Kim Chưởng – Cao Kim Chưởng (1926-2014)

Nghệ sĩ Kim Chưởng tên thật là Cao Thị Chưởng, sinh năm 1926 tại Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. 

Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, năm lên 8, gánh hát Tân Đồng Ban đang diễn ở Ô Môn, người anh rể tên Son quen được với Tư Sum, làm nghề gác cửa gánh hát, đồng thời cũng là một tay anh chị, một võ sĩ có hạng được bầu gánh mướn gác cửa để ngăn ngừa đám du côn hay phá phách các đoàn hát khi về diễn tại địa phương, nên đã nhờ Tư Sum giới thiệu Kim Chưởng vào gánh hát này. Công việc đầu tiên của Kim Chưởng làm là buổi sáng nấu ăn, giặt đồ, buổi tối bán nước sâm cho khán giả ngồi xem hát. Nghệ sĩ được Kim Chưởng “thần tượng” nhất trong gánh hát này là cô đào Mỹ Giàu, và mơ ước sau này mình sẽ trở thành một cô đào hát duyên dáng giống như cô…

Rồi cũng có một ngày Kim Chưởng được bước lên sân khấu. Đêm ấy, cô Bê vũ công trong đoàn ngã bệnh bất ngờ, cho nên ông bầu đã chọn Kim Chưởng thay vế vai cho Bê. Được mấy cô chú trong đoàn kẻ đánh phấn tô son, người chải tóc, người mặc áo. Lần đầu tiên lên sân khấu lòng Kim Chưởng vui biết bao. Màn mở, Kim Chưởng bạo dạn bước ra sân khấu, múa may theo tiếng nhạc một cách uyển chuyển, nhịp nhàng như một vũ công chuyên nghiệp, rất được khán giả và cô chú trong đoàn khen ngợi…

Một năm sau, Kim Chưởng lại được anh rể gửi cho gánh Tân Thiếu Niên. Theo đoàn này suốt mấy tháng trời, Kim Chưởng vẫn chưa được ông bầu Ba Đô cho đóng một vai nào. Dịp may đã đến, do cô đào chánh Ba Quyên xin phép về quê, nhưng không trở lại đoàn đúng như đã hẹn, bầu Ba Đô bèn tìm đến Kim Chưởng lúc ấy đang ngồi chẻ củi để nấu ăn, ông hỏi có thuộc tuồng và thuộc hết lời ca trong vai diễn của đào Quyên từ đầu đến cuối không? Kim Chưởng trả lời “có”, và thế là từ buổi hát đêm mùng 1 Tết tối hôm đó, Là một người nghệ sĩ có năng khiếu và niềm đam mê sân khấu, năm 13 tuổi nghệ sĩ Kim Chưởng đã có vai diễn được chú ý, đã trở thành một nghệ sĩ cải lương cho đến ngày hôm nay...

Khi tên tuổi đã được nhiều người biết đến, cộng với nghề nghiệp cũng khá vững vàng, sau khi rời đoàn Tân Thiếu Niên, Kim Chưởng đã đi diễn cho các đoàn: Văn Hí Ban của bầu Chín Nghĩa, Tân Xuân của Cô Tư Hélène, Tân Tiến của cô giáo Lựu, rồi đoàn hát Bầu Bòn, Tương Lai của Bầu Sinh, Phụng Hảo và cuối cùng là Thanh Minh của Năm Nghĩa.

Năm 1955, Kim Chưởng rời đoàn Thanh Minh để cùng với ba nghệ sĩ Thanh Tao, Út Trà Ôn và Thúy Nga thành lập đoàn Kim Thanh- Út Trà Ôn. Đoàn gồm có “tứ vị giám đốc” hai nam hai nữ, đã diễn khai trương vào ngày 4-1-1955 tại rạp Aristo còn có tên là Trung Ương hí viện, ở đường Lê Lai, hết sức thành công, đêm nào cũng hết vé. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu tiên, đoàn hát đã trả dứt số tiền nợ và lãi. Do đi hát từ năm 8 - 9 tuổi, đã biết nhiều về nghề; vả lại họ cũng đã từng được làm quen với khá nhiều các nghệ sĩ; do đó khả năng ca diễn của các nghệ sĩ như thế nào các chủ gánh đều nắm được hết cả, nên khi mời nghệ sĩ về cộng tác với đoàn Kim Thanh – Út Trà Ôn, nghệ sĩ nhận lời ngay mà không một chút chần chừ, do dự…

Đến cuối năm 1957, đoàn Kim Kim Thanh- Út Trà Ôn mãn hợp đồng cộng tác với nhau và giải thể gánh hát. Kim Chưởng cùng nghệ sĩ Thanh Hương thành lập gánh hát Kim Chưởng – Thanh Hương.

Năm 1960, nghệ sĩ Kim Chưởng tách ra thành lập gánh hát riêng là gánh hát Kim Chưởng. Gánh hát hội tụ nhiều nghệ sĩ có tiếng thời bấy giờ như: Út Bạch Lan, Thành Được, Diệp Lang, Dũng Thanh Lâm, Ánh Hồng, Phương Quang, Phượng Liên, Thanh Nguyệt...

Thời đó, gánh hát Kim Chưởng được xếp trong hàng ngũ những gánh hát nổi tiếng ngang hàng với các gánh hát Kim Chung, Thanh Minh, Út Trà Ôn, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương.

Là nghệ sĩ, Kim Chưởng từng thủ vai đào chánh, trình diễn các vở tuồng: Người anh khác mẹ, Chưa tắt lửa lòng, Lá đào rơi, Con gái nữ thần, Oan hồn trên tháp đá, Tiếng hát đền Bá Lạc, Trăng nửa đêm, Hai chiều ly biệt, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Lá huyết thơ, Thần điêu đại hiệp, Song long thần chưởng, Nước mắt kẻ sang Tần, Kiếm mộng phù tang, Nhặt cánh mai vàng, Thuyền ra cửa biển,Nửa bản tình ca, Mùa trăng nhiều nước mắt, Tỉnh mộng, Trăng nước Lam Giang, Người đi chẳng hẹn về, Mặt trời đêm, Người đẹp Kinh Bắc, Bên đồi trăng cũ, Theo chân đao phủ thủ…

Các soạn giả tên tuổi đã cộng tác với đoàn Kim Chưởng có: Thu An, Phong Anh, Mộc Linh, Hoài Linh, Hoài Sơn, Yên Trang, Trần Hà, Thanh Cao, Mai Quân, Quy Sắc…

Sau năm 1975, gánh hát Kim Chưởng vẫn tiếp tục trình diễn, cho đến khi nhà nước có quyết định quốc hữu hóa, Kim Chưởng đã xin nghỉ từ đó.

Nghệ sĩ Kim Chưởng kết hôn với con trai của ông bầu Bòn, chồng Kim Chưởng đã qua đời năm 2012. Hai ông bà có 5 người con, Kim Chưởng sống cùng với người con gái tại căn nhà 1079 Trần Hưng Đạo, phường 5, quận 5, Tp. HCM.

Nghệ sĩ Kim Chưởng qua đời vào lúc 8g25 sáng ngày 1 tháng 8 năm 2014, hưởng thọ 88 tuổi.

 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông