Tô Kim Hồng - Huỳnh Kim Hồng
Nữ nghệ sĩ Tô Kim Hồng tên thật là Huỳnh Kim Hồng, sinh năm 1950 tại Cần Thơ, cha là nhạc sĩ cổ nhạc đờn kìm Huỳnh Kim Anh, sinh quán ở Sóc Trăng, mẹ là bà Phạm Thị Hườn, cô giáo dạy ở trường tiểu học Cần Thơ.
Ba của Tô Kim Hồng là trưởng Ban cổ nhạc của nhiều đoàn hát cải lương: Tam Kỳ, Ái Nghĩa, Tân Thịnh, Tân Xuân, Kim Chung 1, Tinh Hoa, Song Kiều, Thủ Đô, Kim Chung 5… nên thuở nhỏ, Tô Kim Hồng học đến lớp 6 rồi bỏ học theo sống với cha mẹ, theo gánh hát đi lưu diễn, cô thường ngồi sau cánh gà xem các nghệ sĩ đàn chú bác hát. Cô cũng được cha cô trực tiếp dạy ca, mẹ dạy học thêm chữ để có thể đọc tuồng và hiểu nghĩa câu văn trong tuồng.
Đoàn hát Tinh Hoa của bà bầu Mười Cơ mời nhạc sĩ Ba Kim
Anh làm trưởng Ban cổ nhạc, ông Ba Kim Anh dẫn Tô Kim
Hồng theo để có nhiều cơ hội xuất hiện trên sàn diễn. Sau đó ông Ba Kim Anh lại đổi sân khấu, đi đờn cho gánh hát Song Kiều.
Năm 1964, nhạc sĩ Ba Kim Anh đờn cho gánh hát Thủ Đô của ông Bầu Ba Bản, Tô Kim Hồng được 14 tuổi, tuy đã biết ca đầy đủ các bài bản cổ nhạc, bắt đầu học hát, nhưng Tô Kim Hồng chỉ được ra sân khấu với những vai khiêm tốn như tỳ nữ, cận tướng có ca một vài bài bản nhỏ. Tô Kim Hồng học thuộc rất nhiều vai tuồng của các vai đào chánh, đào nhì trong đoàn.
Nữ nghệ sĩ Trương Ánh Loan nổi tiếng trên các sân khấu Thủ Đô, Kim Chưởng và Dạ Lý Hương trong các vai đào võ, cô đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963. Trương Ánh Loan đã dạy cho Tô Kim Hồng các điệu múa kiếm, cách thể hiện các nhân vật võ tướng một cách rất oai phong và đáng yêu.
Nữ nghệ sĩ Như Ngọc, đệ nhất đào lẵng dạy cho Tô Kim Hồng từng cách liết mắt, từng nụ cười của các nhân vật lẵng kể cả cách phát âm những từ có tính cách quyến rũ, tình tứ trên sân khấu.
Chính anh Ba Kim Anh trực tiếp thị phạm khi hai nữ diễn viên tài ba nầy dạy cho Tô Kim Hồng hát như đã kể, vì Tô Kim Hồng quá hiền, quá nhút nhát nên không phải qua lời dạy hát mà Tô Kim Hồng có thể tự mình thực hiện được ngay mà phải có một quá trình lâu dài tập luyện tại nhà riêng trước một khung kiếng lớn và trên sân khấu khi nhận một vai đào lẵng.
Hề Bảy Xê, giám đốc nghệ thuật của đoàn hát Thủ Đô khám phá ra tài năng tiềm ẩn của Tô Kim Hồng. Nhân dịp nữ diễn viên chánh Hồng Loan bị bịnh bất ngờ, đoàn hát thiếu người thế vai Hoàng Hậu trong tuồng Đêm Hờn Cung Lạnh, Hề Bảy Xê, đề nghị với ông Bầu Ba Bản cho Tô Kim Hồng thế vai đó.
Báo chí kịch trường không ngớt khen ngợi và đưa tin về “một đoá hồng nhung vừa chớm nở” trên sân khấu Thủ Đô và họ tiên đoán là đào đẹp Tô Kim Hồng sẽ đoạt được một huy chương vàng giải Thanh Tâm trong năm 1966, tức khi Tô Kim Hồng được 16 tuổi.
Năm 1966, Bầu Long đoàn hát Kim Chung chuyên khai thát các khôi nguyên vọng cổ và các đào kép trẻ triển vọng nên lập tức ký hợp đồng mời Tô Kim Hồng về hát chánh trên sân khấu Kim Chung 5 và mời nhạc sĩ Ba Kim Anh về làm trưởng ban cổ nhạc Kim Chung 5.
Vai đầu tiên trên sân khấu Kim Chung 5 của Tô Kim Hồng là
Chiêu Yến Phượng trong tuồng Nhạn Về Xóm Liễu, Tô Kim Hồng thành công rực rở với vai diễn trên nhất là khi cô thủ diễn vai Chiêu Yến Phượng trẻ ở màn một và thế vai của nữ diễn viên Hồng Hoa trong vai Chiêu Yến Phượng về già ở màn cuối của tuồng Nhạn Về Xóm Liễu.
Nữ nghệ sĩ Tô Kim Hồng được trời ban cho một nhan sắc diễm kiều, đôi mắt đẹp sắc sảo, nước da trắng hồng mịn như nhung tơ, môi hồng mắt biếc tự nhiên, giọng ca thánh thót với một kỹ thuật ca chắc nhịp, đúng bài bản, tất cả những ưu thế đó cộng với sự lăng xê quảng cáo của bầu gánh Kim Chung, nên Tô Kim Hồng nỗi danh và thành đạt trên sân khấu một cách mau lẹ, dễ dàng. Đó là một điều mà các nghệ sĩ trẻ thời đó đều mơ ước.
Ông thần may mắn không mĩm cười hoài với người đẹp sân khấu họ Tô. Năm 1966, một trái hỏa tiển 122 ly của phe nghịch bắn vô Saigon, rớt trúng ngay sau rạp hát Olympic, cắt đứt một bên ngực của người nghệ sĩ tài ba, suýt cướp luôn mạng sống của nữ nghệ sĩ Tô Kim Hồng nếu như không có sự tậm tâm tận lực chữa trị của tập thể bác sĩ và y tá của bệnh viện Saigòn.
Năm 1966, khi Tô Kim Hồng được báo chí kịch trường đăng nhiều bài ngợi khen về tài diễn xuất cùng sắc đẹp hiếm có của một nghệ sĩ cải lương trẻ thì trái hỏa tiển 122 ly đó vừa xẻo mất một mãng thịt lớn trên ngực của Tô Kim Hồng, vừa cắt đứt nguồn hy vọng trở thành ngôi sao sân khấu cải lương.
Trái hỏa tiển 122 ly đó cũng ngăn đường không cho cô với tới các huy chương vàng giải Thanh Tâm vì cô nằm nhà thương hơn sáu tháng. Sau khi lành vết thương trên ngực thì hơi hám để ca hát cũng bị hạn chế rất nhiều, Tô Kim Hồng vừa hát vừa phải giữ gìn không cho phổi của cô làm việc quá sức, do đó hơi ca yếu đi, giọng hát không còn ngân vang lảnh lót như trước khi bị thương.
Năm 1967 qua đi khi Tô Kim Hồng vừa mới lành vết thương, cô không có hát được một vai tuồng nào với đầy đủ phong độ để được giới thiệu ra tranh giải Thanh Tâm. Kế đó Tết Mậu Thân 1968, giải Thanh Tâm không thực hiện được, vì tình hình chiến cuộc sôi động nên giải Thanh Tâm cũng âm thầm tự chấm dứt hoạt động.
Tuy không có huy chương vàng giải Thanh Tâm, nữ nghệ sĩ Tô Kim Hổng vẫn là cô đào quan trọng của đoàn cải lương Kim Chung 5, rồi qua Kim Chung 6, Kim Chung 2, Kim Chung 3 theo sự điều động của Bầu Long, cô Tô Kim Hồng thế vai đào chánh Hồng Loan, thế vai đào lẵng Như Ngọc một cách thành công khiến cho cô được nâng lân thành đào nhì trong gánh hát.
Có lần nữ nghệ sĩ danh ca Diệu Hiền bị bịnh bất ngờ, cũng chính Tô Kim Hồng đột xuất thế vai cho Diệu Hiền trong tuồng Độc Thủ Đại Hiệp. Ông Bầu Long nâng vai Kim Hồng lên làm đào chánh đoàn Kim Chung 2 kể từ suất diễn thế vai Diệu Hiền đêm đó.
Trong hơn sáu năm cộng tác với đoàn hát Kim Chung 5, Kim Chung 6, Kim Chung 2, Kim Chung 3, Tô Kim Hồng đã hát qua các tuồng Thằng Điên và Nàng Công Chúa, Người Mang Sông Núi, Chuyến Đò Thương, Phủ Kiều Trường Hận, Mạnh Lệ Quân, Tâm Sự Loài Chim Biển, Kiếm Sĩ Người Dơi, Nhất
Kiếm Bá Vương…
Từ năm 1970, báo chí kịch trường có nhiều bài viết chẳng những đề cao nghệ thuật ca diễn của nữ nghệ sĩ Tô Kim Hồng mà còn có nhiều bài báo ca ngợi tư cách đạo đức của cô. Trong giới nghệ sĩ đồng nghjệp, mọi người đều công nhận là Tô Kim Hồng nết na, thùy mị, đối xử tốt với bạn bè đồng nghiệp.
Cô không hề mang tai tiếng xấu gì về cuộc đời riêng và cuộc đời nghệ thuật của cô. Có lẽ vì vào thời điểm những năm sôi động sau cùng của cuộc chiến tranh sắt máu nên tình yêu đến với cô trễ muộn, mà cũng có thể là do cung cách sống kép kín, nhút nhát, ít giao du bè bạn nên Tô Kim Hồng lo trao chuốc về nghệ thuật sân khấu hơn là chăm lo về mặt tình cảm riêng.
Năm 1972, Tô Kim Hồng đoạt giải Kim Khánh do nhật báo Trắng Đen của Việt Định Phương tổ chức Tô Kim Hồng được tặng danh hiệu “Người Đẹp Cải Lương”
Sau đó, Tô Kim Hồng được bà Bầu Tiêu Thị Chắc mời về hát chánh cho đoàn hát Thái Dương của bà. Đêm khai trương bảng hiệu đoàn cải lương Thái Dương, nữ nghệ sĩ Tô Kim Hồng thủ vai nữ chánh trong tuồng Tuổi Hồng Cho Em của soạn giả Nguyễn Phương tại rạp Quốc Thanh.
Từ năm 1972 đến 1975, vì ảnh hưởng của thời cuộc, sân khấu cải lương ngày càng ít khán giả, nhiều gánh hát phải rã gánh. Tô Kim Hồng theo một vài gánh hát nhỏ lưu diễn miền Hậu
Giang…
Đến đầu tháng 6 năm 1975, đoàn hát cải lương Saigon 1 được thành lập, Tô Kim Hồng được mời thủ vai Kim Anh trong tuồng Đời Cô Lựu. Đoàn cải lương Saigon 1 khai trương bảng hiệu tại rạp Long Vân quận 3, rạp hát trên đường Phan Thanh Giản, gần ngã Bảy, góc đường Lý Thái Tổ.
Trong thời gian hát ở đoàn cải lương Saigon 1, Tô Kim Hồng nỗi danh qua vai bà Huyện trong tuồng Ngao Sò Ốc Hến của soạn giả Nguyễn Thành Châu.
Tô Kim Hồng cũng hát thành công tuồng Phụng Nghi Đình trong vai Điêu Thuyền lớp Bái Nguyệt. Tô Kim Hồng còn có những vai hát để đời khác như vai Lưu Yến Ngọc, tuồng Mạnh Lệ Quân, vai Hạnh trong tuồng Trăng Lên Đỉnh Núi, vai thiếu úy Kỳ Hoa trong tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, vai An Tư trong tuồng Công Chúa An Tư, vai Phương Thúy trong tuồng Cho Trọn Cuộc Tình…
Về đời sống tình cảm riêng thì Tô Kim Hồng thành hôn với nghệ sĩ Nam Hùng vào năm 1977. Trước kia thì Nam Hùng và Thanh Thanh Hoa là một đôi vợ chồng được nhiều người trong giới sân khấu biết đến, Đứa con gái đầu lòng của Nam Hùng và Thanh Thanh Hoa là nữ nghệ sĩ trẻ tài danh Thanh Thanh Tâm.
Sau khi đoàn hát cải lương Saigon 1 giải tán, Nam Hùng và Tô Kim Hồng mở một tiệm bán phở, hiệu Phở Nam Hùng ở đường Nguyễn Duy Dương ở quận 5. Cuộc sống bằng nghề tay trái nầy cũng mang lại cho họ một cuộc sống ấm no và yên ổn trong khi tình hình sân khấu cải luơng sa sút trầm trọng.
Tuy nhiên, người chủ nhà cho Nam Hùng và Tô Kim Hồng mướn làm tiệm bán Phở tăng giá cho mướn tiệm đó nhiều lần, Nam Hùng không đáp ứng nỗi yêu cầu tăng giá đó nên đóng cửa quán Phở. Sau đó, mướn được một địa chỉ mới, mở tiệm phở Nam Hùng ở số 292 đường Nguyễn Thái Sơn phường 4 quận Giò Vấp.
Hai vợ chồng Nam Hùng và Tô Kim Hồng đã nhiều năm làm việc từ thiện, giúp việc ở chùa nghệ sĩ và nghĩa trang nghệ sĩ, nhiều lần tham gia hát hội không nhận thù lao để gây qủy cứu trợ nạn nhân bảo lụt hay hỏa hoạn. Có lẽ vì làm việc từ thiện nhiều nên những khi gặp khó khăn trong cuộc sống, Nam Hùng và Tô Kim Hồng cũng được các nhà mạnh thường quân trợ giúp. Âu đó cũng thiện duyên được thiện báo.
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông