Linh Huệ - Trương Thị Thu Trinh
Nữ nghệ sĩ Linh Huệ tên thật là Trương Thị Thu Trinh, sinh năm 1959 tại quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, con của ông Trương Văn Sở và bà Trịnh Thị Hai. Song thân của cô là giáo chức dạy học ở trường Trảng Bàng, đã nghĩ hưu và sống ở Saigon. Nữ nghệ sĩ Linh Huệ có 7 người em, 3 trai, 4 gái đều trưởng thành và sinh sống ngoài ngành nghệ thuật sân khấu.
Từ thuở nhỏ Linh Huệ rất thích ca hát nên những khi bải trường, cô được cha mẹ cho về Saigon ở nhà một người bà con để học ca tân nhạc với nhạc sĩ Bảo Thu.
Năm 1973. Thu Trinh đã trình diễn trên các show đại nhạc hội và Đài truyền hình trong Ban nhạc của nhạc sĩ Bảo Thu tổ chức, cô biểu diễn thành công các bài như Làng Tôi, Em Bé Quê, Ly Rượu Mừng, Nếu một ngày…
Năm 1976, cô tiếp tục học văn hóa ở Trảng Bàng, đến lớp 12. Dượng rể của Thu Trinh là ông Ba Đa, trưởng đoàn cải lương Tây Ninh xin cha mẹ của Thu Trinh cho cô theo đoàn cải lương Tây Ninh để học hát cải lương. Vì có giọng ca dài hơi và kỹ thuật ca luyến láy giống như nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ nên ông Ba Đa đặt cho Thu Trinh nghệ danh là nữ nghệ sĩ Linh Huệ.
Trưởng ban cổ nhạc đoàn hát Tây Ninh, nhạc sĩ Tám Khích dạy cho Linh Huệ ca rành ba Nam, sáu Bắc, vọng cổ và hàng trăm bài bản cổ nhạc thường dùng trên sân khấu cải lương. Cô cũng được cho học diễn xuất và đóng thế các vai tuồng của các nghệ sĩ đàn chị trong đoàn trong thời gian học hát.
Đến năm 1978, chỉ hai năm sau từ khi mới theo học hát học ca, nữ nghệ sĩ Linh Huệ sáng dạ, học mau thuộc tuồng, tiến bộ về diễn xuất và nhờ có giọng ca dài hơi và kỹ thuật luyến láy độc đáo nên được đưa lên làm diễn viên chánh của đoàn hát cải lương Tây Ninh.
Cô đã diễn vai chánh qua các tuồng Đời Cô Lựu, Chim Việt Cành Nam, Đêm Lạnh Chùa Hoang cùng với các diễn viên
Phượng Nhung, Ánh Hồng, Lê Phát, Kim Ấn, Quốc Ngữ, hề Lê Xệ…
Năm 1979, nữ nghệ sĩ Linh Huệ được đoàn cải lương Sông Bé 1 mời về cộng tác, hát chung với các nghệ sĩ nỗi danh trước năm 1975 như Bảo Vương, Phước Trọng, Thúy Nga, Bé Hoàng Vân, hề Lý Lắc. Linh Huệ hát xuất sắc các vai Thúy Kiều vở Thúy Kiều, vai Kiều Nguyệt Nga vở Lục Vân Tiên, vai Bùi Thị Xuân tuồng Bảy Mùa Mai Nở.
Với hơi ca khoẻ khoắn, giọng kim cao vút, nghệ thuật luyến láy trữ tình, Nữ nghệ sĩ Linh Huệ lại có nhan sắc dịu dàng, nước da trắng mịn, cô ca diễn các vai chánh đều thành công xuất sắc nên khán giả bốn phương rất ái mộ. Các ông trưởng đoàn hát nghe danh biết tiếng nên liên hệ để mời Linh Huệ về cộng tác với đoàn hát của mình với những điều kiện tài chánh hậu hỉ nhưng nữ nghệ sĩ Linh Huệ chọn đoàn hát Trúc Giang là một đoàn hát trung ban của thành phố để về cộng tác chỉ vì cô muốn theo học hỏi kỹ năng ca diễn của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu,thần tượng của cô.
Năm 1980, Đoàn hát Trúc Giang lúc đó có các nghệ sĩ Mỹ Châu, Tuấn Thanh, Minh Minh Vương, Minh Thuận, Đổ Quyên, Phương Loan, hề Bé. Khi nũ nghệ sĩ Linh Huệ về cộng tác với đoàn Trúc Giang thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, nữ nghệ sĩ Mỹ Châu được một đoàn hát đại ban của thành phố mời cộng tác, nữ nghệ sĩ Linh Huệ thế vai của Mỹ Châu, đảm nhiệm vai đào hát chánh, hát qua vai Giao, tuồng Vòng Cưới Anh Trao, vai Thoại Khanh tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn, vai Nguyệt Nga tuồng Lục Vân Tiên.
Năm 1981, Đoàn cải lương Saigon 3 mời nữ nghệ sĩ Linh Huệ cộng tác. Đoàn cải lương Saigon 3 lúc ấy là một đại ban chuyên hát những vở tuồng xã hội nên Linh Huệ được dịp hát qua những tuồng xã hội, một phong cách hát khác với những tuồng dã sử và màu sắc mà Linh Huệ được đào luyện từ các đoàn hát Tây Ninh, Sông Bé 1 và đoàn hát Trúc Giang. Linh Huệ đã hát vai Hoàng trong tuồng Phụng và Hoàng, vai Trà Mi tuồng Hương Sắc Trà My, vai Lan, tuồng Hoa Phong Lan.
Ngoài ra Linh Huệ còn diễn rất thành công các vai khác như Sarết tuồng Nàng Sarết, vai Sao Ly tuồng Tình Ca Biên Giới, vai Tuyết tuồng Ngày Bước Vào Đời, vai Thiếu Dương tuồng Nữa Vầng Trăng Kỳ Lạ, vai Thị Lộ tuồng Hạt Bụi và Non Cao. Khán giả rất tán thưởng giọng ca dài hơi và ngọt ngào của Linh Huệ và lối diễn xuất tinh tế, tươi mát của một cô đào trẻ rất là xinh đẹp.
Nữ nghệ sĩ Linh Huệ càng thêm nổi bật sáng chói nhờ cùng đóng tuồng với các diễn viên tài danh của đoàn cải lương Saigon 3 như các nghệ sĩ Tuấn Thanh, Bảo Linh, Chí Hải, Vương Ngọc, Minh Phương, Dương Thanh, Mỹ Hiền, Bội Ngọc, Đăng Quang, Lan Chi, Thúy Lan, Hoàng Dũng, và ba danh hề Văn Chung, Kim Quang, Bảo Chung.
Kể từ ngày mới bắt đầu học ca cổ nhạc nơi đoàn hát Tây Ninh của ông Bầu Ba Đa cuối năm 1976 đến năm 1981, chỉ mới 5 năm năm mà nữ nghệ sĩ Linh Huệ, một cô gái mới học cổ nhạc đã đạt được vị trí diễn viên đào chánh của một đại ban cải lương trong thành phố, điều đó chứng tỏ Linh Huệ có một sự cố gắng phi thường và có một giọng ca trong trẻo, một lối ca điêu luyện hiếm có.
Đây cũng là nhờ ở một sự may mắn, vì nhu cầu của đoàn hát, vì cần thay thế một diễn viên chánh, một giọng hát ăn khách vừa rời đoàn hát mà Linh Huệ được mời về để thế vai. Lối diễn, giọng ca và nhan sắc của Linh Huệ giúp cho cô đóng thế vai các diễn viên thượng thặng một cách dễ dàng và thành công trọn vẹn.
Năm 1987, nữ nghệ sĩ Linh Huệ được đoàn cải lương Saigon 1 mời về hát thế vai cho nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Kim Huệ,
Linh Huệ hát các vai như Thị Hến trong tuồng Ngao, Sò, Ốc, Hến, Chị Ba trong tuồng Lọ Nước Thần, vai An Tư trong tuồng An Tư Công Chúa, vai Cô Gái trong tuồng Cô Gái Hát Rong, vai Cô Gái quê trong tuồng Tình Nào Cho Nhau, vai cô gái dệt lụa tuồng Đôi Tay Vàng, vai Hoàng Hậu trong tuồng Vua Hoá Hổ.
Năm 1989 đến năm 1992, nữ nghệ sĩ Linh Huệ được mời về hát cho bốn đoàn hát cải lương lớn nhứt ở thành phố Sàigòn và Cần Thơ, cô đã để những dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả ái mộ cải lương từ Nam ra Bắc, đặc biệt nhất là khán giả Sàigòn và Cần Thơ qua các tuồng hát như : Tiếng Sáo Đêm Trăng, Khúc Hát Đoạn Tình, Tình Hận Vạn Niên Cơ, Lâu Đài Trên Cát, Tiếng Chuông Thiên Mụ, Chuyện Tình Hai Thế Hệ, Lan Huệ Sầu Ai, Bóng Hồng Sa Mạc, Võ Tòng Sát Tẩu…
Các ký giả phỏng vấn : Trong 12 năm theo nghề hát, Linh Huệ đã thay đổi qua 9 đoàn hát : Tây Ninh, Sông Bé 1, Trúc Giang, Saigon 3, Saigon 1, Văn Công, 2/84, Trần Hữu Trang 1, Tây Đô, đã hát qua hơn 40 vai trò khác nhau của đủ các loại tuồng, thay đổi quá nhiều đoàn hát, Cô thấy thuận lợi hay bất lợi cho nghề hát của cô?
Theo Linh Huệ thì thay đổi sân khấu là tìm con đường đi lên để phát triển nghề nghiệp, vì đến một đoàn mới mình phải cố gắng nhiều hơn, đồng thời được học hỏi thêm nhờ diễn chung với những bạn diễn mới. Khi đoàn mới cần mình thế vai chánh đã ra đi, mình hát thành công, giữ được khán giả cho đoàn, điều đó chứng tỏ mình có tiến bộ về nghệ thuật.
Năm 1990, nữ nghệ sĩ Linh Huệ được bình chọn là danh ca vọng cổ được ưa thích nhất trong năm.
Năm 1993, cô được tặng thưởng huy chương vàng giải Trần Hữu Trang. Cũng trong năm nầy cô Linh Huệ kết hôn với anh Võ Viết Triều, kỷ sư cơ khí ô tô.
Sau một thời gian dài, cô Linh Huệ đã tạo dựng sự nghiệp sân khấu của mình bằng mồ hôi và nước mắt, với một sự phấn đấu kiên cường không biết mệt mõi để đạt được những vinh quang nghề nghiệp. Nhưng rồi tình hình sân khấu cải lương xuống dốc, mất dần khán giả đến độ quá nhiều đoàn hát phải tan rã, không còn rạp hát để hát.
Nghệ sĩ cải lương phải chuyển qua tấu hài và hát trích đoạn cải lương, nữ nghệ sĩ Linh Huệ đã đi định cư tại Toronto Canada. Một điều thật tế cho thấy giọng ca vọng cổ tuyệt vời của nữ nghệ sĩ Linh Huệ bị mai một, bị lảng quên dần vì ở Canada không có môi trường thuận tiện cho nghệ thuật hát cải lương.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông