Trước năm 1945, thời còn Pháp thuộc, giới thưởng ngoạn cổ nhạc đến nhà hàng ca nhạc Đức Thành Hưng ở bên hông Chợ Bến Thành không thể không biết nữ danh ca cổ nhạc Năm Cần Thơ, một ca sĩ có lối ca đúng điệu nghệ các bài bản cổ nhạc với chất giọng hơi đồng, mạnh khoẻ và cao vút.
Thời đó, Đài phát thanh Pháp Á, đài phát thanh Saigon, những chiều thứ tư và thứ bảy hàng tuần đều gởi đến giới thưởng ngoạn cổ nhạc giọng hát tuyệt vời của cô Năm Cần Thơ, của các nghệ sĩ Tư Sạng, Tư Bé, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Tám Thưa, Năm Phồi, Ba Giáo, Tư Xe, Minh Chí, Quang Phục qua các bài vọng cổ ca độc chiếc Thoại Ba Công Chúa, Đắc Kỷ Thọ Hình và các bộ dĩa tuồng Mổ Tim Tử Can, Tô Ánh Nguyệt, Đường Về Tổ Quốc, Máu Nhuộm Phụng Hoàng Cung, Đêm Dài Vô Tận…
Từ năm 1955 đến năm 1975 thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương, các nghệ sĩ tài danh của các đoàn hát lớn như đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Chung, Kim Chưởng, Việt Kịch Năm Châu, Hương Mùa Thu thường được các ký giả kịch trường đăng tin tức và hình ảnh tuyệt đẹp của họ lên trang báo nên khán giả ái mộ từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu đều biết. Các nghệ sĩ cải lương của các đoàn hát ở tỉnh nhỏ và những nghệ sĩ danh ca của một số hãng dĩa, đài phát thanh và các quán ca cổ nhạc thì ít được các ký giả kịch trường săn ảnh và thông tin nên khán, thính giả có nghe tên nhưng ít biết mặt và các hoạt động nghệ thuật của các danh ca cổ nhạc Năm Cần Thơ, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Bảy Vĩnh Long, các ca sĩ Thành Công, Chín Sớm, Sáu Thoàng, Bảy Quới, Tám Bằng, Năm Phồi…
Cô Năm Cần Thơ, nữ danh ca cổ nhạc tên thật là Trương Thị Trắc, sanh năm 1917 tại tỉnh Cần Thơ. Cô Năm Cần Thơ nổi danh « Chim Họa Mi » khi cô ca bài vọng cổ Chim Họa Mi, 20 câu của soạn giả Viễn Châu tại quán Lệ Liễu trong khu Giải trí trường Thị Nghè. Cô Năm Cần Thơ có giọng ca mạnh khoẻ và làn hơi cao vút, khi ca các bài Nam, bài Oán, giọng ca thật trầm ấm, nỉ non, sâu lắng vào lòng khách mộ điệu. Những bạn nào đến quán Lệ Liễu, được một lần nghe cô Năm Cần Thơ ca vọng cổ hay các bài bản cổ nhạc, nhứt định sẽ say mê giọng ca đó và sẽ nhiều lần đến quán Lệ Liễu để được nghe giọng ca thần tượng của mình.
Cô Năm Cần Thơ được khách mộ điệu ưu ái nên cô tách ra khỏi quán Lệ Liễu, lập ra quán ca nhạc Họa Mi trong khu Giải trí trường Đại Thế Giới ở quận 5 Chợ Lớn.
Chồng cô Năm Cần Thơ là nhạc sĩ Mười Lương, tên thật là Trần Hữu Lương, chuyên đàn kìm và đàn đản. Nhạc sĩ Trần Hữu Lương đàn tranh nghe cũng rất hay. Ông để hết tâm huyết đào tạo được nhiều danh ca vọng cổ như Hữu Phước, cô Kim Chừng, cô Kim Nên( em của cô Năm Cần Thơ), cô Bạch Huệ ( con gái của nhạc sĩ Sáu Tửng) cô Mỵ Lan… Sau này danh ca Hữu Phước trở thành kép chánh của đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, cô Mỵ Lan là đào chánh của gánh hát Hoa Sen và gánh hát Hữu Tâm. Hai cô Kim Chừng, Kim Nên là đào chánh các gánh hát Thỉ Phát Huê, Tân Thiếu Niên, Kim Khánh, Tiếng Chuông, gánh hát Tân Hương Hoa của bầu Sinh và đoàn Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An.
NS Kim Nên
Cô Kim Nên là vợ của ca sĩ kiêm soạn giả Chiêu Anh đài phát thanh Saigon và là thân mẫu của danh ca tân nhạc Thái Châu. Cô Kim Nên nổi danh trên sân khấu Hương Mùa Thu với vai độc lẳng trong tuồng« Hai Chiều Ly Biệt hát chung với Minh Cảnh, Ngọc Hương, Trường Xuân, Diệu Hiền và hề Minh.
Con gái lớn của cô Năm Cần Thơ là nữ nghệ sĩ Kim Chi, vợ của diễn viên kiêm soạn giả Đào Việt Anh. Hai vợ chồng Kim Chi và Đào Việt Anh là diễn viên đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Đào Việt Anh có lối hát giống như lối hát của Việt Hùng, được xem như là bản sao của Việt Hùng nên khi Việt Hùng còn hát trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga thì diễn viên Đào Việt Anh chỉ là một kép sơ cua, anh không được chánh thức phân vai mà chỉ dành thay thế Việt Hùng khi Việt Hùng bị bịnh thì Đào Việt Anh hát thế. Nữ nghệ sĩ Kim Chi thủ vai Lan Đài trong tuồng Mộng Đẹp Nửa Đời Hoa của soạn giả Nguyễn Phương trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga.
Nữ nghệ sĩ Kim Chi thừa hưởng chất giọng đồng phong phú của cô Năm Cần Thơ. Kim Chi ca hay, sắc diện đẹp nhưng Kim Chi không thể sáng chói được khi trên sân khấu, Kim Chi phải diễn cạnh những ngôi sao ngọc ngà như Thanh Nga, Ngọc Nuôi, Thu Ba, Phương Ánh, Mộng Tuyền, Ngọc GIàu…
Cô Năm Cần Thơ còn hai cô gái cũng là nghệ sĩ tài danh, đó là cô Kim Hà và Mộng Thu, một thời vang danh trên sân khấu Kim Hoàng - Như Mai, đoàn Phước Chung và đoàn Kim Chung.
Khi về hát cho đoàn hát Kim Chung, nữ nghệ sĩ Kim Hà thành hôn với nghệ sĩ Tấn Đạt.
Có một điểm đáng ngạc nhiên mà tôi không lý giải được là các cô em của cô Năm Cần Thơ như Kim Chừng, Kim Nên, các con của cô Năm Cần Thơ như Kim Chi, Kim Hà, Mộng Thu, tất cả đều có giọng ca rất truyền cảm, kỷ thuật ca đúng bài bản, không thua sút bất cứ nữ nghệ sĩ nào trên sân khấu, sắc diện đẹp, diễn rất có duyên mà 5 cô nữ diễn viên này lại không có được một người chồng là nghệ sĩ kép chánh hay kép ca. Các cô cũng chỉ đóng được vai đào ba hay đào lẳng trên sân khấu. Trong khi đó cô Ngọc Giàu không đẹp về sắc diện lại là đào chánh của những sân khấu đại ban, hát cùng thời với các cô em hay con của cô Năm Cần Thơ.
Hà My
Con gái của cô Kim Hà và nghệ sĩ Tấn Đạt là nữ nghệ sĩ Hà My. Sau năm 1979, nghệ sĩ Tấn Đạt và Kim Hà về An Giang, gia nhập đoàn hát Hồ Quảng Khánh Hồng, nữ nghệ sĩ Hà My, 8 tuổi đã được lên sân khấu đóng vai Quách Hải Thọ. Nữ nghệ sĩ tài danh Hồ Quảng Ngọc Đáng đóng vai Lý Thần Phi, đã ra sức dạy nghề ca diễn vai Quách Hải Thọ cho cô Hà My.
Vì sân khấu cải lương xuống dốc thê thảm, nữ diễn viên Hà My rời đoàn hát Hồ Quảng, cô trở thành ca sĩ tân nhạc, chuyên ca các bài bản tân nhạc có âm hưởng dân ca. Hà My đã thực hiện được 6 CD tân nhạc.
Năm 2003, nữ ca sĩ tân nhạc Hà My lại quay về hoạt động ca nhạc cải lương theo truyền thống của gia đình. Hà My gia nhập đoàn cải lương Hương Tràm của tỉnh Cà Mau, cô được chọn làm đào chánh, đóng cặp với kép chánh Hoàng Nhất trong các tuồng Lan và Điệp, Nửa Đời Hương Phấn, Nợ Tình, Tô Hiến Thành Xử Án. Cô Hà My và diễn viên Hoàng Nhất được mời về Saigon, hát trong chương trình Làn Điệu Phương Nam tại nhà hát lớn thành phố.
Nữ diễn viên Hà My được dịp diễn cặp với kép chánh Minh Vương khi thu DVD tuồng Lụy Tình. Hà My diễn rất nhẹ nhàng, chừng mực. nhưng cảm xúc cô gieo được vào lòng khán giả rất sâu đậm qua vai cô gái nghèo yêu thầm ông chủ của mình. Cái vẻ duyên dáng xinh tươi của cô gái trẻ Hà My cộng với giọng ca thăm thẳm u buồn đã gieo vào lòng khán giả một thương cảm vô bờ bến đối với cô gái nghèo trước tình yêu không thể với tới khi người đời còn thành kiến sang hèn cách biệt.
Các rạp hát ở Saigon đã bị phá bỏ. Rạp Hưng Đạo được đập nát năm 2010 với lời hứa của nhà cầm quyền là năm 2013 nơi rạp Hưng Đạo được phá bỏ đó sẽ được xây lên một Trung Tâm Cải Lương. Ấy vậy mà đến nay hơn nửa năm 2013 rồi mà cái móng nền của cái Trung Tâm Cải Lương cũng chưa xây.
Nữ nghệ sĩ Hà My hát cho đoàn Hương Tràm, hy vọng được hát trên rạp hát mới tức là cái Trung Tâm Cải Lương đó nhưng rồi cô vở mộng, cô cũng như các nghệ sĩ trẻ khác chỉ còn bằng lòng với những suất hát các trích đoạn cải lương trong Đầm Sen hay rạp Thủ Đô Chợ Lớn. Cái hy vọng được làm sống lại cái thời danh ca huy hoàng của bà ngoại cô là cô Năm Cần Thơ khó mong thực hiện được.,
Một gia đình danh ca cổ nhạc với sáu nữ danh ca lừng danh trong sanh hoạt đàn ca tài tử, đến thế hệ của nữ nghệ sĩ Hà My mới có cô là người đóng được vai đào chánh, cô tưởng sẽ nối tiếp được giọng ca lưu truyền của bà ngoại, của các bà dì… nhưng sân khấu ngày một lụn bại, hy vọng nhỏ nhoi đó của Hà My khó mà thực hiện được.
Cô Năm Cần Thơ vẫn hát quán hàng đêm khi còn sanh tiền dù tuổi cao sức yếu
Tác giả bài viết: Soạn Giả Nguyễn Phương
Nguồn: cailuongvietnam.com