base64-16904556616531574714169.webp

Thanh Thủy - Hồ Thị Gòn 

Nghệ sĩ Thanh Thủy tên thật là Hồ Thị Gòn, sanh năm 1966, tại Cai Lây, Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang, theo mẹ lên Sàigòn từ nhỏ. Năm 11 tuổi theo thầy Tư Nghi học đờn tranh. 

Đến năm 1980, Thanh Thủy được thầy Nghi đưa vào trường Nghệ Thuật sân khấu II, nay là trường Sân Khấu -Điện ảnh Tp. HCM, thi đậu vào khoa đờn. Thấy Thủy có giọng ca khá tốt, nhan sắc dễ coi, cô Ca Lê Hồng, Hiệu trưởng của trường lúc bấy giờ đề nghị chuyển Thủy qua học khóa 6 khoa Cải lương, cùng lớp Nguyệt Hồng, Bảo Trang, Hữu Châu, sau đó Hữu Châu chuyển qua học kịch với Hữu Nghĩa, Quang Minh, Hồng Đào. Năm 1986 Thanh Thủy tốt nghiệp ra trường, chính thức bước lên sân khấu chuyên nghiệp ở đoàn Văn Công Tp. HCM. 

Như bao nhiêu nghệ sĩ trẻ mới ra trường, luôn mang nhiều ước mơ, hoài bảo, cứ tưởng với tấm bằng tốt nghiệp ớ trường mình sẽ dễ dàng thành công ở sân khấu chuyên nghiệp. Thực tế luôn nghiệt ngã, tạo ra một khoảng cách rất lớn, mà sự thất bại luôn chực chờ trước mắt. Thanh Thủy không tránh khỏi bỡ ngỡ khi được vào hát một đoàn lớn, thời gian đầu không tạo được ấn tượng gì, dù được hát đào nhì, đóng đúp vai với nghệ sĩ Thoại Miêu. Nhờ vào tính ham học, chịu khó Thủy đã vượt qua những áp lực ban đầu, để trở thành cô đào nhì sáng giá, và có lúc đoàn đã chọn cô cho phương án thay thế Mỹ Châu, khi Mỹ Châu có ý định rời đoàn. Thời gian cộng tác với đoàn Văn Công thành phố, Thanh Thủy và Vũ Minh Vương tạo thành một đôi ăn ý được khán giả yêu mến. Nhưng để đạt đến thành công, sân khấu Trần Hữu Trang mới chính là nơi tài nghệ Thanh Thủy thăng hoa. 

Năm 1992 Thanh Thủy – Linh Cường là cặp đào kép chánh của đoàn 1 nhà hát Trần Hữu Trang, cùng với danh hài Vũ Đức trở thành bộ ba ăn khách, đủ sức thay thế những nghệ sĩ tài danh khác đã rời đoàn. Gần như đoàn 1 đã có một cuộc thay máu. Vở tuồng 15 năm tình hận của tác giả Thạch Tuyền được đạo diễn Đoàn Bá chọn ra mắt lực lượng mới, đây là vở rất đông khách, đánh dấu bước thành công đầu tiên của lớp nghệ si trẻ ở nhà hát, từ vị trí cô đào nhì chỉ dành đóng thế vai ờ đoàn Văn Công thành phố, Thanh Thủy đã đàng hoàng trở thành cô đào chánh trẻ trung, tương lai nhiều hứa hẹn. Vở Sự tích con muỗi của Hùng Tấn, đạo diễn Nguyễn Phú Hải, Thanh Thủy lần đầu tiên kết hợp với Trọng Nhân, một vở diễn được dàn dựng công phu, có nhiều sáng tạo, nhưng lại không đạt về doanh thu. 

Sau đó, đoàn dựng tiếp vở Giấc mộng không tên của tác giả Hoàng Song Việt. Thanh Thủy coi như mình có duyên khai trương những vở mới. Sự tích con muỗi là vở đầu tiên do Nguyễn Phú Hải dàn dựng Cải lương, vở Giấc mộng không tên được giải cao của Hội sân khấu Thành phố về kịch bản, cũng là kịch bản của Hoàng Song Việt lần đầu tiên được ra mắt ở một sân khấu lớn, trước đó Hoàng Song Việt cũng có vài vở ra mắt ở sân khấu khác, không được đình đám như vở Giấc mộng không tên. 

Đến năm 1995 Thanh Thủy cùng Đặng Quang Vinh, Kim Phương, Thanh Ngân phối với đạo diễn Lê Thụy ra mắt Câu Lạc Bộ Cải lương Ba Thế Hệ trực thuộc nhà hát Trần Hữu Trang với vở cải lương Những mảnh đời côi cút hay Ánh sáng phù du, cũng là vở đầu tiên Lê Thụy dựng Cải lương ở sân khấu. 

Suốt một thời gian gần 10 năm đi hát liên tục, Thanh Thủy có những đóng góp nhất định cho sân khấu Thành phố, tuy không ào ạt, nhưng đó là những cột mốc đáng nhớ. Tuy không phải là diễn viên ăn khách ồn ào như một số đồng nghiệp cùng trang lứa, song Thanh Thủy đến với sân khấu bằng bản lĩnh của người nghệ sĩ được đào tạo chính qui, mỗi vai diễn là một sự sáng tạo mới có chiều sâu. 

Nhìn chung, Thanh Thủy là một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn. Từ năm 1998 trong cuộc đời Thanh Thủy có một khoảng lặng về sự nghiệp sân khấu sàn diễn, vì cô dành nhiều thời gian cho sân khấu truyền hình. Ở HTV Thanh Thủy có người bạn học sau một khóa là biên tập viên Hiền Phương, rất quí mến tài năng của Thủy nên cô được mời vào khá nhiều vai chánh. 

Có một vở cải lương Thanh Thủy rất nhớ, vở Nước chẳng về nguồn, Soạn giả Đăng Minh, đạo diễn Tài Bửu Bửu, đó là kỷ niệm lần đầu tiên HTV thực hiện cải lương nhiều tập, mỗi tập 90 phút, do ông Huỳnh Minh Nhị khởi xướng, mà Thanh Thủy đóng chánh với nghệ sĩ Lương Tuấn, vở chia ra thành 6 tập qui tụ khá đông nghệ sĩ, đó là vở lần đầu tiên Minh Béo hát Cải lương trên truyền hình, Thanh Thủy luôn có duyên với những công trình đầu tiên. 

Chính sân khấu truyền hình đã giúp cho Thanh Thủy đỡ nhớ nghề, khi sân khấu bước vào cuộc khủng hoảng lớn. Gia đình Thanh Thủy có nếp sinh hoạt thường kỳ: cuối tuần tụ họp lại ăn cơm, rút tỉa những kinh nghiệm trong cuộc sống, đồng thời giữ mối quan hệ chặt chẽ giữa những thành viên trong gia đình với nhau. Nếp sinh hoạt nầy thường bị gián đoạn khi mẹ phải theo Thanh Thủy đi sớm về khuya. Là con gái áp út lại theo nghề hát nên mẹ rất thương, càng đi theo chăm sóc con gái bà càng thông cảm cho những vất vả, những chuyến lưu diễn xa nhà từ miền Trung, miền Tây của con. Chính bà là người duy nhất vẫn luôn kề cận cô trên muôn nẻo đường đời. 

Năm 2002 sau nhiều năm vắng bóng ở sân khấu, Thanh Thủy trở lại với Liên hoan sân khấu các tỉnh phía Nam với vở Nhảy múa với quỉ dữ, lần đầu tiên đóng vai phản diện nhưng Thủy đã được trao Huy Chương Vàng. Vai diễn mở ra cái nhìn khác về Thanh Thuỷ đa tài. Với Thanh Thủy nghệ thuật cải lương đã thấm vào máu, chỉ cần có cơ hội là tài năng ấy sẽ có dịp bộc phát, tạo nên những khoảnh khắc tuyệt vời trên sân khấu. Nhìn Thanh Thủy ca diễn cứ thấy vẻ tự nhiên, nhẹ như không, thế nên vai diễn có sự sống động mà gần gũi đời thường. Ngoài một Thanh Thủy là nghệ sĩ biểu diễn tài năng với nhiều vai diễn ấn tượng, nhiều người đã ngạc nhiên khi biết còn một Thanh Thủy khác – một cây đờn tranh xuất sắc. 

Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông