Hoàng Giang – Hồ Ngọc Giang (1922-2002)

Nghệ sĩ Hoàng Giang tên thật là Hồ Ngọc Giang, sinh ngày 07 tháng 04 năm 1922 tại Mỹ Tho, nay là Tiền Giang. Hoàng Giang theo gánh hát lúc mới có 13 tuổi. Hồi đó Hoàng Giang rất mê coi hát, khi gánh hát về hát ở rạp Thầy Năm Tú bên chợ Mỹ Tho, ông xin đánh trống quảng cáo trước rạp để được vô coi hát khỏi tốn tiền.

Sau đó ông đi theo gánh hát luôn, vừa làm quân chạy hiệu, đánh trống quảng cáo, vừa luyện ca, học hát. Năm 15 tuổi, Hoàng Giang đã được ra sân khấu hát vai kép phụ. Trong những năm 1953-1955, khi hát ở Đoàn Thanh Minh, Hoàng Giang kết hôn với nữ nghệ sĩ Ngọc Chúng, cùng là diễn viên của đoàn Thanh Minh , Kép độc Hoàng Hải là người có sắc vóc và lối ca diễn giống hệt Hoàng Giang ,là con của hai nghệ sĩ Hoàng Giang và Ngọc Chúng, Hoàng Hải mất tại Mỹ trong tai nạn Ôtô.

Cuối năm 1953, đoàn Thanh Minh chỉ có kép ca Năm Nghĩa và Út Nhị nhưng với kép độc lẳng Hoàng Giang, ba vở tuồng Đồ Bàn Di Hận, Biên Thùy Nổi Sóng và vở Tình Tráng Sĩ trở thành ba vở tuồng ăn khách nhất của đoàn Thanh Minh.

Năm 1956, 4 nghệ sĩ Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao và Thúy Nga rời đoàn Thanh minh, ra thành lập gánh hát Kim Thanh – Ut Trà Ôn, nghệ sĩ Hoàng Giang được mời về , thủ vai kép độc trong các tuồng Trăng Nước Lam Giang, Tiếng Nhạc Rừng Xanh

Năm 1956, báo Tiếng Dội của ký giả Trần Tấn Quốc mở mục trưng cầu ý kiến độc giả bình chọn các nghệ sĩ sân khấu cải lương:

– Nghệ sĩ Út Trà Ôn được bình chọn là Đệ Nhứt danh ca vọng cổ nam. 

– Nghệ sĩ Thanh Hương được chọn là Đệ Nhứt nữ danh ca vọng cổ. 

– Nghệ sĩ Nghệ sĩ Ns Hoàng Giang được bình chọn là Đệ Nhứt kép lẳng độc nam.

- Nghệ sĩ Như Ngọc (vợ của danh ca Tấn Tài) được bình chọn Đệ nhứt đào lẳng độc nữ.

Trong những năm 1957, 1958, trên sân khấu Thanh Minh của Bầu Nghĩa, nghệ sĩ Hoàng Giang đã có những vai diễn để đời qua các vai độc trong các tuồng như Hồi Trống Văn Lâu, Áo gấm khôi Nguyên, Cầu Gổ Hoàng Mai Thôn, Nhan Sắc Phi Tần, Nẻo tắt Hoành Sơn, Núi Liểu Sông Bằng ..

Năm 1960 Hoàng Giang cùng với danh ca Út Trà Ôn về công tác với đoàn Thủ đô của bầu Ba Bản, thành công rực rở trong vai vua Lê Long Đỉnh tuồng Tiếng Trống Sang Canh, vai Nguyễn Cang tuồng Chiếc Áo Ân Tình.

Năm 1962 Hoàng Giang lại hợp tác với Út Trà Ôn thành lập gánh hát Thống Nhứt và thành công vang dội qua tuồng Mắt em là bể oan cừu

Năm 1962 Hoàng Giang kết hôn với nữ nghệ sĩ Kim Giác. sau khi kết hôn với Kim Giác, Hoàng Giang về cộng tác với gánh hát Hương Mùa Thu. Hoàng Giang và Kim Giác là đôi vợ chồng gắn bó với nhau hạnh phúc cho đến ngày Hoàng Giang mất.

Sau đó nghệ sĩ Hoàng Giang trở về cộng tác với đoàn Thanh Minh Thanh Nga, ông có mặt trong hầu hết các vở tuồng xã hội nổi tiếng của đoàn như tuồng Đêm Vĩnh Biệt, Đôi Mắt Người Xưa, Bóng Chim Tăm Cá, Yêu Trong Hoàng Hôn, Người Tình Của Biển, Bọt Biển, Tình Xuân Muôn Tuổi, Hoa đồng Cỏ Nội , Vàng Sáu Bạc Mười, Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Hoa Mộc Lan ….

Sau năm 1975, Hoàng Giang hát đoàn cải lương Thanh Minh , Hoàng Giang hát thành công qua các tuồng: Tiếng Trống Mê Linh, Bên Cầu Dệt Lụa..sau đó hát cho đoàn Văn Công, đoàn Trần Hữu Trang. Năm 1993 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

Do tuổi già với căn bệnh tim mạch, huyết áp nhiều năm, chiều 3-11-2002 Nghệ sĩ Hoàng Giang đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở quận Tân Bình, Tp.HCM, thọ 80 tuổi.An táng tại nghĩa trang nghệ sĩ tại Gò Vấp.

Nghệ sĩ Hoàng Giang mất, sân khấu cải lương mất một nghệ sĩ mà tài nghệ diễn xuất được đánh giá là bậc thầy, cố nghệ sĩ Hoàng Giang đã để lại những vai tuồng để đời và nhiều đệ tử thành danh khi học theo lối diễn của anh như Hoàng Hải, Chí Hiếu. Hoàng Liêm, Hoàng Long…


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông