III – GIỌNG HÁT CẢI LƯƠNG 

Có nhiều người cho rằng, chỉ cần luyện cho thật mùi sáu câu Vọng cổ là có thể hát cải lương. Và ngay cả những chủ đoàn hát đôi khi cũng căn cứ vào ca Vọng cổ của mỗi diễn viên để xếp hạng đào kép. Thật ra hát cải lương có đến sáu giọng: Bắc, Nam, Oán, Thán, Lý, Bình, Ngâm; mỗi giọng đều có tiết điệu riêng, khác biệt nhau. Nhưng Vọng cổ là một điệu rất quan trọng và độc đáo của bộ môn này. Đúng vậy, trong vở cải lương, bắt buộc mỗi màn phải có ít nhất một bản Vọng cổ. Và mối tương quan nồng thắm, cải lương nhờ Vọng cổ đã vươn lên đến tuyệt đỉnh, còn Vọng cổ cũng nhờ cải lương mà trở thành bất tử trong lòng người dân Việt. 

01 – Vậy Vọng cổ là gì? 

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 – 1976), tục gọi là Sáu Lầu, sinh ngày 22- 12- 1892, tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sáp nhập với làng Thuận Lễ thành xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành [8] tức huyện Vàm Cỏ (cũ), tỉnh Long An. Năm 1901, ông theo cha mẹ đến Bạc Liêu lập nghiệp và ở luôn đấy. Năm 1920 (có sách ghi năm 1918 hay 1919), Sáu Lầu lập gia đình đã mười năm mà chưa có con, phải vâng lệnh cha mẹ cưới vợ khác để nối dòng. Vì thương người vợ trước, ông cảm tác ra bản nhạc Hoài Lang (nhớ người tình) gồm 20 câu, nói lên nỗi lòng của vợ và đờn cho ông Trần Xuân Thơ, thầy tuồng gánh Tân Minh Kế, nghe. Cảm tiếng đờn, ông Thơ viết lời ca và đề nghị lấy tên Dạ Cổ Hoài Lang (nghe trống canh khuya nhớ chồng). 

Trời đất không phụ người có nghĩa, liền sau đó vợ ông mang thai và chuyện gia đình được thu xếp ổn thỏa. Bản ca trước cũng được đổi tên lần nữa là Vọng Cổ Hoài Lang (trông chuyện xưa nhớ đến chồng), rồi gọi tắt là Vọng Cổ (tưởng đến chuyện dĩ vãng). 

CaoVanLau 

H 7: Cao Văn Lầu (1892 – 1976) cha đẻ của Vọng cổ [9]. 

Vọng cổ nguyên thủy ca giọng Bắc, nhịp hai, bản đờn: “Hò liu xang xế cống, Líu cổng líu cổng xê xang, Xừ xang xê hò líu cống xê xang hò, Liu xế xang xự xể xang lìu hò… Lời ca: Từ là từ phu tướng, Bửu kiếm sắc phong lên đàng, Vào ra luống trông tin chàng, Đêm năm canh mơ màng…” (trích 4/20 câu đầu). 

Vọng cổ không dừng lại ở trạng thái ban đầu mà biến chuyển không ngừng để đáp ứng nhu cầu nghệ thuật ngày càng cao và thị hiếu của quần chúng. Vọng cổ, từ giọng Bắc chuyển dần sang Nam có pha điệu Oán và từ nhịp hai không đủ chỗ để viết lời nên tăng dần đến nhịp 128. Nhưng rồi, rốt cuộc nhịp 32 vẫn được mọi người tán đồng và giữ mãi cho đến ngày nay. Theo Trần Văn Khải, Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam , Vọng cổ có 6 thời kỳ tăng nhịp và mỗi thời kỳ chia làm hai: đợt nhất lời ca hơi ít chữ, đợt nhì ca nhiều chữ hơn, nhưng vẫn giữ y nhịp: 

Thời kỳ 1: từ 1920 – 1926, Vọng cổ nhịp 2 nguyên thủy có 20 câu, được đón nhận nồng nhiệt và dần dần thay thế cho bài Tứ Đại Oán . Đợt đầu, có bản Vọng Cổ Hoài Lang ; đợt hai, điển hình có bản Vọng cổ trong tuồng Tham Phú Phụ Bần diễn năm 1926 tại Biên Hòa, do các nhân vật Ái Châu (nữ) và Huỳnh Kỳ Thoại (nam) ca đối đáp. 

Thời kỳ 2: từ 1927 – 1935, Vọng cổ tăng lên nhịp 4, lời ca có nhiều chữ hơn, giọng kéo dài ngân nga, nên phải chuyển sang điệu Nam cho thích hợp và bài ca chỉ còn 12 câu. Đợt đầu, tiêu biểu có bản Giá Trị Danh Dự do Tư Chơi ca chuyển điệu Nam, trong vở Giá Trị Và Danh Dự của Nguyễn Thành Châu. Đợt hai, điển hình có bản vọng cổ do Phùng Há đơn ca, trong vở Khúc Oan Vô Lượng của Huỳnh Thư Trung. 

Thời kỳ 3: từ 1936 – 1945, Vọng cổ tăng lên nhịp 8, nhưng bài chỉ còn 6 câu, với điệu ca chậm rãi, ngân nga hơn bản nhịp tư và xuống giọng ở cuối câu. Đợt đầu, tiêu biểu có bản Gánh Nặng Tình Đời của Lưu Hoài Nghĩa, tức Năm Nghĩa ca. Đợt hai, điển hình là bản Vọng cổ do Tư Út ca, trong vở tuồng Tô Ánh Nguyệt của Trần Hữu Trang. 

Thời kỳ 4: từ 1946 – 1954, Vọng cổ tăng lên nhịp 16, bài vẫn 6 câu, nhưng lối ca buông nhịp mới mẻ, mở ra một bước ngoặc mới câu nhạc bắt đầu đa dạng và phong phú cho Vọng cổ. Nhờ sáng kiến của Út Trà Ôn (tên thật là Nguyễn Thành Út, thường gọi Mười Út; sinh năm 1919, tại ấp Phú Đông, làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long; mất ngày 13- 8- 2001 tại Sài Gòn, an táng ở Chùa Nghệ Sĩ, quận Gò Vấp). Ông đưa vào bản Vọng cổ, nhịp 16, những câu thơ ngâm điệu tao đàn hay ngâm Lục Vân Tiên mùi mẫn và những câu hò vui tai. Đợt đầu, tiêu biểu có bản Tôn Tẫn Giả Điên , Út Trà Ôn đơn ca trên đĩa hát hãng Asia; đợt hai, điển hình có bản Xử Tội Bàng Quý Phi . 

UtTraOn_VuaVongCo 

H 8: Nghệ sĩ Út Trà Ôn (1919 – 2001),  

vua ca Vọng cổ [10]. 

Thời kỳ 5: từ 1955 – 1964, Vọng cổ tăng lên nhịp 32, bài vẫn 6 câu. Đợt đầu, tiêu biểu có bản Đội Gạo Đường Xa (gương hiếu thảo của thầy Tử Lộ) soạn giả Viễn Châu, do Hữu Phước đơn ca, thu vào đĩa hát hãng Lam Sơn. Đợt hai, điển hình có bản Nguyệt Kiểu Xuất Gia , cũng của Viễn Châu, do Thanh Nga đơn ca thu vào đĩa hãng Hồng Hoa. 

Thời kỳ 6: từ 1965 đến nay, vọng cổ tăng nhịp 64, rồi nhịp 128, bài vẫn sáu câu. Tiêu biểu cho nhịp 64 có bản Ba Râu Đi Chợ Lớn của Viễn Châu, do Văn Hường đơn ca trên đĩa hát hãng Hồng Hoa. Nhưng vì chẻ nhịp nhiều quá, không ăn khách, khiến vọng cổ lại trở về nhịp 32, và dừng lại ở trạng thái viên mãn này, được coi là tiêu chuẩn hiện nay. 

Từ năm 1964, một cải tiến quan trọng, nghệ sĩ Viễn Châu đưa tân nhạc vào vọng cổ, tạo thành mô hình Tân cổ giao duyên. Vọng cổ ở trường hợp này, chỉ còn 4 câu thay vì 6 câu thông thường. 

Ngoài việc đem vọng cổ vào kịch bản cải lương, trong đờn ca tài tử, điệu ca này còn được khai thác tối đa trên các đĩa nhạc đủ loại đề tài như: đạo hạnh, hiệp sĩ, luân lý, nhân vật lịch sử, sự tích, tâm lý, tình cảm, truyện Tàu, xã hội,… Đó là đặc điểm của Vọng cổ mang tính đa dạng có khả năng biến thái của bài hát theo lời ca. 

02 – Ca Bắc: 

Thường là văn vần, diễn trong tình tiết vui, ca Bắc được dùng để tả cảnh vật, bày tỏ cái chí khí của đấng nam nhi, cái tiết tháo của kẻ sĩ, hoặc nói lên cái ý hướng của mình. Đôi khi ca Bắc cũng dùng tả cảnh sinh ly tử biệt, nhưng đượm vẻ hào hùng. Tuy là ca Bắc nhưng hoàn toàn ngôn từ Việt Nam, rất phổ biến trong cải lương, và không như hát Khách (hát Bắc) của hát bội nặng nề chữ Nho. 

03 – Ca Nam: 

Cũng như nói Lối ai, ca Nam là giọng buồn thảm nhất trong các điệu cải lương. Ca Nam thường dùng văn vần để có thanh bằng trắc, giọng trầm bổng thì ca mới nghe được. Tùy theo mức độ bi ai, điệu ca này chia làm 5 loại: 

– Nam xuân có 8 lớp, mỗi lớp gieo một vần cho cả 8 câu. Giọng Nam xuân buồn nhẹ, dịu hòa. 

– Nam ai gồm 14 lớp, mỗi lớp có 8 câu và gieo một vần, ca nhịp lơi nên giọng buồn thảm thê lương nhất. 

– Nam bình, còn gọi là Trường tương tư, chữ cuối câu gieo một vần và đều thanh bằng, giọng buồn miên man. Điệu ca này gốc ở miền Trung, mới gia nhập vào cải lương khoảng đầu thập niên 1930. 

– Nam chạy trong cải lương cũng giống như Nam tẩu trong trong hát bội, dùng khi bị rượt đuổi, vừa chạy vừa ca nhịp thúc để phù hợp với điệu bộ chạy giặc. Bài Nam chạy cũng gồm nhiều lớp, mỗi lớp có 8 câu, và thường xen nói lối giữa hai lớp. 

– Nam Đảo ngũ cung là bài Nam gồm 8 lớp, mỗi lớp có tám câu một vần. Và thường mang thanh trắc, nghe chói tai xóc dựng, tạo âm điệu độc đáo trong cổ nhạc Việt Nam. 

04 – Ca Bắc biến thể giọng Nam: 

Gồm 3 điệu: 

– Hành vân hơi Nam: nguyên Hành vân là bản ca Bắc, được biến thể chuyển qua ca Nam, nhịp lơi và ngân nga, để diễn tả tâm sự buồn của nhân vật. 

– Chuồn chuồn hơi Nam: nguyên Chuồn chuồn là bản ca Bắc, được biến thể chuyển qua ca Nam và vô Vọng cổ khi vai tuồng diễn cảnh gặp cơn hoạn nạn. 

– Vọng cổ cũng là bản Bắc chuyển sang giọng Nam, nhưng là một điệu ca quan trọng nên có chỗ đứng riêng. 

05 – Nói lối: 

Nói lối trong cải lương thường là những câu văn vần, mỗi câu từ 4 đến 9 chữ, có thể dài hơn, đôi khi có văn xuôi, và chia làm ba loại: 

a/ Lối Bắc, nói chậm từng tiếng, rõ ràng và nghiêm trang, không có đàn đưa hơi. Diễn viên nói lối Bắc xong, thì tiếp đến ca Bắc. 

b/ Lối Ai (tức lối Nam), nói chậm, giọng buồn não ruột, có đờn đưa hơi qua bản Xuân Nữ ; và xong lối Ai thì tiếp đến ca Nam. 

c/ Lối giặm, khi diễn viên ca vọng cổ, vừa dứt một câu, đờn nổi lên, trong thời gian chờ diễn viên ca tiếp, nhân vật đối thoại xen vào câu Lối giặm, không nhất thiết là phải văn vần, để trám khoảng trống và tránh bị nguôi tuồng. Vậy Lối giặm phải gọn, không được dài dòng, làm loãng bài Vọng cổ. 

06 – Nói thường: 

Dùng để xen giữa các câu nói lối, nên diễn viên phát ngôn bình thường, tự nhiên như kịch nói. 

07 – Oán: 

Giọng oán thể hiện nỗi đau khổ buồn giận, nhưng mang tính bi hùng, chứ không ủy mị thê lương. Tuy là vậy, các tính chất trên cũng gia giảm tùy theo từng bài. Có bốn bài oán chính: 

Tứ Đại Oán (trong tuồng Vì Nghĩa Liều Mình ), 

Giang Nam (thích hợp cho những tuồng có nhân vật nữ trong cô phòng, than thân tủi phận), 

Phụng Cầu (trong tuồng Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu ), 

Phụng Hoàng (tính chất oán nhẹ nhàng hơn các bản khác); 

Và bốn bài oán phụ: Văn Thiên Tường (ca trong lúc vợ chồng quyến luyến trước cảnh chia ly), Bình Sa Lạc Nhạn, Bộc Thủy Ly Tao, Thanh Dạ Đề Quyên.  

08 – Bình: 

Bài Bình bằng thơ lục bát và nói rõ ràng từng câu, từng điệu. Bình cũng gần như Bạch trong hát bội, nhưng Bạch nói lên cái chí hướng của nhân vật, còn Bình tả cái gia cảnh của vai tuồng. 

09 – Ngâm: 

Cải lương và hát bội đều có ngâm, tức là đọc thong thả bài thơ với giọng tha thiết diễn cảm qua âm điệu trầm bổng ngân dài, nhưng không theo khuôn nhịp cố định. Ngâm trong cải lương thường là là thể thất ngôn tứ tuyệt, thơ tám chữ bốn câu, cũng có thể dùng lục bát hay song thất lục bát. 

10 – Nói thơ, tức là không ngâm mà chỉ đọc thơ với giọng rõ ràng, thong thả. 

11 – Thán: 

Điệu thán trong cải lương nhất định phải là thơ thất ngôn tứ tuyệt, có đờn đệm đưa hơi, với giọng não nề; chẳng hạn như than khóc người thân lìa đời. 

12 – Lý: 

Lý là điệu hát ngắn, gọn, tính nhạc phong phú, rất phổ biến trong dân gian. Cải lương thường dùng các điệu Lý sau đây: 

– Lý giao duyên dành cho đào hát trong lúc cô đơn, khi trông nhớ chồng, con đi xa lâu về. 

– Lý Ngựa ô căn cứ vào nguồn gốc có hai loại: điệu Lý Bắc hát nhanh nhịp 1, điệu Lý Nam hát chậm và nhịp tư lơi. 

– Lý Huế cũng hát chậm với nhịp tư lơi và giọng dịu dàng. 

– Lý con sáo tức Lý Tam thất, có hơi ca Nam. 

– Lý thập tình. 

– Lý chuồn chuồn. 

13 – Hò: 

Hò là điệu hát dân gian có giọng cất cao, to và dài hơi, đồng ca trong khi làm việc cho quên mệt nhọc, hay để hợp sức cùng làm một việc gì. Trong cải lương thường thấy hò cấy lúa, hò chèo ghe, hò đưa đò,… 

IV – CÁC DÒNG PHÁI CẢI LƯƠNG 

Trong hát bội, người ta phân làm 3 loại tuồng theo nội dung, đề tài, và nơi sử dụng. Trong hát cải lương, chia khuynh hướng tùy theo kịch bản lấy từ truyện tích Tàu, hay kịch bản phóng tác từ các tiểu thuyết của Pháp, hoặc phản ánh từ cuộc sống ngoài xã hội. 

01 – Khuynh hướng cải lương tuồng Tàu: 

Bộ môn cải lương lúc mới ra đời (1917) thường diễn tuồng Tàu, vì các soạn giả là lớp người cựu học, họ xem sách truyện tích Tàu để soạn tuồng, hay là chuyển thể từ các kịch bản hát bội viết bằng chữ Nho và Nôm. 

a/ Trương Duy Toản (1885 – 1957): 

Đầu tiên có Trương Duy Toản, soạn tuồng và dạy con hát cho gánh Thầy Năm Tú. Ông là một kịch tác gia, tự Mạnh Tự, bút hiệu Đổng Hổ; người huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Họ Trương tham gia các tổ chức chống Pháp rồi xuất dương sang Nhật. Năm 1908, ông cùng với Cường Để sang Châu Âu. Sau năm 1914, ông bị Pháp bắt, dẫn độ về Sài Gòn, bị nhốt một thời gian rồi được thả. Từ ấy, ông soạn vở cải lương và là một thầy tuồng (đạo diễn) nổi tiếng nhất vào những năm thập niên 1920. 

Các tuồng cải lương của ông đều phóng tác theo truyện tích Tàu, như vở Hạnh Nguyên Cống Hồ, Trang Châu Mộng Hồ Điệp, Trang Tử Cổ Bồn Ca, Lưu Yến Ngọc Cứu Cha Đại Hiếu (1930),… Tuy cốt truyện có nguồn gốc Tàu, nhưng không đem nghệ thuật Tàu vào kịch bản. 

b/ Nguyễn Trọng Quyền (1876 – 1953): 

Người kế tiếp là Nguyễn Trọng Quyền (阮 仲 權), bút hiệu Mộc Quán (đặt theo lối chiết tự: hai chữ Mộc ‘木’ và Quán ‘雚’, viết ra chữ Nho và ghép lại thành chữ Quyền ‘權’). Ông người làng Thạnh Hòa, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc tỉnh Cần Thơ). Ông gia nhập làng báo, viết cho tờ Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn . Từ năm 1920, ông trở thành nhà soạn tuồng cải lương nổi tiếng cho các gánh hát lớn đương thời suốt trong 33 năm với chừng 85 kịch bản. 

Theo Nguyễn Phương [11]: “ Ông là người khai sinh ra dòng nghệ thuật sân khấu tuồng Tàu. Ông đã viết lời Việt và sửa cách phát âm theo lối Việt một số bản nhạc của sân khấu hát Tiều, hát Quảng để dùng trong các tuồng Tàu do ông sáng tác. Các bài bản đó đến nay trở thành cổ nhạc Việt Nam tuy vẫn còn giữ cái tên của nhạc Tiều hay nhạc Quảng cũ như : Ú liu Ú xáng, Xang xừ líu, Xáng xáng lìu, Xách xủi, Tân xái phí, Bạc cấm lùng, Dì phảnh, Mành bản,.. . ” 

Và ngay cả nghệ thuật cải lương, ông cũng bớt tả chân để pha trộn cái tượng trưng ước lệ của hát bội với lối hát Tiều và Hí khúc của nhà Nguyên, làm thành một mô hình cải lương tuồng Tàu: động tác được vũ điệu hóa, lời thoại được âm nhạc hóa, và ca diễn tiết tấu được cường điệu hóa. Nhưng lối pha trộn này không ăn khách vì xa rời dân tộc tính, nên không phát triển, mà người đời quen gọi là: Cải lương Hồ Quảng. 

02 – Khuynh hướng cải lương tuồng Tây: 

Từ năm 1923, bộ môn cải lương phát sinh một dòng phái nữa có tên là tuồng Tây và sau này còn gọi là tuồng xã hội. Năm ấy, nghệ sĩ Năm Châu cộng tác gánh Trần Đắc, soạn tuồng cải lương Nghĩa Bộc Thủ Phần Tiên Biệt Phu là hai kịch bản cải lương đầu tiên thuộc hệ phái này. 

a/ Nguyễn Thành Châu (1906 – 1978): 

Nguyễn Thành Châu, thường gọi là Năm Châu, quán làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho; nay là Tiền Giang. Ông bước vào nghệ thuật cải lương từ lúc 15 tuổi, là một kịch tác gia kiêm đạo diễn vừa là diễn viên, với lãnh vực nào cũng tỏ ra xuất sắc. Ông đã đóng góp không nhỏ cho bộ môn này qua 50 kịch bản. Phần lớn tuồng của ông phóng tác từ các truyện của Pháp, các vở kịch cổ điển của Tây phương, soạn thành vở cải lương, tiêu biểu như: Áo Người Quân Tử (theo L’homme en habit), Bằng Hữu Binh Nhung (theo Les troi mousquetaires), Giá Trị Và Danh Dự (Le Cid của Corneille)… 

b/ Huỳnh Thư Trung: 

Cuối thập niên 1930 có Huỳnh Thư Trung (thường gọi là Tư Chơi) soạn tuồng cải lương mà cốt truyện hoàn toàn sáng tác, không phỏng theo tiểu thuyết Tây, Tàu hay Việt. Ông cũng là soạn giả đầu tiên dùng nhạc Pháp lời Việt trong các kịch bản cải lương. 

Nói chung tuồng Tây khác với tuồng Tàu ở phong cách diễn xuất, vì tuồng Tây gần với tự nhiên và cuộc sống thực. 

V – CÁC LOẠI NHẠC CỤ 

Đặc biệt âm nhạc cải lương chỉ dùng đàn; không dùng trống, đồng la, chập chõa, và kèn nên không rộn rã như hát bội. Các loại nhạc cụ cải lương có: 

01 – Đờn kìm, còn gọi là nguyệt cầm vì bầu cộng hưởng (bụng đàn, thùng đàn) tròn như mặt trăng rằm, đường kính chừng 40 cm, dày không quá 8 cm, bít kín không có lỗ thoát âm. Cần đàn dài chừng 85 đến 90 cm, gắn 8 phím lõm cách nhau không đều, có hai dây tơ (nay là dây nylông) nối từ con quay ở đầu cần đến cuối bụng đàn mắc trên một cái thú (ngựa đàn). Đờn kìm, tiếng đàn không trong và thanh như đờn tranh hay lục huyền cầm, nhưng với âm hưởng trầm, hòa với cây tranh thì tuyệt vời. 

Trong nền âm nhạc cổ điển Việt Nam, cây kìm là đàn chánh, không thể thiếu. Và trong cải lương, người phụ trách đờn kìm được coi như trưởng ban nhạc, ngồi ở vị trí ngó ra sân khấu để điểu khiển giàn nhạc, vừa theo dõi diễn viên giọng cao thấp thế nào mà đờn thay đổi năm bậc, từ Hò (hò nhứt), Xự (hò nhì), Xang (hò ba), Xê (hò tư), Cống (hò năm). Ở vị thế nhạc cụ chủ, đờn kìm giữ nhịp song lang, các cây đàn khác phải so dây theo, và diễn viên cũng lấy hơi ca theo nhịp cây kìm. 

02 – Đờn cò, còn gọi là đờn nhị, gồm ống đàn (bầu cộng hưởng) mặt bịt da, cần đàn dài không phiếm và có hai dây tơ căng thẳng trợt trên dây của cung đờn, phát ra âm thanh dịu dàng như tiếng đàn Violon của Tây phương. Đờn cò rất phổ biến trong âm nhạc cổ Việt Nam, ở vị thứ hai và có mặt trong tất cả các bộ môn nghệ thuật truyền thống. 

03 – Đờn sến có hai hay ba dây tơ, bụng đàn hình hoa thị, cần đàn dài hơn đờn kìm và có 13 phiếm 

04 – Đờn tranh còn gọi là Thập lục vì có 16 dây bằng kim loại và khảy cũng bằng móng kim nên tiếng ngân dài, luyến láy già dặn và có được ba âm giai: thượng, trung, hạ. Lại nhờ đôi tay tài nghệ của nhạc công nhấn và rung trên phím tạo âm thanh mùi mẫm, quyến rũ, đi vào lòng người nghe. 

05 – Đờn lục huyền, tức Guitare hay Tây Ban cầm, nguyên có 6 dây kim loại và từ Tây Ban Nha nhập vào Việt Nam, khoảng cuối thập niên 1930 đầu thập niên 40. Rồi nhạc sĩ Jean Tịnh là người có sáng kiến đưa cây Guitare cùng đàn Violon gia nhập vào giàn nhạc cải lương, và được cải biến thành đàn 5 dây, với phím móc lõm sâu. Tây Ban cầm khi đàn bực cao, tiếng thanh như đờn Tranh. 

06 – Vĩ cầm tức Violon, gốc từ Tây phương, có 4 dây tơ dùng cung kéo phát ra âm thanh như đờn cò nhưng tiếng lớn hơn, làm át cả các đàn khác, cho nên những nhạc công bảo thủ không ưa thích. Tuy vậy, hai cây đàn này được xem như nhóm nhạc cụ cổ điển Việt Nam. 

07 – Cây cuỗn, giống như cây kèn, đầu gốc có gắn lưỡi gà để thổi ở vị thế cầm dọc, đầu ngọn suông không có loa nên âm thanh phát ra nhỏ hơn tiếng kèn và không vang xa. 

08 – Ống sáo hay ống tiêu làm bằng một lóng cây trúc, dài độ 30 cm, đường kính chừng 1 cm 5, có khoét một lỗ lớn để thổi ở vị thế cầm ngang, và 6 lỗ nhỏ thoát hơi (sáo cải tiến có 10 lỗ bấm) tạo ra âm thanh trầm bổng trong các cung bậc của âm nhạc. 

VI – TẦM ẢNH HƯỞNG 

Văn cải lương dùng quốc âm, gần với ngôn ngữ đời sống hằng ngày, nếu có chữ Nho cũng chỉ xen lẫn với Nôm và cấu trúc theo Việt văn, ngoại trừ có bài Bình Bán Vắn (22 câu) và Du Xuân Hành Vân Khúc (21 câu) là hoàn toàn chữ Nho. Chính vì ưu điểm đó, mà cải lương gần gũi với quần chúng, dễ đi vào lòng dân tộc. 

Cải lương ra đời ở miền Nam, giọng ca điệu hát hoàn toàn thích hợp với phát âm của người Nam, tưởng không bao giờ vượt khỏi biên giới miền Lục Tỉnh. Có ai ngờ, chỉ ba năm sau, bắt đầu từ năm 1920, nhiều gánh cải lương ở Nam Kỳ ra miền Bắc trình diễn như An Lạc Ban, Phúc Lộc Ban, Tân Lập Ban… với những diễn viên nổi tiếng như đào Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Sang…, kép Năm Châu, Tư Chơi, Tư Út… được khán giả giới tân thời ở Hà Nội đón nhận nồng nhiệt. 

Năm 1921, nhóm sinh viên Nam Kỳ ra Hà Hội học trường Cao Đẳng, nhớ đến cải lương, đã trình diễn vở Tối Độc Phụ Nhân Tâm (Lòng người đàn bà hết sức độc ác) do Phạm Công Bình soạn và Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền nhuận sắc. Rồi ngay người Bắc cũng lập gánh hát cải lương tại Hà Nội để đáp ứng với lượng khán giả ngày càng nhiều, như các gánh Kim Chung, Huỳnh Lan Anh. 

Điển hình là đoàn Kim Chung của Bầu Long. Ông Trần Viết Long sinh năm 1922 tại Hà Nội, du học ở Pháp và Đức về, cùng vợ là Kim Chung lập gánh cải lương, lấy tên vợ đặt tên cho gánh hát, với những diễn viên người Bắc như Anh Đệ, Huỳnh Thái, Kim Chung, Lan Phượng. Sau đó, Bầu Long còn hợp tác với Phạm Thọ Minh lập một đoàn Kim Chung nữa (Tiếng Chuông Vàng thứ 2) ở Hải Phòng. Năm 1954, Kim Chung di cư vào Nam, trụ tại Sài gòn và phát triển thành bốn đoàn. 

Với Miền Trung, có lẽ vì quê hương của hát bội nên cải lương xâm nhập chậm hơn, nhưng không kém phần sôi nổi. Theo Trần Văn Chi, Tìm Hiểu Cải Lương , vào thập niên năm 1930, tại bến Thương Bạc ở kinh thành Huế, có ông Tuần phủ lập gánh cải lương Đồng Hỷ Ban, rồi mở rạp Đồng Xuân Lâu sinh hoạt thường trực và tên gánh hát đổi thành đoàn Đồng Xuân. Gia đình ông Phủ cũng mê cải lương, cả ba thế hệ đều tham gia đoàn hát này và duy trì cho đến năm 1945. Ngoài ra, có những người miền Trung vào Nam theo nghiệp cải lương đã thành danh như nghệ sĩ Thanh Tuấn, Việt Hùng và ông bầu Trương Gia Kỳ. 

Ngày nay, cải lương là bộ môn nghệ thuật rất phổ biến cho cả nước. Từ thành thị đến miền quê, từ giới trí thức đến lớp bình dân, đều thích xem cải lương. Mọi người không những ghiền giọng mùi mẫn của Vọng cổ, mà còn thưởng thức các điệu khác, dàn nhạc không ồn ào, cốt truyện phản ánh nếp sống thường ngày, với tầm vóc ngành ca kịch xã hội, mang tính dân tộc nên được cả nước ưa chuộng. 

VII – LỜI KẾT 

Tóm lại, cải lương là bộ môn kịch nghệ vốn thích nghi với cái mới, dễ thanh lọc và cũng dễ tiếp thu. Nói cách khác, cải lương có sự tiếp nhận, chọn lựa và đổi mới; đúng nghĩa với tên gọi của nó. Thật vậy, cải lương mới ra đời vừa một thế kỷ mà cải tiến không ngừng. Chỉ riêng có vọng cổ, cũng biến chuyển từ nhịp 2 đến nhịp 128. Nhạc cải lương cũng không ngớt bổ sung đáp ứng với nhu cầu nghệ thuật, hai loại đàn Tây phương được đón nhận vào dàn nhạc cổ điển, rồi mô hình tân cổ giao duyên, tiếp đến Hồ Quảng cũng được Việt hóa để làm phong phú cho bộ môn này. 

Vâng, tiếp thu mà không bị lai căn, vẫn giữ được bản chất Việt Nam, vẫn đi vào lòng dân tộc từ Nam ra Bắc. Đó là đặc tính ưu việt, bộ môn Cải lương sẽ mãi trường tồn và không bị lỗi thời. 

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG 

GHI CHÚ 

[1] Vương Hồng Sển; Hồi Ký 50 Năm Mê Hát (Sài gòn, Nam Chi Tùng Thư, 1968); trang 105. 

[2] Vở cải lương Phụng Nghi Đình , các tài liệu ghi không đồng nhất về soạn giả: Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Tác Gia Văn Hóa Việt Nam , trang 955, chép soạn giả là Nguyễn Trọng Quyền; Trần Văn Chi, Tìm Hiểu Cải Lương , trang 28, cho rằng Trương QuangTiền là soạn giả. 

[3] Vở cải lương Khúc Oan Vô Lượng của soạn giả Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi, gánh hát Trần Đắc (Cần Thơ) trình diễn trên sân khấu khoảng năm 1931. 

[4, 5, 6, 7] Ảnh từ Wikipedia, bách khoa toàn thư mở (Hình 2, 3, 5, 6) 

[8] Nguyên xã Thuận Mỹ thuộc huyện Châu Thành cho đến ngày 11- 3- 1977. 

Xã Thuận Mỹ thuộc huyện Tân Châu cho đến ngày 19- 9- 1980 (Theo Quyết định 54-CP ngày 11- 3- 1977 của Hội Đồng Chính Phủ sáp nhập huyện Châu Thành với huyện Tân Trụ, lấy tên là huyện Tân Châu). 

Xã Thuận Mỹ thuộc huyện Vàm Cỏ cho đến ngày 4- 4- 1989 (Theo Quyết định 298/CP ngày 19- 9- 1980 của Hội Đồng Chính Phủ, đổi tên huyện Tân Châu thành huyện Vàm Cỏ). 

Xã Thuận Mỹ thuộc huyện Châu Thành từ ngày 4- 4- 1989 đến nay (Theo Quyết định 36/ HĐBT ngày 4- 4- 1989 của Hội Đồng Bộ Trưởng chia huyện Vàm Cỏ trở lại hai huyện cũ). 

[9, 10] Ảnh từ Wikipedia, bách khoa toàn thư mở (Hình 7 và 8) 

[11] Nguyễn Phương; Nghệ Thuật Sân Khấu Cải Lương – 80 Năm…Những Chặng Đường …; Tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai – Cửu Long (Santa Ana, CA), số 4, tháng 7 năm 2006; trang 255. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

– ĐỖ ĐỨC HIỂU; Từ Điển Văn Học , bộ mới; không đề nơi, nxb Thế Giới, 2004. 

– HOÀNG NHƯ MAI; Sân Khấu Cải Lương ; “Địa Chí Văn Hóa TP/HCM”, tập III – Nghệ Thuật, Nhóm Chủ biên Trần Văn Giàu (Sài Gòn, nxb Thành Phố, 1990); trang 119- 161. 

– NGUYỄN PHƯƠNG; Nghệ Thuật Sân Khấu Cải Lương 80 Năm…Những Chặng Đường …; Tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai – Cửu Long (Santa Ana, CA, Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation ấn hành), số 4 tháng 7 – 2006; trang 246 – 271. 

– NGUYỄN Q. THẮNG; Từ Điển Tác Gia Văn Hóa Việt Nam ; Hà Nội, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1999. 

– TRẦN VĂN KHẢI; Nghệ Thuật Sân Khấu ; Sài Gòn, Khai Trí, 1970. 

TRẦN VĂN CHI; Tìm Hiểu Cải Lương ; Gardena (CA), Văn Mới xuất bản, 2005. 

– TRIỀU GIANG; Chủ Nhân Các Đoàn Kim Chung Nói Về Cải Lương Bắc Và Cải Lương Nam ; Nhật Báo Người Việt (Westminster, CA), số 7486, ra Thứ Ba ngày 6- 6- 2006; trang B 6 và B10. 

VƯƠNG HỒNG SỂN; Hồi Ký 50 Năm Mê Hát ; Sài Gòn, Cơ sở Phạm Quang Khai xuất bản, 1968. 

WIKIPEDIA bách khoa toàn thư . 

– Thảo luận Cải lương; Phỏng Vấn Của LĐ Với GS Trần Quang Hải ; tài liệu từ Internet. 

– Xem nhiều tuồng cải lương đã trình chiếu trên đài truyền hình SBTN trong tháng 7 và 8 năm 2006. 

Nguồn: viethocjournal.com 

Nguồn ảnh thumb: Bùi Mai Trúc Tiên