untitled-design-1.png

Huỳnh Thái - Hoàng Đình Thái (1920-1970)

Huỳnh Thái tên thật là Hoàng Đình Thái sinh năm 1920 tại Hà Nội, buổi đầu học hát đã được nhiều người chú ý, được mời lên sân khấu Nhà Hát Lớn diễn kịch giúp việc nghĩa. Đến năm 1935 thì chính thức bước vào nghề, cùng vợ lập gánh hát nhỏ lấy tên là Thái Châu Ban để luyện tập, và đến năm 1937 gia nhập đoàn Ứng Lập Ban thì bắt đầu nổi tiếng. Nhờ có làn hơi thiên phú và lối ca hấp dẫn thu hút người nghe, nên tiếng tăm người nghệ sĩ tuấn tú đã vang dậy một thời.

Người ta còn nhớ vào năm ấy 1941 ở Sàigòn mở hội chợ ở Vườn Ông Thượng còn có tên là vườn Bờ Rô, về sau có tên là Công Viên Tao Đàn. Lúc ấy gánh Ái Liên đang có mặt ở Sàigòn, đã vào hát trong hội chợ, và khai trương vở tuồng màu sắc đầu tiên của đoàn nầy là Huyền Trân Công Chúa, do soạn giả Bảy Muôn viết, dựa theo sử thời Nhà Trần. Cô đào trẻ đẹp Ái Liên đóng vai Công Chúa Huyền Trân và Huỳnh Thái vai Thượng Tướng Trần Khắc Chung. Huỳnh Thái vô vọng cổ khá mùi: Công nương ôi! Đôi phen đối bóng soi gương, thầm than cho duyên số bẻ... bàng. Khán giả trong Nam cũng vỗ tay vang rền, không thua gì lúc đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn vô vọng cổ. Khán giả cải lương rất điệu, nghe vô vọng cổ thì cứ vỗ tay, hay dở tính sau.

Cùng thời với hàng nghệ sĩ tên tuổi miền Bắc như: Kim Chung, Bích Hợp, Ngọc Toàn, Quang Hữu, Phúc Lai... Huỳnh Thái đã trải qua lắm cuộc thăng trầm trong kiếp đời nghệ sĩ. Lúc còn hoạt động ở ngoài Bắc, Huỳnh Thái từng dựng lên một đoàn hát, hợp tác với đào thương Bích Hợp vào thời kỳ khói lửa bao trùm đất nước, thời chiến tranh 1945 – 1954. Rồi thời thế đẩy đưa đoàn hát tan rã, Huỳnh Thái gia nhập đoàn Kim Chung lúc đoàn này vô Nam.

Khoảng cuối năm 1961 thiên hạ đi ngang rạp hát Aristo đã nhìn thấy một cái móng rùa vĩ đại chiếm hết cả mặt tiền rạp hát, vòng lên tới nóc. Hỏi ra thì đây là thời kỳ ăn tập của đoàn

Thăng Long – Huỳnh Thái sắp khai trương. Người ta thắc mắc phải chăng đoàn hát này định lấy móng rùa làm biểu hiệu, để nhắc nhở những gì linh thiêng của đất nước, của lịch sử dân tộc chăng?

Trong thời gian đoàn ăn tập, ban giám đốc đoàn Thăng Long – Huỳnh Thái lại nãy ra sáng kiến phát động quảng cáo rần rộ cho sân khấu mình, bằng cách tổ chức những đại nhạc hội quanh các rạp lớn Đô thành để giới thiệu thành phần đào kép, chủ trương, đường lối của sân khấu mới này.

Đoàn đã bắt đầu mở màn chiến dịch tại rạp Moderne ở Tân Định, sau đó đi qua các rạp khác nữa. Ban ngày tập tuồng, ban đêm đi làm đại nhạc hội, nhóm nghệ sĩ Thăng Long tỏ ra nỗ lực thiết thực để tranh thủ cho cái sống của anh em và quảng cáo mạnh cho bảng hiệu.

Với thành phần nghệ sĩ nửa Nam nửa Bắc, sách lược dung hòa nghệ sĩ Bắc Nam được Huỳnh Thái áp dụng cho chương trình của anh trước nhứt, rồi sau đó người ta thấy mới đến ông Bầu Long chủ nhân các đoàn Kim Chung.

Đoàn Thăng Long – Huỳnh Thái ra đời gây ít nhiều tiếng vang, nhưng “một con én không làm nổi mùa Xuân”, hay móng rùa vô Nam không còn linh thiêng, nên tên bảng hiệu Thăng Long – Huỳnh Thái mờ dần theo năm tháng, chỉ còn lại kỷ niệm trong làng ca kịch.

Về phần Huỳnh Thái thì do biến cố Tết Mậu Thân, cũng cùng chung số phận với bao nhiêu gánh hát khác, đoàn Thăng Long – Huỳnh Thái phải chịu rã gánh, và trong cái cảnh khốn đốn không còn hát xướng đó, ông lại bị bệnh phổi nặng và qua đời năm 1970 trong hoàn cảnh nghèo nàn cơ cực.


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông