Hữu Phước – Henry Trần Quang (1932-1997)

Nghệ sĩ Hữu Phước tên thật là Henry Trần Quang, sanh năm 1932 tại quận Châu Thành tỉnh Sóc Trăng. Thân phụ là Trưởng tòa Trần Quang Cảnh, nhạc sĩ cổ nhạc đờn vĩ cầm, thân mẫu là bà Tám Kiều, một nữ nghệ sĩ trong gánh hát Thầy Thuốc Minh ở Sóc Trăng.

Hữu Lương, tức nhạc sĩ Mười Lương, chồng của nữ danh ca Năm Cần Thơ, dạy ca và đặt cho nghệ danh Hữu Phước.

Nhạc sĩ Mười Lương dẫn Hữu Phước đến quán ca nhạc Họa Mi của cô Năm Cần Thơ để ca vọng cổ và cổ nhạc. Hữu Phước đã ru hồn biết bao khách mộ điệu và được chủ của các hãng dĩa Hoành Sơn, Hồng Hoa, Tứ Hải tranh nhau mời thu dĩa hát.

Tháng 2 năm 1955 Hữu Phước thành lập gia đình, cuộc đời nghệ sĩ rẽ sang con đường mới. Nhạc sĩ Hai Ngưu dẫn ông lên Đà Lạt tìm cách tiến thân. Trên miền Tây Nguyên Đà Lạt, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hai Ngưu, Hữu Phước diện kiến ông Phan Văn Bản tức Ba Bản, bầu gánh Thủ Đô, chủ hãng dĩa Hoành Sơn. Ông Ba Bản thu nhận Hữu Phước với chức vụ thư ký riêng và phụ trách kỹ thuật thu âm. Một tháng sau, ông chủ hãng dĩa Hoành Sơn ra lệnh Hữu Phước ca thử giọng. Ông chủ ngồi lắng nghe. Nghe xong, ông chủ phán một câu ngắn ngủi:

- Thằng này có tài.

Lời ông chủ hãng dĩa phán, tương tự như lời một ông vua khen thưởng quần thần. Con đường công danh từ đây có dịp thăng tiến, thăng tiến đến mức tột đỉnh sự nghiệp. Ban giám đốc hãng dĩa Hoành Sơn cho ông hát 20 câu Vọng Cổ thu vào dĩa nhựa, loại dĩa quay 78 vòng. Bài Vọng Cổ tựa đề Mặt trận ái tình của Thu An và bà bầu Ba Bản viết chung.

Hữu Phước nổi danh qua các dĩa hát tiếp theo như dĩa Tình Huynh Đệ và bộ dĩa Tỉnh Mộng, dĩa Đội Gạo Đường Xa, Gánh Nước Đêm Trăng, Tàu Đêm Năm Cũ, Đời Vũ Nữ, Tình Là Giây Oan của các tác giả Viễn Châu, Kiên Giang, Quy Sắc làm tăng thêm danh tiếng của danh ca Hữu Phước.

Danh vị trong làng dĩa nhựa của Hữu Phước lên cao, vượt qua các danh ca cùng thời ... Hữu Phước có giọng ca thật rõ ràng, âm sắc đẹp, đậm chất bi ai, nghe sâu lắng mượt mà. Giọng ngâm thơ ngọt như mật, êm như nhung như tơ.

Hữu Phước có biệt tài sắp chữ ca, làm nổi bật từng ý từng lời, anh ca vuốt nhẹ khi đến chữ Hò vô vọng cổ, tiếng ca như quyện chặt vào tiếng đàn, nghe thật êm tai, thật mùi.

Trong lòng câu ca, với một làn hơi dài, Hữu Phước chạy lả lướt với tốc độ ca dồn chữ, từng đợt từng đợt như những lượn sóng triền miên xô đưổi nhau, một kỹ thuật ca khiến cho người nghe có cảm giác là Hữu Phước bất chấp cả nhịp nhàng, bất chấp trường canh. Khán giả luôn e sợ Hữu Phước sẽ hụt hơi hoặc ca rớt, nhưng không, trăm lần như một, khi đến dứt câu ca thì Hữu Phước dứt câu rất đúng nhịp và còn có một làn hơi ngân dài, nhỏ dần, nhỏ dần rồi như tan biến vào không gian vô tận.

Lối ca của Hữu Phước không chỉ là một kỹ thuật ca điêu luyện, nhịp nhàng vững chắc mà còn có khả năng chuyển tải nội dung bài ca một cách xúc động nhất đến cho khán giả thưởng thức.

Cuối năm 1955, Hữu Phước trở lại Sài Gòn, gia nhập gánh hát Kim Thoa do nữ nghệ sĩ Kim Thoa làm bầu. Phải kể đây là lần đầu tiên Hữu Phước lên sân khấu. Đoàn Kim Thoa tập trung các nghệ sĩ Tám Thưa, Năm Nghĩa, Bạch Huệ, Văn Lục. Nấc thang tiến thân ở giai đoạn này để lên sân khấu trước sau gì cũng nhờ ông Ba Bản hướng dẫn. Ông Ba Bản gởi gắm Hữu Phước cho bà Kim Thoa dìu dắt. Ngày khai trương đoàn hát, ngày rất long trọng đối với ông bà bầu lẫn anh em nghệ sĩ, thành hay bại cũng do ngày khai trương. Đoàn Kim Thoa trình diễn vở tuồng Lấp sông Gianh của soạn giả Kinh Luân. Nghệ sĩ đang hứng khởi diễn màn đầu, khán giả đang nín thở theo dõi những tình tiết éo le của vở kịch, thì bỗng đâu một trái lựu đạn chẳng biết do ai chủ trương, do ai đích thân ném lên sân khấu gây ra tiếng nổ "kinh thiên động địa". Nghệ sĩ nằm la liệt, đèn tắt tối thui, máu chảy linh láng từ sàn sân khấu xuống giàn đờn. Tiếng la hét, tiếng cầu cứu vang dội, khán giả đạp lên nhau chạy thoát ra ngoài, hú hồn hú vía. Nghệ sĩ Phước Cương, người "khai quang điểm nhãn", cầm cây son đầu tiên vẽ mặt, dạy Hữu Phước hóa trang, chết lúc 4 giờ sáng. Ông Nguyễn Phước Cương là thân phụ nữ kịch sĩ Kim Cương, soạn giả Nguyễn Huỳnh, tên thật là Nguyễn Huỳnh Phước, chồng nữ nghệ sĩ Hoài Dung bị thương nặng. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Mai tắt thở tại chỗ. Kịch sĩ Duy Lân cụt một chân, ông Bảy Xê, cô Kim Thoa bị thương nhẹ.

Đoàn ăn nguyên một trái lựu đạn "ngọt sớt". Nhưng nghiệp vẫn là nghiệp. Bà Kim Thoa không chịu thua định mệnh, cắm đầu cắm cổ chạy vay nợ, tái lập gánh Kim Thoa. Lần ra quân kỳ này, đoàn gom góp một số nghệ sĩ trung thành còn lại gồm các nghệ sĩ: Hữu Phước, Văn Sa Văn Sa về sau tàn tạ tên tuổi, đi làm cận vệ cho ông bầu Xuân, chủ nhân đoàn Dạ Lý Hương. Từ Anh, Văn Lang, trước kia thuộc loại kép đẹp đoàn Việt Kịch Năm Châu, Hai Tiền, cô Ngọc Lợi là vợ lớn soạn giả Nguyễn Huỳnh, Hề Minh. Đoàn Kim Thoa trôi giạt xuống các tỉnh ở miền Tây, càng hát càng lỗ vốn. Nhằm tháng 7, tháng 8, trời mưa dầm dề suốt tuần lễ, đoàn ế khách, bầu và nghệ sĩ đói lã ruột. Sau hết, định mệnh vẫn là định mệnh, đoàn Kim Thoa ngã gục trước tình hình ế ẩm, nợ chồng chất, làm một buổi tiệc đơn giản chia tay và cũng để vĩnh biệt nhau. Đoàn rã gánh tại tỉnh lỵ Gò Công.

Hữu Phước ôm rương son phấn lên Sàigon tiếp tục hát cho Đài Pháp Á. Ngày 9-5-1956, vợ ông hạ sinh đứa con đầu lòng tại Hòa Hưng, Sàigòn, được đặt tên con gái cưng, Trần Thị Ngọc Ánh. Sau nầy là nghệ sĩ Hương Lan.

Út Bạch Lan chính là người tiến cử, giới thiệu anh Hữu Phước trở lại sân khấu lần thứ nhì gia nhập đoàn Thanh Minh, sau khi đoàn Kim Thoa rã gánh. Hữu Phước được dịp may, đang lúc đoàn Thanh Minh tập vở Đứa con hai giòng máu của soạn giả Lê Khanh, đúng hai tuần nữa sẽ khai trương. Kép chánh của đoàn là Út Nhị tự nhiên dở chứng, bỏ tuồng ngang. 

Năm Nghĩa chọn Hữu Phước thế kép Út Nhị. Hữu Phước đóng vai Văn Khiết, còn vai đứa cháu là bé Juliette Nga tức Thanh Nga. Đoàn Thanh Minh trình diễn tuồng Đứa con hai giòng máu tại rạp Thành Xương, sau đổi thành rạp Diên Hồng, nằm trên đường Calmette và Phạm Ngũ Lão. Hát đúng 2 tháng, tên tuổi Hữu Phước được khán giả khắp nơi ái mộ.

Mỗi nghệ sĩ tài danh đều lưu lại hậu thế một vai "để đời", trong nghề gọi là vai vàng. Hữu Phước tạo được ba vai "vàng": Vai Lý Anh Huy trong tuồng Tỉnh mộng của Thu An - Phong Anh do đoàn Kim Chưởng trình diễn. Vai Duy Bạt, trong tuồng Gió ngược chiều, do Năm Châu viết phỏng theo một tác phẩm của văn hào Victor Hugo, diễn trên đoàn Thanh Minh, hát chung với Thanh Nga, Bảy Nhiêu, Út Trà Ôn. Vai Cậu Tư Kiên, trong tuồng Con gái chị Hằng của Hà Triều - Hoa Phượng, đoàn Thanh Minh trình diễn. Hữu Phước diễn vai một người cậu của một đứa cháu bất hiếu với mẹ, dạy dỗ cháu nên người, thờ cha kính mẹ. Cậu Tư Kiên sống nghề lái heo, vấn khăn rằn, mặc bộ đồ bà ba đen, có râu mép, quê mùa, bình dị... Vai trò nói lên nỗi đau khổ, hình ảnh đáng kính trọng của một bà mẹ Việt Nam suốt đời tận tụy, hy sinh cho con.

Để diễn sống thực vai cậu Tư Kiên, mỗi buổi sáng khoảng 5 giờ, Hữu Phước chạy xe qua Cầu Chữ Y, đứng trước cửa lò heo Chánh Hưng quan sát những người lái heo, dân thôn quê chở ghe heo lên Sàigòn bán. Quan sát cách mặc, quần áo, hút thuốc rê, tư thế đứng, ngồi, ăn, uống, nói chuyện, cách phát âm giọng miền Tây "rặt". Anh mất 3 tháng thực tập lấy ở nhà, nhìn vô kiếng diễn đúng các động tác thói quen của một người dân quê miền Nam. Đã trên 30 năm, chưa người nghệ sĩ nào có đủ khả năng thay thế Hữu Phước trong vai Cậu Tư Kiên.

Nghề nghiệp Hữu Phước "chín mùi" trên sân khấu Việt Nam, ngoài tài năng, phần lớn nhờ ông Ba Vân, Năm Châu, bà Kim Cúc, bà Phùng Há cố vấn, đạo diễn từng cử chỉ, từng điệu bộ diễn xuất.

Hữu Phước đã được Giải thưởng Thanh Tâm tặng huy chương vàng Diễn Viên xuất sắc nhất năm 1966 qua vai bác sĩ Vũ trong tuồng Đôi mắt người xưa của Nguyễn Phương và Hoàng Thị Nguyệt tức vợ của Tám Vân. Hữu Phước cũng được báo chí kịch trường tặng cho mỹ hiệu Giọng Ca Vàng và là một trong các nghệ sĩ danh ca được các bầu gánh hát, các chũ hãng dĩa ký contrat với số tiền cao nhất.

Sau năm 1975, Hữu Phước có quốc tịch Pháp nên cả gia đình được trở về quê hương Pháp Quốc.

Năm 1986, Hữu Phước quy tụ những nghệ sĩ cải lương đã được định cư ở nước Pháp để mong làm sống lại nghệ thuật cải lương ở hải ngoại, đó là một ý rất hay nhưng không thành công.

Tâm trạng của Hữu Phước có thể đại diện cho tâm trạng của những nghệ sĩ định cư ở hải ngoại : Không có đông đảo khán giả như ở Việt Nam, không có bạn diễn đồng sức đồng tài, không có soạn giả, không tác phẩm mới. Nhịp điệu âm nhạc tân tiến và lối sống văn minh công nghiệp của nước ngoài cũng không phải là môi trường thuận lợi cho nghệ thuật sân khấu cải lương. Tài năng như Hữu Phước và nhiều nghệ sĩ vang bóng một thời ở Việt Nam, đến xứ lạ quê người cũng phải khô cạn dần như con cá mắc cạn chờ chết khô, có vùng vẫy đôi chút trong mòn mõi nhớ thương biển rộng sông dài.

Hữu Phước mất ngày 21 tháng 2 năm 1997 tại Paris. Thọ 65 tuổi.

Khi nhắc đến giọng ca vàng Hữu Phước, các bạn nghệ sĩ cải lương Việt Nam còn nhớ lời đánh giá của học giả Vương Hồng Sển: “Mấy mươi năm trước chưa ai ca vọng cổ hay hơn Hữu Phước, e rằng mấy mươi năm sau cũng chẳng có ai”.


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông