Thanh Kim Huệ - Bùi Thị Huệ
Nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ tên thật là Bùi Thị Huệ, sinh ngày 14 tháng 11 năm 1955 tại Saigon. Thân phụ là Bùi Văn Lang, Mẹ là bà Ngô Thị Kim.
Năm 12 tuổi bé Huệ theo cha mẹ ở đoàn hát Hằng Xuân – An Khương của ông bà bầu Sáu Đặng, một gánh hát bực trung mới thành lập năm 1967. Ông Bầu Sáu Đặng nguyên là nhạc sĩ cổ nhạc đoàn Thanh Minh Thanh Nga, lập gánh hát để tạo cơ hội phát triển cho hai đứa con của ông là nữ nghệ sĩ trẻ Hằng Xuân và bé An Khương. Bé Huệ được cho ca vọng cổ ngoài màn trước giờ hát, giọng hát của bé Huệ 12 tuổi đã được các ký giả kịch trường và khán giả khen ngợi và tiên đoán có nhiều triển vọng trở thành một danh ca nhanh chóng như trường hợp của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu. Nhưng vận số của Bé Huệ chưa thông, đoàn hát Xuân Hằng – An Khương sau đợt hát khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo, lưu diễn ở các rạp quanh Saigon, Chợlớn, chuẩn bị hát bán dàn ở tỉnh Tây Ninh. Ngày đoàn hát đi Tây Ninh, xe đò chở nghệ sĩ đổ xăng tại ngã tư Bảy Hiền, nghệ sĩ Phi Hùng quẹt ống quẹt đốt thuốc hút, vòi đổ xăng bắt lửa phựt cháy, anh tài xế quăng vòi xăng bỏ chạy, xăng văng vô xe, lửa cháy trong xe nghệ sĩ, nữ nghệ sĩ Hằng Xuân, con gái của ông bà Bầu Sáu Đặng bị phỏng nặng và chết ngay sau đó. Gánh hát Hằng Xuân – An Khương tan rã. Bé Huệ được đoàn Thanh Minh Thanh Nga nhận cho vào học hát, đóng vai em bé trong các tuồng hát của đoàn.
Năm 1968, ông Lang, cha của bé Huệ thấy Bé Huệ không có cơ hội phát triển khi hát trên một sân khấu mà có quá nhiều nghệ sĩ thượng thặng như Thanh Nga, Bích Sơn, Ngọc Nuôi, Ngọc Giàu…ông dẫn bé Huệ gia nhập đoàn hát cải lương Thiên Hương, một đoàn hát nhỏ, chuyên hát ở các quận huyện và tỉnh nhỏ với hy vọng ở đoàn hát nhỏ, Bé Huệ sẽ có những vai tuồng để hát chớ không phải chỉ ca salon ngoài màn. Nhưng rồi đoàn hát Thiên Hương cũng bị rã gánh sau cái Tết Mậu Thân máu lửa.
Năm 1969, bé Huệ theo cha mẹ đi theo đoàn hát cải lương Hoa Phượng của ông Bầu Trung, lưu diễn miền Trung, sau đó đoàn cải lương Thiên Hương về hát các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên. Chiếc ghe chở nghệ sĩ và tranh cảnh của đoàn hát bị chìm trên sông gần Bắc Vàm Cống, nghệ sĩ Thanh Điền đã đeo phao cứu được Bé Huệ và nhiều nghệ sĩ khác. Gánh hát Hoa Phượng tan rã tại đây nhưng tình cảm giữa Bé Huệ và Thanh Điền bắt đầu chớm nở.
Năm 1970, thân phụ của nghệ sĩ Thanh Điền giới thiệu Thanh Điền và Thanh Kim Huệ với ông Bầu Long. Sau khi thử giọng ca, ông Bầu Long chấp nhận cho Thanh Điền và Thanh Kim Huệ vào hát kép nhì, đào nhì trong đoàn Kim Chung 2. Thanh
Kim Huệ đã hát các vai đào nhì trong các tuồng Manh Áo Quê Nghèo, Mây Chiều Phú Sĩ Sơn, …Giọng ca của Thanh Kim Huệ được khán giả nhiệt liệt ngợi khen nhưng năm 1970, thời điểm sau cái Tết Mậu Thân, nghệ sĩ cải lương long đong vì đô thành Saigon giới nghiêm ban đêm, hát suất ban ngày không có khán giả, các đoàn hát hát để kiếm sống lây lất qua ngày nên Thanh Kim Huệ không được may mắn như các danh ca nổi lên trong những năm 1960, 1961, 1962….
Năm 1972, nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ được soạn giả Loan Thảo giới thiệu với bà Sáu Liên, chủ hãng dĩa Việt Nam để thu dĩa vọng cổ. Thanh Kim Huệ nổi danh qua các dĩa vọng cổ Yêu Lầm, Biển Tình, Thà Như Giọt Mưa… Bầu Long – Kim Chung bèn nâng Thanh Kim Huệ lên hát vai đào chánh trong đoàn Kim Chung 2.
Năm 1974, Thanh Điền thành lập gánh hát Xuân Liên Hoa, Thanh Kim Huệ là đào chánh. Hai nghệ sĩ Thanh Điền và Thanh Kim Huệ thành hôn vào dịp Tết năm 1975.
Thanh Kim Huệ có chất giọng kim, làn hơi trong suốt và cao vút, kỹ thuật ca khi vô vọng cổ có nhiều lúc lạng, bẻ, uốn éo kiểu như nhiều nghệ sĩ ca vô bài Sương Chiều nhưng giọng ca của Thanh Kim Huệ dầu có luyến láy đến mấy thì vẫn nghe rõ lời, rõ ý, tiếng ca nghe mềm mại, uyển chuyển như vuốt ve mơn trớn, tạo thành một lối ca lạ, hấp dẫn người nghe.
Sau năm 1975, nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ sử dụng nhuần nhuyễn các bài lý, các điệu hò miền Nam vào trong lòng câu vọng cổ hoặc ca gát trước vọng cổ, Thanh Kim Huệ và nam danh ca Thanh Tuấn hợp lại thành một đôi danh ca vọng cổ được giới trẻ ưa thích với các điệu lý ca lồng trong bài vọng cổ.
Sau năm 1975, Thanh Kim Huệ đã đi hát ở các đoàn cải lương Saigon 2, Saigon 3, đoàn cải lương Kiên Giang, đoàn Saigon 1 rồi trở lại Saigon 3.
Nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ từ khi mới theo nghiệp sân khấu đến nay, đã hát qua trên cả trăm tuồng hát như Mây Chiều Phú Sĩ, Manh Áo Quê Nghèo, Khói Cỏ Quê Hương, Áo Vũ Cơ Hàn, Mắt Em Là Bể Oan Cừu, Tiếng Hát Rừng Hoang, Linh Hồn
Của Quỷ, Quỷ Kiến Sầu, Lỡ Bước Sang Ngang, Ánh Lửa Rừng Khuya, Tiếng Hạc Lưng Trời, Công Chúa Alysa…
Thanh Kim Huệ cũng là nữ tác giả cải lương có nhiều tuồng được dàn dựng trên đoàn hát Kim Chung 2 và đoàn cải lương Saigon 1. Vở cải lương sáng tác đầu tiên của Thanh Kim Huệ là tuồng Quỷ Kiến Sầu. Thanh Kim Huệ có được 20 soạn phẩm cải lương được dàn dựng trên sân khấu Kim Chung 2 và Saigon 1, đó là các tuồng Nắng Đẹp Muôn Màu, Linh Hồn Của Quỷ, Tiếng Hát Rừng Hoang, Công Chúa Alysa, Em ơi, Đừng Khóc Nữa, Xin Đừng Nói Yêu Em, Bến Tương Tư, Yêu và Ghen…
Thanh Kim Huệ đã thu dĩa, băng, đài truyền hình hơn 300 bài vọng cổ đủ loại.
Nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, mặc dầu có hơi rong, giọng ca lạ, uyển chuyển, có khả năng thu hút cảm tình của người nghe, Thanh Kim Huệ cũng là một cây viết nữ có nhiều tuồng được dàn dựng trên nhiều sân khấu lớn ở Saigòn nhưng có thể nói là khả năng thiên phú cộng với sự nổ lực thường xuyên của cô cũng chỉ làm cho cô ở vào một hoàn cảnh lưng chừng, khi vừa tỏa sáng thì lại gặp khó khăn ngay trong lúc tình hình sân khấu cải lương đang hồi xuống dốc.
Thanh Điền và Thanh Kim Huệ đã bán nhà cửa, xe cộ để đổ vào việc duy trì hoạt động của đoàn cải lương Saigon 1.
Thanh Điền và Thanh Kim Huệ về sau mua được nhà, sắm được xe nhờ vào cái nghề chụp hình cho nghệ sĩ và các khách hàng.
Về gia đình, Thanh Kim Huệ và Thanh Điền có hai con: con trai là Nguyễn Đăng Quang sinh năn 1977 và con gái Nguyễn Đức Hồng Loan, sinh năm 1986. Nguyễn Đăng Quang đang nối nghiệp Thanh Điền trong nghề chụp ảnh. Hai cha con có hai tiệm chụp ảnh rất đông khách tại Saigon.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông