image-31.png

Lan Chi Đoàn Thị Tài (1939-20 .. ) 

Nữ nghệ sĩ Lan Chi tên thật là Ðoàn Thị Tài, sanh năm 1939, tại Ðakao, Sài Gòn. Học hết năm thứ ba ban trung học, Lan Chi gia nhập đoàn ca kịch Phước Chung, và đã sống trong đoàn này trên ba năm. Nhờ sự chỉ dẫn tận tâm của các nghệ sĩ đàn anh đàn chị, Lan Chi đảm nhiệm được những vai trò chính của đoàn và nổi nhất trong những vai Vân Nga, tuồng Cây Tương Tư, Bạch Lan, tuồng Nhụy Hoa Lan, Công Chúa Ba, tuồng Quan Âm Diệu Thiện và Túy Hoa, tuồng Hung Thần Hốt Tất  Liệt. 

Giải Thanh Tâm 1958 phát cho Thanh Nga, ban tuyển chọn gồm 5 người, chỉ họp bàn vấn đề chớ không tranh luận gì cả, và kết quả là tờ biên bản do ông Trần Tấn Quốc lập mang chữ ký của năm thành viên: Nghệ sĩ Bảy Nhiêu, Năm Châu, Phùng Há là ba nghệ sĩ kỳ cựu, ký giả Trần Tấn Quốc, ông Nguyễn Hoàng Minh là công chức, tham gia với tánh cách khán giả ái mộ. 

Năm sau ban tuyển chọn mở rông gồm 14 thành viên, tức gần gấp ba, họp tại hội quán Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu thì đã có sự tranh cãi. Về phía nam năm ấy không ai có điểm cao bằng kép Hùng Minh nên kết quả thông qua dễ dàng. Nhưng về phía nữ thì hai cô đào trẻ Lan Chi và Bích Sơn vào chung kết. 

Sau phần tranh cãi, cuộc bỏ phiếu diễn ra thật gay go và sôi nổi. Hầu hết các nghệ sĩ, các bầu gánh lớn, nhỏ điều quy tụ trong những quán nước ở Ngã Tư Quốc Tế, phía sau rạp Nguyễn Văn Hảo, nơi tụ họp của giới nghệ sĩ, để chờ đợi tin tức. 

Cô Lan Chi, đoàn Phước Chung, được bầu là nữ nghệ sĩ triển vọng nhất năm 1959, với 307 điểm, đoạt huy chương vàng Giải Thanh Tâm 1959. Cô Bích Sơn khít khao với 306 điểm. 

Nghệ sĩ Hùng Minh thuộc đoàn Song Kiều-Thúy Nga, được bầu là nam nghệ sĩ có triển vọng nhất năm 1959 với 275 điểm rưỡi, đoạt huy chương vàng Giải Thanh Tâm 1959. 

Buổi tối, cả Ngã Tư Quốc Tế rộ lên tin vui đó. Có điều là trong lúc ban tuyển chọn họp bỏ phiếu, thì đào Lan Chi đang đi theo đoàn Phước Chung ở miền cao nguyên Trung phần, nhưng không ai biết đoàn đang hát ở đâu. 

Cũng ngay trong đêm ấy, ký giả kịch trường Ngọc Ðỉnh được Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu giao cho nhiệm vụ cấp tốc ra Trung tìm cho được đoàn Phước Chung, lúc bấy giờ cũng chưa biết diễn ở làng, xã, quận nào, báo tin về Sài Gòn kịp ngày cho Lan Chi có mặt trong đêm phát giải thưởng. 

Ngọc Ðỉnh đi suốt mấy ngày đêm mới tìm được đoàn Phước Chung trên vùng cao nguyên, nghe nói thì đoàn đang ở Cheo Reo thuộc tỉnh Pleiku. 

Thế nhưng, sau ngày lãnh giải huy chương vàng 1959, Lan Chi “im hơi lặng tiếng”, trong khi Thanh Nga tên tuổi được lóe lên rực rỡ. Rồi tên tuổi Lan Chi cũng như đoàn hát mà cô cộng tác, đoàn Phước Chung, càng ngày càng xa dần trung tâm nghệ thuật. 

Lan Chi ít được khán giả biết tài. Bản thân cô, cô cũng an phận thủ thường đầy mặc cảm. Người ta có thể ghi nhận rằng: “Ðược huy chương chưa ắt là đã thành công”. Lúc ấy, ban tuyển chọn chấm cô Lan Chi không phải là vô lý. Người ta chỉ cho cô là nữ nghệ sĩ có triển vọng nhứt năm 1959, chớ không ai dám bảo đảm là cô sẽ thành công đến suốt đời nghệ sĩ của cô. 


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông