ab67616d0000b273d16ef56e6ef919486637ff29.jpg

Thanh Bạch - Nguyễn Thanh Bạch

Nghệ sĩ Thanh Bạch tên thật là Nguyễn Thanh Bạch (?) sinh năm 1950, tại Sàigòn. Sinh ra trong gia đình có truyền thống trình diễn sân khấu, là con của vợ chồng đôi nghệ sĩ hát bội Bảy Huỳnh và Ngọc Hương có 9 người con : Bạch Mai, Thanh Bạch, Hữu Tánh, Trung Ảnh, Kim Phượng, Thanh Châu, Bạch Nga, Trung Cuộc, Bạch Lan. Bạch Mai, Thanh Bạch, Hữu Tánh, Bạch Nga, Bạch Lan. 

Thanh Bạch tuy là con của hai nghệ sĩ tài danh kiêm bầu gánh hát nhưng Thanh Bạch vẫn phải bái nghệ sĩ khác trong đoàn làm thầy và phải tuân thủ theo trình tự học nghề đã được quy định bất thành văn trong giới nghệ sĩ hát bội và cải lương ngày xưa. 

Quy định đó là người đệ tử phải hầu hạ sư phụ như một người đày tớ hầu chủ nhân, phải đấm bốp, giặt quần giặt áo cho sư phụ, có khi phải đi mua thuốc phiện hay mua rượu về cho ông thầy, thì ông thầy “phê’’ rồi mới dạy cho học trò học hát vài câu hoặc dạy một vài bộ múa. 

Thanh Bạch phải thủ vai quân chạy hiệu, quân hầu, quân báo, kép con, kép phụ, kép mặt vằn, kép mặt trắng… vân vân và luyện cách nói lối, luyện giọng ca và phải biết ca đủ bài bản mới hy vọng hát được vai kép chánh. Người thầy đầu tiên của Thanh Bạch là nghệ sĩ Bữu Ngọc, thân phụ của Bữu Truyện. Thầy dạy ca Hồ Quảng là Há Thầu. 

Năm 1970, vai diễn nổi danh đầu tiên của Thanh Bạch là vai Cao Quân Bảo tuồng Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, sau đó là vai chánh trong các tuồng Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Thất Tinh Mai, Bao Công xử án Quách Què… 

Nghệ sĩ Thanh Bạch cao ráo, trắng trẻo đẹp trai, đôi mắt lớn, mủi cao, giọng hát sang sảng nên sắm tuồng rất đẹp khi anh hát vai kép võ như Triệu Tử Long, Cao Quân Bảo, Tiết Đinh San. 

Thanh Bạch học nghề hát rất căn bản, được nhiều minh sư chỉ dạy và hát đóng vai kép chánh rất nhiều năm nên động tác vũ đạo thật đẹp, từ cách múa thương múa đao, khi lâm trận, lúc trụ bộ và cả phong cách diễn kép văn, cầm quạt, uống rượu đều làm đúng mẫu mực, khắc họa một hình tượng nghệ thuật sắc nét trong lòng khán giả mộ điệu. 

Năm 1973, ông Bầu Huỳnh mất, Thanh Bạch thay mặt cha để điều khiển gánh hát Chánh Thành. Sau đoàn hát Chánh Thành đổi tên là gánh hát Kim Mai( tên của Bạch Mai lúc trước), rồi đổi thành gánh Tân Kim Mai, Thanh Bình - Kim Mai. 

Năm 1974, Thanh Bạch vì giận anh rể ký hợp đồng lấy tiền đi hát cho đoàn hát bội pha cải lương Thiên Hương, nên khi đoàn Thanh Bình Kim Mai hát ở rạp Ô Môn – Bình Thủy, Cần Thơ. 

Thanh Bạch cho rã gánh, đưa xác gánh về đình Nhơn Hòa Cầu Muối. Thanh Bạch và Bạch Mai về Saigon hát cho đoàn Hoa Xuân - Mười Vàng, hát thu truyền hình( Ban Huỳnh Long, Ban Vân Kiều, Ban Phụng Hảo, Ban cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng,)…cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. 

Sau năm 1975, bà Bảy Hương được phép thành lập đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đồng thời với việc ông Minh Tơ được phép thành lập đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. đây là hai đoàn hát thu hút khán giả ái mộ cải lương một cách đông đảo nhứt trong hơn mười năm từ 1976 đến năm 1987. 

Nghệ sĩ Thanh Bạch là diễn viên trụ cột của đoàn Huỳnh Long, đã hát qua những tuồng Lưu Kim đính giải giá Thọ Châu, Về đất Kinh Châu  tức tuồng Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả đổi tên, Hùm Thiêng Yên Thế, Lá Chắn Biên Thùy, Tấm Cám…  

Từ cuối năm 1977 qua đầu năm 1978, Sở Văn Hóa cho “tập thể hóa”các đoàn hát tư nhơn Huỳnh Long, Minh Tơ, Thanh Nga, đưa cán bộ của Sở xuống làm Trưởng đoàn. Bà Bầu Bảy Huỳnh, ông Minh Tơ, bà bầu Thơ trở thành phó đoàn, một danh vị bù nhìn trong gánh hát vì mọi quyền thu xuất về tài chánh, quyết định tuồng tích, thu nhận hay sa thảy diễn viên, định lương hay cắt lương đều do quyền của các cán bộ trưởng đoàn của Sở Văn Hóa đưa xuống. 

Tuy nhiên nghệ sĩ hồ quảng tài danh Thanh Bạch không còn có thể hát theo phong cách tuồng Tàu và hay Hồ Quảng như anh đã được đào luyện vì đạo diễn miền Bắc tập kết về nắm quyền chỉ đạo nghệ thuật trong đoàn hát. 

Ðạo diễn là người học diễn kịch ở Liên Xô, không chấp nhận lối vũ đạo và nhạc của loại tuồng Tàu nên giảng lược rất nhiều những “mãng, miếng nghề hát tuồng cổ” thay vào đó lối diễn như kịch hiện đại. 

Ðến năm 1977 thì cấm hát Hồ Quảng, không được sử dụng những bài ca Hồ Quảng. Ðến năm 1979, vì có chiến tranh biên giới với Trung Hoa Cộng Sản nên tất cả các tuồng rút ra từ truyện Tàu đều bị cấm. Những tuồng như Cầu hôn Giang Tả, Lưu Kim đính, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, Phàn Lê Huê, Hoa Mộc Lan, Lương Sơn Bá Chúc Anh đài…đều bị cấm. 

Trưởng đoàn Huỳnh Long là Bạch Tùng Hương vì hát bán giàn tuồng Lưu Kim đính giải giá Thọ Châu mà bị cách chức Trưởng đoàn. 

Từ sau khi các đoàn hát bị tập thể hóa, các ông bà bầu rời đoàn hát của mình, các nghệ sĩ con cháu của bầu gánh cũ chạy xuống các đoàn hát tỉnh để hát kiếm cơm, Thanh Tòng đi hát cho đoàn Sông Bé, Thanh Bạch, Bạch Lê hát cho đoàn An Giang Khánh Hồng, Bảo Quốc cũng rời đoàn Thanh Nga đi tấu hài. 

Năm 1986, Thanh Bạch và Bạch Lê kết hôn với nhau, cùng vượt biên và được định cư tại Paris, Pháp Quốc ngày 27 tháng 3 năm 1990. Khi mới định cư, họ gặp nhiều khó khăn, phải học 

Pháp Ngữ để hội nhập với xã hội mới nhưng với quyết tâm cao, Thanh Bạch v à Bạch Lê ổn định dược cuộc sống mau lẹ và còn có nhiều hoạt động nghề nghiệp rất thuận lợi. Họ đã có ba con sanh tại Pháp: Con trai lớn tên Nguyễn Ngọc Bảo Tân, hai con gái Nguyễn Ngọc Bảo Tâm và Nguyễn Ngọc Bảo Châu. 

Ở Pháp và một số nước ở Châu Âu, Thanh Bạch và Bạch Lê có trình diễn để phục vụ khán giả Việt Nam, họ cũng có trở về Việt Nam trình diễn. 

Có thể nói trong giới nghệ sĩ tuồng cổ, hai nghệ sĩ Thanh Tòng và Thanh Bạch là hai tài năng quý hiếm cần được trân trọng và bảo tồn. 

Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông