11082021-cailuong-nsnd-lethuy-1.jpg

Lệ Thủy - Trần Thị Lệ Thủy 

Nữ nghệ sĩ Lệ Thủy tên thật là Dương Thị Lệ Thủy, về sau đổi thành Trần Thị Lệ Thủy, sinh ngày 20 tháng 5 năm 1948 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Mẹ làm nghề chầm lá, cha đi làm thuê. Hồi Lệ Thủy ba tuồi, nhà của Ba Má Lệ Thủy bị cháy, hai ông bà bỏ xứ sở, lên Sàigòn tìm kế sinh sống. Ba của Lệ Thủy làm lao công trong Thảo Cầm Viên, má của Lệ Thủy nấu cơm tháng cho phu khuân vác ở bến tàu quận Tư. Gia đình có 8 chị em, Lệ Thủy là chị cả 

Lệ Thủy học trường Tiểu học Khánh Hội. Vì nhà nghèo, Lệ 

Thủy ngoài giờ học, về nhà phải coi em, giử em để cho Má Lệ Thủy nấu cơm tháng cho người ta. Hàng ngày Lệ Thủy bồng em ra ngang hông chợ Khánh Hội để dổ em, đút cơm cho em ăn. Bên hông chợ có một tiệm sửa radio, người chủ tiệm ngày nào cũng hát dĩa bài vọng cổ " Cô bán đèn hoa giấy" của cô Thanh Hương ca. 

Nữ nghệ sĩ Thanh Hương là con của nghệ sĩ Năm Châu và cô Tư Sạng, Thanh Hương thừa hưởng được chất giọng ca rất ngào ngào của mẹ nên cô ca bài "Cô Bán Đèn Hoa Giấy" cũng rất mùi, rất ngọt. Lệ Thủy nghe riết rồi thuộc lòng và bắt chước theo cách ca của cô Thanh Hương. 

Tư Long, người ở lối xóm, có một ban văn nghệ đang hoạt động trong vùng, nghe Lệ Thủy ca tốt giọng, xin cho Lệ Thủy ca trong Ban Văn Nghệ. Được Ba Má cho phép, Lệ Thủy theo Ban Văn Nghệ của  Tư Long và nhờ ông Năm Truyền là thợ hớt tóc trong xóm, đờn đàn kìm dạy cho Lệ Thủy ca cổ nhạc. 

Sau đó, Lệ Thủy được gửi sang học bài bản cải lương 3 Nam, 6 Bắc với nhạc sĩ Tám Đen. Lúc đó, các em của Lệ Thủy liên tục đau ốm, gia đình nợ nần tứ phía. Không tiếp tục đến trường được do không có khai sinh, Lệ Thủy phải làm việc sớm để phụ giúp gia đình và quyết định xin đi theo làm việc cho gánh Trâm Vàng ở Biên Hòa, Đồng Nai để đỡ gánh nặng cho ba má. 

Với bài ca cổ Cô gái bán đèn hoa giấy, đầu tiên qua việc ngâm thơ hậu trường, đóng những vai kép con trên sân khấu. 13 tuổi, Lệ Thủy thế vai kép con trên đoàn Trâm Vàng. 14 tuổi, Lệ Thủy đóng các vai đào nhì. Một thời gian sau, Lệ Thủy rời Trâm Vàng để về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long, một đại bang có 7 đoàn hát. Tại sân khấu này, Lệ Thủy đã được soạn giả Ngọc Văn nhận làm con nuôi, ông viết nhiều kịch bản đưa Lệ Thủy vào đóng từ vai phụ cho đến vai chính  

Sau những bước đầu tiên tạo được ấn tượng, ông bầu Trần Viết Long lập đoàn Kim Chung 3. Lệ Thủy chuyển sang đây diễn chung với nghệ sĩ Thanh Hải trong vở Bẽ bàng duyên mới của soạn giả Ngọc Văn. Tên tuổi của Lệ Thủy bắt đầu nổi lên, trở thành cô đào chính sáng giá lúc vừa tròn 15 tuổi. 

Sau đó, Lệ Thủy hát ở đoàn Kim Chung 5, tại đây Lệ Thủy đóng cặp với Minh Phụng tạo thành cặp đào – kép ăn ý, được báo chí  thời đó phong tặng là cặp "Bão biển" vì mang lại doanh thu cao cho đoàn qua các vở Xin một lần yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Kiếp nào có yêu nhau,... 

Năm 1964, Lệ Thủy doạt huy chương vàng Giải Thanh Tâm, cùng với Thanh Sang 

Năm 1974, đoạt Giải Kim Khánh của nhật báo Trắng Đen, giải nầy được tổ chức phát giải từ năm 1973. 

Năm 1975, Lệ Thủy gắn bó với Đoàn văn công Thành phố Hồ Chí Minh qua các vở diễn Cây sầu riêng trổ bông, Tiếng sóng Rạch Gầm, Khi bình minh trở lại... 

Tháng 2 năm 1984, Lệ Thủy được vinh dự tham gia Đoàn nghệ sĩ lưu diễn Tây Âu cùng với nghệ sĩ Bạch Tuyết, Diệp Lang, Ngọc Giàu, Minh Vương,... với các vở diễn Đời cô Lựu, Câu thơ yên ngựa,... Báo chí thời đó gọi là "đem chuông đi đánh xứ người" đầu tiên sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Sau chuyến đi, các nghệ sĩ trong đoàn đã hợp lại và thành lập Đoàn nghệ thuật 2-84. Vở Tô Ánh NguyệtĐời cô Lựu là hai vở tuồng khai trương cho đoàn 2-84. Ở sân khấu này, Lệ Thủy đã diễn vở tuồng Tô Ánh Nguyệt, Áo cưới trước cổng chùa, Trắng hoa mai, Kiếp chồng chung, Lôi vũ,... 

Những năm đầu 1990, Lệ Thủy chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực video cải lương. Một số vở cải lương từng gắn với tên tuổi nghệ sĩ Lệ Thủy khi hát ở đoàn Kim Chung 5 trước năm 1975 cũng được quay video như Đêm lạnh chùa hoang, Tây Thi, Máu nhuộm sân chùa, Kiếp nào có yêu nhau, Băng Tuyền nữ chúa,.... Sau thập niên 1990, nghệ sĩ Lệ Thủy đi lưu diễn thường xuyên ở các tỉnh miền Tây, các vùng sâu, đem tiếng hát của mình gần hơn với khán giả nông thôn. 

Sân khấu cải lương ngày càng gặp nhiều khó khăn. Lệ Thủy cùng Diệp Lang và Minh Vương thành lập chương trình Những dấu ấn không phai trực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang quy tụ các nghệ sĩ tham gia biểu diễn các vở tuồng kinh điển ngày xưa. Các vở diễn của chương trình như Giấc mộng đêm xuân, Tình mẫu tử, Một ngày làm vua, Đêm giao thừa,... Năm 2008, chương trình được hoạt động với tên gọi là nhóm xã hội hóa "Sân khấu vàng" trực thuộc Nhà hát Trần Hữu 

Trang nhằm tập hợp các nghệ sĩ tham gia biểu diễn đồng thời doanh thu từ chương trình dành vào cho hoạt động xây tặng nhà tình thương. Đến nay, "Sân khấu vàng" do Lệ Thủy và Minh Vương thành lập đã dựng các vở diễn như Sông dài, Lá sầu riêng, Một ông hai bà, Đêm lạnh chùa hoang,... đã trao tặng hơn 30 căn nhà tình thương cho các gia đình khó khăn. 

Hiện tại, Lệ Thủy vẫn cộng tác thường xuyên với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trong các chương trình biểu diễn phục vụ công chúng và tham gia đi show ở các tỉnh thành. 

Lệ Thủy có nhiều vai diễn để đời như: Vai Hồ Bảo Xuyên trong vở  tuồng Đêm lạnh chùa hoang, vai Hạnh trong vở  tuồng Cây sầu riêng trổ bông, vai Nguyệt trong vở  tuồng Tô Ánh Nguyệt, vai Kim Anh trong vở  tuồng Đời cô Lựu, vai Thiên Kiều trong vở  tuồng Trắng hoa mai, vai Xuân Tự trong vở  tuồng Áo cưới trước cổng chùa, vai Hồ Như Thủy trong vở  tuồng Xin một lần yêu nhau, vai Hạnh trong vở  tuồng Cây sầu riêng trổ bông, vai Chu Chỉ Nhược trong vở  tuồng Cô gái Đồ Long, vai Chung Vô Diệm trong vở  tuồng Dạ Xoa hoàng hậu, vai Xuyên Đảo Phương Tử trong vở  tuồng Dốc sương mù, vai Mai Đình trong vở  tuồng Hàn Mặc Tử , vai Hoa Mộc Lan trong vở  tuồng Hoa Mộc Lan tùng chinh, vai Hương trong vở  tuồng Kiếp chồng chung, vai Quế Minh trong vở  tuồng Kiếp nào có yêu nhau, vai Diệu trong vở  tuồng Lá sầu riêng, vai 

Thắm trong vở  tuồng Lá trầu xanh, vai Lan trong vở  tuồng 

Lan và Điệp, vai Lỗ Tứ Phượng trong vở  tuồng Lôi vũ, vai Bạch Thiên Nga trong vở  tuồng Máu nhuộm sân chùa, vai K'Lai trong vở  tuồng Mưa rừng, vai Bạch Thiên Hương trong vở  tuồng Mùa xuân ngủ trong đêm, vai Cát Mộng Thiên Lan trong vở  tuồng Người phu khiêng kiệu cưới, vai A Khắc Thiên Kiều trong vở  tuồng Người tình trên chiến trận, vai Diệu  trong vở  tuồng Nửa đời hương phấn, vai Cam Thúy Nguyệt trong vở  tuồng Quán khuya sầu viễn khách, vai Mạnh Lệ Quân trong vở  tuồng Tái sanh duyên , vai Tây Thi trong vở  tuồng Tây Thi gái nước Việt, vai Trưng Nhị trong vở  tuồng Tiếng trống Mê Linh, … 

Lệ Thủy đã hát, diễn chung với các nghệ sĩ như : Minh Vương, Minh Phụng, Út Bạch Lan, Thanh Tuấn, Bạch Tuyết, Phượng 

Liên, Thanh Sang, Bảo Quốc, Thanh Ngân, Phượng Hằng, 

Trọng Hữu, Minh Cảnh, Tấn Tài, Huyền Trang, Phi Nhung, Diệp Lang, Thanh Kim Huệ, Ngọc Giàu, Trọng Phúc, Mỹ 

Châu,... Lệ Thủy kết hôn với trung úy Nguyễn Dương Trúc năm 1972. Năm 1973, sanh ra đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Dương Thụy Hiếu. Năm 1975, Trung úy Trúc cũng như bao nhiêu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa khác bị học tập cải tạo tập trung. Lệ Thủy được đoàn Văn Công mời cộng tác, nhân dịp nầy cô xin bảo lảnh cho chồng ra khỏi trại tập trung, về làm thơ ký kế toán trong đoàn hát. 

Năm 1979, Lệ Thủy sanh con trai, đặt tên là Nguyễn Dương Đình Trí. Năm 1982, Lệ Thủy sanh con trai khác, đặt tên là Nguyễn Dương Quốc Bảo. Cô gái lớn Thụy Hiếu, học Đại Học Quản Trị Kinh Doanh ở Melbourne, nước Úc, làm việc cho ngân hàng Bendigo, có chồng và định cư Úc. Nguyễn Đình Trí tốt nghiệp Bằng Ngoại Thương và Kế Toán ở Úc, trường Victoria University. Lệ Thủy sợ con ở lại bên Úc giống như Thụy Hiếu. Đình Trí sáng tác bài Tân Cổ giao duyên Tha Hương cho mẹ ca để mẹ yên lòng là Đình Trí sẽ trở về với mẹ. 


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông