Văn Hường - Nguyễn Văn Hường (1934-20… )

Nghệ sĩ Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại xã Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức, tỉnh Gia Định nay là Tp. HCM. Ông thứ Sáu trong gia đình nông dân đông con, nên thường được bạn bè gọi là anh Sáu Văn Hường. Ban đầu, ông chỉ nghe đài phát thanh, thuộc nằm lòng rất nhiều bài bản, câu hò điệu lý.

Khoảng 15 tuổi, nghệ sĩ Văn Hường từ giã quê hương lên Sàigòn... bán hột dưa ở rạp cải lương nổi tiếng bấy giờ là Nguyễn Văn Hảo, nay là rạp Công Nhân thuộc Nhà hát Kịch Tp. HCM - 30 Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM..

Cuộc đời ca hát của nghệ sĩ Văn Hường bước sang một ngã rẽ thuận lợi quan trọng khi ông đang hợp tác với giải trí trường Lệ Liễu ở Thị Nghè, Saigòn, thì sọan giả Viễn Châu phát hiện giọng ca hài đặc biệt ấy và mời ông hợp tác với hãng dĩa Asia. Nghệ Sĩ Văn Hường kể lại bước đường nghệ thuật xuôi buồm thuận gió của ông:

Văn Hường biết sáng tạo, khai thác thêm ở giọng ca và cách ca cho khác lạ và phù hợp với vọng cổ hài. Đó là cách luyến lái, nhấn nhá và kéo dài phụ âm “R”, hoặc lên giọng thật cao ở những chữ mang dấu sắc, dấu hỏi, đặc biệt vô vọng cổ với chữ ự…ự…ự lên xuống trước khi xuống Hò, hoặc chữ ư…ư khi dứt câu 2, nghe rất độc đáo, mang nhản hiệu riêng biệt của Văn Hường mà nghệ sĩ khác khó bắt chước theo.

Văn Hường cho biết: “Lúc đó anh Viễn Châu thấy Văn Hường ca được quá mới bèn mời về hợp tác với hãng dĩa, với cái bài đầu tiên của tôi ca, đó là cái bài “Đêm Tân Hôn” của sọan giả Viễn Châu. Rồi lần hồi ảnh viết qua các bài “Tư Ếch đi Sàigòn”, “Vợ tôi nói tiếng Tây”, “Pháp Sư giải nghệ”…nhiều bài lắm, bây giờ kể không hết được.

Lần hồi anh Bảy Cao đoàn Hoa Sen cũng về đó hát và mời tôi hợp tác với đoàn này. Hát được mấy năm, đoàn Kim Chung mời tôi ký giao kèo hơi lớn, hát cho đoàn này trong mười mấy năm…”

Văn Hường không dành độc quyền cho hãng dĩa nào cả. Nên ông tự do thu thanh ở nhiều hàng dĩa khác nhau với thù lao cao – từ hãng Asia, Continental, Quê Hương tới Capitol, và được các sọan giả nổi tiếng như Viễn Châu, Quy Sắc, Nguyễn Phương viết nhiều bài ca hài hước nhằm khai thác lối ca diễn độc đáo của Văn Hường..

Giọng ca thiên phú cộng thêm sự may mắn như vậy đã giúp đưa nghệ sĩ Văn Hường lên ngôi vị một thời vang bóng.

Trong các thập niên 60, 70 – giai đọan vàng son của ngành ca kịch cải lương nói chung và sự nghiệp của Văn Hường nói riêng, qua những bài vọng cổ hài hước như Pháp Sư Giải Nghệ, Vợ Tôi Đi Coi Bói, Văn Hường Năm Con Vợ, Văn Hường Mê Số Đề…, giọng ca độc đáo của Văn Hường đã nhẹ nhàng chăm biếm mặt trái cuộc đời, từ mê tín dị đoan, hủ tục đa thê…cho tới nạn hút sách, mê cờ bạc.

Năm 1972, nghệ sĩ Văn Hường hợp tác với ''vua'' ngâm thơ Tao Đàn – cố nghệ sĩ Thanh Hải lập đoàn hát riêng mang tên “Thanh Hải - Văn Hường”. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về cộng tác với Đoàn cải lương tập thể Thống Nhất ở Tây Ninh, sau đó về Đoàn cải lương Sống Chung (Phước Chung). Năm 1987 do lớn tuổi, ông từ giã sân khấu, lui về mở quán nghệ sĩ Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, Tp. HCM. Quán vẫn hoạt động cho đến ngày nay.

Ở tuổi ngoài 80, nghệ sĩ Văn Hường bộc bạch: “Đã qua tuổi thất thập cổ lai hi, còn có khán giả yêu mến, đêm đêm còn được ca theo yêu cầu của người yêu bài ca cổ hài đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của một nghệ sĩ về chiều như tôi. Như đã nói, hễ còn “ự” được tui cứ “ự”, cho đến khi nào hết thở thì thôi!”

Hiện tại ông sống với người vợ thứ năm, người gắn bó lâu nhất, hơn 30 năm nay hết lòng chăm lo cho ông và các con, lại luôn hiểu và thông cảm cho đời nghệ sĩ.