Phú Quý - Huỳnh Phú Quý (1946-20 .. ) 

Nghệ sĩ Phú Quý tên thật là Huỳnh Phú Quý sinh năm 1946 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Thời kỳ hoàng kim của cải lương và tấu hài, Phú Quý là một trong những ngôi sao ăn khách cùng Minh Vương, Lệ Thủy, cố nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thanh Sang, "đệ nhất danh hài" Bảo Quốc, Kim Ngọc, Duy Phương, Kiều Mai Lý... 

Nghệ sĩ Phú Quý là con út trong gia đình có mười anh chị em ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Cha của ông làm nghề chài lưới, mẹ buôn bán. Khi buôn mùng mền, lúc bán cháo gà cháo vịt. 

Mỗi khi có đoàn cải lương về quê hát, mẹ thường gánh cháo đứng trước cổng rạp bán phục vụ đoàn còn cậu bé Phú Quý khi ấy phụ mẹ bưng cháo cho các nghệ sĩ. 

Năm ấy, đoàn cải lương Thanh Tao có cô đào Lệ Thủy mới 16 tuổi nhưng giọng hát khiến ai nghe cũng mê hồn về dựng rạp. Một lần, trong lúc phụ mẹ bán cháo trước cổng rạp, Phú Quý cao hứng ca bài "Tình mẫu tử". Giọng hát lọt vào tai một thầy tuồng (người chuyên viết kịch bản) trong đoàn. 

Nhận được lời khen từ một người làm nghề chuyên nghiệp, máu nghệ sĩ trong người Phú Quý nổi lên. Không biết ông thầy tuồng "dụ" thế nào mà cậu bé Phú Quý 13 tuổi khi đó trốn nhà theo đoàn Thanh Tao đi hát. 

Nhưng hát được một thời gian, Phú Quý nhớ nhà, cộng thêm cuộc sống của nghệ sĩ cải lương ngày ấy rày đây mai đó, dẫu có chất giọng nhưng Phú Qúy chưa được cho lên sân khấu diễn, ông nản lòng quay về nhà và đi học tiếp. 

Hết lớp 9, Phú Quý bỏ học lên Sàigòn học nghề thợ bạc. Nhờ sáng dạ, ông nhanh chóng được nhận vào làm thợ kim hoàn tại một tiệm lớn ở Sàigòn. Trong thời gian này, Phú Quý quen và tham gia vào một nhóm đờn ca tài tử và thường xuyên đi diễn sau khi công việc kết thúc. 

Sau giải phóng, Phú Quý về làm công nhân bến xe Miền Tây. Đây cũng là thời điểm phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rầm rộ. Nhờ có sẵn giọng ca, cộng thêm sự nhiệt tình năng nổ, ông được trao nhiều cơ hội để trổ tài ca hát của mình. 

Năm 1978, ông được Sở Giao thông vận tải thành phố cử đi hát Hội diễn Công nhân viên toàn quốc. Cũng trong kỳ hội diễn này, Phú Quý tự sáng tác và trình bày ca cảnh Vợ chồng anh lái xe. Tiết mục không những được quay và phát trên đài truyền hình mà còn lọt vào mắt xanh của kỳ nữ Kim Cương. 

Thời điểm đó, đoàn kịch nói của nghệ sĩ Kim Cương đang có rất nhiều nghệ sĩ nổi danh như Bảy Nam, Kiều Phượng Loan... nhưng Kim Cương lại mời Phú Quý – một "tân binh", một người chưa có tên tuổi thế vai Ngọc Đức – một nghệ sĩ lớn trong vở Dưới hai màu áo. 

Lúc đầu, Phú Quý không dám nhận vai diễn. Đi được nửa đường, ông đạp xe quay lại. Cầm kịch bản trong tay, cả đêm hôm đó, ông không ngủ được. Tới ngày ra sân khấu diễn, áo ông ướt sũng mồ hôi vì lo và áp lực. Nhưng khi vở diễn kết thúc, khán giả vỗ tay rần rần, cả đoàn kéo tới chúc mừng vì vai diễn thành công ngoài sự mong đợi. 

Sau vai diễn này, con đường làm nghệ thuật chuyên nghiệp dần mở cửa đón ông. Trong thời gian công tác tại Đoàn cải lương Sài Gòn 2, ông được chọn đóng thế vai của đàn anh Văn Chung khi danh hài này bệnh nặng phải nhập viện trong vở Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, đóng thế nghệ sĩ Diệp Lang trong Ánh lửa rừng khuya... 

Đây cũng chính là những vai diễn giúp Phú Quý để lại dấu ấn trong lòng khán giả mộ điệu cải lương thời kỳ đó. 

Mặc dù có nhiều vai diễn được yêu thích, đóng chung với những nghệ sĩ tên tuổi như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Nguyễn Chánh Tín, Diệp Lang, Bảo Quốc, Hồng Vân... nhưng cái tên Phú Quý chỉ thực sự lừng lẫy khi ông đầu quân về Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. 

Vở diễn đưa tên tuổi Phú Quý lên hàng ngôi sao khi ấy là Nàng Xê Đa của đạo diễn Đoàn Bá, kịch bản Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương Thể Hà Vân. 

Nàng Xê Đa được diễn liên tục trong hơn 10 năm với hơn 1.000 suất diễn, trở thành vở diễn kinh điển trong làng nghệ thuật cải lương thời bấy giờ. 

image-5.jpeg 

Bảo Quốc, Phú Quý, Duy Phương, Văn Chung  

Nhớ lại vai diễn để đời này, nghệ sĩ Phú Quý nói: "Kịch bản gốc vai tên trộm của tôi không được hát. Tôi năn nỉ Thể Hà Vân viết cho tôi mấy câu để ca cho sướng. Thể Hà Vân lúc đầu còn chần chừ, nhưng khi tôi hát thử cho đạo diễn Đoàn Bá nghe, ông rất ưng. Vở diễn khi ra mắt công chúng, được khán giả vỗ tay rần rần thích thú". 

Khi cải lương không còn được yêu thích, tấu hài lên ngôi, Phú Quý lại một lần nữa nổi lên cùng với những cái tên Văn Chung, Duy Phương, Bảo Quốc. 

Phú Quý là một trong những gương mặt nghệ sĩ đình đám từ hài kịch Trong nhà ngoài phố. Nhờ chương trình này mà Phú Quý đắt show tấu hài. 

Khi Bảo Quốc được người trong nghề và công chúng phong "đệ nhất danh hài" thì Phú Quý cũng là cái tên "bảo chứng phòng vé" tại các tụ điểm tấu hài ở Sàigòn cùng cố nghệ sĩ Kim Ngọc, Kiều Mai Lý. Hằng đêm, ông chạy hàng chục show diễn. Tiền nhiều đến nỗi ông phải cho vào bao tải nhét gầm giường. 

Trong hơn 40 năm làm nghề, ông nhận nhiều huy chương vàng, bạc cùng nhiều giấy khen của Hội Nghệ sĩ sân khấu, Sở Văn hóa thành phố và các cơ quan ban ngành. 

Nhưng chẳng ai ở mãi trên đỉnh cao. Theo dòng chảy tất yếu của thời cuộc và nghệ thuật, cải lương bị soán ngôi, tấu hài cũng chết, cái tên Phú Quý theo đó chìm vào quên lãng... 


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông