Nghệ danh: Năm Châu
Tên khai sinh: Nguyễn Thành Châu
Biệt danh: Bậc thầy cải lương, Kỳ nhân sông Tiền
Giới tính: Nam
Ngày sinh: 14 tháng 6, 1906
Nơi sinh: Điều Hòa, Mỹ Tho, Đông Dương thuộc Pháp
Ngày mất: 4 tháng 7, 1977 (71 tuổi)
Nơi mất: Thành phố Hồ Chí Minh
Nghề nghiệp: Diễn viên sân khấu, Soạn giả
Danh hiệu: nghệ sĩ nhân dân (1988)
Tiểu sử:
Nghệ sĩ Nhân dân Năm Châu (1906–1978), tên thật là Nguyễn Thành Châu, được xem là một trong những cây đại thụ của sân khấu cải lương Việt Nam, với đóng góp to lớn trong sáng tác, biểu diễn và cách tân cải lương. Ông sinh ra tại làng Mỹ Tịnh An, quận Chợ Gạo, Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình quan lại nhỏ. Từ trẻ, ông đã đam mê ca hát và quyết định theo đuổi sân khấu từ năm 16 tuổi. Sau thời gian ngắn rèn luyện, Năm Châu nhanh chóng nổi danh, được mệnh danh là tài tử hút hồn khán giả và nhanh chóng gia nhập gánh hát Thầy Năm Tú.
Với tư cách là soạn giả và diễn viên cải lương, Năm Châu đã mang đến nhiều cải tiến cho sân khấu cải lương, từ việc giảm bớt Hán tự, giảm lối diễn ủy mị đến đưa vào văn hóa đối thoại dễ hiểu, gần gũi với đời sống. Ông cho ra đời các vở cải lương nổi tiếng như Tây Thi gái nước Việt, Ngọn cờ hiệp sĩ, Túy hoa vương nữ, và Áo người quân tử, với mục đích phản ánh thực tế xã hội và truyền tải các tư tưởng tiến bộ. Đặc biệt, cách đối thoại và kịch bản của ông loại bỏ dần văn biền ngẫu, thay bằng thể văn xuôi tự nhiên, góp phần làm cho cải lương thêm sống động, giàu chất hiện thực.
Năm 1952, Năm Châu sáng lập Đoàn hát Việt Kịch Năm Châu và mang đến một làn sóng mới trong cải lương với vở Tây Thi, một tác phẩm nổi tiếng khi ông vừa đạo diễn, vừa vào vai Ngô Phù Sai và Phạm Lãi. Ông kiên định với đường lối cải cách dù gặp phải khó khăn và phản đối từ công chúng. Bên cạnh đó, ông yêu cầu các nghệ sĩ trong đoàn phải học hành cẩn thận, không được cờ bạc, hút thuốc phiện và luôn nghiêm túc trong tập luyện.
Ngoài sân khấu, Năm Châu còn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên ở Việt Nam làm phim chuyển thể từ các vở cải lương, mở đường cho công nghệ lồng tiếng phim ngoại quốc tại Sài Gòn. Ông cũng là giáo sư kịch nghệ đầu tiên của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn từ năm 1962, đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương. Sau năm 1975, vợ ông – nghệ sĩ Kim Cúc – tiếp tục giảng dạy cải lương, dùng giáo trình của ông để truyền nghề cho các thế hệ kế thừa.
Năm Châu qua đời vào năm 1978 tại TP. Hồ Chí Minh và được an táng tại Nghĩa trang Chùa Nghệ sĩ. Với hơn 50 vở cải lương dài và nhiều vở ngắn, cùng tư tưởng nghệ thuật tiến bộ và sự nghiệp cống hiến không mệt mỏi, ông được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1988, và tên ông được đặt cho một con đường tại TP. Hồ Chí Minh.
Tác phẩm nổi bật: Trang Tử thử vợ, Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên-Nguyệt Nga,Mộc Quế Anh, Anh hùng náo Tam môn Nhai, Tái Sanh duyên, Mổ tim Tỷ Can, Thôi Tử thí Tề Quân, Võ Tòng sát tẩu, Nợ dâu, Men rượu hương tình, Sân khấu về khuya…
Hỉnh ảnh tư liệu:
Nghệ sĩ Năm Châu - Ảnh tư liệu
Nghệ sĩ Năm Châu trong vở “Hồn bướm mơ tiên”.
Nghệ sĩ Năm Châu và nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa trong vở “Tuyết băng và bạo lực”
Nguồn Ảnh: vannghetiengiang.vn