Thoại Mỹ - Nguyễn Thị Ngọc Mỹ
Nghệ sĩ Thoại Mỹ tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, sinh ngày 28 tháng 4, năm 1969 tại Sàigòn.
Khoảng thập niên 1950, cha mẹ Thoại Mỹ rời quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng vào Sàigòn lập nghiệp. Cũng chính nơi đây, họ đã sinh cô con gái Thoại Mỹ. Nhìn gương mặt xinh xắn như thiên thần của con, cha mẹ cô cẩn thận chọn cái tên Nguyễn Thị Ngọc Mỹ để hy vọng tương lai của con sẽ được tốt lành, hạnh phúc. Nhà có tới 12 anh, chị em nên cuộc sống gia đình Ngọc Mỹ trở nên chật vật hơn bao giờ hết, cô bé Ngọc Mỹ sớm phải bươn chải với cuộc sống.
Ngày còn nhỏ, Thoại Mỹ đã lon ton đi bán khoai, bán bắp, bưng hủ tiếu thuê để có tiền phụ cha mẹ. Thậm chí, có những lúc Thoại Mỹ còn đi ở đợ. Vất vả, cơ cực nên niềm vui của Thoại Mỹ là những giây phút hiếm hoi được theo chị năm Thoại Miêu đến rạp xem cải lương.
Thoại Mỹ đến với nghệ thuật cũng là một cái duyên. Một hôm cô theo chị Thoại Miêu đi xem hát như thường lệ, nhưng hôm đó người diễn vai cô bé Sầu Riêng không đến. Mọi người trong đoàn cuống cuồng đi tìm người diễn thế, và họ thấy cô bé Thoại Mỹ đen, gầy gò đang đứng chơi ở gần đó. Biết cô là em của Thoại Miêu, họ lên tiếng: "Đâu nhỏ hát thử nghe coi được không?". Khi cô bé cất giọng hát thử một đoạn ngắn bằng một phong thái rất nhẹ nhàng kèm theo một chất giọng vô cùng trong trẻo. Nghe hát xong mọi người trong đoàn ai nấy đều mừng rỡ. Và mọi người đã dạy cho cô các động tác phụ họa và hát, và sau đó Thoại Mỹ lên sân khấu hát một cách dạn dĩ. Lối diễn xuất mộc mạc của cô bé đã khiến biết bao khán giả không cầm được nước mắt.
Khi ấy Thoại Mỹ chỉ mới 11 tuổi. Sau đó cô được nghệ sĩ Lệ Thủy khuyên Thoại Miêu cho cô em đi học nhạc. Năm 13 tuổi Thoại Mỹ thi đỗ vào khoa đào tạo diễn viên của nhà hát Trần
Hữu Trang với tỉ lệ chọn 40 học viên chính thức trên tổng số 5000 thí sinh dự thi. Cùng khóa với các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng sau nầy như: Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Tô Châu, Thùy
Trang,..
Năm 16 tuổi, sau khi ra trường, Thoại Mỹ bắt đầu đi hát ở nhiều nơi như Đoàn S àigòn 3, Đoàn Huỳnh Long, đoàn Sông Bé, Nhà hát Trần Hữu Trang. Đi đến đâu chị cũng được tiếng không bao giờ kén chọn vai diễn. Vai nào vào tay Thoại Mỹ đều được cô hoàn thành xuất sắc. Khán giả thì hồi hộp nhìn Thoại Mỹ lột xác từ vai ác, vai mùi, vai độc, vai lẳng, sang con nít, bà già... ngọt xớt mà lòng tràn đầy cảm xúc.
Khi học ở Nhà hát Trần Hữu Trang Thoại Mỹ và Kim Tử Long yêu nhau, nhưng khi ra truờng mỗi người đi một đoàn hát, họ xa nhau từ đó. Sau đó Thoại Mỹ kết hôn với người làm cho công ty Đoài Loan, khi có tiền của xảy ra mâu thuẩn, Thoại Mỹ tự tử không được, xin vào chùa tu cũng không xong, nên cô quyết định ly dị, rồi cô gặp người thứ hai nhưng cũng không thành, đến nay cô vẫn sống độc thân. Có lúc Kim Tử Long quay lại, nhưng cô xem là bạn một thuở xa xưa.
Sau nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật, Thoại Mỹ đã giành được rất nhiều giải thưởng cao quý:
Năm 1990, Thoại Mỹ đoạt huy chương Bạc tại Liên hoan sân khấu toàn quốc, vai Lan trong vở Giũ áo Bụi Đời.
Năm 1992, Thoại Mỹ đạt huy chương Vàng Giải Trần Hữu Trang trong vai Hồng Phụng, tuồng Ngọc Kỳ Lân và đạt danh hiệu “Diễn viên được yêu thích nhất” do báo Sân khấu và Hội Sân khấu tổ chức trưng cầu ý kiến đọc giả và khán giả.
Năm 1995, là diễn viên xuất sắc giải Trần Hữu Trang, “Diễn viên được yêu thích nhất” do Báo Sân Khấu và Hội Sân Khấu tổ chức trưng cầu ý kiến và đoạt Giải Mai Vàng, vai Võ Tắc Thiên trong vở Thái Bình Công Chúa.
Ngày 12 tháng 09 năm 2003, Huy chương vì sự nghiệp sân khấu và Giải mai vàng do báo người lao động bình chọn vai Lan, trong vở Lời Thú Tội Muộn Màng và Huy Chương Văn Hóa.
Ngày 14 tháng 01 năm 2004, đạt giải mai vàng do báo người lao động bình chọn, đạt danh hiệu “Là gương mặt nghệ sĩ sân khấu ấn tượng” do bạn đọc báo Tuổi Trẻ bình chọn.
Ngày 21 tháng 04 năm 2004, đạt huy chương vàng diễn viên tài sắc vai Ngọc Hân trong vở Hồn Thơ Ngọc
Năm 2005, đạt huy chương Vàng tại Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc và Giải mai vàng do báo người lao động bình chọn vai Phượng trong vở Rồng Phượng.
Năm 2007, Giải Mai vàng do báo người lao động bình chọn vai Thúy Kiều, trong vở Kim Vân Kiều.
Năm 2007, Đạt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.
Chăm chỉ như con ong hút từng giọt mật ngọt thơm nghệ thuật, rồi cũng có ngày Thoại Mỹ được bước lên vai đào... nhì. Và như một duyên phận, vị trí đào nhì gắn bó với cô cả quãng đường dài.
Cái cách làm nghề nghiêm túc ở bất cứ vị trí nào khiến Thoại Mỹ trở thành một người "đặc biệt" của làng cải lương: đào nhì mà vẫn nổi tiếng, đào nhì mà khó ai có thể thay thế! Thậm chí trong một số vở, người ta còn nói đùa đào nhì Thoại Mỹ... "giết" đào chính vì diễn xuất có thần của cô làm mờ đi vị trí của sao!
Năm, sáu năm gần đây, từ đào nhì Thoại Mỹ đường hoàng bước lên vị trí đào chánh với nhiều vai: Thái Bình công chúa trong vở Thái Bình công chúa, vai Võ Tắc Thiên trong vở Võ
Tắc Thiên, vai Hương trong vở Nửa đời hương phấn, vai nàng Én trong vở Người đẹp đến Tiền Châu, vai Phượng trong vở
Rồng phượng…
Là đào chánh rồi mà Thoại Mỹ vẫn còn "vương vấn" với thời đào nhì, có lẽ nó "vận" vào cô quá lâu nên cô đã quen hủ hỉ, vui buồn cùng nó. Cô thật thà tự nhận thích đóng những vai này vì thường có tâm lý phức tạp, nhiều đất diễn. Kinh nghiệm làm đào nhì cũng khiến Thoại Mỹ có thể hóa thân vào nhiều tính cách khác nhau chứ không đóng khung ở một dạng vai nào cả.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông