Hùng Minh - Nguyễn Ngọc Minh (1938-20.. )

Nghệ sĩ Hùng Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sanh năm 1938 tại huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, học sinh trường dòng Saint Joseph Mỹ Tho. Khi cha mất, Minh theo mẹ về Saigon, cư ngụ ở quận 4.

Năm 1954, đoàn hát Thái Bình của ông Bầu Thới hát tại đình Lý Nhơn, quận tư, Minh xin theo học hát, được bầu Thới thu nhận. Minh theo đoàn Thái Bình tại rạp hát Phan Rang được 10 hôm, chỉ được làm quân sĩ ra sân khấu vài lần thì đoàn Thái Bình trở về Saigon vì nội bộ lủng củng. Đoàn hát Thái Bình ngưng hoạt động, xác gánh để ở đình Tân An Dakao, Minh và một số nghệ sĩ không nhà phải ở tạm trú trong đình.

Đây là giai đoạn bần khổ nhất của Minh khi bỏ nhà trốn theo gánh hát. Gánh hát rã, không dám trở về gia đình, không có nghề nghiệp gì khác, Minh đành sống lang thang bửa đói bửa no với các bạn vệ sĩ trong Đoàn. Sau đó, Minh đã cùng các bạn đến gánh hát Ánh Sáng của Bầu Tập để xin theo học hát. Các bạn của Minh thì được vào Đoàn hát, riêng Minh không được nhận, đành trở về đình Tân An tạm trú.

Lần khác Minh xin gia nhập gánh hát Phát Thanh của bầu Ba Tẹt hát ở Lái Thiêu, người giới thiệu với ông Bầu Ba Tẹt, nói Minh là kép chánh của một đoàn hát tỉnh. Minh được nhận ngay nhưng khi ông bầu Ba Tẹt giao cho một vai tuồng hát chánh, Minh không biết ca không biết hát nên đang đêm phải bỏ gánh hát trốn, lội bộ từ Lái Thiêu trở về đình Tân An, Dakao.

Nghệ sĩ Nam Sơn biết hoàn cảnh khốn khổ của Minh, nhận Minh làm con nuôi, dẫn theo gánh hát Bầu Tập, dạy cho Minh hát và đặt cho nghệ danh là Hoàng Bé..

Năm 1957, Hoàng Bé gia nhập gánh hát Đuốc Việt của Bầu Hơn, được sự giúp đở của các nghệ sĩ Thanh Cao, Trường Xuân, Tuấn Sĩ, Lệ Thẩm và Ngọc An nên dần dần Hoàng Bé hát được những vai nhỏ trên sân khấu. Khi nghệ sĩ chuyên đóng vai kép lão mùi Hoàng Sâm rời đoàn hát Đuốc Việt, soạn giả Thanh Cao giao cho Hoàng Bé thế vai của Hoàng Sâm. Hoàng Bé hát thành công, được soạn giả Thanh Cao đổi nghệ danh Hoàng Bé thành nghệ sĩ Hùng Minh được sử dụng đến ngày nay.

Dưới sự truyền nghề tậm tâm của nghệ sĩ Thanh Cao và sự giúp đỡ của các nghệ sĩ Trường Xuân, Tuấn Sĩ và Ngọc An, Hùng Minh hát thành công trong nhiều tuồng: Cô Gái Áo Vàng, Hận Cường Quyền, Trộm Mắt Phật, Cây Đèn Thần, Phùng Lộc giả gái….

Đoàn Đuốc Việt - Bầu Hơn, chồng của nữ nghệ sĩ Ngọc An là hậu thân của đoàn hát Tiếng Chuông Bầu Cang, đã hai lần đổi bảng hiệu thành đoàn Hương Giang và đoàn Bích Sơn - Ngọc An nhưng đến năm 1959 thì rã gánh. Nghệ sĩ Ba Khuê sau khi tách rời đoàn Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao, cùng với vợ là nữ nghệ sĩ Ái Hữu thành lập gánh hát Hữu Tâm.

Ông Bầu Khuê, chủ nhân gát hát Hữu Tâm mời Hùng Minh về làm kép với một mức lương tương đối khá kèm theo một số tiền giao kèo. Hùng Minh được giao hát đủ loại vai tuồng: kép mùi, kép độc, lão. Nhờ cố gắng diễn các loại vai đó, Hùng Minh có dịp diễn qua các tuồng Ngã Ba Đường Hạnh Phúc, Tiếng Thét Giữa Điện Vàng, Nắm Cơm Chan Máu, Lòng Người Mặt Thú, Gió Hú Đồi Ma, Phương Dung Ca Kỹ, Nó là Con Tôi…

Sau 5 năm học nghệ, Hùng Minh được tặng huy chương vàng Giải Thanh Tâm năm 1959 qua vai Hoa Lộc Trung trong tuồng Nó là Con Tôi .

Trong buổi nhận giải thưởng, Hùng Minh hát chung với Thanh Nga huy chương vàng năm 1958 vở tuồng Bên Bờ Suối Mộng. Lễ phát giải được tổ chức tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon.

Năm 1960, nghệ sĩ Hùng Minh được đoàn hát Song Kiều Thúy Nga mời về hát với một số tiền lương và giao kèo tăng lên.

Năm 1961, Hùng Minh cộng tác với đoàn hát Thanh Hương - Văn Chung. Năm 1962, Hùng Minh lấy Thanh Hương, đoàn hát Thanh Hương - Văn Chung được ông Bầu Hai Lợi mua lại, đổi bảng hiệu thành đoàn Thi ca vũ nhạc kịch Trâm Vàng.

Đến giữa năm 1963, cặp nghệ sĩ tài danh Thanh Hương và Hùng Minh tách ra, thành lập đoàn hát Thanh Hương – Hùng Minh, quy tụ nhiều soạn giả hữu danh, nhiều diễn viên tên tuổi nên đoàn hát Thanh Hương – Hùng Minh thu hút được đông đảo khán giả trong 10 năm liên tục.

Ngày 18 tháng 4 năm 1974, nữ nghệ sĩ Thanh Hương qua đời vì một ca sinh nở khó khăn nên sau đó đoàn hát Thanh Hương – Hùng Minh rã gánh.

Năm 1975, Hùng Minh nguôi ngoai nỗi buồn, vừa gia nhập đoàn hát Tiếng Hát Dân Tộc thì đến ngày 30 tháng 4, mọi gánh hát đều phải ngưng hoạt động, chờ lịnh chánh quyền mới. Hùng Minh được bố trí về đoàn hát tập thể Thanh Minh.

Nghệ sĩ Hùng Minh cao ráo, đẹp trai, diễn xuất tinh tế, anh biết nghiên cứu tâm lý nhân vật từng vai, có kinh nghiệm diễn nhiều loại vai từ kép mùi, kép độc và vai hề nên trên sân khấu Thanh Minh, Hùng Minh hát thành công qua nhiều vai trong các tuồng Tấm Lòng của Biển, Tiếng Trống Mê Linh, Bên Cầu Dệt Lụa, Thái Hậu Dương Vân Nga….

Ba năm trên sân khấu Thanh Minh, nghệ sĩ Hùng Minh đã khẳng định được vị trí một kép quan trọng trong đoàn hát, anh đinh ninh sẽ chấm dứt những ngày phải long đong thay đổi liên tục nhiều đoàn hát như trước kia nhưng rồi ngày 26 tháng 11 năm 1978, nữ nghệ sĩ Thanh Nga và chồng cô bị sát hại, gánh hát Thanh Minh như một con thuyền giữa phong ba bão tố, Hùng Minh vẫn cố gắng cùng với những nghệ sĩ còn lại lo bảo đảm cho đoàn hát Thanh Minh tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Nghệ sĩ Hùng Minh hát thêm hai tuồng: Bóng Tối và ánh Sáng, Sau Ngày cưới…

Năm 1980, đoàn Thanh Minh được tập thể hóa, đổi bảng hiệu là đoàn hát Thanh Nga, nghệ sĩ Hùng Minh cũng được cấp trên điều động về đoàn hát Văn Công. Tại sân khấu nầy anh hát các tuồng Tiếng sóng Rạch Gầm, Tâm Sự Ngọc Hân, Muôn dặm vì chồng, Nàng Hai Bến Nghé, Dòng sông đầm lầy. Mùa Thu trên non cao, Khúc hát đoạn tình…

Năm 1989, anh đi hát cho đoàn Sông Bé 2. Năm 1991 anh về cộng tác với đoàn cải lương Saigon 1 cho đến năm 1995, Hùng Minh về nhà nghĩ, anh chỉ tham gia hát thu hình băng vidéo cải lương.

Nghệ sĩ Hùng Minh là một trong nhiều nghệ sĩ là những đứa con nhà nghèo ra đi lập thân, chịu khổ chịu đói kém trong đầu thập niên 50 để đeo đuổi theo các gánh hát để học hát. Với một tinh thần kiên trì, gian lao đói nghèo không hề làm cho anh chùng bước. Nghệ sĩ Hùng Minh với năm mươi năm trên sân khấu, đã hát không dưới một trăm tuồng hát, nghệ sĩ Hùng Minh được kể là một nghệ sĩ có tay nghề vững vàng trong hàng các nghệ sĩ cải lương tài danh của các thập niên 50, 60, 70.

Cuộc đời Hùng Minh phải đi thuê nhà ở, xưa kia từ chợ Bàn Cờ tại quận 3, Tp. HCM. cho đến nay đã chuyển qua không biết bao nhiêu căn nhà thuê, phòng trọ vẫn chưa có ngôi nhà che mái ấm gia đình.


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông