoài Trúc Phương đã dần hồi phục, để rồi lại phải đối chọi với căn bệnh ung thư quái ác, cướp đi sinh mạng của ông.
Nghệ sĩ Hoài Trúc Phương, đã để lại cho đời nhiều vai diễn hay, nhiều số phận nhân vật đáng nể. Ông có giọng ca trầm ấm, khỏe khoắn và diễn những vai kép độc mùi, rất khẳng khái, chiếm được cảm tình người xem.
Hoài Trúc Phương đã trút hơi thở cuối cùng lúc 14 giờ 40 phút ngày 19-8-2014 tại nhà riêng số 320 khu 6, ấp 2, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, Long An, Tp.HCM, hưởng thọ 72 tuổi. Tang lễ của nghệ sĩ Hoài Trúc Phương tổ chức tại nhà, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa và đưa hài cốt vào chùa Bửu Quang.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông