Minh Cảnh - Nguyễn Minh Cảnh (1937-20.. )
Minh Cảnh tên thật là Nguyễn Minh Cảnh, sinh ngày 8 tháng 1 năm 1937 tại Chợ Lớn.
Cha của Minh Cảnh làm phu đạp xe xích lô, sau khá hơn ông làm tài xế taxi. Mẹ của nghệ sĩ Minh Cảnh buôn gánh bán bưng. Mẹ của Minh Cảnh sinh cả thảy 20 người con, nhưng do nghèo khó, bệnh hoạn nên có nhiều người đã mất, chỉ có 8 người con còn sống sót, trong đó Minh Cảnh là người con lớn nhất.
Năm 11 tuổi, Minh Cảnh về sống với bà Ngoại và Dì Ba ở góc đường Nguyễn Thiện Thuật và Phan Thanh Giản. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông phải làm rất nhiều việc để phụ giúp gia đình. Ông theo các bạn nghèo, đi bươi rác, lượm chai không, nylon và giấy vụn để bán lại cho các bà đi mua ve chai, buổi trưa và tối thì đi bán bánh cam, chuối chiên để kiếm tiền về phụ với gia đình.
Đến năm 15 tuổi, Minh Cảnh theo cha mẹ về ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Ông thợ hớt tóc tên Sĩ, ở gần nhà, ông ta biết đờn cổ nhạc nên dạy cho Minh Cảnh ca vọng cổ và các bài bản cải lương.
Nhân ngày giổ Tổ 12 tháng 8 âm lịch năm 1960, Minh Cảnh đi bán bánh ú nhưn tôm thịt ở bến xe buýt gần rạp hát Aristo đường Lê Lai, gần ga xe lửa Saigon. Minh Cảnh quen với anh Được, nhạc sĩ đàn violon trong ban cổ nhạc đoàn hát Kim Chung, nên được anh Được dẫn vào gánh hát chơi. Minh Cảnh cũng thắp nhang lạy Tổ như các diễn viên trong đoàn hát và được cho ở lại ăn uống sau lễ giổ Tổ. Mặc dầu Minh Cảnh lúc đó đã được 21 tuổi nhưng anh ốm đói thường trực nên vóc người nhỏ xíu như một đứa trẻ 11 hay 12 tuổi thôi. Trong tiệc rượu sau lễ cúng Tổ, anh Được giới thiệu Minh Cảnh ca sáu câu vọng cổ tựa Lá thư người chiến sĩ. Anh Được đờn violon, Ngọc Sáu đờn cò, Bảy Trạch đờn kìm.
Mọi người có mặt trong cuộc tiệc đều vổ tay khen hay. Nhạc sĩ đờn cò Sáu Xíu giới thiệu giọng ca của Minh Cảnh với ông bầu Long. Nghe Minh Cảnh ca sáu câu vọng cổ, ông Bầu Long chấp nhận cho Minh Cảnh vào đoàn hát, lương đêm bốn chục đồng và ký contrat 20.000 đồng trong hai năm. Chỉ có giọng ca lạ, luyến lái êm dịu, một em bán bánh cam ở đầu đường xó chợ được nâng lên trên sân khấu, với một số lương ngày một cao mà thời đó bất cứ người công chức nào đang làm việc cho chánh phủ cũng không thể mơ ước được số tiền lương và contrat cao như Minh Cảnh.
Nghệ danh Minh Cảnh là do vợ của nhạc Sĩ Năm Được đặt cho, mỹ danh thần đồng Minh Cảnh là do ký giả Nguyễn Ang Ca đặt, vì thấy Minh Cảnh nhỏ con như một trẻ nít, nên tặng mỹ danh thần đồng cho Minh Cảnh, mặc dù lúc đó anh đã được 21 tuổi.
Nghệ sĩ Minh Cảnh chưa hề được đào tạo nơi một trường nghệ thuật chánh quy nào, chưa phải đã theo học hát theo một trình tự làm quân hầu, kép con, kép cạnh rồi mới đến kép mùi, kép độc như phần đông các nghệ sĩ tiền phong đã trải qua. Minh Cảnh vào đoàn hát, đầu hôm sớm mai, chỉ biết ca rành sáu câu vọng cổ là một bước trở thành kép chánh, kép ca. Tình trạng nầy phổ biến trong thập niên 60 mà báo chí gọi là Kép ca đá kép diễn. Thời gian này các danh ca vọng cổ như Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy, Thanh Thanh Hoa, Mỹ Châu, dù về phương diện diễn xuất còn kém nhưng nhờ hơi ca vọng cổ, đã trở thành kép chánh, đào chánh của đoàn hát, trong khi đó thì các diễn viên với tài diễn xuất bậc thầy lại phải lui về hàng thứ hai hay thứ ba trong dàn đào kép của đoàn hát.. Thậm chí có người đổi nghề như mở quán cà phê, tiệm uốn tóc hay làm giáo sư kịch nghệ hoặc làm việc lồng tiếng Việt cho các phim ngoại quốc. Đó là những tài danh sân khấu như Năm Châu, Kim Cúc, Bảy Nhiêu, Ba Thâu, Văn Lâu, Tám Lắm, Văn Lang …
Ở sân khấu Kim Chung ông đóng cặp với Diệu Hiền , Mỹ Châu, Kim Hoàng, Mỵ Lan qua những vở: Đôi mắt mẹ hiền, Tưóng cứop Bạch Hải Đưòng, Công Chúa cá Phò Mả cùi, Quán gấm đầu làng, Hoa rụng trắng thiền môn, Lục Vân Tiên Kiều Nguyệt Nga, Phật Thích Ca đắc đạo.
Giữa năm 1961, nghệ sĩ Minh Cảnh nổi danh lớn với bài vọng cổ đầu tiên Tu là cội phúc của soạn giả Viễn Châu. Từ đó về sau ông đã thu đĩa những bài vọng cổ nổi tiếng khác cũng của Viễn Châu ở hãng Asia, Tứ Hải như: Võ Đông Sơ, Sầu vương ý nhạc, Chuyến xe lam chiều, Lưu Bình Dưong Lễ,Lưong Sơn Bá, Mưa trên phố Huế, Lòng dạ đàn bà, Em bé đánh giày, Trái sầu riêng, ca với Mỹ Châu, Đời mưa gió, Ni cô và Kiếm sĩ ca với Diệu Hiền, Ngưòi điên yêu trăng, Khóc cưòi, Hai bản đàn xuân của soạn giả Quy Sắc …
Năm 1963, đoàn Kim Chung 2 được thành lập, Minh Cảnh chuyển sang đoàn 2 và nổi danh qua các vở: Manh áo quê nghèo, Bên cầu vọng thê, Lưỡi kiếm thần, Lời thơ trên tuyết, Bức hoạ da người, Bẻ kiếm bên trời, Hận đầu xanh, Bích Vân Cung kỳ án, Trinh nữ lầu xanh…
Năm 1967, Minh Cảnh đứng ra lập đoàn hát riêng mang tên “ Minh Cảnh kịch đoàn”. Tuy nhiên, đoàn hát này không trụ được bao lâu thì tan rã, lại lập đoàn Thiên Cảnh, sau đó cũng rã gánh.
Minh Cảnh cho biết trước năm 1975, các băng nhóm thế giới ngầm hoạt động rộng, công khai ở Sàigòn, chia nhau lãnh địa để bảo kê nhà hàng, sòng bạc, đâm thuê, chém mướn… Nhiều “đại ca” khét tiếng thời đó như Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Long “trăng”, Tạ Tình, Vũ Thế Hùng, Tín Mã Nàm, Điền Khắc Kim… tuy bản chất tàn ác nhưng cũng có nhiều tay mê cải lương. Trong đó, tướng cướp Điền Khắc Kim là một khán giả trung thành của Minh Cảnh.
Minh Cảnh nhớ lại: “Mỗi lần đi xem hát, tay này đều mua tặng tôi lẵng hoa với dòng chữ “Một khán giả vô cùng ái mộ Minh Cảnh”. Ban đầu, tôi đâu biết Điền Khắc Kim là ai, cứ ngỡ đó là một khán giả bình thường và cũng chỉ mấy lần sơ giao. Một hôm, tôi bỗng thấy hình ảnh gã trên báo đăng kèm tin tức một vụ cướp tiệm vàng táo tợn. Tôi giật nảy mình nhưng rồi sau đó vẫn thấy gã đi xem hát và tiếp tục tặng hoa”. Một lần, khi vãn hát, tôi mời gã đi ăn khuya và hỏi thẳng chuyện báo đăng. Điền Khắc Kim cười cười, giải thích: “Vụ này em làm để kiếm tiền cứu đám đàn em bị bắt quân dịch. Đại ca yên tâm, lo lót xong vụ này, em giải nghệ xin theo đoàn hát làm quân sĩ”. “Không rõ lời Điền Khắc Kim có chính xác hay không, tôi chỉ biết ký tặng gã bài ca cổ Tu là cội phúc của soạn giả Viễn Châu như một lời gửi gắm”.
Sau năm 1975, khi miền Nam mất rồi, cuộc đời của nghệ sĩ cũng như cuộc đời của cả chục triệu dân ở miền Nam, phải làm việc theo một lối khác, cuộc sống khó khăn túng thiếu, cái thuở vàng son dành cho những giọng ca vàng không còn nữa.
Nghệ sĩ Minh Cảnh đã đến tuổi 70. Anh ở trong nước thì không thể nào thi triển giọng ca vàng để kiếm sống, nên từ hai ba năm nay, anh sang Hoa Kỳ, ở vùng Nam Cali hoặc đến San José, Virginia, những nơi có nhiều đồng bào Việt Nam định cư. Anh ca vọng cổ trong các quán có ca nhạc, trong các cuộc biểu diễn tổ chức ở rạp hát và anh cũng nhận được tiền thu nhập khá cao. Chắc chắn là cao hơn lúc còn ở Việt Nam sau năm 1975.
Nghệ sĩ Minh Cảnh sang Mỹ định cư từ đầu thập niên 2000. Thời gian đầu, ông có nhiều sô diễn liên tục, dù ở tuổi gần 70. Nhưng vài năm trở lại đây, ông ra vào bệnh viện liên tục, sức khỏe yếu dần.
Minh Cảnh bị bệnh tim mạch và phổi, thời gian qua nhờ các bác sĩ ở tiểu bang Texas - Mỹ điều trị, ông đã khỏe mạnh và đến quận Cam, tiểu bang California – Mỹ để chuẩn bị biểu diễn trong chương trình Cổ Nhạc Phương Nam, tối 26-7-2015.
Ông là người mở màn cho trào lưu ca vọng cổ dài hơi mà sau nầy các nghệ sĩ Giang Châu, Bình Trang, Châu Thanh và Phượng Hằng nối gót theo Minh Cảnh tạo ra một trường phái ca vọng cổ dài hơi.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông