unnamed-3.jpg

Ngọc Đáng

Nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng sanh năm 1949 tại Saigon, con của hai nghệ sĩ tài danh sĩ Tư Minh và Ngọc Xứng, họ chuyên hát cải lương tuồng Tàu, diễn viên của đoàn hát Phụng Hảo của bà Phùng Há. 

 

Nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng theo cha mẹ sống trong gánh hát từ thơ ấu, năm cô 13 tuổi, Ngọc Đáng đã được cha mẹ dạy ca dạy hát. Nên biết là cha cô, nghệ sĩ Tư Minh thuộc về lớp nghệ sĩ tiền phong như các nghệ sĩ Ba Thâu, Ba Sanh, Năm Thiên, Văn Lâu, Tám Lắm, Bảy Huỳnh, Bảy Khải, mẹ của Ngọc Đáng là nghệ sĩ Ngọc Xứng đồng một thời diễn viên tên tuổi với các nữ nghệ sĩ Ngọc Hương, Ngọc Hải, Ngọc Trâm, Sáu Ngọc Sương, Tường Vi… Nên chỉ sau hai năm học nghệ do chính cha mẹ ruột truyền dạy mà không qua một trường lớp nghệ thuật nào. 

 

Năm 1964, được 15 tuổi, Ngọc Đáng đã là một diễn viên chánh trên sân khấu đoàn hát Thanh Bình - Kim Mai của ông bà bầu 

Bảy Huỳnh - Ngọc Hương tại rạp hát Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh Saigon. 

 

Hồi đó nữ nghệ sĩ mới xuất thân trong nghề hát, nếu không phải là con cái hay là người trong thân tộc của ông bà bầu gánh hát thì khó mà được ông bà bầu giao cho thủ các vai hát đào chánh, trừ trường hợp người nữ nghệ sĩ đó phải thật là xuất sắc, vừa đẹp vừa ca hay hát giỏi, khi xuất hiện trên sân khấu thì nữ nghệ sĩ đó có sức thu hút mãnh liệt, làm tăng doanh thu, có lợi cho bầu gánh hát. Ngọc Đáng chính là một nghệ sĩ đặc biệt có sức thu hút khán giả, cô sáng chói trên sân khấu như một ngôi sao rực sáng giữa vùng trời nghệ thuật trong nữa thập niên 60. 

 

Nữ nghệ sĩ trẻ Ngọc Đáng rất đẹp, da trắng, mủi thẳng, mắt sáng, nụ cười thật là duyên dáng, giọng ca trong trẻo hơn hết trong nữ ngũ hổ tướng, nhất là vóc người thon đẹp với động tác hồ quảng dễ thương, nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng đã là thần tượng làm say mê biết bao khán giả mộ điệu. Nữ nghệ sĩ Bạch Mai là nghệ sĩ bậc đàn chị, nghệ nghiệp và khả năng diễn xuất rất hay nhưng cô cũng phải chịu nhường một phần về nhan sắc và duyên dáng của nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng. 

 

Năm 1973, Ngọc Đáng hát cho đoàn hát Minh Tơ, được nghệ sĩ Thanh Tòng rèn luyện tay nghề thêm vững chắc. Đoàn Minh Tơ hát thường trực tại rạp Long Phụng ở số 234 đường Gia long cũ. 

 

Ngọc Đáng nổi danh qua các vai Mạnh Lệ Quân, Đào Tam Xuân, Lưu Kim Đính, Lý Thần Phi, Bàng Quí Phi, Tiêu Anh Phụng…Đây là những vai chánh trong các tuồng Tàu được xem là những tuồng kinh điển vì trong các tuồng đó có những lớp diễn mẫu mực đòi hỏi nghệ sĩ phải được truyền nghề một cách có căn bản. Ví dụ tuồng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu thì có lớp hát Sát Tứ Môn Thành rất khó hát. 

Tuồng Đào Tam Xuân và Tiêu Anh Phụng có lớp hát loạn trào, vũ đạo chạy gối và múa kiếm khi loạn trào cũng phải tập rất công phu. Tuồng Mạnh Lệ Quân lúc bị thoát hài hay lớp dạo huê viên với vua cũng là những lớp khó hát. Nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng được chân truyền của cha mẹ là đôi nghệ sĩ tuồng cổ nổi tiếng, sau được thêm sự chỉ bảo của nghệ sĩ Thanh Tòng nên nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng trở thành một nghệ sĩ xuất sắc và có những vai diễn để đời qua các vở kể trên. 

 

Sau năm 1975, Nghệ sĩ Ngọc Đáng về tỉnh Long Xuyên, gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ Khánh Hồng – An Giang, hát cặp với nam nghệ sĩ Vũ Linh. Trong nhiều năm liền, Vũ Linh và Ngọc Đáng là đôi diễn viên được khán giả ưa thích nhất ở các tỉnh miền Hậu Giang. 

 

Cũng có lúc nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng được mời hát cho đoàn hát Hương Lúa Mới của Bầu Quới ở Chợ Mới An Giang, trong đoàn hát có nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tú, Trang Bích Liểu, Minh Kỳ và hề Phú Quí. 

 

Năm 1988 – 1990, Ngọc Đáng hát cho đoàn cải lương Nha Trang, sau đó trở về hát lại cho đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. 

 

Được đào luyện trong nghề hát tuồng cổ, Ngọc Đáng hát tuồng Tàu, tuồng Hồ Quảng rất hay, đến tuổi trung niên, cô chuyển qua hát các vai dàn bao cũng thành công xuất sắc. Khán giả còn nhắc Ngọc Đáng rất sang trọng và oai nghiêm trong vai Ngô Quốc Thái tuồng Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả, vai Cố Mẫu trong tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, vai Lý Thần Phi trong tuồng Xử Án Bàng Quí Phi. 

 

Chỉ xem ba vai Ngô Quốc Thái trong tuồng Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả, vai Cố Mẫu trong Thái Hậu Dương Vân Nga và vai Lý Thần Phi trong tuồng Xử Án Bàng Quí Phi do nữ nghệ sĩ 

Ngọc Đáng thủ diễn đủ thấy tài nghệ bậc thầy của cô trên sân khấu cải lương tuồng cổ, cải lương dã sử và cải lương Hồ Quảng. 

 

Đóng vai ba bà mẹ vua trong ba tình huống khác nhau, ba loại hình nghệ thuật khác nhau, nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng biểu hiện thật là tài tình tâm trạng và lòng thương con của mỗi bà mẹ vương giả, kết nối tình thương con đúng mực theo nhiệm vụ của bậc mẫu nghi thiên hạ ,với lòng tôn trọng luật nước hơn tình nhà, dù phải ép bụng chịu nỗi đau để xử phạt con trong vai Lý Thần Phi, thì người mẹ qua cách thể hiện của Ngọc Đáng vẫn làm cho khán giả rơi nước mắt vì thông cảm được nỗi đau của bà. Tôi nghĩ là qua cách thể hiện tính cách của ba bà mẹ vua trong ba loại hình sân khấu của Ngọc Đáng, trường sân khấu có thể lấy đó làm bài mẫu để tập cho các dìễn viên thế hệ nghệ sĩ sau này. 

 

Đến những năm tuồng Tàu bị cấm hát thì Ngọc Đáng chuyển qua hát các vai mụ, tuồng xã hội Việt Nam, cô cũng thành công một cách dễ dàng. Nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng nhận được huy chương vàng Hội Diễn Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc trong vai Trần Bá Mẫu trong vở tuồng Rừng Thần năm 1982, đến năm 1990, Ngọc Đáng lại chiếm được huy chương vàng thứ hai trong hội diễn cải lương chuyên nghiệp qua vai Giáng Thu, tuồng Đừng Quên Kỷ Niệm. 

 

Nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng khi hát tuồng xã hội thì hoàn toàn thể hiện được nhân vật tuồng xã hội, không có chút nào lai tạp hay vướng thói quen khoa tay múa chân như trong nghệ thuật hát Hồ Quảng hay tuồng Tàu. Cô có giọng hát tốt, ca cổ nhạc hay như các nghệ sĩ được đào luyện trên sân khấu cải lương tuồng xã hội. Ngọc Đáng có được ưu thế về nhan sắc, khi cô hát các vai bà mẹ, vai một bà hội đồng hay một người đàn bà nhà giàu có ở thôn quê, Ngọc Đáng có cái đẹp của một người đàn bà ở các miền sông nước Hậu Giang, một vẽ đẹp đằm thắm, mộc mạc, phong thái chững chạc, nhân hậu. Khi vào một vai một bà quê mùa nghèo khó, Ngọc Đáng cũng hóa trang một cách sạch sẽ, tươm tất, không tạo cho khán giả một sự thương hại hay khinh thường, trái lại Ngọc Đáng vô vai một người nghèo nhưng vẫn tự trọng, có nhân cách khiến cho khán giả có một cảm giác thân thương, đồng cảm. 

 

Nhờ khả năng hát được nhiều vai nên nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng được mời thu vidéo cải lương rất nhiều tuồng. Khán giả thấy cô có mặt trong các tuồng như Tấm Cám trong vai Son, tuồng Gánh Nặng Giang Sơn, vai Hùng Đổ Vương, tuồng Xử Án Bàng Quí Phi, vai Lý Thần Phi, tuồng Thần Đồng Lưu Minh Châu, vai Thừa tướng phu nhân, tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, vai Cố Mẫu, tuồng Lưu Bị Cầu hôn Giang Tả, vai Ngô quốc Thái, tuồng Chiếc Hổ Phù, vai Bà Ất, tuồng Mạnh Lệ Quân, vai Mạnh phu nhơn, tuồng Nổi Oan Hoàng Hậu, vai Nhũ Mẫu, tuồng Nửa đêm chợt tỉnh vai vợ Ba Lực, tuồng Đoạn trường vai Bà Hội… 

 

Một nghệ sĩ có khả năng hát nhiều loại vai, có giọng ca tốt, có sắc vóc đẹp như Ngọc Đáng, nếu như Ngọc Đáng được sanh ra trước chừng ba đến năm năm, thì Ngọc Đáng thế nào cũng có tên trong số các nghệ sĩ tranh giải Thanh Tâm, giải diễn viên triễn vọng của ký giả Trần Tấn Quốc. Hồi đó các ký giả trong Ban Tuyển Chọn của giải Thanh Tâm chỉ chú trọng đến các nghệ sĩ cải lương, bỏ quên các nghệ sĩ cải lương tuồng cổ và Hồ quảng. Các nghệ sĩ Đức Lợi, Ngọc Đáng, Bạch Lê, Phượng Mai cho thấy là nghệ sĩ Hồ quảng cũng có khả năng diễn xuất sắc các vai tuồng cải lương xã hội, đáng được lưu tâm khen thưởng như các diễn viên cải lương khác. 

 

Nghệ sĩ Ngọc Đáng có cuộc sống ổn định nên nghĩ đến việc hát gây quỷ giúp các bạn nghệ sĩ và đồng bào nghèo yếu neo đơn hay gặp thiên tai hỏa hoạn. Ngọc Đáng luôn có mặt trong các nhóm nghệ sĩ làm việc từ thiện đó. 

 

Ngọc Đáng có hai con không theo nghề hát của mẹ. Các cháu làm việc ở xí nghiệp nhưng rất yêu mẹ và tôn trọng nghề nghiệp của mẹ. 

 

Từ năm 2010, Ngọc Đáng định cư ở California, đã tham gia chương trình Cổ Nhạc Phương Nam có từ năm 2011 trên đài VHN đến năm 2015 chuyển sang SBTN ngoài Văn Chung, Ngọc Đáng, Tuấn Châu còn có Hoàng Nam, Hoàng Phúc Philip Nam và Cẩm Thu góp mặt thường xuyên. 

 

Ngọc Đáng là một tài năng ca diễn cải lương, đã phục vụ khán thính giả từ trong nước cho đến hải ngoại, góp phần vào việc phát huy và bảo tồn văn hóa Việt trên xứ người. 

 

Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông