Tấn Tài - Lê Tấn Tài (1940-2011) 

Nghệ sĩ Tấn Tài tên thật là Lê Tấn Tài, sanh năm 1940, quê ở xã Vĩnh Trạch, huyện Núi Sập, tỉnh Long Xuyên. Cha là ông Lê Thành Tâm, Mẹ là bà Nguyễn Thị Đang, hành nghề thương mãi. Trong gia đình không có người nào theo nghiệp cầm ca. 

     

Tấn Tài thi đậu Trung Học đệ nhất cấp ở Long Xuyên, anh làm giáo chức dạy học ở trường Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang. Phong trào đờn ca tài tử ở miền Hậu Giang rất là rầm rộ, thầy giáo Tấn Tài bị cuốn hút theo phong trào, anh đi học ca vọng cổ và cổ nhạc với nhạc sĩ ở địa phương là Hai Tỉnh và Út Thôi. 

Tấn Tài có một giọng ca truyền cảm, anh biết cách diễn đạt nội dung bài ca nên tạo được một lối ca riêng có khả năng thu hút khán, thính giả nên anh mau chóng nổi danh ở địa phương. 

Đầu năm 1959, đoàn cải lương Bướm Vàng của ông Bầu Văn Thà đến xã Vĩnh Trạch hát, theo lệ hát vọng cổ ngoài màn, đoàn hát đã mời Ban ca nhạc tài tử của xã tham dự. Tấn Tài lên ca, được khán giả nhiệt liệt vổ tay khen thưởng đồng thời được mời hát nhiều lần. Giọng ca và phong cách biểu diễn của Tấn Tài được khán giả đánh gíá là hay hơn anh kép chánh của đoàn hát. 

Bầu Văn Thà thấy Tấn Tài có giọng tốt, ca hay, được khán giả ái mộ nên ông bảo con gái của ông là cô đào Thanh Lệ o bế quyến rũ Tấn Tài. Ông muốn đào luyện Tấn Tài trở thành kép chánh và sẽ làm rể của ông để Tấn Tài giúp ông nắm vững và phát triển đoàn hát. 

Nhưng khi đoàn Bướm Vàng hát ở Chợ Bà - Cái Vồn, mẹ anh đến đoàn hát bắt anh trở về nhà, nhưng Tấn Tài thề quyết theo nghiệp cầm ca, nếu không thành danh thành tài, quyết không trở về quê hương xứ sở. 

Cha mẹ của Tấn Tài đành chìu theo ý nguyện của con nhưng thời vận của Tấn Tài chưa thông nên chỉ sáu tháng sau, đoàn hát Bướm Vàng tan rã, cô đào Thanh Lệ bỏ đi đâu mất. Tấn Tài không dám trở về quê, anh tá túc nơi nhà của một người ái mộ anh tên Hiền ở Mươn Điều, Cao Lãnh, cuốc đất trồng khoai, sống tạm qua ngày. 

Thời gian này Tấn Tài được anh Hiền giới thiệu đi đờn ca tài tử ở các xã lân cận, nhiều cô gái quê mê giọng ca của anh giáo làng thất cơ lỡ vận này, nhưng Tấn Tài chỉ đáp lại mối tình thắm thiết của cô Năm Đủ, giáo viên trường Tiểu học xã Mỹ Hiệp. 

     

Không ngờ là ông Xã Trưởng Mỹ Hiệp muốn cưới cô Năm Đủ nhưng cô không ưng thuận mà chí quyết chỉ yêu Tấn Tài thôi. Ông Xã Trưởng chụp mũ Tấn Tài là Cộng Sản nằm vùng, ông đem lính tới bao vây rạp hát tìm bắt Tấn Tài, anh phải trốn trong ao nước sau đình, núp dưới dề lục bình. Bọn lính và ông Xã trưởng bắn vài loạt đạn xuống ao, may mà không trúng Tấn Tài. Đêm đó, sợ quá, anh trốn qua Sadec, anh Hiền cũng bỏ nhà trốn theo anh. 

Đoàn cải lương Hữu Tâm của ông Bầu Ba Khuê hát tại rạp Sadec, Tấn Tài và anh Hiền đến xin gia nhập nhưng soạn giả 

Tứ Lang sau khi nghe thử giọng ca của Tấn Tài, bèn dẫn Tấn Tài đi gia nhập gánh nhát Tân Hương Hoa của Bầu Sinh vì anh nói theo đoàn Tân Hương Hoa có tương lai hơn là theo đoàn Hữu Tâm. Trước khi đi Bãi Sào gia nhập đoàn hát Tân Hương Hoa, Tấn Tài viết thư về cho cô Năm Đủ, hẹn khi ổn định công ăn việc làm, sẽ rước cô về chung sống. 

Trong nghề hát, có giọng ca tốt cũng phải cần có dịp may thì mới mau phất lên được. Tấn Tài gia nhập đoàn Tân Hương Hoa, gặp dịp may là kép chánh Hoàng Sương nghĩ đoàn để qua hát cho đoàn Thúy Nga, Bầu Sinh liền giao Tấn Tài cho kép Nam Hùng huấn luyện cấp tốc để thế vai của Hoàng Sương. 

Tấn Tài có giọng ca lạ, hấp dẫn, học tuồng mau thuộc nên lầu đầu tiên mới bước ra sân khấu hát, Tấn Tài được khán giả tán thưởng và được Bầu Sinh nâng lên thành kép chánh của đoàn, có lương cao và được ký contrat sáu chục ngàn đồng, hát hai năm cho đoàn Tân Hương Hoa. Cô Năm Đủ là người vợ đầu tiên của Tấn Tài. Hai người chung sống, có được một đứa con gái tên là Lê Thị Thanh Hà, hiện nay là chủ một garage sửa xe hơi ở vùng Phú Thọ. 

Ở đoàn Tân Hương Hoa, Tấn Tài thủ vai chánh trong các tuồng Hắc Y Nữ Hiệp, Tiếng Ai Khóc Trên Đồi, Hoàng Tử Song Sanh, Hoa Tình trong Gió Lốc, Nam Du Huê Quang. 

Năm 1961, ông Bầu Thành đoàn Song Kiều ký với Tấn Tài một conbtrat 100.000 đồng để anh về hát cho đoàn Song Kiều. Tấn Tài thối lại cho bầu Sinh Tân Hương Hoa 60.000 đồng vì hát chưa hết thời hạn contrat. Còn 40.000 đồng anh chia làm đôi, gởi hết số tiền đó về cho cha mẹ và cha mẹ vợ của anh. 

Báo chí kịch trường đăng nhiều bài báo khen Tấn Tài là con có hiếu vì thời đó nhiều nghệ sĩ ký tiền contrat cao thường lo sắm xe hơi, mua hột xoàng thay vì giúp đở cho cha mẹ già. 

Ở đoàn Song Kiều, Tấn Tài hát các tuồng Tâm Tình Mỵ Vương Phi, Nắng Chiều Quê Ngoại, Nắng lên Cổ Tháp.      

Năm 1962, Tấn Tài cộng tác với đoàn hát Thủ Đô của ông bầu Ba Bản, được nghệ sĩ Ba Vân hướng dẩn, Tấn Tài thành công trong vai Điệp Nhứt Lang trong tuồng Cát Dung Phương Tử của soạn giả Thiếu Linh, anh đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963 nhờ vai tuồng nầy. 

Chỉ sau bốn năm theo nghề hát, Tấn Tài đoạt được giải nghệ thuật cao qúy mà các nam nữ diễn viên cải lương đồng thời đều mơ ước. 

Đêm phát giải Thanh Tâm được tổ chức tại rạp Quốc Thanh, Tấn Tài thủ vai Hoàng Hoa Lử, diễn chung với Bạch Tuyết trong vai Chu Cẩm Luyện trong vở Khói Sóng Tiêu Tương của Hoa Phượng và Nhị KIều. 

Cha Mẹ của Tấn Tài và cha mẹ vợ của anh được mời ngồi hàng ghế danh dự. Bà con ở xã Vĩnh Trạch và đặc biệt hai ông thầy dạy ca Hai Tỉnh và Út Thôi cũng đến Saigon xem đêm hát nhận huy chương vàng của ông thầy giáo làng kiêm nghệ sĩ Tấn Tài. 

Sau đêm hát nhận huy chương vàng, Tấn Tài được ký contrat thêm 150.000 đồng và được nghĩ 5 ngày để cùng cha mẹ và bà con xã Vĩnh Trạch về quê. Tại xóm cũ, Tấn Tài vật bò, mổ heo, làm thịt gà tổ chức tiệc khoản đải chánh quyền xã và tất cả bà con láng giềng nào đến chia vui với gia đình anh. 

Tấn Tài hát các vai chánh trên sân khấu Thủ Đô, tuồng : Tình 

Người Tử Tội, Bóng Người Bên Song Cửa, Nhạc Nữ Qúy Xuyên, Cây Quạt Lụa Hồng, Khi Mặt Trời Lên, Năm Xưa Nàng Lổi Hẹn, Cát Dung Phương Tử. 

Tấn Tài thu dĩa vọng cổ cho hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản các bài nổi tiếng như Ai lên xứ hoa đào, Dưới rặng Ô môi, Đà lạt mưa rơi, Kiều Phong A tỷ. Dương Quý Phi, Mùa Thu Lá Bay… 

Năm 1964, Tấn Tài và Bạch Tuyết là đôi diễn viên chánh của đoàn hát Dạ Lý Hương của Bầu Xuân. Tấn Tài có những vai hát để đời trong các tuồng Cô Gái Đồ Long, Anh Hùng Xạ Điêu, Tiếng Vọng Ba Đèo, Võ Tòng Sát Tẩu, Sương Mù Trên Non Cao, Thần Anh Cô… 

Khi hát cho đoàn Dạ Lý Hương, Tấn Tài hết bị ràng buộc với ông bầu Ba Bản và hãng dĩa Hoành Sơn nên anh ca thu dĩa cho nhiều hãng dĩa Việt Nam của cô Sáu Liên, hãng dĩa Hồng Hoa, tức Asia cũ, hãng Continental của ông Đông, hãng dĩa Việt Hải của ông Tứ Hải… các bài vọng cổ được khách mộ điệu ưa chuộng như: Hàn Mạc Tử, Hạng Võ Biệt Ngu Cơ, Thương miền đất đỏ, Tâm sự anh gù, Qua đò Mỹ Thuận… và Tấn Tài nổi danh Hoàng Đế dĩa nhựa. 

Năm 1966 đến năm 1969, Tấn Tài là diễn viên chánh đoàn Kim Chung 5, hát chung với Mỹ Châu, rồi Lệ Thủy các vở tuồng : Bức họa da người, Băng Tuyền nữ chúa, Tâm Sự loài chim biển, Đường Minh Hoàng, Đào Hoa Khách, Tuyệt tình nương, Hồng y nữ hiệp… 

Năm 1968,  vào Têt Mậu Thân, Tấn Tài theo đoàn Kim Chung 5 lưu diễn miền Trung, hát ở đảo Lý Sơn, cù lao Ré, Quảng 

Ngãi, trong khi đó ở Saigon vợ anh, cô Năm Đủ mất. Gia đình và Ban giám đốc Kim Chung không biết đoàn Kim Chung 5 đang lưu diễn ở đâu thành ra không báo tin cho Tấn Tài được. 

Mãi tới ba tháng sau, khi Kim Chung 5 về tới Nha Trang thì 

Tấn Tài mới biết tin vợ anh mất. Con gái của anh Lê Thị Thanh Hà được ông bà nội đem về nuôi dưỡng và cho đi ăn học ở Saigon. 

Năm 1969, Tấn Tài lập gánh hát mang bảng hiệu Tân Thủ Đô - Tấn Tài, anh cưới người vợ thứ hai là nữ nghệ sĩ đệ nhất đào lẵng Như Ngọc, có hai trai tên Lê Tấn Danh tức hề Tấn Beo và Lê Tấn Phúc tức hề Tấn Bo. 

Sau năm 1975, Tấn Tài giao gánh hát lại cho tỉnh Hậu Giang, anh mở quán có ca nhạc, rồi đi hát cho đoàn hát Sông Hậu của nhà nước. Anh đi hát từng show khi có yêu cầu. Nữ nghệ sĩ Như Ngọc mất năm 2002 vì tai biến mạch máu nảo. 

Hai con trai của anh là Tấn Beo và Tấn Bo không phải danh ca vọng cổ, họ chọn nghề chọc cười thiên hạ nên nổi danh hề Tấn Beo và Tấn Bo. 

Nghệ sĩ Tấn Tài mất ngày 27 tháng 1 năm 2011 vì nhiễm trùng đường ống mật. Thọ 71 tuổi. 


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông