Quy Sắc - Nguyễn Phú Quý (1924-2010)
Soạn giả Quy Sắc tên thật là Nguyễn Phú Quý, sinh năm 1924 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương.Ông. Nghệ danh Quy Sắc là cách chơi chữ đánh vần tên của ông.
Ông đỗ Thành chung vào thời Pháp thuộc và là thầy giáo dạy Việt văn lúc còn trẻ.
Soạn giả Quy Sắc sau khi thành công bài vọng cổ “Cô Bán Ðèn Hoa Giấy,” ông tiếp tục tiến xa hơn vào nghiệp cầm ca. Ông đã tự học viết tuồng và tuồng cải lương đầu tiên của ông là Nghiệp giáo.
Nghiệp soạn giả đến với ông khi ông gặp soạn giả Nguyễn Phương và soạn giả Kiên Giang khi ông làm gia sư cho nghệ sĩ Thanh Nga. Ông và soạn giả Kiên Giang đã hợp tác cho ra đời tuồng cải lương nổi tiếng Người vợ không bao giờ cưới (Sơn nữ Phà Ca).
Năm 1972, ông viết ba tuồng cải lương cho gánh Bạch Tuyết Hùng Cường.
Ông cũng viết tuồng cải lương cung cấp cho đài phát thanh Sàigòn với các vở tuồng ngắn, thường là hát một giờ đồng hồ là hết tuồng, có nghĩa là chỉ phát một lần. Nếu như tuồng nào bắt buộc kéo dài quá, thì cũng chỉ phát thanh hai đêm, mỗi đêm một giờ.
Viết cho đài phát thanh tiền thù lao tuy ít nhưng chắc ăn, mỗi tháng đài tổng kết là lãnh tiền. Soạn giả Quy Sắc, và soạn giả Ðiêu Huyền thường xuyên có tuồng mới phục vụ cho chương trình cải lương ngắn này.
Nhận thấy nghề viết tuồng, viết bài ca cuộc sống khá vững vàng, Quy Sắc bỏ hẳn nghề dạy học, để tập trung tim óc vào viết tuồng, viết bài ca. Thời gian sau thì đài phát thanh Sài Gòn thu nhận thêm nhiều ban văn nghệ, kể cả các ban kịch nói, đã chia nhau giờ thu thanh và dĩ nhiên mỗi ban họ có kịch bản riêng, đã ảnh hưởng nhiều đến tinh thần, đời sống của các soạn giả yêu nghề đang cộng tác với đài.
Trước mỗi tuần đều có thu thanh, sau cả tháng cũng chưa tới phiên. Do đó mà Quy Sắc trở lại viết bài ca vọng cổ và tuồng cải lương ngắn cung cấp cho hãng dĩa hát. Tuồng ngắn của Quy Sắc được vô dĩa như: Tình Cô Gái Huế, Duyên Ai Nấy Gặp, Cành Hoa Trước Gió… Về bài vọng cổ sáu câu thì có: Anh Nữ Trước Pháp Trường doLệ Thủy ca, Duyên Nợ do Thành Ðược ca, Cây Trứng Cá Sau Vườn do Minh Cảnh ca…
Ðồng thời Quy Sắc cũng viết tuồng cải lương dài ba tiếng đồng hồ hát trên sân khấu, vở hát đầu tiên của ông mang tên Nghiệp Giáo diễn trên sân khấu Thanh Minh, kế đó là tuồng Hối Hận, tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, viết chung với Kiên Giang. Quy Sắc cũng viết tuồng Mễ Tây Cơ, tuồng Nhật, tuồng Tàu…
May mắn của ông là được trưởng thành trong lòng một sân khấu cải lương đang hồi cực thịnh, và những tác phẩm của ông đã góp phần làm phong phú thêm cho bộ mặt sân khấu. Tóm lại từ một nhà giáo bước vào địa hạt cải lương, Quy Sắc được kể như thành công và tiếp tục đeo đuổi sự nghiệp sân khấu.
Viết tuồng cho các gánh hát một thời gian thì Quy Sắc được làm giám đốc đoàn Sao Ngàn Phương kiêm soạn giả, tức dưới quyền có trên 30 người. Nhưng càng cao danh vọng càng nhiều gian nan!
Số là soạn giả Quy Sắc, giám đốc đoàn Sao Ngàn Phương, nhưng đoàn bị lủng củng từ khi mới ra đời, càng ngày càng lục đục trầm trọng. Họ chẳng giải quyết gì cả, trái lại mâu thuẫn, mờ ám đầy dẫy, nên việc gì đã đến phải đến.
Khi đoàn này trình diễn lại rạp Quốc Thanh, thì bà Lê Thị Chi, chủ nhân đoàn Sao Ngàn Phương, có nhờ thừa phát lại tống đạt cho soạn giả Quy Sắc một văn thơ chấm dứt nhiệm vụ giám đốc của ông tại đoàn này. Ðồng thời bà yêu cầu Quy Sắc thanh toán tất cả tiền bạc, sổ sách giấy tờ… và bà sẽ giành quyền truy tố Quy Sắc ra trước pháp luật.
Vậy là đôi bên đã căng thẳng, sự việc nổ bùng, không thể hàn gắn vì đã đến lúc họ giải quyết với nhau bằng luật pháp.
Quy Sắc bắt đầu chán ngán nghiệp cải lương, thời gian sau thì gặp biến cố Tết Mậu Thân, cải lương xuống dốc thậm tệ, nên mặc dù đang được Thanh Minh Thanh Nga mời làm giám đốc kỹ thuật, Quy Sắc cũng cương quyết không nhận lãnh.
Cùng lúc đó, ông chạy lo giấy phép mở trường trung học để quy tụ các nhà giáo anh em giáo dục cho lớp trẻ. Quy Sắc bảo, dù gì mở trường học có thất bại cũng còn hay hơn làm cải lương nhiều!
Soạn giả Quy Sắc qua đời ngày 07 tháng 01 năm 2010, tại nhà riêng C16 cư xá Vĩnh Hội, phường 5, Quận 4, Tp. HCM. Thọ 86 tuổi.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông