LeHoaiNo1

Năm Nở - Lê Hoài Nở (1909-2000)

Soạn giả Năm Nở tên thật là Lê Hoài Nở, sinh năm 1909, làng Tân Hưng, huyện Lai Vung, tỉnh Sadec. Thân phụ là Cai tổng Hoài, địa chủ, có mấy chục mẫu ruộng, vườn cam, quít và trại nuôi vịt bầy, vịt hãng, nên khi ông thi đậu bằng Tiểu Học (CEPCI) ở tỉnh Sadec, được cha ông cho lên Sàigòn học. Ông thi rớt bằng Thành Chung, về quê nhà, làm thầy giáo trong làng năm 1930.

Là công tử vườn, thầy giáo Năm Nở ngoài giờ dạy học, chơi đá banh, đá gà, đá cá và đờn ca tài tử. Ông sử dụng thành thạo đờn kìm, đờn cò. Tiếng đàn và giọng ca của ông mượt mà, sâu lắng, làm rung động biết bao con tim của các cô thôn nữ ở những nơi mà Ban đờn ca tài tử của ông đến diễn.

Ông Cai Tổng Hoài thất cử Hội đồng nhiều lần, thất chí, sanh bịnh rồi mất. Lúc đó ông mới biết cha ông vay nợ Chà Chetty, vung tiền mua phiếu tranh cử. Thất cử, tự ái, vay nợ tiếp để khóa sau tái tranh cử. Nợ Chà nặng lãi, tiền lời trả không nổi, chồng lên thành nợ mới, cứ vậy, nhiều năm sau, không trả nổi nên Chà Chetty kiện ra Tòa, tịch thu ruộng vườn và trại vịt.

Năm 1938. Lê Hoài Nở rời quê, lên Saigòn, gia nhập gánh hát Nam Hưng của ông bầu kiêm vua cờ bạc Sáu Ngọ. Nhờ biết đờn ca và có học thức, anh Năm Nở nhanh chóng trở thành kép chánh.

Năm 1940, Năm Nở hợp tác với Năm Châu và Tám Bang, chủ nhà hàng Bồng Lai – Saigon, lập gánh hát cải lương Năm Châu. Dịp này, Năm Nở dựng trên sân khấu Năm Châu nhiều tuồng của ông sáng tác Những Kẻ Vứt đi!, Thử yêu chồng, Hội Yêu Chồng, Vó Ngựa Truy Phong, Khi Người Điên Biết Yêu. Soạn giả Năm Nở nổi danh là người chuyên sáng tác tuồng cải lương xã hội trào phúng.

Năm 1948, Năm Nở và các nghệ sĩ tiền phong thành lập Hội Nghệ Sĩ Ái hữu Tương Tế, ông được bầu vô Ban Chấp Hành. Cũng trong năm 1948, ông lập gánh hát cải lương Sống Mới, có các diễn viên cải lương Sáu Nết, Sáu Ngọc Sương, Duy Lân, Duy Chức, Ba Thâu. Ông viết 6 kịch bản cho đoàn Sống Mới: Anh Chị Ăn Mày, Nỗi Lòng Chị bếp, Hăm Ba Đưa Ông Táo Về Trời, Ông Huyện Hàm…Hàm, Thử Làm Vợ Bé, Sở Chữa Lửa Đụng Hãng Xăng Dầu.

Đoàn hát Sống Mới lưu diễn, nhà chức trách tỉnh cấm hát vì cho là tuồng hát Ông Huyện Hàm …Hàm, Cưới Vợ Bé Ăn Tết… châm biếm các quan chức. Vì cứ bị cấm hát, đoàn hát thất thu, rã gánh.

Năm 1954, soạn giả Năm Nở về ở xóm Bàn Cờ, rồi đình Phú Thanh, mở quán nhậu với bảng hiệu Năm Nở Nhậu Chơi.

Năm 1962, các nghệ sĩ Năm Nở, Năm Châu, Duy Lân, Hoàng Trọng Miên, Phùng Há, Ngọc Ánh, nhạc sĩ Hai Khuê, Nguyễn Hữu Ba được mời làm Giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Saigon do ông Nguyễn Phụng làm Giám Đốc. Học trò tốt nghiệp khóa đầu tiên, soạn giả Năm Nở đã góp phần đào tạo có: Tuyết Sĩ hiện ở Santa Ana, Mai Thành diễn viên kiêm giáo viên kịch nghệ trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh Sàigòn, cô Phương Ánh, Hương Xuân, Đỗ Quyên, đào chánh các Đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Thủ Đô.

Năm 1967, con trai của ông du học ở Pháp, xin cho cha mẹ sang Pháp trị bịnh. Chiến cuộc Việt Nam ngày càng lan rộng, ông bà Năm Nở kéo dài thời gian trị bịnh ở Pháp. Để giải quyết vấn đề sinh sống, Năm Nở mở nhà hàng ở khu Montmartre, Restaurant Sào Nam. Sào Nam lấy ý từ “Chim Việt Cành Nam”.

Năm 1976, vợ chồng Năm Nở về Việt Nam thăm nhà rồi ở lại luôn. Lê Hoài Nở không ngờ gặp rắc rối với nhà cầm quyền đương thời. Họ bảo ông là Việt Kiều, là dân của nước Pháp nên khi quá thời hạn lưu trú ở Việt Nam thì họ trục xuất về Pháp. Năm Nở làm đơn khiếu nại, nói lúc ông rời Việt Nam là với lý do đi trị bịnh, ông không hề xin “Di Dân”, không phải “Vượt Biên”, không vô Quốc Tịch Pháp, chưa từ bỏ Quốc Tịch Việt Nam và cũng không có án tiết gì để bị truất quốc tịch Việt Nam, vậy tại sao ông không được ở Việt Nam? Ở Pháp, ông cũng chưa hề được công nhận là công dân của nước Pháp. Giấy thông hành do chánh phủ Cộng Hòa cấp năm 1974 vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Năm Nở quên cái ” thủ tục đầu tiên” - Tiền đâu?, nên đơn khiếu nại của ông không được cứu xét.

Trước nhứt, ông không có hộ khẩu ở Sàigòn hay bất cứ ở tỉnh, huyện nào của Việt Nam, thứ hai là ông không có quyền làm chủ căn nhà cũ của mình, ông không có thẻ căn cước do chánh quyền mới cấp, vậy nên ông ta không có quyền công dân. Dân Việt Nam “chánh cống” mà sống trên đất nước Việt Nam lại phải sống như một người ở “lậu”, đó là một chuyện nghịch lý khó tin!

Soạn giả Lê Hoài Nở chuyên viết tuồng cải lương trào phúng, đưa ra những chuyện nghịch lý ở đời để cười chơi, vậy mà khi chính cuộc đời của ông gặp chuyện nghịch lý, ông “cười” không nổi! Ông định chấm dứt câu chuyện “Thủ Tục Giấy Tờ ” nghịch lý đó bằng cách tự vận chết đi cho rồi, nhưng các bạn Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu hay được, vận động cho hai ông bà được ở lại Sài gòn, nhưng không có hộ khẩu.

Ở lại Việt Nam, từ năm 1976 đến ngày mất, 25 tháng 5 năm 2000, qua 24 năm dài đăng đẳng, soạn giả tài danh Lê Hoài Nở không sáng tác được một tác phẩm nào, Sở VHTT không cho ông quyền tự do sáng tác, không thấy ông xuất hiện ở những nơi như rạp hát, Hội Sân Khấu, Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế. Lê Hoài Nở tâm sự:

“Không hộ khẩu, lo chạy mua gạo, mua nhu yếu phẩm, hầu hạ, chầu chực ở các hợp tác xã, mất không biết bao nhiêu là thời giờ, lại còn bị đuổi nhà, nhà bị giải tỏa, ở không yên, sống chật vật, làm sao mà có tâm trí nào để sáng tác tuồng tích? Viết gì đây? Dám phê phán ai, dám cười cợt ai? Viết rồi tuồng cũng không kiểm duyệt được, không có đoàn nào dám hát, vậy thì viết sao được mà viết? Bẻ cong ngòi bút, tôi không làm được. Viết theo mệnh lệnh, tôi cũng không làm được. Có một chuyện tôi làm được: “đó là làm thinh!”.

Ông quyết tâm trở về quê hương sau khi chiến tranh chấm dứt, lúc mới về thì mang nhiều hoài bão, nhưng càng ở lâu thì càng thắm thía, ngậm đắng nuốt cay, im hơi lặng tiếng cho tới ngày chết. Đó là cái kết quả mà ông phải nhận lấy khi quyết định trở về Việt Nam sau năm 1975.

Anh Lê Hoài Nở mất ngày 25 tháng 5 năm 2000, tức 24 tháng 4 âm lịch Canh Thìn, tại nhà ở bờ sông Nhiêu Lộc, tên cũ là sông Thị Nghè Saigon, thượng hưởng 92 tuổi.


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông