Thế Châu - Ngô Văn Long (1936-2005)
Thế Châu tên thật là Ngô Văn Long, SN 1936, lớn lên ở miền quê nổi tiếng trái cây Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương. Thập niên 1960 của thế kỷ trước, ông đã là thầy giáo làng khi tròn 18 tuổi. Tuy bộ môn nghệ thuật cải lương đã ra đời nhưng còn nhiều hạn chế, ở thôn quê ít có dịp xem, vì nhu cầu giải trí thưởng thức nghệ thuật ca cổ, cải lương thầy giáo Long đã tích lũy đồng tiền lương dạy học ít ỏi để mua một máy hát đĩa, loại quay dây thiều, dùng vào việc giải trí sau một ngày dạy học. Cứ mỗi khi mặt trời lặn là sân nhà ông đầy người ngồi chờ nghe ông mở đĩa hát ca cổ, cải lương… Thế rồi ca cổ, cải lương cứ ngấm dần vào tâm hồn ông giáo.
Mùa hè 1964, Ty Giáo dục Bình Dương tổ chức hội thi văn nghệ cho các trường trong tỉnh, trường Tiểu học Lái Thiêu đăng ký dự thi vở cải lương “Lê Lai cứu chúa” do thầy giáo Long sáng tác. Với bút danh Thái Châu lần hội thi ấy trường ông được giải nhất tỉnh. Lúc sáng tác vở Lê Lai cứu chúa dựa theo lịch sử ông chuyển thể cải lương với dạng nghiệp dư cho chương trình văn nghệ địa phương, không ngờ được giải thưởng nhất tỉnh. Trong lần liên hoan văn nghệ ấy soạn giả Loan Thảo đã xem và biết được nên tìm đến gặp Thế Châu trao đổi kết bạn và hợp tác sáng tác, từ đó Thế Châu được nhiều tác giả nổi tiếng lúc bây giờ biết và hợp tác sáng tác như: Nhị Kiều, Hoa Phượng, Loan Phượng cùng soạn thảo một số vở cải lương chuyên nghiệp với ông.
Từ 1965-1975, thầy giáo Long vẫn dạy và viết nhiều vở được dàn dựng trên sân khấu Cải lương Đại ban như: Dạ Lý Hương, Kim Chung, Tân Thủ Đô… Ông đã soạn chung với soạn giả Nhị Kiều như: Qua cầu đắng cay, Tâm sự cha tôi, Vợ tạm chồng hờ… Viết chung với soạn giả Hoa Phượng, Loan Thảo như: Bến tương tư, An Lộc Sơn, Hành khất Đại Hiệp…. Ông cũng tự viết một mình các vở: Thủ cung xa, Sao trời lại xanh…
Sau 1975, tiếp tục viết chung rất nhiều vở, ông được sân khấu Đoàn Cải lương Thanh Minh Thanh Nga mời cộng tác, ông sáng tác riêng những vở của mình cho đoàn như: Bên cầu dệt lụa, Hoa tím bằng lăng, Tấm Cám, Mùa gió chướng… Đây là thời điểm vàng son rực rỡ trong cuộc đời theo nghiệp tổ sáng giá đời ông mà vở Bên cầu dệt lụa là đỉnh cao để lại trong lòng khán giả mộ điệu khó quên với tâm lý nhân vật “Trần Minh, Nhuận Điền” là những hình ảnh cao đẹp của tình bằng hữu, mà nhất là Huỳnh Nga trọn đạo phu thê, phẩm hạnh đáng được trân trọng.
Năm 1976, vở diễn Bên cầu dệt lụa ra đời thành công, soạn giả Thế Châu xác định cải lương là cái nghiệp của mình, nên ông đã rời bục giảng.
Năm 1981, ông cùng hợp tác sáng tác với soạn giả Trần Hà vở Theo dấu chân hồng và được dàn dựng cho Đoàn Cải lương Sài Gòn II.
Năm 1983, ông thôi luôn nghề nhà giáo và rời luôn nghiệp cải lương chuyển sang lĩnh vực kinh doanh củi, gỗ. Sau 3 năm lăn lộn chốn thương trường cơ chế thị trường bất ổn! Việc mua bán củi, gỗ lỗ lã, vốn liếng hụt hẩng ông phải bán cả ngôi nhà đang ở nhưng cũng không thu được đồng lời, như vậy cả vốn lẫn tài sản đều tiêu tan nên việc kinh doanh của ông đi vào bế tắc!
Phải chăng nghiệp tổ còn nặng nợ vương mang? Nên đầu năm 1987, soạn giả Thế Châu trở lại với sân khấu cải lương. Ông cùng soạn giả Trần Hà tiếp tục nghiệp văn chương, hợp tác sáng tác 2 vở: Chắp cánh chim bằng, Quang Trung hoàng đế của tình yêu cho Đoàn Cải lương Sài Gòn III.
Sau 1 năm cộng tác với soạn giả Trần Hà và Đoàn Cải lương Sài Gòn III, năm 1988, ông về cộng tác với Đoàn 2-84, Tp. HCM.
Năm 1990, ông hợp tác cùng soạn giả Lê Duy Hạnh sáng tác vở Lời ru của biển cho Hội thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Vở được huy chương vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Kể từ đó soạn giả Thế Châu cũng tạm dừng viết kịch bản cho sân khấu cải lương.
Thế Châu là người ít nói, hay cười và nhạy cảm nên rất dễ hòa nhập cùng cảm xúc của soạn giả khác, chính vì sự đồng cảm ấy mà ông đã viết được nhiều loại tuồng: Hương xa, màu sắc, tâm lý xã hội… Sau năm 1975, Thế Châu viết hàng loạt và trong đó có tuồng “Bên Cầu Dệt Lụa” được coi như nổi tiếng nhứt.
Trường hợp tuồng Bên Cầu Dệt Lụa bị đạo tuồng nhiều đến nỗi người ta gán cho nó là một “vở quốc tế của dân hát chui” và Thế Châu nỗi tiếng chứ không có miếng, Thế Châu muốn yên thân nên cũng không đi kiện cáo vì biết trước là phe ta sẽ binh vực phe ta.
Ngoài cái thời kể trên, Bên Cầu Dệt Lụa còn được cái Thế là có nhiều nghệ sĩ tài danh thủ diễn các vai tuồng như: Thanh Nga trong vai Quỳnh Nga, Xuân Lan vai Công Chúa, Thanh Sang vai Trần Minh, Ngọc Nuôi vai Trần Mẫu, Hoàng Giang trong vai quan Huyện, Thanh Tú trong vai Nhuận Điền, Văn Ngà trong vai Vua.
Sau năm 1975, có nhiều thay đổi lớn trong tâm hồn của người dân miền Nam, có những trường hợp Ông trở thành Thằng, Thằng trở thành Ông, người ta hy vọng và nuôi mộng tưởng về giá trị thủy chung giữa vợ chồng, về tình mẹ con, về tình bạn chân thành.
Vở tuồng Bên Cầu Dệt Lụa của Thế Châu đã đem lại cho khán giả một niềm vui khi được nhắc nhở về đạo đức thủy chung của người Việt Nam.
Soạn giả Thế Châu mãn phần tại Saigon ngày 1 tháng 2 năm 2005. Thọ 69 tuổi.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông