Thanh Tuấn - Nguyễn Thanh Liêm
Nghệ sĩ Thanh Tuấn tên thật là Nguyễn Thanh Liêm sinh năm 1948, tại thôn Thủy Triều, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cha là cán bộ tập kết. Mang dòng máu yêu văn nghệ từ nhỏ, ở địa phương vào những mùa lễ hội, Thanh Liêm được chọn tham gia đội ca, sau đó được thu đài Phát thanh Quảng Ngãi.
Năm 1961, Phổ Văn đón chào lực lượng cộng sản về địa phương, chuẩn bị gầy dựng cơ sở để chống phá VNCH, năm đó Thanh Liêm 13 tuổi, nhờ có vốn ca hát Thanh Liêm được giao nhiệm vụ Đội trưởng đội văn nghệ thiếu nhi và phân đội trưởng cảnh giác địch. Hơn hai năm Thanh Liêm hoạt động văn nghệ tại đây, chiến sĩ tại quê nhà. Đến năm 1963, miền quê của Thanh Liêm tôi bị một trận lũ lụt cuốn trôi hết tài sản của nhân dân. Đời sống bà con Phổ Văn đã nghèo càng nghèo hơn. Ngay sau đó, có cuộc càn quét của quân đội quốc gia, lực lượng trung đội của xã lúc đó quá mỏng không đấu lại, nhiều chiến sĩ ở Phổ Văn đã anh bỏ mình.
Lần đó, Thanh Liêm và một số đồng đội núp dưới hầm chống cuộc càn quét ba ngày đêm tại Phổ Văn, sau đó mới tìm đường quay về nhà. Thanh Liêm đã được mẹ gởi vào vào Sàigòn vì sợ bị phát hiện. Tại thành phố này, Thanh Liêm xin được công việc phụ giúp cho một tiệm thuốc bắc trên đường Thuận Kiều, nhưng rồi vì Thanh Liêm không quen mùi thuốc bắc, sau đó chuyển sang nghề đan ghế mây trên đường Vĩnh Viễn, quận 10 ngày nay. Cuộc sống tưởng đã ổn định với công việc này, đến năm 1964 đoàn cải lương Trăng Mùa Thu của bầu Nho, dọn về biểu diễn tại rạp Thủ Đô, lúc đó cặp đào kép chánh là Đắc Thành và Bích Sơn đã thu hút đông đảo khán giả. Thanh Liêm đã xin mấy chú hậu đài dẫn vào rạp xem cọp, vì không tiền mua vé, đêm nào cũng đi xem, rồi mê đắm nghệ thuật cải lương, để từ đó bằng niềm đam mê cộng với quyết tâm phải dấn thân vào sân khấu để đổi đời, thoát khỏi cảnh cơ hàn của một anh thợ đan ghế mây sống xa gia đình, thiếu thốn trăm bề. Thành công của Thanh Liêm là sự chịu khó.
Bây giờ mỗi lần đi ngang qua những tiệm bán ghế mây, Thanh Liêm nhớ da diết cái thời hàn vi của mình. Yêu lắm cái nghề đan ghế mây công phu, vất vả nhưng vô cùng sung sướng khi nhìn thấy sản phẩm của mình tạo ra sau một ngày lao động.
Lúc đó, đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga về hát ở rạp Thủ Đô, nằm trên đường Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn. Ban ngày Thanh Liêm có đến chơi, xem đoàn hát tập tuồng, Thanh Liêm gặp nhạc sĩ Út Trong, trưởng ban cổ nhạc của đoàn hát, Thanh Liêm đã xin học ca. Thầy Út Trong có mở lớp dạy ca tại nhà thầy ở đường Nancy gần cầu chữ Y, có lớp buổi sáng và lớp buổi chiều, Thanh Liêm đóng học phí học buổi chiều. Chỉ trong ba tháng học tập chuyên cần, nhờ có năng khiếu ca cổ nhạc từ nhỏ, Thanh Liêm học ca rành rẽ các bài ba Nam, sáu Bắc, các bản nhỏ dùng trên sân khấu cải lương và Thanh Liêm có thể ca vọng cổ đúng nhịp điệu, nhưng ca chưa hay, chưa có hồn thì đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga đi lưu diễn miền Trung trong hai tháng. Thầy Út Trong theo đoàn hát đi lưu diễn, lớp học cổ nhạc tạm thời ngưng hoạt động. Thanh Liêm tiếp tục học cổ nhạc nơi lò cổ nhạc của nhạc sĩ Út Trọn tức thầy Bảy Trọn ở bên kia cầu chữ Y, quận 8, được thầy Út Trọn luyện giọng, dạy kỷ thuật luyến láy khi ca cổ nhạc.
Út Trọn rất hãnh diện về học trò Thanh Liêm của mình nên giới thiệu về hát cho đoàn hát Bạch Liên Hoa là một đoàn hát trung ban và đặc nghệ danh cho Thanh Liêm là Thanh Tuấn, hàm ý Thanh là giọng ca, Tuấn là thanh niên tuấn tú, đẹp trai để giới thiệu học trò Thanh Tuấn của ông hội đủ hai yếu tố Thanh và Sắc. Nghệ sĩ Thanh Tuấn thủ vai chính trong tuồng Tướng cướp Bạch Hải Đường của đoàn hát Bạch Liên Hoa, được khán giả và báo chí kịch trường ngợi khen.
Ông bầu đoàn hát Thủ Đô – Hương Hoa Lan bí mật phái người thân tín đến xem Thanh Tuấn diễn, sau đó ông mời Thanh Tuấn ký giao kèo để đoàn hát chuẩn bị chuyến lưu diễn miền Trung. Hát miền Trung, Thanh Tuấn nổi danh ở các điểm diễn
Nha Trang, Phan Thiết, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Huế. Về Quảng Ngải, anh có dịp thăm lại gia đình và giúp đở tiền nông cho mẹ, đây là một chuyện mà người thân trong gia đình không lường trước được. Khi anh ra đi, anh không có nghề nghiệp, học vấn không cao và người ta cũng không biết nghệ sĩ Thanh Tuấn chính là đứa bé Thanh Liêm đã bỏ đi lưu lạc vài năm trước đây.
Năm 1968, đoàn hát thủ Đô – Hương Hoa Lan hát Tết tại rạp Thăng Long tỉnh Buôn Mê Thuộc, ngay trong đêm giao thừa, một trái mortier rớt cách Thanh Tuấn ba thước, làm thiệt mạng hai người trong gia đình người soát vé ngủ gần chổ của anh. Hơn hai tuần lễ trong không khí chiến tranh ngay trong thành phố, chánh phủ ban lịnh giới nghiêm ban đêm, nghệ sĩ và các công nhân dàn cảnh, thợ đèn của gánh hát Thủ Đô – Hương Hoa Lan không có hát, không có lương, không có cơm hội để sống qua ngày nên mạnh ai nấy tìm đường sanh lộ cho riêng mình. Thanh Tuấn phải quá giang xe đò từng đoạn để có thể trở về Saigon. Đây là kỷ niệm buồn nhất trong cuộc đời đi hát của Thanh Tuấn. Về đến Saigon, vì thành phố vẫn còn giới nghiêm ban đêm nên Thanh Tuấn gia nhập đoàn hát Minh Cảnh để đi hát trong các quận huyên thuộc các tỉnh miền Hậu Giang để sống qua ngày.
Trong thời gian cộng tác với đoàn Minh Cảnh, Thanh Tuấn có dịp thưởng thức lối ca dài hơi và kỷ thuật luyến láy trong câu vọng cổ của danh ca Minh Cảnh, từ đó Thanh Tuấn tự luyện cho mình một lối luyến láy độc đáo khi ca vọng cổ. Một năm sau, Thanh Tuấn rời đoàn hát Minh Cảnh, gia nhập đoàn hát Hương Mùa Thu, đóng thế vai diễn của kép ca Thanh Hải vừa rời đoàn, Thanh Tuấn thành công khi hát vai kép chánh, hát chung với cô đào xuân sắc Ngọc Hương qua các vở tuồng Tiếng Nhạc Rừng Xanh, Con Cò Trắng, Gánh Cỏ Sông Hàn… Thanh Tuấn có một lối ca vọng cổ luyến láy tài tình, có một sắc thái riêng biệt và rất hấp dẫn. Hãng dĩa Hoành Sơn khai thác giọng ca vọng cổ của Thanh Tuấn với Ngọc Hương qua nhiều bài tân cổ giao duyên của soạn giả Thu An.
Nghệ sĩ Thanh Tuấn nổi danh trên sân khấu Kim Chung qua các tuồng: Đường Gươm Nguyên Bá, Người Tình Trên Chiến Trận, Thúy Kiều, Tây Thi, Mỵ Châu Trọng Thủy…
Đến năm 1976, nghệ sĩ Thanh Tuấn nổi danh với các vai kép chánh trong tuồng Tìm Lại Cuộc Đời, Rạng Ngọc Côn Sơn, Khách Sạn Hào Hoa, Pha Lê và Cát Bụi, Kim Trọng – Thúy Kiều…
Năm 1982, Thanh Tuấn ngừng cộng tác với đoàn hát tập thể Saigon 2, Thanh Tuấn đi hát chầu cho các đoàn tỉnh. Nhân dịp đến hát ở Nha Trang – Phú Khánh, Thanh Tuấn anh đăng ký xin thành lập đoàn lấy bảng hiệu là đoàn cải lương Cam Ranh – Phú Khánh, nhưng đến năm 1984, gặp mùa mưa dầm, đoàn hát Cam Ranh – Phú Khánh phải chịu rã gánh vì doanh quá thu thấp, không đủ tiền phát lương và không thể duy trì hoạt động của đoàn.
Thanh Tuấn trở về Saigon lập quán nghệ sĩ mang tên Thanh Tuấn, giải pháp tạm thời kiếm đồng ra đồng vào để giải quyết đời sống cho gia đình.
Năm 1993, nghệ sĩ Thanh Tuấn làm bầu gánh hát Cao Văn Lầu tỉnh Minh Hải, Đoàn Cao Văn Lầu có các diễn viên Thanh Tài, Thanh Tuấn, Hương Thủy, Ngân Linh, Vương Minh, Nhật Linh, Lan Châu, hề Bảo Chi, các nữ diễn viên Lan Châu, Lan Huệ, Ý Trinh, Tiểu My, Hương Thảo, Hoàng Long. Thanh
Tuấn có được hai vai hay trong tuồng “Yêu Con Đâu Chỉ Một Ngày và vở Khi Phiên Tòa Kết Thúc. Sau đó, đoàn Cao Văn Lầu được nghệ sĩ Thanh Tài làm bầu gánh, đưa về tỉnh Tiền Giang đăng ký, lấy bảng hiệu đoàn cải lương Tiền Giang
Về gia đình thì khi 20 tuổi, Thanh Tuấn đã có người yêu, chung sống được ba con, rồi lại chia tay, Thanh Tuấn lãnh nuôi các con. Thật ra thì Thanh Tuấn nhờ mẹ anh đứng ra nuôi nấng các con của anh vì anh bận theo gánh hát. Sau nầy anh gặp một người vợ ngoài nghề hát nhưng hết lòng yêu và chìu chuông anh nên cuộc tình kéo dài hơn hai chục năm. Hiện nay. Thanh Tuấn đang chung sống với bà vợ hiền như ma-soeur, khéo léo, tế nhị và 7 người con, 5 trai, 2 gái. Các con của anh không có người nào nối nghiệp ca hát nhưng đều học thành tài và có nghề nghiệp ổn định.
Về cuộc sống hiện nay, nghệ sĩ Thanh Tuấn tâm sự: “Không riêng gì tôi, các nghệ sĩ cùng thời với tôi giờ chỉ đếm từng suất diễn với chương trình ca cổ hoặc trích đoạn cải lương. Thèm lắm những suất diễn nguyên vở tuồng với sự hóa thân vào nhân vật. Tôi có may mắn là nhiều bài ca cổ “ruột”, nên đi đến đâu, biểu diễn văn nghệ từ khóm ấp cho tới huyện lỵ, thị trấn bà con cô bác đều yêu cầu ca những bài vọng cổ quen, nên có thu nhập mà trang trải cho cuộc sống, vẫn làm trụ cột đối với gia đình. Tổ nghiệp thương nên từ khi tôi không còn làm quán với chương trình ca cổ, không phải uống quá nhiều bia mỗi tối vì chiều lòng khán giả tới ủng hộ quán của mình, nên sức khỏe rất tốt. Mỗi đêm vẫn có sô ca vọng cổ kiếm tiền chợ.”
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông