Kim Lan - Huỳnh Thị Kim Lan (1926-2000)
Nữ nghệ sĩ Kim Lan tên thật là Huỳnh Thị Kim Lan, sanh năm 1926, con của nghệ sĩ cải lương tiền phong Bảy Nhiêu - Huỳnh Năng Nhiêu. Kim Lan là em của nữ nghệ sĩ Kim Cúc.
Nghệ sĩ Bảy Nhiêu họp cùng với nghệ sĩ Tám Danh và cô Sáu Ngọc Sương, chung vốn lập gánh hát Tiếng Chung, hai cô Kim Cúc, lúc đó được 13 tuổi và Kim Lan được 11 tuổi, được cha cho theo để học hát. Hai cô học ca cổ nhạc, học múa và được cho lên sân khấu đóng các vai vũ nữ, đào con.
Năm 16 tuổi Kim Cúc đóng xuất sắc vai Quan Bình trong tuồng Quan Công Đắp Đập Bắt Bàng Đức trên sân khấu Đại Phước Cương và vai Nhà nữ quý tộc xứ Ba Tư trong tuồng Thuyền ra cửa biển. Nữ nghệ sĩ Kim Cúc gá nghĩa với nghệ sĩ Năm Châu, được chồng dạy cho thủ diễn nhiều vai đào chánh trên các sân khấu Con Tằm, Phi Phụng và Việt Kịch Năm Châu. Nữ nghệ sĩ Kim Lan cũng được dạy diễn những vai đào chánh đó để diễn thế vai cô Kim Cúc khi cần thiết. Nữ nghệ sĩ Kim Lan đã nổi danh trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu qua các vai chánh như:
- Túy Hoa Vương Nữ trong tuồng Dân Chúng Trước Pháp Trường, của soạn giả Nguyễn Thành Châu;
- Hoàng Hậu trong tuồng Tình Ghen Vương Giả, của soạn giả Vạn Lý;
- Chú tiểu Lan tuồng Ái Tình và Tôn Giáo, sau được đổi thành tuồng Hoa Rơi Cửa Phật của soạn giả Trần Hữu Trang;
- Tây Thi trong vở kịch Tây Thi Gái Nước Việt, của tác giả Hoàng Mai Lưu, nghệ sĩ Năm Châu phóng tác cải lương;
- A Phượng Ly trong vở Hàm Lệ Thái Tử Nước Đan Mạch, của soạn giả Nguyễn Thành Châu phóng tác theo kịch Hamlet của đại văn hào Shakespeare.
Năm 1952, tập tuồng Tây Thi Gái Nước Việt, đạo diễn Nguyễn Thành Châu rước võ sư Tàu trong Chợ Lớn đến trại Phước Chung dạy cho hai cô Kim Cúc và Kim Lan múa song kiếm để biểu diễn trên Cô Tô Đài cho Ngô Phù Sai thưởng thức. Hai nữ nghệ sĩ Kim Cúc, Kim Lan mỗi ngày phải thức từ 7 giờ sáng, chuẩn bị để đúng 8 giờ hai cô học võ do ông thầy võ Tàu dạy, đúng 9 giờ tập tuồng do đạo diễn Nguyễn Thành Châu chỉ dạy và 3 giờ chiều hai cô và các vũ nữ học múa lụa đến 4 giờ mới nghĩ. Tuồng Tây Thi Gái Nước Việt tập ròng rã như vậy trong một tháng mới được hát phúc khảo, xong ông đạo diễn Nguyễn Thành Châu bắt tập thêm nửa tháng, sửa chữa cho hoàn bị mới hát khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Tuồng Tây Thi Gái Nước Việt hát luôn 21 suất trong ba tuần lễ, suất hát nào cũng có khán giả nghẹt rạp.
Ngày khai trương vở Tây Thi Gái Nước Việt cô Kim Lan thủ vai Tây Thi đã ca, diễn hay xuất thần, được khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Ông Trần Tấn Quốc, chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội, viết bài phê bình khen ngợi, ông mở cuộc trưng cầu ý kiến của khán giả và độc giả về ngôi vị các diễn viên xuất sắc nhất, ca diễn hay nhất của sân khấu cải lương trong thời kỳ đó. Cô Kim Lan được độc giả và khán giả bỏ phiếu bầu là Hoa Hậu Cải Lương, báo chí kịch trường đều tặng danh hiệu cho nữ nghệ sĩ Kim Lan là “Khôi Nguyên Sân Khấu Miền Nam”.
Năm 1954, khi tập vai A Phượng Ly tuồng Hàm Lệ Thái Tử Nước Đan Mạch của soạn giả Năm Châu, phóng tác kịch Hamlet của Shakespeare, cô Kim Lan mỗi ngày phải thức dậy từ 8 giờ sáng để nhờ nhạc sĩ Tường đàn dương cầm hướng dẫn cho cô Kim Lan luyện giọng ca theo bản nhạc đặc biệt mà anh Năm Châu sáng tác cho vai A Phượng Ly. Ngoài ra, cô Kim Lan và nghệ sĩ Tám Vân phải tập diễn một lớp kịch câm tỏ tình theo nhạc đệm La tristesse de Chopin. Năm Châu trực tiếp chỉ dạy từng nét diễn xuất. Cô Kim Lan và Tám Vân tập kịch câm cả tiếng đồng hồ trước buổi tập tuồng chung của đoàn hát.
Kể từ năm 1960, cô Kim Lan không còn diễn ở sân khấu cải lương. Cô theo anh Năm Châu, chị Kim Cúc, ông Ba Vân và ông Bảy Nhiêu thực hiện bộ phim Quán Âm Thị Kính. Phim không ăn khách, Kim Cúc, Kim Lan và anh Hồng Phúc lập nhóm Mỹ Phương, chuyên chuyển âm phim cho hãng phim Mỹ Vân.
Từ sau năm 1975, cô Kim Lan gia nhập đoàn hát tập thể Saigon 3, sau đó cô chuyển qua cộng tác với đoàn kịch Kim Cương. Cô chỉ được cho đóng vai phụ, sau đó được giao nhiệm vụ gác cửa sau và giữ bàn thờ tổ.
Khoảng từ năm 1982, cô về bán thuốc lá lẻ bên lề đường, trước rạp hát Kinh Thành-Tân Định, đêm đêm nhìn ánh đèn màu trước bảng quảng cáo của rạp hát mà buồn nhớ kỷ niệm một thời huy hoàng trên sân khấu cải lương.
Có một sự đau xót đến nhói tim, nếu như ai đó đã từng nghe danh tiếng của nữ nghệ sĩ Kim Lan, ngưỡng mộ tài hoa của cô mà biết được cuối đời cô đã sống trong nghèo khó, chẳng được sự giúp đỡ của Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ hay của các bạn nghệ sĩ đồng thời với cô.
Nhiều năm trước, hai mắt của cô Kim Lan bị cườm, không tiền mổ mắt, phải chịu mù luôn hai mắt. Tháng 9 năm 1998, dù bị tai biến mạch máu não, liệt tay chân nằm một chỗ, cô Kim Lan vẫn còn minh mẫn, lắng nghe và phân biệt được mọi động tĩnh chung quanh. Thế giới đối với cô chỉ còn có âm thanh, sự im ắng để hồi tưởng những kỷ niệm thời sân khấu huy hoàng.
Nghệ sĩ Kim Lan mất ngày 16 tháng 3 năm 2000. Thọ 74 tuổi. Được quàn tại nhà của con, số A 21 - 23, cư xá An Lộc, hỏa thiêu tại Bình Hòa ngày 19 tháng 3 năm 2000. Có một số đông nghệ sĩ và soạn giả đến tiễn cô Kim Lan về cõi vĩnh hằng.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông