Thu An – Nguyễn Văn Sáu (1923-2005)

Soạn giả Thu An tên thật là Nguyễn Văn Sáu, sinh ngày 3-10 1923 tại Hương Khánh Trung, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Soạn giả Thu An nguyên là nhạc sĩ đờn cò ở Bến Tre, tham gia kháng chiến từ những năm 1946-1947. Sau đó lại về thành và được ông Ba Bản đem lên Sài Gòn làm việc ở hãng dĩa hát Hoành Sơn với nhiệm vụ trưởng phòng thu thanh. Nói cho oai chứ thực chất là người giữ chìa khóa mở cửa cho nghệ sĩ đến thu dĩa hát.

Cái may mắn của Thu An là nhờ làm việc và cư ngụ tại hãng dĩa hát Hoành Sơn, rồi tập sự viết tuồng loại ngắn để thu dĩa hát. Lúc ấy Út Trà Ôn đến thu dĩa đã khuyến khích Thu An nên viết tuồng cải lương sân khấu có ăn hơn, hễ có hát là có tiền bản quyền, chớ không như thu dĩa chỉ lãnh tiền một lần rồi thôi.

Nghe theo lời đệ nhứt danh ca, Thu An kêu soạn giả Hoàng Khâm cùng với mình viết tuồng và chẳng bao lâu thì vở hát Lỡ Bước Sang Ngang ra đời đề tên soạn giả Thu An-Hoàng Khâm, trình diễn trên sân khấu Thanh Minh năm 1959. Thời điểm này bảng hiệu đoàn Thanh Minh chưa có chữ Thanh Nga, dù rằng cô đã 17 tuổi đóng vai chánh Cẩm Nhung trong tuồng. Và Út Trà Ôn với vai trò Chú Ba Mỏ Lết cũng khá nổi trong vở hát này.

Vở hát Lỡ Bước Sang Ngang coi như thành công, hát nhiều đêm vẫn còn đông đảo khán giả. Thu An thừa thắng xông lên tiếp tục viết tuồng, và thời vận may đưa đến: Ông Ba Bản thành lập đoàn Thủ Ðô đã sử dụng vở tuồng Tiếng Trống Sang Canh của Thu An để khai lương bảng hiệu. Ðồng thời Thu An được ông Ba Bản tin cậy giao cho chức giám đốc kỹ thuật kiêm soạn giả thường trực.

Với vị thế khá nặng ký này, Thu An đã chiếm được trái tim cô đào chánh trẻ đẹp Ngọc Hương và sự nghiệp lên hương. Hằng đêm Thu An vừa lãnh tiền bản quyền soạn giả là 6 phần trăm trên tổng số thu, lại vừa lãnh tiền làm giám đốc kỹ thuật sân khấu. Còn đào Ngọc Hương thì lãnh lương đào chánh cao hơn bất cứ đoàn nào.

Tiền vô như nước, không đầy hai năm cặp vợ chồng này đã mua xe hơi, tậu biệt thự ở Phú Nhuận, gần hãng dĩa hát Hoành Sơn.

Thế nhưng, dù được ưu đãi thế mấy đi nữa cũng chẳng vừa lòng, cặp Thu An, Ngọc Hương rời bỏ đoàn Thủ Ðô đi sang đoàn Kim Chưởng, Thu An vẫn được giữ địa vị giám đốc kỹ thuật kiêm soạn giả, và Ngọc Hương thì lãnh vai đào chánh thay thế Út Bạch Lan vừa rời đoàn.

Ðến 1964 thì vợ chồng Thu An, Ngọc Hương nhảy ra lập gánh với bảng hiệu Hương Mùa Thu, đứng trong hàng đại ban, hát ở các rạp lớn Sài Gòn, coi như ngang hàng với các đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Kim Chưởng. Có điều kiện gánh hát nhà nên cuộc đời nghệ thuật của Ngọc Hương ngày một đi lên, và tuồng nào có Ngọc Hương hát trên sân khấu thì sau đó người ta lại thấy tuồng được thu dĩa hát để phổ biến rộng rãi hơn.

Lúc bấy giờ có người nói rằng khi còn ở đoàn Thủ Ðô thì Ngọc Hương chuyên đóng các vai tiểu thơ đài các, vai công chúa như trong tuồng Cây Quạt Lụa Hồng, đào Ngọc Hương đóng vai công chúa Huyền Trân. Tới lúc lập gánh Hương Mùa Thu thì không hiểu sao Thu An lại viết tuồng dựng lên toàn bối cảnh nhà quê nghèo nàn, cho Ngọc Hương đóng vai cô gái quê nghèo. Cái đáng suy gẫm là trước ngày kỷ niệm đệ nhứt chu niên ngày thành lập gánh Hương Mùa Thu, soạn giả Thu An đã ráo riết cho tập dượt vở hát Bà Chúa Ăn Mày, dựng lên một đám ăn mày, đồng thời cho bà xã Ngọc Hương thủ vai bà chúa ăn mày. Thiên hạ nói làm chúa ăn mày thì khá cái nỗi gì chớ, sớm muộn gì cũng nghèo! Tại sao Thu An lại không kiêng cữ gì hết?

Từ sau cái Tết Mậu Thân thì đoàn Hương Mùa Thu ngày một xuống dốc, không còn hát ở Ðô Thành mà phải lui về tỉnh lẻ để sống. Rồi cũng chẳng bao lâu thì bắt đầu xuống hát quận lỵ, bởi thời điểm này các rạp ở tỉnh lỵ, thị xã bị Tàu thuê hết để chiếu phim chưởng.

Ðại ban Hương Mùa Thu lúc mới khai trương bảng hiệu thì được liệt vào hạng “A”, nhưng sau một thời gian 4, 5 năm thì xuống hạng “B” rồi tới hạng “C” và tiếp tục xuống nữa, xuống nữa… Cặp vợ chồng Thu An, Ngọc Hương trôi nổi từ chợ này đến đình làng khác, cho đến một ngày nọ thì tấp vô Cù Lao Rồng. Rồi thì rã gánh luôn!

Những năm tháng hoạt động sân khấu, sáng tác, soạn giả Thu An đã viết trên 300 tuồng cải lương, bài ca cổ… Trong đó, có nhiều vở tuồng, bài ca cổ được nhiều thế hệ công chúng mến mộ như: Tiếng trống sang canh, Chiếc áo ân tình, Hai chiều ly biệt, Cô gái sông Đà, Ảo ảnh Châu Bích Lệ, Người anh khác mẹ, Con cò trắng, Gánh cỏ sông Hàn, Lá của rừng xanh, Tỉnh mộng, Một ánh sao rơi, Nhặt cánh mai vàng, Tiếng hát đền Bá Lạc...

Trước năm 1975, soạn giả Thu An được giới nghệ sĩ sân khấu đánh giá là một trong năm soạn giả viết kịch bản cải lương hay nhất ở Sài Gòn, cùng thời với các soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, Thiếu Linh, Hoàng Khâm.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, soạn giả Thu An đã qua đời lúc 2 giờ ngày 10 -10-2005, tại Tp. HCM, thọ 83 tuổi.


 Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông