Soạn giả Ngọc Văn cũng là một thành viên Hội Ái Hữu Tương Tế Nghệ Sĩ đã đóng góp nhiều công sức trong các hoạt động của Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ từ năm 1954 đến nay.

Gia nhập lớp Đồng Ấu

Soạn giả Ngọc Văn, 93 tuổi. Anh sinh năm 1916 tại Hà Nội, nhưng quê cha ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho.

Theo lời kể lại của nghệ sĩ Ngọc Văn, năm 1926, lúc anh lên 10 tuổi, anh gia nhập lớp Đồng Ấu của rạp Quảng Lạc do kép Sáu Cương, nghệ nhân tuồng dạy dỗ, dàn tập tuồng tích. Ông bầu Trần Phềnh kiêm họa sĩ vẽ tranh cảnh hùn vốn với tài tử Đoàn Bá Chính tổ chức lớp Đồng Ấu, chiêu mộ các em trai, gái có năng khiếu, tuổi từ 10 đến 15, ký giấy cam đoan với cha mẹ của các em là hai ông sẽ nuôi ăn học, may mặc, thuốc men trong 18 tháng, thời gian các em học, nếu có đi biểu diễn thì có tiền thù lao, học xong sẽ tùy khả năng ca diễn mà ký hợp đồng lương cao hay thấp. Ban đầu các em phải học thuộc và múa hát thuần thục hơn chục điệu mới, đậm âm hưởng nhạc Quảng, trang phục trình diễn thì do họa sĩ Trần Phềnh vẽ kiểu cho thợ may. Khi tập ca, hát, học đánh võ, em nào biếng nhác hoặc học không thuộc bài ca thì thầy dạy đánh đòn bằng roi mây. Vở đầu tiên các em được tập và hát thành công là vở tuồng Bội Phu Quả Báo của tác giả Bùi Công Bình.

Từ năm 1927 khi gánh Nghĩa Hiệp Ban ở Saigon ra Hà Nội diễn tại rạp Quảng Lạc và rạp Sán Nhiên, hát những tuồng lấy tích truyện Tàu của hai soạn giả Nguyễn Công Mạnh và Nguyễn Trọng Quyền, đoàn hát Nghĩa Hiệp Ban hát rất ăn khách nhờ cảnh trí rất lạ, y trang phục sức rất đẹp, đào kép hát diễn xuất tuy đậm hơi hướng tuồng nhưng đã có nhiều nét gần với tả chân, lời kịch nôm na dễ hiểu chớ không thuần chữ nho, bài bản thì đúng là cải lương với những bài Tứ Đại Oán, Văn Thiên Tường, vọng cổ, Nam Xuân, Nam Ai, ngâm, nói lối… Đêm nào đoàn hát cũng bắt đầu bằng cảnh chưng tableau vivant, toàn bộ đào kép hóa trang đẹp, y trang như sẽ dùng trong đêm diễn, tất cả dàn ra, trụ bộ, đồng thanh hát chào mừng khách quan theo điệu Madelon.

Các đoàn hát ở Hà Nội, Hải Phòng đều cho người học đờn và ca theo điệu nhạc tài tử Nam Kỳ. Tuy hát rất đắt khách nhưng sáu tháng sau Gánh Nghĩa Hiệp Ban phải chịu rã gánh vì các chủ rạp Quảng Lạc và Sán Nhiên ký hợp đồng với những số tiền lớn, mua chuộc đào kép giỏi của Nghĩa Hiệp Ban, họ ở lại hát cho các rạp Quảng Lạc và Sán Nhiên chớ không chịu trở về Nam Kỳ theo ông bầu Nghĩa Hiệp Ban. Từ đó, Ngọc Văn và các em lớp Đồng Ấu của rạp hát Quảng Lạc được dạy ca theo điệu cải lương Nam Kỳ.

Để trở thành một diễn viên nổi tiếng, Ngọc Văn phải học đóng tất cả các vai từ quân hầu chạy hiệu đến các vai kép con, oải tử, sau đó đóng các vai kép ba, kép văn, kép võ. Từ năm 1940 đến năm 1967, Ngọc Văn nổi danh trong vai Trương Phi tuồng Triệt Giang Đoạt Á Đẩu và tuồng Trương Phi Khoát Áo, Tào Tháo Kể Ơn. Với vai này nghệ sĩ Ngọc Văn được khán giả Hà Thành tặng cho mỹ hiệu “ vô địch Trương Phi miền Bắc”. Ngoài ra còn một vai nổi tiếng và được nhiều khán giả ái mộ nhắc nhở tới là nghệ sĩ Ngọc Văn trong vai Đơn Hùng Tín, tuồng Tống Tửu Đơn Hùng Tín. Nghệ sĩ Ngọc Văn ngoài các vai võ tướng hát thành công các vai hề, vai kép lẳng.

Soạn giả nổi tiếng đoàn hát Kim Chung

Nghệ sĩ Ngọc Văn bắt đầu sáng tác tuồng cải lương từ năm 1936, tính đến nay soạn giả Ngọc Văn sáng tác được hơn 100 tuồng cải lương. Có một số vở soạn giả Ngọc Văn họp soạn với các tác giả khác. Anh cũng từng làm đạo diễn, trực tiếp dàn dựng tác phẩm của mình trên sân khấu. Các sáng tác phẩm nổi tiếng của soạn giả Ngọc Văn được khán giả ái mộ như tuồng Nụ Cười Sơn Cước, Duyên Bích Câu, Mạnh Lệ Quân Kỳ Nữ, Xử Án Phi Giao, Tàn Một Kiếp Hoa, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài viết chung với soạn giả Vạn Lý, Nước Mắt Kẻ Sang Tần viết chung với soạn giả Hoài Linh, Tình Không Biên Giới, Câu Thơ Yên Ngựa( chỉnh lý kịch bản của Hoàng Yến)…

Năm 1954, soạn giả Ngọc Văn theo đoàn hát Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt của ông Bầu Trần Viết Long di cư vào Nam. Đầu năm 1955, đoàn Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt mướn rạp hát Trung Ương Hí Viện tức rạp Aristo đường Lê Lai để khai trương bảng hiệu mới: Đoàn hát thi ca vũ nhạc kịch diễm huyền Kim Chung hát thường trực tại rạp hát Artisto. Đoàn hát thi ca vũ nhạc kịch diễm huyền Kim Chung có các soạn giả thường trực: Ngọc Huyền Quân tức bầu Long, Vạn Lý và Ngọc Văn.

Trong đợt khai trương, đoàn hát Kim Chung đã hát tuồng Trăng Giải Đêm Sương của soạn giả Ngọc Văn trong suốt 21 đêm liên tục. Đây là một kỷ lục mới về việc trình diễn liên tục một vở tuồng tại một rạp hát mặc dầu trước đó đoàn Thanh Minh đã hát các tuồng Đồ Bàn Di Hận,, Biên Thùy Nổi Sóng, Tình Tráng Sĩ, mỗi tuồng được trình diễn liên tiếp trong 14 đêm. Soạn giả Ngọc Văn được các ký giả kịch trường Saigon nhiệt liệt ngợi khen vì đã có một vở hát hát được lâu nhất tại một địa điểm cố định.

Kế tiếp hai soạn giả Ngọc Văn và Vạn Lý sáng tác vở Bên Cầu Vọng Thê, hát liên tục hơn một tháng. Tuy nhiên vào năm 1956, ông Bầu Long mua bản quyền các tuồng cũ của đoàn Thanh Minh, Kim Chưởng, Kim Thanh để sửa theo lối hát của đoàn Kim Chung và tăng cường thêm số soạn giả thường trực của đoàn: đó là các soạn giả gốc miền Nam Trần Hà, Hoài Ngọc, Thanh Cao, Vân An, Mai Quân.

Soạn giả Ngọc Văn được ông bầu Trần Viết Long rất trọng vọng. Ông mời Ngọc Văn làm cố vấn riêng của ông về mặt tuồng tích cũng như ông Phạm Thọ Minh được mời làm cố vấn về kinh doanh.

Khi nữ nghệ sĩ Lệ Thủy ký hợp đồng cộng tác với đoàn Kim Chung thì soạn giả Ngọc Văn là cha nuôi của nữ nghệ sĩ Lệ Thủy. Ông đã sáng tác nhiều tuồng để góp phần nâng cao nghệ thuật ca diễn của Lệ Thủy. Đến nay, nữ nghệ sĩ Lệ Thủy vẫn tỏ ra rất biết ơn Bố Ngọc Văn.

Hội viên Hội Ái Hữu Tương Tế Nghệ Sĩ

Từ khi di cư vào Nam năm 1954, soạn giả Ngọc Văn gia nhập Hội Ái Hữu Tương Tế Nghệ Sĩ, trụ sở ở số 133 đường Cô Bắc Saigòn. Ngọc Văn là một thành viên tích cực của Hội Ái Hữu. Những công tác quan trọng của Hội Ái Hữu Nghệ sĩ Saigon đều có sự góp công của soạn giả Ngọc Văn, như việc Hội tổ chức đón tiếp các phái đoàn văn nghệ Ấn Độ, đoàn hát Kinh Kịch Trung Hoa Dân Quốc, sau đó tiếp hai nghệ sĩ tài danh Trung Hoa Mã Sư Tăng, Hồng Tuyến Nữ, và đoàn nhạc gỏ Percussion của Pháp tại trụ sở để thực hiện việc giao lưu văn hóa văn nghệ, việc đi chọn mua đất lập nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp… Ngọc Văn cũng tham gia nhiều chuyến đi cứu trợ nạn nhân thiên tai, bão lụt do Hội Ái Hữu tổ chức.

Soạn giả Ngọc Văn là một trong những nghệ sĩ phải sống trong tuổi già thiếu trước hụt sau, nhờ có chị Ngọc Văn đảm đang, cần kiệm nên Ngọc Văn sống không đến nổi bẩn chật lắm. Còn nhớ tháng 7 năm 1995, anh bị bịnh thấp khớp nặng, phải nằm nhà thương An Bình để trị bịnh. Ban Giám Đốc và các bác sĩ điều trị của Bệnh viện An Bình tận tâm chữa trị cho anh. Sau năm ngày điều trị, bệnh thấp khớp của anh được thuyên giảm nhưng trong một đêm ngủ quên, kẻ gian đã lấy cắp hết đồ đạc, tiền bạc cá nhân. Soạn giả lão thành Ngọc Văn bớt bịnh tê thấp lại mang thêm cái bịnh nghèo vì bị mất cắp, không biết anh sẽ soay sở làm sao khi hiện tình anh không sáng tác được nữa, các sáng tác cũ của anh không được các đoàn hát sử dụng, nguồn thu nhập chính yếu xưa nay của anh là tiền bản quyền, giờ đây thì anh không có nguồn thu nhập nào cả ngoài số lương hưu ít oi do chánh phủ cấp.

Nghệ sĩ Phùng Há và nghệ sĩ Ngọc Văn là hai nghệ sĩ cao niên nhất liên tục hoạt động cho Hội Ái Hữu Tương Tế Nghệ sĩ ở Saigon từ năm 1954 cho đến nay. Nữ nghệ sĩ Phùng Há đã về cõi vĩnh hằng, nghệ sĩ Ngọc Văn 93 tuổi là nghệ sĩ cao tuổi nhất, nghèo nhất nhưng rất giàu thiện tâm vì nghề nghiệp và vì các thế hệ nghệ sĩ đàn con cháu.

Tác giả: Nguyễn Phương

Nguồn: www.rfa.org