Minh Đức (1938-20 .. )
Nghệ sĩ Minh Đức sanh ngày 6 tháng 6 năm 1938 tại làng Long Tuyền, tỉnh Cần Thơ, học Trung Học Cần Thơ. Minh Đức theo đoàn hát Thanh Tao để học hát, anh hát được vai quan trọng khi anh đi hát cho đoàn Hữu Tâm của ông bầu Ba Khuê nhân dịp thế vai cho kép Bữu Tài trong vở tuồng Tiếng Chuông Thiên Mụ của soạn giả Bạch Diệp Minh Nguyên.
Nghệ sĩ Minh Đức đã cộng tác qua các đoàn hát Thủ Đô, Hoa Mùa Xuân, tiền thân của gánh hát Dạ Lý Hương của ông Bầu
Xuân, Hoa Thủy Tiên, Trăng Mùa Thu, Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Thái Dương, Tiếng Ca Trung Hiếu, Trần Hữu Trang.
Nghệ sĩ Minh Đức có giọng ca mùi mẫn, khi diễn các vai lão, giọng hát đĩnh đạt, cử chỉ phong lưu. Nghệ sĩ Minh Đức có kinh nghiệm và học thấu đáo các vũ đạo hát cải lương tuồng cổ, tuồng Tàu.
Minh Đức kết hôn với Kiều Lệ Mai,họ như đôi chim liền cánh cùng lượn bay trên bầu trời nghệ thuật chung trong một đoàn hát, dù có thay đổi bao nhiêu đoàn hát, Minh Đức và Kiều Lệ Mai vẫn chung vai sát cánh, vui buồn sướng khổ bên nhau. Khi định cư tại Pháp năm 1979, Minh Đức và Kiều Lệ Mai phải bắt đầu từ con số không để xây dựng lại cuộc sống và cuộc đời nghệ thuật. Với một niềm đam mê theo nghiệp Tổ cải lương, Minh Đức và Kiều Lệ Mai tham gia hầu hết những suất hát phục vụ sinh hoạt của cộng đồng người Việt tạp Paris.
Năm 1986, nghệ sĩ lão thành Hữu Phước lập nhóm Nghệ sĩ tỵ nạn tại Paris (Assiociation des artistes réfugiés de Paris) gồm có các danh tài Kiều Lệ Mai, Dũng Thanh Lâm, Hà Mỹ Liên, Minh Đức, Phương Thanh, Hoàng Long, Minh Thanh, Kim Chi, Thanh Lịch,… Kiều Lệ Mai và Minh Đức là hai thành viên năng nổ nhứt, hoạt động không ngừng nghĩ, góp phần thực hiện được những suất hát nguyên tuồng trên sân khấu rạp Maubert Mutualité và thu vidéo do Bảo Anh Production thực hiện.
Vấn đề tập tuồng sau khi làm việc ở Sở về và tập tuồng trong các ngày thứ bảy, chúa nhựt đòi hỏi các nghệ sĩ phải cố gắng hết sức, vừa không bê trể công việc làm trong các công, tư Sở vừa phải thuộc tuồng hát, tập cho ăn ý rập khuôn nhau. Minh Đức và Kiều Lệ Mai phải chạy lo những y trang và đạo cụ để hát giống như đã hát những tuồng đó khi còn ở Việt Nam. Đó là các tuồng Phụng Nghi Đình, Trường Tương Tư, Chiêu Quân Cống Hồ, Chuyện Tình An Lộc Sơn...
Những hia, mão, râu, tóc, các bộ áo giáp, mãng bào long bào không dễ gì kiếm được ở bên Pháp, vậy mà Minh Đức, Kiều Lệ Mai và các bạn đã chuẫn bị đầy đủ không khác gì các gánh hát chuyên hát tuồng Tàu: Phụng Hảo, Minh Tơ nên khi băng vidéo thu hình các tuồng Tàu kể trên đã làm hài lòng khán thính giả Paris.
Những tuồng hát do Minh Đức và Kiều Lệ Mai cùng thực hiện với nhóm nghệ sĩ Assiociation des Artistes réfugiés de Paris đến nay còn được cộng đồng người Việt tại Paris nhắc nhở như tuồng Tướng Cướp Bạch Hải Đường, Biên Giới Một Chiều Mưa, Tấm Lòng Của Biển, Con Gái Chị Hằng, Đôi Mắt Người
Xưa, Lệnh Của Bà, Chiêu Quân Cống Hồ, Trường Tương Tư, Phụng Nghi Đình, Bông Hồng Cài Ao, Chuyện Tình Lan và Điệp, Chuyện Tình An Lộc Sơn…
Có biết được cuộc sinh sống ở kinh thành Paris khó khăn đến mức nào thì khi biết các nghệ sĩ cải lương đã để rất nhiều tâm huyết và công sức khi thực hiện những suất hát cải lương, phục vụ cộng đồng người Việt ở Paris cũng như những nơi khác trên thế giới, nhằm mục đích bảo tồn văn hóa Việt nơi xứ người.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông