Kiều Phượng Loan – Nguyễn Thị Cẩm Loan
Nữ nghệ sĩ Kiều Phượng Loan Tên thật là Nguyễn Thị Cẩm Loan, sinh năm 1951 tại Sàigòn, có người chú là danh ca Út Hiền (1940-1986), kép chánh của đoàn Cải lương Hương Mùa Thu, đặt nghệ danh cho chị là Kiều Phượng Loan.
Kiều Phượng Loan sinh ra trong một gia đình khá giả và không ai theo nghề hát. Thân phụ Kiều Phượng Loan có quốc tịch Pháp, làm ở hãng bia “con cọp” của Pháp. Lúc nhỏ chị được ba má cưng chiều, cho học hành tới nơi tới chốn, nhưng đang học lớp đệ tam, lớp 10 sau nầy, chị bị tai nạn xe khá nặng phải nghỉ học một tháng. Khi bình phục không theo kịp bạn bè trong lớp, nên cha mẹ cho Kiều Phượng Loan vô học dự thính lớp diễn viên cải lương tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, cùng khóa với nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà, Tú Trinh, Mỹ Chi…Được thọ giáo với những nghệ sĩ bậc thầy như Năm Châu, Duy Lân, Kim Cúc…, khả năng ca diễn của Kiều Phượng Loan tiến bộ rất nhanh. Có giọng ca ấm, mượt mà, trầm buồn, truyền cảm mà sang cả, chị còn được học thêm về kỹ thuật thanh nhạc, nên có thời gian chị đi hát phòng trà, thường hát các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Duy Khánh…
Ra trường ở tuổi tròn trăng, năm 1966, ba mẹ chị lập đoàn cải lương Lan Thanh – Kiều Phượng Loan, chị được đánh giá là cô đào chánh triển vọng với vai Phàn Lê Huê trong vở Nữ tướng chinh Tây. Năm 1967, Kiều Phượng Loan nhận lời về cộng tác với đoàn Cải lương Phước Chung. Thời gian ở đoàn Phước Chung, Kiều Phượng Loan là đào chánh trong các vở: Đường gươm họ Lữ, Hồn thiêng sông núi…
Sau biến cô Mậu Thân, chị từ giã đoàn Phước Chung, trở về thành phố chuyển qua hoạt động ở lĩnh vực kịch nói, ca nhạc và đóng phim nhựa trong phim Bão tình với Kiều Chinh, Sóng tình với Thẩm Thúy Hằng, Thùy Liên….
Sau 1975, Kiều Phượng Loan đóng vai chính trong 2 phim nhựa nữa với nghệ sĩ Thương Tín.
Năm 1977, Kiều Phượng Loan trở lại sân khấu, cộng tác với đoàn kịch Kim Cương, diễn qua các vở: Lá Sầu Riêng, Dưới hai màu áo, Chìa khóa, Hồi sinh và nổi tiếng nhất với vai bác sĩ Xamonova trong vở Tanhia, vở đã được HTV thu hình phát sóng.
Năm 1980, Kiều Phượng Loan cộng tác với đoàn kịch Bông Hồng, diễn trong các vở Nila, Đôi bông tai…
Năm 1981, Kiều Phượng Loan “trở về mái nhà xưa” – Sân khấu cải lương, chấp nhận lãnh 40 ngàn một suất trong khi đang “sống khỏe” bên kịch với cát sê 90 ngàn/suất, hát chánh ở đoàn Thanh Minh – Thanh Nga trong các vở: Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Sau ngày cưới, Thiên Phúc Hoàng đế,
Nhiếp chính Ỷ Lan… và lại nổi tiếng như cồn khi đóng vai Nữ Vương trong vở Truyền thuyết về tình yêu. Hát ở sân khấu cải lương này 7 năm, đến năm 1989, một lần nữa chị trở về đoàn Phước Chung nhiều ân tình, hát chánh vai Thủy Cúc với nghệ sĩ Tuấn Thanh trong vở Ai là thiên tử.
Năm 1991, đoàn Phước Chung có xáo trộn lớn về diễn viên, nhưng chị vẫn ở lại đoàn trong giai đoạn khó khăn và tiếp tục đứng trên sân khấu này, cùng các diễn viên mới về cộng tác như Kim Tử Long, Bảo Trang, Mỹ Chi, Hương Chung Thủy…, hát trong các vở: Mắt em là bể oan cừu, Ông huyện đề…
Năm 1992, chị về đoàn Sông Bé 2 hát chung với đôi nghệ sĩ Vũ Linh – Tài Linh và được khán giả yêu thích trong vở Nặng gánh giang san. Kiều Phượng Loan đã nhiều lần hát trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc của HTV từ những số đầu tiên. Chị từng dàn dựng các vở: Truyền thuyết tình yêu, Cơn sóng thần, Vua hóa hổ… vào thập niên 1980. Khán giả còn nhớ nhiều đến chị qua những vở kịch và cải lương trên truyền hình những năm 1980 như Hòn đảo thần vệ nữ, Truyền thuyết tình yêu, Tấm lòng của biển, Tanhia…
Suốt 20 năm nay, sau khi nghỉ hát ở đoàn Sông Bé 2 – khi vừa bước qua ngưỡng cửa tuổi 40 – vì những biến cố trong đời riêng như cái chết của mẹ và anh trai, gia đình ly tán, Kiều Phượng Loan rút lui khỏi các hoạt động nghệ thuật, lui về sống ẩn dật một nách nuôi cha già đau yếu và người con trai duy nhất đang tuổi ăn tuổi lớn.
Tháng 9 năm 2010, được sự động viên của Vũ Linh, Kiều Phượng Loan bất ngờ tái xuất trong live show kỷ niệm 40 năm theo nghề hát tại rạp Hưng Đạo, với sự tham gia của Lệ Thủy, Vũ Linh, Kim Tử Long, Tuấn Thanh, Kim Hương, Cẩm Thu, Tú Trinh, Hoài Linh… Kể từ đó, chị đã có 6 lần xuất hiện trong chương trình sân khấu cải lương định kỳ chiều chủ nhật hàng tháng của NVH Thanh Niên, đóng trong trích đoạn: Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Truyền thuyết tình yêu, Tìm lại cuộc đời, Nhiếp chính Ỷ Lan…, đóng Lôi Vũ với Vũ Linh, Hoài Linh trong chương trình từ thiện ở rạp Thủ Đô và đi hát sô ở tỉnh… Và giờ đây, sau nhiều năm vắng bóng, chị sẽ tái ngộ khán giả HTV – lần đầu đóng vai thái hậu độc đoán, chuyên quyền trong vở Khi rừng mới sang thu sẽ được truyền hình trực tiếp trong chương trình Ngân mãi chuông vàng. Chị sẽ cùng
Hùng Minh làm dàn bao vững chãi cho các “chuông” Võ Minh Lâm, Hồ Ngọc Trinh, Lê Văn Gàn, Mỹ Vân, Lê Minh Hảo…
Năm 2015, Kiều Phượng Loan tâm sự: “Tôi đã bán căn nhà trên đường 3-2 và mua căn nhà ở Gò Vấp được 9 năm nay. Cha tôi đã 94 tuổi, bị liệt nhưng vẫn đỡ ngồi dậy được. Con trai 32 tuổi, làm ở cơ sở điện sắt kế bên nhà, nên có thể về chăm sóc ông thay tôi mỗi khi tôi bận tập tuồng, biểu diễn. Ngày xưa tôi không biết nấu nướng lẫn làm việc nhà, còn bây giờ tôi làm được hết. Thời gian trước tôi bán tiệm tạp hóa, nhưng từ ngày cha bị bệnh, tôi không làm nữa để dành thời gian chăm sóc cha. Bốn anh chị em của tôi ở Úc và Mỹ, ở Việt Nam chỉ còn tôi và một em trai ở đường Lạc Long Quân.”
Tuổi thanh xuân đã qua, không còn là cô đào chánh kiêu sa trên sàn diễn, Kiều Phượng Loan lui về với công việc đạo diễn, dàn dựng và truyền nghề cho nghệ sĩ trẻ. Bà được Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh Tp. HCM mời làm đạo diễn các chương trình “Làn điệu phương Nam và sân khấu lễ hội”. Theo nhận định của đạo diễn Hữu Luân, giám đốc trung tâm, Kiều Phượng Loan rất “mát tay”. Lớp nghệ sĩ trẻ được nữ nghệ sĩ này tiếp thêm “lửa” sẽ ngày càng yêu nghề và sống tử tế với nghề hơn.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông