Tú Trinh – Hà Thị Thu Ba
Nghệ sĩ Tú Trinh tên thật là Hà Thị Thu Ba, sanh năm 1952 tại Sàigòn, là con gái của nhạc sĩ đàn cò Chín Trích, ông đã qua đời vào tháng 10 năm 1975, thọ 59 tuổi. Cô là dòng con của người vợ thứ 3 của của ông, có tất cả 9 người con mà Tú Trinh là người con thứ nhì.
Nghệ danh Tú Trinh do nghệ sĩ Năm Châu đặt cho cho cô khi cô đến với nghệ thuật cải lương Tú Trinh khởi nghiệp với ngành Hồ Quảng, khi còn rất trẻ và chuyên được giao phó những vai… tỳ nữ trong các vở tuồng của đoàn Đồng Ấu Minh Tơ, trong khi những đào kép chính thời đó la những nghệ sĩ tên tuổi như Bo Bo Hoàng, Bạch Liên, Thanh Thế, Bạch Lê, vv…
Thời gian này Tú Trinh theo học tiểu học ở trường Cầu Kho, gần nhà cô trên đường Trần Hưng Đạo. Sau đó cô theo học về môn cải lương tại trường Quốc Gia Âm Nhạc vào năm 1965 khi chưa đủ tuổi, nên chỉ được học dự thính. Mãi đến năm thứ 3, cô mới được thi lên lớp trung đẳng sau khi đậu hạng nhất. Cô theo học tại đây đến hết năm cao đẳng, nhưng gia đình quá nghèo nên cô đã không thể tiếp tục học để thi tốt nghiệp.
Tuy ở trong một gia đình nghèo túng, đầy những chật vật, khó khăn nhưng Tú Trinh không hề mang mặc cảm tự ti. Trái lại, cô còn cho rằng nhờ vậy nên đã có được một sự phấn đấu bền bỉ…
Từ đó, Tú Trinh bắt đầu làm chuyển âm cho những phim Ấn Độ và Trung Hoa. Chính do công việc này, cô đã có được cái vốn sống về nghệ thuật. Nhờ chất giọng tốt nên những bước đầu của Tú Trinh đã gây ngay được nhiều chú ý để được mời làm những công việc khác mà giọng nói là một yếu tố quan trọng. Chẳng hạn như giữ vai trò xướng ngôn cho đài phát thanh…
Và đến lúc đó, Tú Trinh mới nhận ra ưu điểm của mình để chú tâm đến việc tập luyện thường xuyên. Để rồi, cô đã nhận biết công việc chuyển âm đáng được coi như một nghệ thuật mà những diễn viên là những người ở trong bóng tối…
Nhờ giọng nói tốt cùng nghệ thuật nhập vai tài tình và khéo léo, Tú Trinh đã từng chuyển âm cho hầu hết những cuốn phim Việt Nam thực hiện trước năm 75 với những diễn viên cùng thời như: chị Hiền, hiện sống ở Mỹ, từng làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh Quân Đội, Hồng Phúc, Lam Hưng, La Thoại Tân, Nguyên Hạnh, Đoàn Thiên Kim, vv…
Là một nghệ sĩ cổ nhạc có tiếng, thân phụ Tú Trinh đã biến căn nhà nhỏ bé của mình thành một nơi tập dượt cho ban cải lương Bích Thuận, vào lúc Tú Trinh lên 14, 15 sau khi đã làm diễn viên chuyển âm được một thời gian. Có thể một phần lớn do ông rất thích cô theo ngành cải lương, nhưng Tú Trinh tự nhận thấy mình không có hơi mặc dù cũng rất thích để chỉ cộng tác với những chương trình cải lương trên đài phát thanh, ngoài những chương trình thơ và kịch nói.
Một hôm, vì thiếu một vai cho một vở cải lương, Tú Trinh được nghệ sĩ Bích Thuận gọi vào thay thế trong vai một cô bé mù. Cô đã tỏ ra có khả năng về diễn xuất trong vai trò này, được soạn thành kịch nói phát trên đài truyền hình. Thời gian này Tú Trinh đang theo học trường Nguyễn Bá Tòng. Sau lần xuất hiện trên truyền hình trong vai cô bé mù, Tú Trinh đã nhận được lời mời cộng tác của hầu hết những ban kịch nổi tiếng trên truyền hình thời đó như Vũ Đức Duy, Sống, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, vv… Thế là Tú Trinh bước chân vào lãnh vực kịch nói từ đó.
Ngoài ra, cô thỉnh thoảng còn xuất hiện trên sân khấu Đại Nhạc
Hội. Nhưng do ở trong lứa tuổi “lỡ cỡ” nên những vai dành cho Tú Trinh rất hạn chế nên cô chỉ xuất hiện khi nào có những vai trò thích hợp. Nhưng kể từ khi bước vào lứa tuổi đôi mươi, thì tên tuổi Tú Trinh càng ngày càng nổi bật trong lãnh vực kịch nói, trong khi giọng nói thật êm tai của cô đã trở thành rất quen thuộc với những vai hiền lành, nhu mì trong những phim được chuyển âm. Riêng với ngành kịch nói, khi còn trẻ Tú Trinh rất thích hợp với những vai các cô gái bụi đời, sống một cuộc đời phóng khoáng và buông thả. Khi bước vào lớp tuổi trung niên cô đã thủ diễn rất sống thật những vai trò được gọi là tính cách, đối với cô là những vai ác, dữ dằn và nhiều thủ đoạn.
Những vai gọi là “ác” do Tú Trinh thủ diễn khác hẳn với bản tính ôn hoà và nhã nhặn của cô ở ngoài đời mà cô cho cho là một sân khấu mà cô là một diễn viên không biết chút gì về diễn xuất…
Thời kỳ từ năm 72 đến 75 được coi là thời kỳ vàng son của Tú Trinh nhờ nơi chất giọng và tài nghệ diễn xuất của cô. Với thu nhập cao, gia đình Tú Trinh đã có được một tình trạng sáng sủa và khả quan hơn trước.
Sau năm 75, Tú Trinh không được phép diễn tại Sài Gòn nên đã đi diễn kịch ngắn hoặc tấu hài ở các tỉnh trong khoảng 2, 3 năm. Sau đó cô được phép về diễn ở Sàigòn nhưng không được dùng tên Tú Trinh nên đã lấy tên thật là Thu Ba trong thời gian cộng tác với đoàn Bông Hồng. Với đoàn Kim Cương sau đó, cô được trả lại cái tên quen thuộc Tú Trinh của mình.
Vào năm 1979, Tú Trinh lập gia đình với nhạc sĩ Cao Phi Long khi họ cùng cộng tác với đoàn Kim Cương. Năm 1983 hai người có với nhau một con gái tên Khánh Hà. Cuộc sống vợ chồng của cặp nghệ sĩ này chỉ kéo dài một thời gian ngắn, họ chia tay khi bé Khánh Hà mới được 15 tháng. Trước sự chia tay này, Tú Trinh rất buồn, nhưng: “đau buồn đó để rồi không có bị đau khổ dằn vặt nữa thì Trinh chấp nhận thôi!”
Sau đó Cao Phi Long đi Mỹ và hiện cư ngụ tại Orange County, nam California.
Sau năm 75, ngoài lãnh vực kịch nói, lồng tiếng và thuyết minh, Tú Trinh còn hoạt động về điện ảnh. Cô đã được mời diễn xuất trong phim Sông Dài vào năm 95 với Việt Trinh, Huỳnh Anh Tuấn, Hoàng Phúc, vv… Cũng trong năm đó, với vai Bà Hội Đồng trong phim Người Đẹp Tây Đô, Tú Trinh đã được mọi người đánh giá rất đạt, để từ đó cô thường được gọi với tên của vai trò rất ác độc này, nhờ nghệ thuật diễn rất sống, rất thật.
Trong khi đó, con người ngoài đời của Tú Trinh là một con người chân thật và giầu lòng từ thiện, nhờ đã trải qua một thời gian nghèo khổ, chật vật nên rất cảm thông với những người bất hạnh, xấu số. Tất cả khả năng diễn xuất của mình đã được Tú Trinh đưa lên sân khấu và trước máy thu hình, nên cô cho biết không hề để lại cuộc sống ngoài đời một chút gì liên quan đến những gì không thật. Do đó Tú Trinh chỉ muốn sống một cuộc sống thoải mái, không gò bó, ràng buộc.
Giờ đây Tú Trinh đã giã từ sân khấu sau gần 40 năm diễn xuất cho đời, cho người trong khi không hề biết diễn xuất cho chính cuộc đời và con người của cô. Điều đó đã khiến Tú Trinh có được niềm tự hào về sự phấn đấu của cô để tự vươn lên từ những khó khăn, trắc trở.
Tuy không còn được nhìn Tú Trinh trên sân khấu cô đã bỏ lại sau lưng, nhưng những người mến mộ cô vẫn sẽ được nghe giọng nói cô qua nghệ thuật lồng tiếng và thuyết minh. Và sau này, dù giọng nói mượt mà, duyên dáng và truyền cảm đó có ngừng hẳn ở một thời điểm nào đó, nhưng âm vang của nó khó phai mờ trong tâm hồn mọi người.
Giờ đây chúng ta nên mừng cho Tú Trinh đang có được một cuộc sống êm đềm và thoải mái, sau khi đã xa rời sân khấu…
Nguồn trích dẫn: Tác giả Huỳnh Ái Tông