Ngọc Bích - Trần Ngọc Bích (1947-20.. ) 

Nữ nghệ sĩ Ngọc Bích tên thật là Trần Ngọc Bích, sinh ngày 02 tháng 11 năm 1947 tại huyện Bình Thủy, tỉnh Cần Thơ. Cha là ông Trần Văn Niếu làm thợ, mẹ là bà Nguyễn Thị Anh, buôn bán. Trong gia đình của Ngọc Bích không có ai theo nghề ca hát. 

Là con gái lớn trong một gia đình nghèo có tới 11 người con, trong khi cha mẹ của Ngọc Bích phải lo bươn chải mưu sinh, có khi đến tối khuya mới về nhà nên Ngọc Bích phải giúp cho cha mẹ chăm sóc các em và quán xuyến mọi việc trong gia đình. 

Ngoài những giờ học ở trường, về đến nhà thì Ngọc Bích phải lo nấu cơm nước, đút cơm cho em nhỏ nhất ăn, ru ngủ các em, đứa nầy lớn lên thì đến đứa em nhỏ kế. Ngọc Bích phải quét tước dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ áo quần, làm tất cả những công chuyện mà đáng lý ra nếu không bận buôn bán tảo tần thì mẹ của em phải lo liệu tất cả những chuyện đó. 

Ngọc Bích khi ru em thì thích ca hát những bài bản cải lương mà em học lóm được khi nghe radio hay máy hát dĩa của hàng xóm. Trong xóm có anh An, biết đờn cổ nhạc, thấy Ngọc Bích có giọng tốt lại thích ca cải lương nên anh dạy cho Ngọc Bích ca vọng cổ và nhiều bài bản cải lương. Mỗi khi có gánh hát cải lương về hát trong huyện thì thế nào em cũng xin cha mẹ cho đi coi hát một lần. Sau đó Ngọc Bích âm thầm dệt ước mơ: mong sao có thể trở thành nghệ sĩ cải lương như các nghệ sĩ thần tượng của cô là Thanh Nga, Út Bạch Lan… 

Giọng ca cổ nhạc của Ngọc Bích ngày một hay hơn, ca đúng bài bản, đúng nhịp điệu, giọng hát ngây thơ trong trắng của Ngọc Bích khiến cho trong thôn xóm, ai nghe qua cũng đều khen. 

Nhân dịp đoàn hát Thống Nhứt – Út Trà Ôn về hát ở rạp Minh 

Châu tỉnh Cần Thơ, chú Tư, người thân trong gia đình Ngọc Bích dẫn cô đi xem hát. Chú Tư quen với giáo sư Minh Nguyệt, một ông thầy bói nổi danh ở Saigòn, bà con của nghệ sĩ Út Trà Ôn nên chú Tư giới thiệu Ngọc Bích với giáo sư Minh Nguyệt để nhờ ông Minh Nguyệt tiến dẫn Ngọc Bích với nghệ sĩ Út Trà Ôn. 

Út Trà Ôn và vợ là bà bầu Hồng Hoa nghe thử giọng ca vọng cổ của Ngọc Bích, Út Trà Ôn thấy Ngọc Bích có triển vọng trở thành nghệ sĩ tài danh nên hai vợ chồng nghệ sĩ Út Trà Ôn muốn nhận Ngọc Bích làm con nuôi, đem theo đoàn hát để dạy nghề ca hát. 

Chú Tư phải dẫn Ngọc Bích về xin phép cha mẹ. Mẹ em chấp thuận vì thấy Ngọc Bích có cơ hội tìm được một cuộc sống sung túc và đỡ khổ cực hơn ở nhà nhưng cha của em thì do dự vì khi Ngọc Bích xa nhà, theo gánh hát thì còn 11 đứa con trẻ dại ở lại nhà, không có người tiếp tay ông bà mà chăm sóc cho chúng. 

Hôm sau Út Trà Ôn thấy chú Tư không dẫn Ngọc Bích đến đoàn hát, ông hỏi lại mới biết gia cảnh khó khăn của cha mẹ Ngọc Bích. Nghệ sĩ Út Trà Ôn đi với người quản lý của gánh hát, tìm đến nhà của Ngọc Bích ở Bình Thủy, trao cho cha mẹ em hai mươi ngàn đồng, gọi là giúp đỡ cho gia đình khi Ngọc Bích vắng nhà. Ông cha thấy nghệ sĩ Út Trà Ôn nhiệt tình, ông trịnh trọng gởi gấm con ông cho Út Trà Ôn và cho phép con gái của ông nhận nghệ sĩ Út Trà Ôn là cha nuôi. Đó là năm 1962, Ngọc Bích được 15 tuổi. Lần đầu tiên xa nhà, cô theo cha mẹ nuôi đi theo gánh hát, phiêu bạt khắp các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, đô thành Saigon và các tỉnh miền Trung. Phần cô thì cuộc sống đầy đủ, ăn sung mặc sướng, được học ca hát theo như ước nguyện, tuy được cha mẹ nuôi thương mến nuông chìu nhưng lòng cô thì lúc nào cũng tâm nguyện, tự hứa là khi nào cô thành đạt trên đường nghệ thuật, tự mình kiếm được nhiều tiền thì thế nào cô cũng sẽ giúp cha mẹ để nuôi dưỡng 11 đứa em thơ dại ở quê nhà. 

Ngọc Bích siêng năng học ca, luyện giọng, học diễn xuất. Năm 1964, lần đầu tiên Ngọc Bích được hát trên sân khấu với vai đào nhì trong tuồng Hoàng Đế Du Xuân của Vân An. Ngọc Bích được dưỡng phụ Út Trà Ôn đặt cho cô nghệ danh là Ngọc 

Bích. Báo chí phê bình tuồng hát của gánh hát Thống Nhứt – Út Trà Ôn đã khen Ngọc Bích là một nghệ sĩ trẻ đẹp, có giọng ca chân phương, mượt mà và diễn xuất rất là khả ái. 

Dù chỉ mới xuất hiện trong một vở tuồng đầu tiên nhưng Ngọc Bích được các ký giả kịch trường tiên đoán là với làn hơi khoẻ khoắn, với lối ca điêu luyện và chắc nhịp, và được nghệ sĩ Út Trà Ôn trực tiếp chỉ dạy về diễn xuất, trong một vài năm tới đây, nữ nghệ sĩ Ngọc Bích chắn chắn sẽ vào cuộc tranh đoạt huy chương vàng của giải Thanh Tâm. 

Trên sân khấu Thống Nhứt - Út Trà Ôn, nữ nghệ sĩ Ngọc Bích đã hát những tuồng Mắt Em là Bể Oan Cừu, Võ Tòng Sát Tẩu, Sở Vân Cưới Vợ, Chiêu Quân Cống Hồ, Thần Nữ Dâng Ngủ Linh Kỳ của các soạn giả Thiếu Linh, Vân An, Mộc Linh… 

Nữ nghệ sĩ Ngọc Bích nhờ giọng ca vọng cổ ngày một điêu luyện, sắc vóc ngày càng đẹp nên cô nhanh chóng trở thành diễn viên chánh, đóng cặp chung với kép chánh Út Trà Ôn trên sân khấu Thống Nhứt trong những năm 1964, 1965. 

Sau đó đoàn Thống Nhứt rã phần hùn giữa hai giám đốc Út Trà Ôn và Hoàng Giang nên gánh hát Thống Nhứt phải giải tán. Nghệ sĩ Hoàng Giang ký contrat cộng tác với đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga. Nghệ sĩ Út Trà Ôn ký contrat cộng tác với đoàn hát Kim Chung - Bầu Long. Nữ nghệ sĩ Ngọc Bích cũng được ký contrat cùng với dưỡng phụ Út Trà Ôn hát trên sân khấu Kim Chung 6. 

Năm 1967, nữ nghệ sĩ Ngọc Bích doạt huy chương vàng giải Thanh Tâm trong vai người vợ lớn của ông cò quận 9 trong tuồng Tuyệt Tình Ca của Hà Triều  - Hoa Phượng. 

Cuối năm 1968, Ngọc Bích theo dưỡng phụ Út Trà Ôn ký hợp đồng với bà Bầu Thơ, cùng đi với đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga trong chuyến lưu diễn ở Paris Pháp quốc. 

Sau chuyến lưu diễn ở Pháp trở về nước, Ngọc Bích cùng nghệ sĩ Út Trà Ôn cộng tác với các đoàn hát Tấn Tài, đoàn Hương Dạ Thảo và đoàn hát Minh Cảnh. 

Có một sự rạn vỡ đi đến chỗ cha mẹ nuôi của cô chia tay nhau và làm đổ vỡ niềm tin về tình thương chân thật của họ đối với cô, nên Ngọc Bích chia tay với cha mẹ nuôi Út Trà Ôn và bà Hồng Hoa. 

Sau năm 1975, nghệ sĩ Út Trà Ôn cộng tác với đoàn hát cải lương Saigon 1, nữ nghệ sĩ Ngọc Bích cộng tác với đoàn hát cải lương Saigon 2. Đến lúc nầy, Ngọc Bích mới thoát khỏi cái bóng che của nghệ sĩ Út Trà Ôn để tự mình khẳng định tài nghệ của mình trên một sân khấu khác với sân khấu của Út Trà Ôn. 

Trên sân khấu đoàn cải lương Saigon 2, Nữ nghệ sĩ Ngọc Bích diễn vai đào nhì các tuồng Ánh Lửa Rừng Khuya, Khách Sạn Hào Hoa. Ngọc Bích thể hiện tính cách một cô con gái nhà giàu, kiểu cách, nũng nịu thật là có duyên, đã làm nền để tôn vinh cái đẹp trọn tình trọn nghĩa của cô gái nghèo do nữ nghệ sĩ Mỹ Châu thủ diễn. 

Sau đó Ngọc Bích thủ diễn tất cả các vai nữ chánh trong các tuồng Tiếng Hò Sông Hậu, Tìm Lại Cuộc Đời, Phượng Thắm Sân Trường, Tô Ánh Nguyệt, Theo Dấu Chân Hồng, Cánh Én Mùa Xuân, Người Không Cô Đơn của đoàn cải lương Saigon 2. 

Các nghệ sĩ Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Giang Châu, Hà Mỹ Xuân. Diệp Lang, Văn Chung, Tư Rọm lần lượt rời đoàn hát Saigon 2, chỉ còn có Ngọc Bích và nghệ sĩ Tuấn An ở lại chèo chống gìn giữ bảng hiệu. 

Đến năm 1992, đoàn hát cải lương Saigon 2 rã gánh. Nữ nghệ sĩ Ngọc Bích rời sân khấu và không tham gia các chương trình hát trích đoạn hay trong các chương trình Vầng trăng cổ nhạc, Làn Điệu Phương Nam, để tiếc thương cho bao khách mộ điệu cải lương. 


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông