dsf9583-1426757359389.webp

Thanh Nguyệt - Nguyễn Thị Thanh Nguyệt 

Nghệ sĩ Thanh Nguyệt tên thật là Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, sanh ngày 17 tháng 9 năm 1947, ở xã Vĩnh Lợi,tỉnh Bạc Liêu. Cha là ông Nguyễn Văn Xinh, thợ xây cất nhà, mẹ là bà Vưu Thị Lành, buôn bán. Thuở nhỏ Thanh Nguyệt được vào Ban Đồng Nhi ca trong các buổi cúng lễ của Thánh Thất Cao Đài Bạc Liêu. 

Giọng ca của Thanh Nguyệt đã khiến cho ông nhạc sĩ đàn kìm Năm Nhu trong Thánh thất chú ý, nên ông tìm đến nhà Thanh Nguyệt để thu nhận Thanh Nguyệt làm đệ tử. Ông dạy cho Thanh Nguyệt ca đủ ba Nam, sáu Bắc và vọng cổ. Sau đó, được người bạn của cha giới thiệu Thanh Nguyệt ca trên Đài phát thanh tỉnh Bạc Liêu, mỗi tuần ca hát một lần, thính giả rất thích thú. 

Năm 1962, Thanh Nguyệt được giới thiệu vào đoàn hát Hoa Sen. Ông Bầu Bảy Cao sau khi nghe thử giọng ca, ông nhận Thanh Nguyệt vào đoàn hát và giao Thanh Nguyệt cho nữ nghệ sĩ đàn tranh Tuyết Mai rèn luyện thêm theo lối ca hát trên sân khấu. Đêm đêm Thanh Nguyệt ngồi bên cánh gà, theo dõi và học các lối diễn của các nghệ sĩ đàn anh đàn chị. 

Đoàn hát Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao là một đoàn hát đại ban, lúc đó Hoa Sen đã không còn hát các tuồng chiến tranh mà chuyển qua diễn các tuồng xã hội cận đại như: Bến hẹn năm xưa, Sanh Dưỡng đạo đồng, Người thám tử què, Người Mẹ Việt Nam.... Thành phần diễn viên thời đó có: Bảy Cao, Việt Kiều, 

Minh Luông, Huỳnh Minh, Tuấn Kiệt, Vân Nam, Điền Sơn, Đắc Thành, hề Văn Hường, Phượng Hoàng,… về nữ diễn viên có Kim Luông, Ngọc Hạnh, Ánh Hồng, Diệu Hiền, Kim Loan, Thùy Lan…. Đào chánh đoàn Hoa Sen, nữ diễn viên Ngọc Hạnh bất ngờ xin nghĩ, ông Bầu Bảy Cao cấp tốc tập cho Thanh Nguyệt thế vai của Ngọc Hạnh trong tuồng Bến hẹn năm xưa. Lần đầu tiên bước ra sân khấu, Thanh Nguyệt lại phải hát thế một vai đào chánh, nhờ từ lâu Thanh Nguyệt theo dõi và học tuồng bên cánh gà nên Thanh Nguyệt thành công trong vai diễn. Ông Bầu Bảy Cao giao cho Thanh Nguyệt hát chánh thêm trong các tuồng Sanh dưỡng đạo đồng, Người mẹ Việt Nam. 

Do tiền lương ở Hoa Sen thấp và không có Hợp Đồng, nên năm 1964, Thanh Nguyệt cần tiền giúp cho gia đình, đã rời đoàn Hoa Sen đầu quân cho đoàn Kim Chưởng với Hợp đồng 20.000 đồng trong 2 năm. 

Lúc đó đoàn Kim Chưởng có các diễn viên: Phương Quang, Thanh Nhàn, Trường Xuân, Dũng Thanh Lâm, Diệp Lang, Phi 

Hùng, Hề Minh, hề Vui…Về dàn nữ diễn viên có: Phượng Liên, Trương Ánh Loan, Kim Liên, Thanh Nguyệt… 

Thanh Nguyệt đã hát qua những vở: Người gọi đò bên sông vai Nhật Thường Dung, Mười đêm hương lửa vai Cát Dung, Quỷ 

Bảo vai Thất Hồn Nhân… Và Thanh Nguyệt nổi danh qua vai Tiểu Long Nữ trong tuồng Song long thần chưởng, do đó được giới thiệu tham gia giải Thanh Tâm năm 1964. 

Đến vòng chung kết, nghệ sĩ Thanh Nguyệt đứng hàng thứ ba, sau nghệ sĩ Lệ Thủy và Thanh Sang. Năm 1964, giải thưởng Thanh Tâm chỉ phát hai giải Huy chương vàng nên Lệ Thủy và Thanh Sang được trao giải. Thanh Nguyệt rớt năm đó và phấn đấu cho năm kế tiếp. Thanh Nguyệt nổi danh qua vai Gia Cát Anh, tuồng Thiên hạ đệ nhất kiếm và đúng như lời dự đoán của báo giới và công chúng năm 1965 Thanh Nguyệt đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm. 

Soạn giả Nguyễn Phương nhận xét: “Chỉ sau ba năm đi hát qua hai đoàn Hoa Sen và Kim Chưởng, nữ nghệ sĩ Thanh Nguyệt đã vinh dự đoạt được huy chương vàng giải Thanh Tâm, một giải thưởng sân khấu mà các nam nữ nghệ sĩ cải lương đều mơ ước. 

Buổi phát giải Thanh Tâm 1965, Thanh Nguyệt hát trên sân khấu Dạ Lý Hương vở Bụi mờ ải nhạn, được khán giả và ký giả kịch trường nhiệt liệt khen ngợi. 

Năm 1966, hết hợp đồng với Kim Chưởng, Bầu Long Kim Chung mời Thanh Nguyệt về hát với 250.000 đồng, hát trong đoàn Kim Chung 1 với các nghệ sĩ Kim Chung, Bích Hợp, Kim Tuyến, Như Ngọc, Tấn Tài, Thanh Hải, Hoài Trúc Phương, Minh Đạt, Ngọc Toàn, Quang Hữu, hề Văn Hường và Ba Hội. Thanh Nguyệt đã hát ở đoàn Kim Chung 1 các tuồng: Đường Minh Hoàng – Dương Quí Phi, Lưới tình, Kiếm khách Cao Đại Sơn, Thoại Ba công chúa, Tóc gởi sân chùa…. 

Đến năm 1968, Thanh Nguyệt sang hát ở đoàn Kim Chung 5 qua các tuồng: Bão cát, 14 đêm tình, Thằng điên và nàng công chúa. 

Năm 1971, Thanh Nguyệt cộng tác với đoàn Thái Dương của bà Bầu Tiêu Thị Mai và năm 1972, được mời đi biểu diễn cải lương ở Hội Chợ nước Lào. 

Năm 1974, hát ở đoàn Tiếng Hát Dân Tộc của bầu Năm Cư các tuồng: Tuổi hồng cho em, Chuyện tình An Lộc Sơn, Mạnh Lệ Quân, Mùa thu lá bay…. 

Sau năm 1975, Thanh Nguyệt về hát cho các đoàn hát Trung Hiếu, Thanh Minh, Saigon 1, Trần Hữu Trang, đoàn 2-84 và thu nhiều vở vidéo cải lương như: Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Qua cầu đắng cay, Lan và Điệp, Nước biển mưa nguồn…”. 

Nghệ sĩ Thanh Nguyệt được mời thu video cải lương rất nhiều, chuyên đóng các vai bà mẹ nông dân suốt đời chịu thương chịu khó hy sinh vì chồng vì con. Với phong cách diễn xuất chân thật, giọng ca trầm ấm, lấy nước mắt khán giả, nên Thanh Nguyệt được các đạo diễn tin cậy, mời hóa thân vào các số phận bà mẹ hiền, gặp nhiều bi kịch. 

Thanh Nguyệt gá nghĩa với soạn giả Mộc Linh, một soạn giả nổi danh trong giới cải lương, có một con trai tên Thế Phi. Tuy nhiên cuộc hôn nhân này đã không kéo dài. Sau đó nhiều năm, Thanh Nguyệt tái giá với nghệ sĩ Quốc Nhĩ, đồng nghiệp trong đoàn hát Thanh Minh. Quốc Nhĩ rất thương Thế Phi, chăm sóc dạy dỗ như con ruột của mình. Thế Phi cũng yêu thương Quốc Nhĩ như cha ruột của mình. 

Thế Phi có thời gian học hát trong đoàn Đồng Ấu Trần Hữu Trang, hợp cùng với Bảo Ngọc thành một cặp diễn viên đầy triển vọng. Thế Phi sáng tác nhiều kịch bản cải lương như: Khúc nhạc tương phùng, được thu vidéo và được khán giả và báo chí ngợi khen. Thế Phi đã nối nghiệp cha làm nghề soạn giả tuồng cải lương. 

Hiện nay hai vợ chồng Thanh Nguyệt - Quốc Nhĩ là một cặp vợ chồng hạnh phúc, đầm ấm. Hai anh chị thường có mặt trong các show diễn cải lương hoặc cùng đèo nhau đi hát chùa gây qủy từ thiện. Giới nghệ sĩ và khán giả quen biết rất ái mộ cuộc sống hạnh phúc và chuyên làm việc từ thiện của Thanh Nguyệt và Quốc Nhĩ. Thanh Nguyệt vẫn thường xuyên tham gia biểu diễn các vở tuồng về Phật giáo do Đoàn Thanh Nga tổ chức. Ngoài ra còn tham gia thu âm bài ca cổ, bài bản cải lương trên sóng Đài Tiếng nói Nhân dân Tp. HCM. 

Nhiều năm sau này, tên tuổi NSƯT Thanh Nguyệt gắn liền với bảng hiệu 2-84, và chị đã tạo nhiều dấu ấn trên sân khấu này. Với Thị Bình trong Lôi Vũ do NSND Diệp Lang dàn dựng Thanh Nguyệt được khán giả yêu mến. Sau đó Thanh Nguyệt tiếp tục sáng tạo xuất sắc vai bà mẹ bị mù của nàng Xuân Tự trong vở Áo cưới trước cổng chùa. Bên cạnh những vai bà mẹ hiền hậu, khắc khổ, Thanh Nguyệt còn hóa thân vào những dạng vai lẳng - độc và tạo được thành công nhất định như: Cô Ba trong vở Kiếp chồng chung diễn năm 1990, Bà mẹ từ nước ngoài về trong vở Lời ru của biển diễn năm 1991.... 

Năm 1994 Thanh Nguyệt xuất hiện trong vở Cơn lũ của đoàn Văn Công 2 Tp. HCM bên cạnh Châu Thanh, Mỹ Thu... Năm 2005, thanh Nguyệt đóng vai bà Hai Hương trong Đời cô lựu tại rạp Hưng Đạo, thay thế Ngọc Giàu rất"ngọt". 

Giờ đây, sàn diễn cải lương ngày bị thu hẹp, Thanh Nguyệt tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực phim truyền hình. HTV đang thực hiện vở cải lương truyền hình Tấm lòng của biển, Thanh Nguyệt được mời đóng vai bà mẹ. Bên cạnh đó Đài Truyền hình Tp. HCM đã phát sóng vở cải lương Áo cưới trước cổng chùa của soạn giả Kiên Giang, Thanh Nguyệt đóng vai mẹ Xuân Tự - vai diễn để đời của Thanh Nguyệt. Ở tuổi 69, nghệ sĩ Thanh Nguyệt vẫn giữ được gương mặt đậm nét phúc hậu. 

Ngoài việc tham gia ca tài tử, diễn chương trình cổ nhạc như Vầng trăng cổ nhạc của HTV, Thanh Nguyệt thường được những chương trình quảng cáo mời đóng các vai nội ngoại trong một gia đình hạnh phúc. 


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông