Kim Cúc - Huỳnh Thị Kim Cúc (1922-1991)

Nghệ sĩ Kim Cúc tên thật là Huỳnh Thị Kim Cúc, sinh ngày 13 tháng 1 năm 1922. Kim Cúc - Kim Lan là con gái của nghệ sĩ tiền phong Bảy Nhiêu

Năm 1940, Cô Kim Cúc 18 tuổi, nổi danh qua vai Quan Bình trong tuồng Quân Công đắp đập bắt Bàng Đức trên sân khấu Phước Cương Năm 1941, nghệ sĩ Bảy Nhiêu và hai con gái Kim Cúc, Kim Lan lập gánh hát Nam Phương, Thanh Loan là đào chính. Kim Cúc nổi danh qua vai nữ quí tộc xứ Ba Tư trong vở tuồng màu sắc hương xa Thuyền ra cửa biển.

Tháng 3 - 1946, nhóm nghệ sĩ tài danh gồm Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Duy Lân, Tư Út, Từ Anh, Hai Tiền, Ba Thâu, Sáu Ngọc Sương lấy xác gánh Nam Phương để thành lập “Nhóm con Tằm”. Nhóm này thu hút thêm nhiều nghệ sĩ tài danh như Bảy Nhiêu, Năm Nở, Tư Chơi, Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Thoa, Kim Cúc, Kim Lan...

Năm 1948 Cô Kim Cúc kết hôn với nghệ sĩ Năm Châu. Năm 1952, đoàn Việt Kịch Năm Châu diển tuồng Tây Thi - Gái nước Việt, Cô Kim Cúc diển một cách tài tình tâm lý phức tạp của Tây Thi: vừa hào hùng, vừa thương cảm, vừa lẳng lơ trong nhiều lớp khác nhau. Khi chuốc rượu cho Ngô Phù Sai trên Cô Tô Đài thì lả lơi, uyển chuyển, nũng nịu, liếc mắt đưa tình; cũng ở Cô Tô Đài, gặp Phạm Lãi, Tây Thi hờn dỗi, trách móc sao để nàng chờ đợi mãi, cũng là nũng nịu, tâm tình mà sao có vẻ dịu dàng khả ái.

Năm 1955, khi đoàn Việt Kịch Năm Châu rã, Tám Kiết và Hai Nữ dùng xác gánh hát này lập thành đoàn hát Phước Chung. Gia đình Năm Châu, Kim Cúc, Kim Lan, ông Bảy Nhiêu tập hợp thành nhóm chuyển âm phim cho hãng phim Mỹ Phương và Mỹ Vân. Những năm cuối thập niên 50, đầu năm 60, sân khấu cải lương có sự chuyển biến lớn: những giọng ca vàng như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Út Hiền, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Tấn Tài, Thanh Hải,.. và sầu nữ Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Nga,.. đã chiếm lĩnh sân khấu cải lương và các hãng dĩa. Thế hệ đàn anh, đàn chị, những bậc thầy về diễn xuất phải dần dần nhường bước cho lớp nghệ sĩ trẻ.

Năm 1958, Cô Kim Cúc cộng tác với đoàn Thanh Minh, đóng vai sơn nữ họ Nùng trong tuồng Núi Liễu sông Bằng của Thiếu Linh - Thành Phát. Năm 1960, Cô dạy cho Thanh Nga hát vai Hoàng hậu trong tuồng Gió ngược chiều của Năm Châu phóng tác Ruy Blas của Victor Hugo. Từ năm 1962, Năm Châu và Cô kim Cúc được mời làm giáo sư đầu tiên khoa kịch nghệ của trường Quốc gia âm nhạc Sàigòn.

Sau năm 1975,Cô Kim Cúc được mời làm giáo sư kịch nghệ cho nhà hát Trần Hữu Trang. Có thể nói, trong ba người vợ của ông Năm Châu từ cô Sáu Trâm, nữ diễn viên tài danh của gánh hát Tập Ích Ban, rồi Đệ nhất nữ danh ca tiền phong Tư Sạng đến Nữ nghệ sĩ tài danh Kim Cúc thì Cô Kim Cúc là người đã cùng ông gắn bó trọn vẹn đời sống vợ chồng và cả trong nghệ thuật.

Kim Cúc v à Năm Châu có sáu người con : Nguyễn thị Xuân Hợi, tốt nghiệp piano trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn, Nguyễn thị Nguyệt Thu, tốt nghiệp Violon,vợ thứ của soạn giả Hoa Phượng, Nguyễn thị Kim Khánh, Nguyễn thị Ngọc Thanh, Nguyễn thị Hồng Dung, đạo diễn sân khấu và Nguyễn Thành Long.

Năm Châu và Kim Cúc đều có chung một niềm say mê, một ước vọng chung là xây dựng một nền nghệ thuật cải lương "Đẹp" và "Thật", một "Thánh đường thiêng liêng".

Nghệ sĩ Kim Cúc bị tai biến mạch máu não, mất ngày 24 tháng 6 năm 1991. Thọ 71 tuổi. Hài cốt của Cô và Năm Châu được thờ ở chùa Già lam Gò vấp.


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông