41600505335350030334284403398825039892181372n-1706062153650522854188.webp

Kiều Lệ Mai – Parret Thérèse 

Nữ nghệ sĩ Kiều Lệ Mai tên thật là Parret Thérèse, sanh ngày 8 tháng 9 năm 1949 tại tỉnh Long Xuyên. 

Năm 1965 khi cô đi đoàn hát Thủ Đô, ông Bầu Ba Bản đặt cho cô nghệ danh Kiều Lệ Mai. Vở tuồng đầu tiên của Kiều Lệ Mai xuất hiện trên sân khấu Thủ Đô là vở Bao Công xử án Trần Thế Mỹ, vai con của Trần Thế Mỷ. Ở đoàn cải lương Thủ Đô, Kiều Lệ Mai được khán giả tán thưởng qua các vai chánh trong tuồng Lâm Sanh Xuân Nương, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.  Kiều Lệ Mai đã thủ các vai đào chánh trong các tuồng Ao Vũ Cơ Hàn, Máu Nhuộm Sân Chùa, Thần Điêu Đại Hiệp, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Mùa Trên Bạch Mã Sơn, Kiếm Sĩ Dơi, Cô Gái Đồ Long, Hồng Cô Tuyệt Kiếm, Cưới Vợ cho Vua, hát chánh với các diễn viên tài danh như Minh Cảnh, Út Trà On, Thành Được, Thanh Hải, Út Hiền. 

 

Kiều Lệ Mai đã hát cho các đoàn hát Thủ Đô, Minh Cảnh, Hoa Thủy Tiên, Trăng Mùa Thu, Kim Chung, Thanh Minh Thanh Nga, Thái Dương, Tiếng Ca Trung Hiếu, Trần Hữu Trang. 

Trước 1975, Kiều Lệ Mai kết hôn với nghệ sĩ Minh Đức. Họ như đôi chim liền cánh cùng lượn bay trên bầu trời nghệ thuật chung trong một đoàn hát, dù có thay đổi bao nhiêu đoàn hát, Minh Đức và Kiều Lệ Mai vẫn chung vai sát cánh, vui buồn sướng khổ bên nhau. 

Kiều Lệ Mai cùng gia đình định cư tại nước Pháp từ năm 1979 theo diện con lai hồi hương. 

Năm 1986, nghệ sĩ Hữu Phước lập nhóm Nghệ sĩ tỵ nạn tại Paris (Assiociation des artistes réfugiés de Paris) gồm có các nghệ sĩ tài danh như Kiều Lệ Mai, Dũng Thanh Lâm, Hà Mỹ Liên, Minh Đức, Phương Thanh, Hoàng Long, Minh Thanh, Kim Chi, Thanh Lịch,… Kiều Lệ Mai và Minh Đức là hai thành viên năng nổ nhứt, hoạt động không ngừng nghĩ, góp phần thực hiện được những suất hát nguyên tuồng trên sân khấu rạp Maubert Mutualité và thu vidéo do Bảo Anh 

Production thực hiện. 

Những tuồng hát do Minh Đức và Kiều Lệ Mai cùng thực hiện với nhóm nghệ sĩ Assiociation des Artistes réfugiés de Paris đến nay còn được cộng đồng người Việt tại Paris nhắc nhở như tuồng Tướng Cướp Bạch Hải Đường, Biên Giới Một Chiều Mưa, Tấm Lòng Của Biển, Con Gái Chị Hằng, Đôi Mắt Người Xưa, Lệnh Của Bà, Chiêu Quân Cống Hồ, Trường Tương Tư, Phụng Nghi Đình, Bông Hồng Cài Ao, Chuyện Tình Lan và Điệp, Chuyện Tình An Lộc Sơn… 

Có biết được cuộc sinh sống ở kinh thành Paris khó khăn đến mức nào thì khi biết các nghệ sĩ vừa học nghề mới, vừa học tiếng Pháp để hội nhập với cuộc sống nơi xứ người, thật đáng mến yêu và kính phục: các bạn nghệ sĩ cải lương đã để rất nhiều tâm huyết và công sức khi các bạn thực hiện những suất hát cải lương, phục vụ cộng đồng người Việt ở Paris, nhằm giữ được truyền thống văn hóa Việt nơi xứ người.  

Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông