20110329084433-tuyen.jpeg

Mộng Tuyền - Huỳnh Thị Kim Loan

Mộng Tuyền tên thật là Huỳnh Thị Kim Loan, sinh ngày 23 tháng 5 năm 1947 tại Cần Thơ, xuất thân trong gia đình đông con, làm nông , bà là người con thứ ba trong số 9 người con trong gia đình. Ngay từ nhỏ Kim Loan đã phải phụ gia đình chăm lo cho các em của mình. 

Kim Loan bồi hồi kể: “Nhà tôi nghèo lắm. Ba má tôi có đến 8 người con, tôi là chị thứ ba nên thường được mẹ giao việc hát đưa em ngủ. Thưở còn nhỏ không hiểu sao tôi mê những bài vọng cổ qua giọng ca của các nghệ sĩ như: Hữu Phước bản Ông giáo làng, Út Trà Ôn bản Gánh nước đêm trăng, Thanh Sơn bản Trái gùi Bến Cát, Thanh Hương bản Cô bán đèn giấy hồng… nghe và tập ca theo. Đây là đặc điểm chung của thế hệ nghệ sĩ chúng tôi, những xuất phát điểm gần giống nhau của một số đồng nghiệp cùng trang lứa như tôi, chị Lệ Thuỷ, Kim Ngọc, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu… 

Bất ngờ một hôm có anh thầy đờn tên là Ba Cứ ở Tân Quới – Cả Vồn – Bình Minh sang làng tôi chơi, nghe tôi hát ru em, ông hỏi thăm người bạn là láng giềng của gia đình tôi, người này thuật lại hoàn cảnh của tôi, ông thương tình ngõ lời xin tôi làm con nuôi, rồi đem về Tân Quới dạy ca theo đờn. 

Ông rất giỏi về đờn kìm và violon nên sau hai năm tôi đã ca rành ba nam, sáu bắc, biết ca theo nhịp đờn 20 câu vọng cổ. Năm 9 tuổi, tôi về lại Cần Thơ, ba tôi lập ban đờn ca tài tử mang tên Kim Loan, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần biểu diễn phục vụ bà con nông dân những bài bản cải lương do ba tôi viết lời. 

Năm tôi 12 tuổi, một sự kiện xảy ra trong đời tôi, đó là gánh hát Thủ Đô của ông bầu Ba Bản về rạp Minh Châu – Cần Thơ biểu diễn, ông bầu nghe tôi ca hay đã tìm đến nhà xin ba tôi cho theo đoàn hát.” 

Sau một năm thử sức, năm 1961, Kim Loan đầu quân cho đoàn Hoa Sen tại Sàigòn của ông bầu Bảy Cao. Còn nhỏ, chân mang giày cao gót hơn cả tấc, ngực độn cả lớp mút cho giống thiếu nữ, tập quan sát các đàn chị như Diệu Hiền, Ánh Hồng để hóa thân vào các vài người lớn. Bất ngờ nghệ sĩ Diệu Hiền – đào chánh của Hoa Sen nghỉ hát để về đoàn Thống Nhất, tôi từ vai phụ được đôn lên đóng vai chính. Và nhờ vai Huyền trong vở Nhà chợ một đêm mưa của soạn giả Hoàng Hiệp, vai diễn đã để lại đầy ấn tượng cho khán giả, đã đưa Kim Loan bước ra ánh sáng sân khấu nơi đô thành. 

Năm 1962, Kim Loan đầu quân cho đoàn Phương Nam và thành công khi thủ vai Xuân Hoa trong tuồng Đông về lạng xác hoa và Phương Loan trong vở Nửa kiếp oan thù

 

Năm 1953, được sự đưa đường dẫn lối của soạn giả Nguyễn Phương, bà bầu Thơ đã mời Kim Loan về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga diễn chung bên cạnh một Thanh Nga tài sắc, một Ngọc Giàu hát hay, diễn giỏi, Kim Loan vẫn tỏa sáng và có vị trí của riêng mình., Kim Loan thường được giao những vai quan trọng trong các vở tuồng trên sân khấu này như vai sơn nữ Mộng Tuyền trong vở Mùa xuân còn mãi, vai Công chúa Ái Liễu Thi trong vở Phương Dung hoàng hậu, vai Tống Vân Trang trong vở Bao Công xử án Trần Thế Mỹ của soạn giả Nhị Kiều và nhóm Bông Lau…Chính nhờ khả năng trình diễn xuất sắc khi thủ vai vũ nữ Thu Lan trong vở Phu tử tòng tử, Kim 

Loan đã được trao tặng Huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963, cùng năm với Bạch Tuyết, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Thanh Tú, Diệp Lang. 

Từ sau vở Mùa xuân còn mãi, Kim Loan được khán giả thương mến qua vai sơn nữ Mộng Tuyền, thân phụ Kim Loan đã quyết định đổi nghệ danh cho con là Mộng Tuyền. Lúc đó Kim Loan không chịu, vì nghĩ khán giả đã quen với tên Kim Loan, nhưng vì thân phụ đã nhất quyết phải đổi, có thể để tránh trùng tên với ca sĩ Kim Loan bên tân nhạc thời bấy giờ. 

Năm 1965, Mộng Tuyền gia nhập vào công ty Tiếng chuông vàng Thủ Đô - Kim Chung 1, đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ qua vai Tô Ánh Tuyết trong vở Mạnh Lệ Quân, Bạch Phù Dung trong Thượng phương bảo kiếm,.. 

 

Năm 1966, Mộng Tuyền bắt đầu tham gia vào lĩnh vực đóng phim, bộ phim đầu tiên cô tham gia đó là phim hành động "11 giờ 30 " của đạo diễn Lê Hoàng Hoa vai diễn đã để lại ấn tượng đặc biệt. Sau đó, Mộng Tuyền tiếp tục tham gia vào vai Loan trong Chân trời tím, bộ phim đã đoạt giải ba, giải vàng về văn học nghệ thuật và đạt doanh thu gần 50 triệu đồng. Rồi sau đó Mộng Tuyền tham gia vào các bộ phim như Gánh hàng hoa, Cô Nhíp, Trang giấy mới,... 

 

Năm 1972, Mộng Tuyền được trao giải “Ảnh hậu xuất sắc” qua bộ phim “Chân trời tím”. 

Sau năm 1975, Mộng Tuyền đi diễn ở các đoàn: Trúc Giang, Phước Chung, Thanh Nga. Mộng Tuyền đã tham gia nhiều phim và sân khấu cải lương, hai vai diễn ở hai lãnh vực nghệ thuật cách mạng mà Mộng Tuyền nhớ nhất đó là: Vân trong vở Bóng tối và ánh sáng – Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu 

Chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980 tại Hải Phòng, vai bác sĩ Mai Trân – nói về bác sĩ Ngọc Phượng – bệnh viện Từ Dũ phim Tình yêu của em – đoạt giải Bông sen vàng năm 1982. Và đã thực hiện hai đêm live show tại Cần Thơ và Tp. HCM. 

Tháng 9 năm 1988, Mộng Tuyền định cư ở Pháp, hầu như năm nào cô cũng về Việt Nam để thăm lại quê hương. và tổ chức biểu diễn các buổi biểu diễn nhỏ, live show. 

Tuy là một bóng hồng tài sắc, nhưng nữ nghệ sĩ Mộng Tuyền kém may mắn trong đường tình duyên. Lúc trẻ, nhiều soạn giả, công tử, đại gia, thiếu gia... kể cả những “ông lớn” theo đuổi “người đẹp Tây Đô” này. Sau biến cố Tết Mậu Thân, Mộng 

Tuyền lên xe hoa với Đại tá quân đội VNCH Nguyễn Văn Nam. Mộng Tuyền sống bên chồng với lòng biết ơn, sự trung thành, hy sinh. Thời gian này, Mộng Tuyền thường đi nhà thờ Fatima vì cô đau khổ trước những đớn đau của cuộc đời mà khi còn là một cô đào hát trinh nguyên, Tuyền không bao giờ biết được. 

Mộng Tuyền tâm sự: “Năm Mậu Thân 1968, thiết quân luật, 6 giờ chiều đã đóng cửa không cho ra đường, Mộng Tuyền không đi hát được đành phải lấy chồng để có tiền nuôi đại gia đình mấy chục con người. Nghệ sĩ hồi đó không khôn lanh như bây giờ, làm hôm nay tiêu hết hôm nay, nghỉ hát bữa nào đứt tiền bữa đó, dù catse đóng phim và đi hát được rất nhiều tiền. 

Chồng của Tuyền là quan chức, trước khi cưới, ông ta đã cho Mộng Tuyền một cặp táp samsonite tiền, tới 10 triệu đồng. Vàng hồi đó có 3.000 đồng một lượng, nói vậy mới thấy 10 triệu đồng lớn tới cỡ nào. Tuyền để lại tất cả tiền bạc lại cho cha mẹ, kéo theo cả đàn em qua sống nhà chồng. Tuyền không có tình yêu nhưng có sự biết ơn”. 

Cuối 1973, trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đúng 18 tháng, Mộng Tuyền âm thầm dắt các em rời khỏi mái nhà chung sống với chồng, cô không về nhà cha mẹ mà thuê một căn hộ cao cấp nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi ngày nay để sống cùng các em. 

Sau năm 1975, Mộng Tuyền sống như vợ chồng với bầu Xuân đoàn Dạ Lý Hương, rồi sau đó cả hai lặng lẽ chia tay mà phần thua thiệt và mang tiếng, người đẹp này cam phận lãnh một mình. 

Đến năm 1980, Mộng Tuyền tái hôn cùng một thương gia, vốn là bạn cũ, rồi cùng chồng sang Pháp sinh sống. Họ kinh doanh đồ cổ tại quận 13, Paris. Cuộc hôn nhân này tan vỡ sau 20 năm, Mộng Tuyền cô đơn một mình. 

Tình yêu tưởng như đã chết trong tim của người nghệ sĩ xinh đẹp, nhưng rồi Mộng Tuyền lại gặp người chồng hiện tại và theo chồng sang Úc sinh sống. Mộng Tuyền chủ yếu ở nhà làm nội trợ, khi buồn, cô ra tiệm bán trái cây của người em để phụ giúp hoặc tham gia ca hát tại các buổi sinh hoạt của Việt kiều. 

Gần đây Mộng Tuyền về lại Viêt Nam, tham gia đóng phim Tôi là ngôi sao, ra CD Nhớ mãi mưa rừng, thực hiện liveshow Về với quê hương rất được khán giả yêu thích. 

Hiện nay Mộng Tuyền sinh sống tại Úc và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam. 

 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông